Toàn cảnh cuộc họp
Xây dựng đội ngũ luật sư bảo vệ lợi ích công trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Báo cáo về sự cần thiết phải xây dựng Đề án, đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, trong những năm qua, thể chế, chính sách về luật sư và hành nghề luật sư ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư phát triển. Hoạt động của luật sư đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, dịch vụ pháp lý của luật sư hiện nay chủ yếu tập trung vào khu vực tư nhân (người dân hoặc doanh nghiệp tư nhân). Trong khi đó, quá trình tổ chức và hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cũng phát sinh nhiều rủi ro dẫn đến các khiếu nại, khiếu kiện của cá nhân, tổ chức hoặc tranh chấp pháp lý quốc tế (về đầu tư, thương mại, tài chính, sở hữu trí tuệ….). Ngoài ra, quá trình thực hiện việc bảo vệ lợi ích công hay hoạt động luật sư khi tham gia các hoạt động công ích còn bộc lộ một số bất cập như: thiếu cơ chế tài chính để chi trả thù lao, chi phí cho luật sư khi tham gia các công việc công; việc thu hút luật sư tham gia các công việc công ích, nhất là trợ giúp pháp lý còn chừng mực; việc thuê luật sư tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế chỉ được áp dụng với các vụ kiện quốc tế; chưa hình thành cơ chế để thu hút đội ngũ luật sư tham gia tư vấn chính sách, tư vấn dự án phát triển kinh tế - xã hội để giảm thiểu rủi ro, tranh chấp trong tương lai; chưa có cơ chế khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện. Do đó, để tiếp tục đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích công, đặc biệt là trong bối cảnh, các mối quan hệ quốc tế và trong nước ngày càng đa dạng và phức tạp, Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Đề án nghiên cứu xây dựng chế định luật sư công trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp phát biểu tại cuộc họp
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, hiện nay, có 03 cách tiếp cận chính về luật sư công, gồm: (i) mô hình thứ nhất: luật sư công là luật sư được tuyển dụng làm công chức nhà nước, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và hưởng lương từ ngân sách; (ii) mô hình thứ hai: luật sư thuộc khu vực tư nhân được các cơ quan, tổ chức của Nhà nước thuê để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước hoặc đối tượng chính sách được gọi là luật sư công; (iii) mô hình thứ ba: kết hợp cả 2 quan điểm trên. Theo đó, luật sư công bao gồm luật sư là cán bộ, công chức, làm việc trong cơ quan nhà nước và luật sư tư tham gia một số công việc công, chủ yếu là phục vụ công ích hoặc theo yêu cầu của luật sư làm việc trong cơ quan nhà nước.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có chế định luật sư công nhưng một số chức danh, vị trí thực hiện các công việc nhằm bảo vệ lợi ích công tương tự như luật sư công của các nước như: cán bộ pháp chế nhà nước, trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, các vụ kiện quốc tế được cơ quan nhà nước lựa chọn, thuê luật sư hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng dân sự, hình sự (án chỉ định), tư vấn viên pháp luật. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định cần phải củng cố, phát triển. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Bộ Tư pháp kiến nghị hình thành đội ngũ luật sư tham gia công việc mang tính chất pháp lý tại khu vực công bao gồm: (i) đội ngũ luật sư công là công chức, viên chức nhà nước; (ii) đội ngũ luật sư tư được thu hút tham gia một số công việc mang tính chất pháp lý tại khu vực công khi được Nhà nước yêu cầu hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý thường xuyên hoặc theo vụ việc.
Đại biểu phát biểu tại cuộc họp
Hoàn thiện các nội dung liên quan đến chế định luật sư công
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ giúp việc nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng Đề án. Bên cạnh đó, đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến Đề án như: cần phân biệt, làm rõ nội hàm của luật sư tư và luật sư công. Theo đó, phải xác định, luật sư công là một nghề mang tính chất chuyên nghiệp và không kiêm nhiệm; cần xem xét lại mô hình luật sư công trong bối cảnh các cơ quan đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; cần xác định luật sư công gắn với đối tượng áp dụng của vụ việc gồm: luật quốc tế, luật Việt Nam và luật nước ngoài; nghiên cứu quy định việc sử dụng đội ngũ luật sư là cán bộ làm công tác pháp chế trong các bộ, ngành đối với một số trường hợp; nghiên cứu xây dựng tiêu chí, định hướng và cơ chế để đào tạo cán bộ pháp chế làm luật sư; xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực thực hiện các vụ việc tranh chấp, vụ kiện...
Đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Soạn thảo phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Soạn thảo cho biết, hiện nay có 03 nhóm tham gia bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của các cơ quan, tổ chức nhà nước, lợi ích công gồm: (i) nhóm thứ nhất: trợ giúp viên pháp lý là các cán bộ, công chức và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho các cái đối tượng yếu thế trong xã hội và các đối tượng được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý cũng được tham gia tố tụng như luật sư; (ii) nhóm thứ hai: công chức, viên chức thuộc bộ phận pháp chế, phòng pháp chế hoặc các cán bộ làm công tác pháp chế tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho các cơ quan, tổ chức nhà nước; (iii) nhóm thứ ba: các luật sư tư nhân tham gia cung cấp dịch cụ công, cung cấp dịch vụ pháp lý cho các tổ chức, cá nhân, cơ quan ở khu vực công. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng chế định luật sư công trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay cần tập trung vào đối tượng là công chức, viên chức thuộc bộ phận pháp chế, phòng pháp chế hoặc các cán bộ làm công tác pháp chế ở nhóm thứ hai.
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Soạn thảo phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Soạn thảo đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thường trực, Tổ giúp việc trong việc xây dựng Đề án, bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.
Cho ý kiến về Đề án, Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan thường trực cần lưu ý một số nội dung sau: (i) cần phân tích quy nạp, tổng hợp để thấy được sự cần thiết xây dựng Đề án cũng như hình thành chế định luật sư công trong bối cảnh hiện nay; (ii) cần xác định nhiệm vụ của luật sư công trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và những nhiệm vụ mang tính chất đặc thù phù hợp với bối cảnh kinh tế nước ta. Đối với nội dung này, Bộ trưởng cho biết, từ kinh nghiệm của một số nước thấy rằng, các mô hình và nhiệm vụ của luật sư công mặc dù khác nhau nhưng tựu trung lại có một số nhiệm vụ mang tính phổ quát nhất, cụ thể: tham gia làm đại diện của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, địa phương với tư cách là một bên tham gia các vụ kiện, tranh chấp; tham gia tư vấn pháp luật hoặc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cơ quan công quyền trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là liên quan đến đầu tư thương mại, mua sắm chính phủ, ODA...; (iii) nghiên cứu việc luật sư công tham gia tư vấn và hướng tới tranh tụng quốc tế để bảo vệ lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước... Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan thường trực làm rõ một số nội dung như quyền hạn, đối tượng, mô hình tổ chức hoạt động luật sư công...
Thùy Dung