Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, trong đó, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của nước ta. Kịp thời thể chế hóa các quyết sách của Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 197/2025/QH15 đã có nhiều quy định tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bất cập về cơ chế tài chính, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội như khoản chi 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật, thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, cơ chế khoán chi, mức chi, chế độ, chính sách đặc biệt khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và một số hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật... Nghị quyết số 197/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, kỳ vọng sẽ tạo bước đổi mới đột phá, có tính chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển
Trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66-NQ/TW và các văn bản khác có liên quan; yêu cầu về bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật trong bối cảnh mới, Điều 4 Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định “Bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển”. Nguồn ngân sách không chỉ để bảo đảm chi cho xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế mà còn bảo đảm chi cho những lĩnh vực, nội dung quan trọng, thiết yếu, cơ bản và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật, gồm: (i) chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 2 của Nghị quyết; xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, Chương trình lập pháp hằng năm; (ii) chi thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết; (iii) khoản chi thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Nghị quyết; (iv) bảo đảm vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật; (v) chi phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật quy định tại Điều 10 của Nghị quyết; (vi) chi hỗ trợ giám sát thi hành pháp luật; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc hiện đại phục vụ công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết và cho tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách trong lĩnh vực pháp luật, hướng tới ngang tầm khu vực ASEAN.
Quốc hội quyết định giao cho Chính phủ mức ngân sách bảo đảm chi theo quy định tại khoản 1 Điều 7.
Chính phủ phân bổ, giao kịp thời, bảo đảm đủ ngân sách chi cho các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 7. Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chi Chính phủ chưa phân bổ để bảo đảm kịp thời, đủ ngân sách chi, đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi cho từng nhiệm vụ, hoạt động đối với nội dung thẩm tra, thông qua văn bản quy phạm pháp luật và thẩm tra, phê chuẩn, quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế quy định tại mục I và mục II.1 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết số 197/2025/QH15.
Chính phủ quy định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi cho từng nhiệm vụ, hoạt động đối với nội dung xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình văn bản quy phạm pháp luật và từng nhiệm vụ, hoạt động trước giai đoạn thẩm tra, phê chuẩn, quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết số 197/2025/QH15.
Ngoài tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết, định mức khoán chi quy định tại khoản này và chi cho các nội dung khác quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này gấp từ 03 lần đến 05 lần so với định mức cùng nội dung chi theo quy định hiện hành.
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ tình hình thực tiễn, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết.
Việc áp dụng thù lao, thuê khoán và mức thù lao, thuê khoán trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 2 của Nghị quyết số 197/2025/QH15 thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư cho tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách trong lĩnh vực pháp luật.
Cơ chế, chính sách cho nhiệm vụ, hoạt động quy định tại khoản 8 Điều 2 và Điều 10 của Nghị quyết số 197/2025/QH15 thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 193/2025/QH15, văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Người đứng đầu cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết được quyền chủ động quyết định nội dung chi, thay đổi nội dung chi theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị quyết; chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách được giao; bảo đảm việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí tương xứng với mức độ quan trọng, phức tạp của nhiệm vụ, hoạt động và đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động; tuân thủ các quy định về giám sát, kiểm tra, kiểm toán; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết được miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng từ ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đúng, đầy đủ nội dung, quy trình, quy định liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nhưng kết quả của nhiệm vụ, hoạt động không đạt được hoặc không được công nhận do chính sách của Nhà nước thay đổi hoặc do yếu tố khách quan, sự kiện bất khả kháng.
Khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật
Nghị quyết số 197/2025/QH15 đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách dành cho công tác xây dựng pháp luật trên nguyên tắc kịp thời, đúng, đủ với định mức vượt trội và gắn với khoán chi theo kết quả, sản phẩm của từng nhiệm vụ, hoạt động.
Việc khoán chi theo nhiệm vụ hoặc hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế thực hiện theo tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết và theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết. Việc khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động có mua sắm tài sản; khoán chi đối với nhiệm vụ, hoạt động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 2 và khoản 4 Điều 4 của Nghị quyết thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 197/2025/QH15 có trách nhiệm đánh giá và quyết định về sản phẩm hoàn thành theo phạm vi nhiệm vụ, hoạt động được giao.
Quy định này bảo đảm người làm công tác xây dựng pháp luật dành thời gian, trí tuệ vào công tác chuyên môn, có được sản phẩm với chất lượng tốt nhất, khắc phục bất cập, hạn chế hiện hành trong việc chưa bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động trong xây dựng pháp luật.
Hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng cho người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật
Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định (Điều 7), người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp). Bao gồm: đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách; lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết. Trường hợp cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định; Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định; Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Quy định đối tượng khác được hỗ trợ hàng tháng tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị quyết.
Quy định tại khoản 1 Điều 7 không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 7. Khoản hỗ trợ hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 7 được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Nghị quyết được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều 7 thuộc đối tượng được hưởng đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ hằng tháng thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.
Quy định như trên xuất phát từ cơ sở thực tiễn, công tác xây dựng pháp luật được xem là đóng góp vào việc xây dựng thượng tầng kiến trúc của xã hội với tính chất khó khăn, phức tạp, kéo dài, áp lực, chịu trách nhiệm lớn, mang tính trí tuệ cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm, dành thời gian tập trung cho công việc và cần có chế độ đãi ngộ tương xứng.
Thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật
Trong bối cảnh nhiều quỹ tài chính nhà nước, tổ chức, địa phương quản lý đã được thành lập, đi vào hoạt động và có những đóng góp tích cực cho hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn, việc hình thành Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật sẽ góp phần hỗ trợ cho các hoạt động chuyên môn trong công tác nghiên cứu chính sách, pháp luật được chất lượng, hiệu quả, kịp thời hơn, đúng với tinh thần thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Việc thành lập Quỹ chủ yếu để hỗ trợ nghiên cứu chính sách từ sớm, nhằm chủ động đánh giá, lựa chọn chính sách làm cơ sở xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị; không tập trung hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể (trừ trường hợp một số ít dự án, nhiệm vụ, hoạt động cần bổ sung kinh phí)...
Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vững về xây dựng pháp luật, bao gồm: (i) nhiệm vụ, hoạt động nghiên cứu, hoạch định chiến lược về xây dựng pháp luật; (ii) nhiệm vụ, hoạt động nghiên cứu chính sách, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế; (iii) nhiệm vụ, hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn tham gia nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật; (iv) tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn pháp lý trong nước, quốc tế; (v) hỗ trợ nghiên cứu xây dựng Đề án soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, chuyên nghiệp; (vi) hỗ trợ một số hoạt động giám sát thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; (vii) hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật; (viii) hỗ trợ nhiệm vụ, hoạt động khác trong xây dựng pháp luật theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.
Quỹ được Nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết; được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý Quỹ được quyền khoán chi, điều chỉnh nội dung chi theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị quyết; phù hợp với nhu cầu phát sinh và chi phí thực tế theo thị trường hoặc theo loại hình dịch vụ, công việc tại thời điểm thực hiện nhiệm vụ, hoạt động.
Trường hợp có hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ tổ chức, cá nhân gắn với mục tiêu chuyên đề thì cơ quan quản lý Quỹ phải sử dụng đúng nguồn kinh phí hỗ trợ đáp ứng mục tiêu chuyên đề đó. Việc nhận nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước và việc sử dụng Quỹ phải bảo đảm minh bạch, công khai, gắn với thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý hoạt động đối ngoại. Các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cho công tác xây dựng pháp luật vào Quỹ được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Tổ chức và hoạt động của Quỹ thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tổng kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế hiện nay còn “khiêm tốn” so với tổng chi ngân sách nhà nước (số liệu thống kê cho thấy, kinh phí xây dựng pháp luật của các cơ quan ở Trung ương năm 2022 khoảng 75 tỷ đồng, năm 2023 khoảng 100 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 110 tỷ đồng; kinh phí này tại các địa phương hàng năm khoảng 30 - 40 tỷ đồng; kinh phí thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng chương trình Luật, Pháp lệnh trình Quốc hội tại Bộ Tư pháp khoảng 06 tỷ đồng/năm), so với dự án đầu tư công và rất thấp so với mức đầu tư của các nước trên thế giới. Quy định của tại Nghị quyết số 197/2025/QH15 dự kiến sẽ khắc phục bất cập, hạn chế hiện hành. Hiện nay định mức chi cho công tác xây dựng pháp luật quá thấp, không đảm bảo chất lượng công tác xây dựng pháp luật và cần có quy định mới mang tính thay đổi cơ bản, ví dụ như kinh phí chi cho công tác xây dựng pháp luật theo định mức từng văn bản quy phạm pháp luật tương đối thấp và chưa chi đủ cho các giai đoạn xây dựng pháp luật (đánh giá tác động là khâu rất quan trọng và cần đầu tư nhiều nguồn lực nhưng chưa được quan tâm; mức chi trung bình cho việc xây dựng một dự án luật mới, thay thế cao nhất là 02 tỷ đồng/dự thảo; xây dựng một dự thảo nghị định ban hành mới, thay thế là 90 triệu đồng/dự thảo và thấp nhất là kinh phí dành cho việc xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã là 08 triệu đồng/dự thảo; kinh phí cho toàn bộ thủ tục thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cao nhất là 22 triệu đồng và thấp nhất là 1,5 triệu đồng (dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Nghị quyết số 197/2025/QH15 bảo đảm quy định đầy đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động trong xây dựng pháp luật.
Minh Trí
Ảnh: internet