Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1355/QĐ-BTP ngày 28/4/2025 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng chí Tổng Biên tập đã kịp thời quán triệt, phổ biến tới toàn thể viên chức của đơn vị về mục đích, yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Lan, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nêu nội dung tóm tắt của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Nghị quyết gồm 02 điều: Điều 1 gồm 08 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 03 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung những quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9 Hiến pháp năm 2013): để làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 dự kiến được sửa đổi, bổ sung theo hướng: (i) Khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; (ii) Quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam (Điều 10 Hiến pháp năm 2013): để bảo đảm sự kế thừa hợp lý của các bản Hiến pháp trong việc ghi nhận vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, thống nhất với quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013 và nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 như đã nêu, phù hợp với tổ chức Công đoàn sau khi thực hiện sắp xếp.
Như vậy, Điều 10 được sửa đổi, bổ sung theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung để ghi nhận vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn để khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 84 Hiến pháp năm 2013) theo hướng chỉ quy định về quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà không tiếp tục quy định quyền này cho các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận để bảo đảm thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013, phù hợp với tổ chức bộ máy của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi sắp xếp, tinh gọn các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, nghiên cứu, xem xét và quyết định việc trình dự án luật, dự án pháp lệnh khi thấy cần thiết và có đủ điều kiện thực hiện.
Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đơn vị hành chính (Điều 110 của Hiến pháp năm 2013). Theo đó, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định. Quy định này tạo điều kiện để tiếp tục cụ thể hóa mô hình đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 02 cấp tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này. Hiện tại, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang dự kiến quy định xã là đơn vị hành chính ở nông thôn; phường là đơn vị hành chính ở đô thị và đặc khu là đơn vị hành chính ở hải đảo. Việc sử dụng cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” bảo đảm thống nhất với nội dung đã được quy định tại khoản 8 Điều 74 và khoản 4 Điều 96 của Hiến pháp hiện nay.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về chính quyền địa phương nhằm thể chế hóa kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Theo đó, các Điều 111, 112, 114 của Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương; rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Cơ bản giữ nguyên các quy định về nguyên tắc tổ chức và chế độ làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã như hiện nay.
Tại Hội nghị, các đồng chí viên chức của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành, nội dung của dự thảo Nghị quyết, tán thành với các quy định về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và quy định tổ chức chính quyền địa phương.
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thế Côn, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật quán triệt toàn diện các ý kiến về dự thảo Nghị quyết, làm rõ quan điểm của đơn vị về từng nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bám sát chủ trương và phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, thống nhất các ý kiến thảo luận, góp ý để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện báo cáo góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013./.
Song An