Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, ngay khi Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết số 66-NQ/TW) có hiệu lực thi hành, Viện đã chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ và xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết với 68 nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Viện trưởng nhấn mạnh, nội dung cuộc họp hôm nay rất quan trọng do liên quan trực tiếp đến hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ. Trên cơ sở đó, các đại biểu cần tập trung trao đổi và thảo luận đối với 02 vấn đề sau: (i) sự phù hợp giữa các nhiệm vụ tại Chương trình hành động với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; (ii) bổ sung thời hạn đối với các nhiệm vụ có sản phẩm đầu ra và cần phải báo cáo cấp có thẩm quyền.
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý trong việc xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Viện nghiên cứu một số nội dung sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp, không nên quy định giới hạn trong phạm vi “tổ chức và hoạt động” như đang thể hiện tại điểm g, mục 1.2 dự thảo Chương trình hành động để thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Thứ hai, bổ sung nội dung về “đổi mới công tác truyền thông chính sách pháp luật” tại danh mục các nhiệm vụ triển khai để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh và đa dạng hóa phương thức truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật được nêu tại Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Đại biểu trao đổi tại cuộc họp
Thứ ba, về danh mục các nhiệm vụ triển khai Chương trình hành động. Các đại biểu có ý kiến:
Một là, đề nghị Viện cần nghiên cứu làm rõ nội hàm của khái niệm “nghiên cứu xây dựng Đề án thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ pháp lý” (nhiệm vụ số 21) để xác định nhiệm vụ cụ thể và tính khả thi của đầu ra, tránh cách hiểu chung chung, bao hàm nhiều dịch vụ cũng như các lĩnh vực của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như luật sư, trợ giúp pháp lý, giao dịch bảo đảm...
Hai là, đề nghị Viện gộp nội dung nhiệm vụ “bảo đảm việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế” (nhiệm vụ số 29) và nhiệm vụ “Nghiên cứu giải pháp khuyến khích, phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại” (nhiệm vụ số 30). Các đại biểu cho rằng, 02 nội dung này có sự liên kết và bổ trợ cho nhau.
Ba là, đề nghị cân nhắc, xem xét về thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng đối với Đề án “xây dựng Đề án thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế” (nhiệm vụ số mục 45). Theo các đại biểu, Bộ Tư pháp không có thẩm quyền phê duyệt đối với những nội dung liên quan đến cơ chế thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và những nội dung này phải trình lên Chính phủ. Mặt khác, Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì thực hiện nhiệm vụ này là chưa hợp lý, vì vậy, đại biểu đề xuất chuyển sang Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện để bảo đảm sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý nghiên cứu tách đào tạo và bồi dưỡng thành 02 phần. Về công tác bồi dưỡng nên giao Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chủ trì; về đào tạo có thể giao cho Đại học Luật Hà Nội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến dự thảo Chương trình hành động như: các nhiệm vụ đề ra phải mang tính khả thi, bảo đảm thi hành được và bao quát hết các nội dung của Nghị quyết số 66-NQ/TW; cần có các hoạt động sơ kết, tổng kết, đánh giá; cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều góc độ khác nhau...
Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cảm ơn sự tham gia, đóng góp nhiệt tình của các đại biểu và khẳng định, ý kiến của các đại biểu sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thùy Dung