Toàn cảnh cuộc họp.
Tại cuộc họp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã kiến nghị và đề xuất một số nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách và văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp trong giai đoạn tới. Theo đó, trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hai cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và triển khai các chính sách mang tính đột phá, vượt trội theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, dự kiến số lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần được xây dựng, sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới là rất lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng, tính bài bản, tính chuyên nghiệp và hiệu quả của công tác truyền thông chính sách, đặc biệt là từ sớm, từ xa, đúng tinh thần quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đề xuất hai phương án tổ chức thực hiện công tác truyền thông chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gồm: (i) công tác truyền thông chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được tập trung tại một đầu mối. Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý là đầu mối tổ chức truyền thông tất cả chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì và các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp. Với phương án này, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch chung về truyền thông chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp (có thể là Kế hoạch truyền thông hằng năm gắn với triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội chương trình công tác của Chính phủ); (ii) công tác truyền thông chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thực hiện gắn với trách nhiệm, lĩnh vực quản lý. Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý là đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 672/QĐ-BTP ngày 26/02/2025 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý. Lãnh đạo Bộ giao một đơn vị xây dựng pháp luật tổ chức truyền thông các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, Ngành Tư pháp.
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý phát biểu tại cuộc họp.
Với phương án này, các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm ban hành Kế hoạch truyền thông đối với chính sách, dự thảo được phân công chủ trì soạn thảo; chủ động lập dự toán kinh phí truyền thông trong dự toán kinh phí xây dựng pháp luật để Cục Kế hoạch - Tài chính tham mưu bố trí; thông tin tình hình, kết quả, khó khăn, vướng mắc, giải pháp trong triển khai công tác truyền thông chính sách để Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật thẳng thắn nhìn nhận, từ khi đảm nhận nhiệm vụ tại cơ quan báo chí đã nhận thấy rõ một số bất cập trong công tác phối hợp truyền thông hiện nay, đặc biệt là giữa các đơn vị chuyên môn về xây dựng pháp luật với các cơ quan truyền thông của Bộ. Cụ thể, nhiều đơn vị chuyên môn chưa chủ động cung cấp thông tin, tài liệu, đặc biệt là dự thảo luật, nghị quyết… cho cơ quan báo chí, kể cả trong trường hợp đã có văn bản đề nghị chính thức được tham dự các cuộc họp hoặc tiếp cận thông tin để phục vụ công tác truyền thông.
Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Trương Thế Côn đề xuất hai nhóm giải pháp chính: (i) cần lồng ghép kế hoạch truyền thông ngay từ giai đoạn xây dựng, sửa đổi hoặc ban hành văn bản pháp luật, nghị quyết của Đảng. Kế hoạch truyền thông cần được lãnh đạo Bộ giao cho một đơn vị chủ trì, trong đó xác định rõ nội dung cần truyền thông, đơn vị thực hiện, cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm. Đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng sẽ đóng vai trò đầu mối về truyền thông đối với văn bản đó; (ii) đối với những hoạt động có tác động lớn đến xã hội như việc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân hoặc các vấn đề kinh tế pháp lý khác nên giao cho Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đóng vai trò đầu mối truyền thông. Đây là đơn vị có năng lực, mạng lưới cộng tác viên, báo chí, đối tác truyền thông lớn và khả năng huy động nguồn lực cao.
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Trương Thế Côn cũng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng chính sách, khi các đơn vị chuyên môn có dự thảo luật, nghị định hoặc các tài liệu đánh giá tác động chính sách cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông của Bộ, đặc biệt là Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý và các cơ quan báo chí của ngành như Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tạp chí Nghề luật, Tạp chí Luật học… Việc cung cấp kịp thời và đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho công tác truyền thông đi vào thực chất, đúng định hướng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí chuyên ngành, được tham gia sâu hơn vào quá trình nghiên cứu chính sách, từ giai đoạn nghiên cứu khoa học cho đến soạn thảo và hoàn thiện thể chế. Khi được tham gia từ đầu, các cơ quan báo chí sẽ nắm chắc chủ trương, định hướng lớn của Đảng và của ngành thay vì chỉ tiếp cận ở giai đoạn đã có dự thảo, tờ trình hay báo cáo đánh giá tác động vốn chỉ mang tính sơ lược. Qua đó, công tác truyền thông sẽ trở nên hiệu quả, định hướng rõ ràng hơn và thực sự hỗ trợ cho quá trình xây dựng, ban hành chính sách.
Tại cuộc họp, đồng chí Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam luôn duy trì mối quan hệ hợp tác với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đặc biệt là Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý. Báo Pháp luật Việt Nam xác định rõ vai trò là đơn vị đồng hành tin cậy trong công tác truyền thông của Bộ, ngành Tư pháp, với nhận thức rằng truyền thông về Bộ, ngành Tư pháp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Về phương thức tổ chức truyền thông, đồng chí Vũ Hồng Thúy đề xuất áp dụng quan điểm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, trong đó mỗi hoạt động truyền thông cần có một đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm. Cụ thể, đề xuất giao Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý làm đơn vị đầu mối toàn diện trong công tác truyền thông của Bộ. Khi đó, Cục sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về hiệu quả, chiều sâu và khả năng lan tỏa của công tác truyền thông.
Đồng chí Vũ Hồng Thúy cho biết, một trong những khó khăn lớn hiện nay là vấn đề kinh phí truyền thông. Nguồn kinh phí dành cho truyền thông của Bộ rất hạn chế, khó giải ngân khiến việc phản ứng với các vấn đề thời sự, cấp bách bị động, không kịp thời. Trên thực tế, Báo Pháp luật Việt Nam nhiều lần phải tự ứng kinh phí để tổ chức truyền thông, trong đó có việc triển khai tuyên truyền về Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân hay tổ chức hội thảo với kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng mà không có sự hỗ trợ từ ngân sách. Một số chuyên mục trên Báo được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn lực nội bộ. Trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn chế, Đồng chí Vũ Hồng Thúy nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt và chủ động. Bộ Tư pháp hiện có lợi thế lớn là sở hữu các đơn vị đầu mối mạnh về truyền thông như Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý. Khi thông tin được phát đi từ các đơn vị này, các cơ quan báo chí có quan hệ hợp tác với Bộ luôn sẵn sàng đăng tải, thậm chí miễn phí hoặc với chi phí rất thấp, đặc biệt là trong các trường hợp đã có ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Bộ.
Đồng chí Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại cuộc họp.
Để bảo đảm hiệu quả theo mô hình “rõ trách nhiệm”, đồng chí Vũ Hồng Thúy đề nghị các đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng pháp luật cần chủ động cung cấp thông tin cho Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật. Bởi truyền thông chính sách không thể vận hành theo lối chờ đợi kinh phí hay kế hoạch cứng nhắc mà cần tác chiến như “chống bão”.
Về mặt chiến lược, đồng chí Vũ Hồng Thúy kiến nghị nên thay đổi cách tiếp cận truyền thông. Thay vì truyền thông dàn trải về hàng trăm văn bản pháp luật dễ gây loãng thông tin, cần chuyển sang truyền thông điểm, chọn lọc một số nội dung mới, nóng, có sức lan tỏa xã hội cao. Cách làm này giúp thông điệp truyền thông cô đọng, hấp dẫn hơn và phù hợp với điều kiện ngân sách hiện tại. Đồng chí Vũ Hồng Thúy khẳng định, Báo Pháp luật Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đồng hành với Bộ, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm và hỗ trợ truyền thông hoàn toàn miễn phí khi có yêu cầu từ phía Bộ, trong điều kiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của cơ quan báo chí.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận công tác truyền thông chính sách của Bộ Tư pháp trong thời gian qua đã được triển khai tương đối bài bản, có chiều sâu, thậm chí nổi bật hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao từ Lãnh đạo Bộ và thực tiễn đặt ra, hoạt động này vẫn còn những hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân khách quan là khối lượng công việc lớn, đặc biệt là việc xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian ngắn, khiến một số đơn vị đầu mối xây dựng pháp luật lâm vào tình trạng quá tải.
Mặc dù còn khó khăn về kinh phí, Thứ trưởng đánh giá cao tinh thần chủ động, linh hoạt của các đơn vị trong việc triển khai công tác truyền thông, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan báo chí thuộc Bộ như Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Các đơn vị đã kịp thời nắm bắt các vấn đề thời sự, chính sách lớn, thể hiện trách nhiệm cao với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận cuộc họp.
Về phân công trách nhiệm, Thứ trưởng khẳng định, đơn vị nào chủ trì xây dựng chính sách thì cần chịu trách nhiệm chính trong truyền thông chính sách đó; các đơn vị liên quan có nghĩa vụ phối hợp. Trường hợp Bộ, ngành Tư pháp cần đẩy mạnh truyền thông chính sách nhưng chưa xác định được đầu mối, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý chủ động tham mưu, đề xuất giao một đơn vị đầu mối, chủ trì và điều phối các đơn vị liên quan.
Để bảo đảm tính bài bản, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị xây dựng pháp luật vào quý IV hằng năm, phải xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật để tổng hợp thành Kế hoạch truyền thông chung của Bộ, ngành Tư pháp và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Đồng thời phối hợp Cục Kế hoạch - Tài chính rà soát, cho ý kiến kinh phí đối với từng đơn vị. Đồng thời, Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là hai đơn vị truyền thông của Bộ cần phải chủ động phối hợp các đơn vị chuyên môn, bảo đảm nội dung chính sách được truyền thông kịp thời, chính xác; song song với đó, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác những nội dung cần truyền thông chính sách để báo chí khai thác hiệu quả.
Thứ trưởng hy vọng những nội dung đã thảo luận tại cuộc họp sẽ tạo nền tảng để công tác truyền thông chính sách của Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn trong năm 2026 và các năm tiếp theo. Thứ trưởng kêu gọi tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đơn vị, coi đây là nhiệm vụ chung, thiết thực góp phần vào việc vận hành hiệu quả pháp luật, đưa chính sách đến gần hơn với nhân dân./.
Hoàng Trung