Toàn cảnh Tọa đàm.
Bộ Tư pháp chủ động, kịp thời truyền thông Nghị quyết số 66-NQ/TW
Tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã thông tin về dự thảo Kế hoạch Tổ chức truyền thông Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết số 66-NQ/TW). Theo đó, mục tiêu xuyên suốt của Kế hoạch là bảo đảm việc triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả công tác truyền thông về Nghị quyết số 66-NQ/TW, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với ý nghĩa, mục đích, bối cảnh ban hành cũng như những nội dung đổi mới mang tính đột phá của Nghị quyết số 66-NQ/TW trong việc định hình tư duy mới về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Tọa đàm.
Kế hoạch đã xác định rõ các nội dung trọng tâm, bao gồm: (i) xây dựng, thực hiện Phóng sự truyền thông về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW, tác động của Nghị quyết đến công tác xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới trên Đài Truyền hình Việt Nam; (ii) xây dựng, thực hiện talkshow, bản tin truyền thông về mục đích, ý nghĩa về sự ra đời của Nghị quyết số 66-NQ/TW trong bối cảnh hiện nay trên Đài Tiếng nói Việt Nam; (iii) xây dựng, thực hiện các bài viết, phỏng vấn Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan về Nghị quyết số 66-NQ/TW; (iv) truyền thông về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW trên Cổng thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia; fanpage, zalo Phổ biến, giáo dục pháp luật; (v) tổ chức Tọa đàm báo chí về Nghị quyết số 66-NQ/TW; (vi) Đánh giá, báo cáo tình hình triển khai truyền thông về Nghị quyết số 66-NQ/TW
Thông qua việc triển khai đồng bộ các hình thức truyền thông, Kế hoạch sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa Nghị quyết số 66-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đổi mới toàn diện tư duy và phương thức xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi.
Các cơ quan báo chí giữ vai trò then chốt trong triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW là sự kết tinh tập trung các tư tưởng, quan điểm và định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc đổi mới tư duy toàn diện đối với công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả việc đổi mới công tác pháp luật cũng như thi hành pháp luật. Trong đó có vai trò quan trọng của cơ quan báo chí.
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Tọa đàm.
Đồng chí Lê Vệ Quốc cũng nêu rõ yêu cầu đặt ra với các cơ quan báo chí hiện nay là phải nhận diện chính xác, đầy đủ, sâu sắc các “điểm nghẽn” trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật. Chỉ khi đạt được sự thống nhất về nhận thức, báo chí mới có thể xây dựng được mạch truyền thông đi đúng trọng tâm, đúng đối tượng, qua đó hỗ trợ cơ quan, lãnh đạo các cấp và các đơn vị tham mưu nhìn rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xử lý các “điểm nghẽn” thể chế.
Nghị quyết số 66-NQ/TW cũng nhấn mạnh yêu cầu phải có cơ chế đặc thù cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đặc biệt, lần đầu tiên trách nhiệm truyền thông chính sách được quy định rõ đối với cơ quan chủ trì đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan này có nghĩa vụ phối hợp chặt chẽ với báo chí để tổ chức truyền thông chính sách từ sớm, từ xa, đồng thời huy động ý kiến rộng rãi từ phía xã hội.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận và thể hiện sự đồng thuận cao đối với yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp với các cơ quan truyền thông, báo chí. Các ý kiến đều nhấn mạnh mong muốn thời gian tới, sự phối hợp này cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm bảo đảm việc cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, chính xác và kịp thời. Qua đó, góp phần đưa tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 66-NQ/TW nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân./.
Hoàng Trung