Abstract: This article discusses forms of capital contribution to partnerships, namely, different assets sources are contributed to form capital of partnerships.
1. Quan niệm về vốn góp của công ty hợp danh
Theo khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014, phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh. Theo đó, cũng có thể hiểu rằng vốn góp của công ty chính là tổng giá trị tài sản mà tất cả các thành viên công ty đã góp hoặc cam kết góp vào công ty. Vốn góp cũng chính là phần vốn tạo nên vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên, vốn trong công ty không chỉ dừng lại ở những tài sản là vốn góp, đấy chỉ là những tài sản ban đầu để thực hiện nhiệm vụ tạo lập doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động kinh doanh đầu tiên mà thôi. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vốn của công ty hợp danh (CTHD) còn có những biến động, nó có thể tăng, giảm bởi nhiều lý do khác nhau (tài sản gia tăng từ nguồn vốn của doanh nghiệp, tài sản được tặng cho, thừa kế…). Như vậy, vốn hay sản nghiệp thương mại của bất kỳ chủ thể kinh doanh nào cũng tồn tại dưới hình thái vật chất cụ thể mà ta thường gọi đó là tài sản của doanh nghiệp. Còn vốn góp, dưới góc độ kinh tế, tạo thành sản nghiệp của công ty, là công cụ, phương tiện để công ty thực hiện các mục đích của mình. Dưới góc độ pháp lý, vốn góp là cơ sở để xác định địa vị pháp lý của thành viên trong công ty, quyền lợi, nghĩa vụ của họ đối với công ty. Các hình thức góp vốn chủ yếu vào CTHD bao gồm: (i) Góp vốn bằng tài sản bao gồm tiền (có thể là nội tệ hoặc ngoại tệ); vật (có thể là động sản hay bất động sản...). Với hình thức góp vốn này, thành viên không nhất thiết phải chuyển giao quyền sở hữu tài sản mà có thể chỉ góp bằng quyền hưởng dụng; (ii) Góp vốn bằng các quyền tài sản, ví dụ, quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ...; (iii) Góp vốn bằng kiến thức (tri thức); (iv) Góp vốn bằng công sức lao động.
2. Bàn về các hình thức góp vốn vào công ty hợp danh
CTHD là một loại hình doanh nghiệp, vì vậy, vấn đề vốn luôn được đặt ra, song do là công ty đối nhân nên yếu tố nhân thân của các thành viên đóng vai trò chủ đạo, vốn chỉ là yếu tố thứ yếu. CTHD được thành lập do nhu cầu hợp tác kinh doanh và sự tin tưởng lẫn nhau của các nhà đầu tư, vì vậy, vốn do các thành viên hợp danh góp vào công ty không chỉ là những tài sản trị giá được thành tiền mà còn có thể là những tài sản khác như kỹ năng, kinh nghiệm… So với vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thì nội hàm của khái niệm “vốn góp” trong CTHD rộng hơn, nó không nhất thiết phải là các tài sản vật chất hoặc được quy ra vật chất mà nó còn có thể là “chất xám”. Trên thế giới, pháp luật của hầu hết các quốc gia đều thừa nhận vốn góp vào CTHD có thể là những yếu tố vô hình khó xác định giá trị bằng phương pháp định lượng. Điều 2186 Bộ luật Dân sự Québec năm 1991 (Canada) quy định: “Hợp đồng hợp danh là một hợp đồng mà theo đó, các bên trên tinh thần hợp tác, thỏa thuận tiến hành một hoặt động bao gồm sự vận hành một doanh nghiệp, góp vốn bằng sự kết hợp tài sản (property), kiến thức (knowledge), hoặc các hoạt động (activities) và cùng nhau chia sẻ các khoản lợi nhuận về tiền bạc phát sinh từ đó”[1]. Từ đây cho thấy, vốn góp vào CTHD có thể là tài sản hoặc kiến thức hay các hoạt động, trong đó, có thể khẳng định vốn góp bằng tài sản là quan trọng nhất bởi không có tài sản thì công ty không thể hoạt động được. Về nguyên tắc, mọi loại tài sản đều có thể đem góp vào công ty. Tài sản góp vốn có thể thuộc bất kể dạng nào như vật, tiền hay các quyền tài sản, với điều kiện là các tài sản này phải có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự.
Đối với việc góp vốn bằng kiến thức, người góp vốn phải bảo đảm mang kiến thức của mình ra phục vụ một cách trung thực và mẫn cán vì lợi ích của công ty. Song việc góp vốn bằng kiến thức, một khả năng trừu tượng, sẽ gặp khó khăn ở nhiều phương diện như tính giá trị phần vốn góp để phân chia quyền lợi trong công ty, chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ của người góp vốn. Những khó khăn này hoàn toàn phụ thuộc vào sự đánh giá và thỏa thuận giữa các thành viên công ty. Cũng cần phải hiểu rõ rằng, kiến thức được dùng làm vốn góp hoàn toàn không rời khỏi các thành viên góp nó, có nghĩa là nó luôn tồn tại bên trong thành viên và càng sử dụng nhiều thì công ty càng có lợi. Do đó, để đảm bảo sự độc quyền cho việc sử dụng các kiến thức đó của công ty là một vấn đề lớn cần tới tự trung thực của người góp vốn. Sự tin tưởng, hợp tác lẫn nhau là điều thiết yếu để mối quan hệ hợp danh ngày càng phát triển.
Trường hợp góp vốn bằng các hoạt động, hay theo cách gọi của một số tác giả trước đây ở Việt Nam là góp vốn bằng công lao hay việc làm, đó phải là góp vốn bằng một công việc điều khiển, chỉ huy mà không phải là công việc của người thừa hành[2]. Song có thể nhận thấy, nếu công sức lao động không có gì đặc biệt thì khó có thể được coi là vốn góp vào công ty để trở thành một trong những ông chủ của nó, vì công ty có thể dễ dàng mua được công sức lao động như vậy với giá cả hợp lý mà không phải trả thêm tiền lãi và các thành viên khác cũng không phải chia sẻ quyền quản lý, điều hành công ty cho người đó. Cho nên, công sức lao động được bỏ ra phải có yếu tố kiến thức hoặc kinh nghiệm hoặc người góp vốn bằng công sức hay các hoạt động phải là người được tin tưởng hơn những người khác. Nhưng cũng phải hiểu rằng, yếu tố kiến thức nằm trong vốn góp được biểu hiện thông qua các hoạt động phải nhỏ hơn so với sức lao động bỏ ra thì mới được coi là góp vốn bằng công việc (hoạt động hay công sức), nếu không, sẽ thuộc trường hợp góp vốn bằng kiến thức. Đối với những người góp vốn bằng công sức do được tin tưởng hơn thì sự tin tưởng đó hoàn toàn phụ thuộc vào các thành viên. Cũng giống với việc góp vốn bằng kiến thức, việc góp vốn bằng công việc (lao công, công sức hay hoạt động) cũng khiến cho người góp vốn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ trung thực và mẫn cán.
Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của hầu hết các nước đều không yêu cầu công ty phải có một lượng vốn tối thiểu khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Điều 4 khoản 21 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty, do đó, vốn của công ty chính là tổng giá trị tài sản mà tất cả các thành viên công ty đã góp hoặc cam kết góp vào. Theo Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Những “tài sản khác” này có thể là vật, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, về nguyên tắc, giống với pháp luật của các nước, mọi loại tài sản đều có thể trở thành tài sản góp vốn vào CTHD, nhưng một công ty có chấp nhận một loại tài sản cụ thể nào đó không phải là tiền hay không lại phụ thuộc vào nhu cầu về vốn và sử dụng vốn của công ty đó. Nhưng khác với pháp luật của nhiều quốc gia, khi góp vốn, thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty, vì vậy, có thể hiểu rằng, chỉ những tài sản nào chuyển giao được quyền sở hữu thì mới được dùng làm tài sản góp vốn, còn những tài sản vô hình như kinh nghiệm, danh tiếng, kỹ năng, công sức lao động, kiến thức... khó có thể trở thành tài sản góp vốn vào công ty. Như đã phân tích ở trên, những loại tài sản này khi được dùng làm vốn góp sẽ không thể dịch chuyển quyền sở hữu từ người góp vốn sang cho công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã rất tiến bộ khi cho phép góp vốn bằng những loại tài sản khác ngoài những loại tài sản thông thường đã được pháp luật liệt kê khi nó hữu ích đối với hoạt động của công ty. Nhưng thực tế thi hành Luật Doanh nghiệp cho thấy, để trở thành thành viên công ty thì tổ chức, cá nhân sử dụng khá nhiều loại tài sản đặc biệt để góp vốn như giấy nhận nợ, giấy chứng nhận cổ phần[3]. Giống công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, CTHD chấp nhận phần vốn góp của các thành viên bằng các loại tài sản luật định. Tuy nhiên, là dạng công ty đối nhân điển hình, có những điểm khác biệt với các hình thức kinh doanh khác, nên trên thực tế có những hình thức góp vốn hết sức phổ biến trong CTHD, đó là góp vốn bằng tri thức, uy tín, kỹ năng hay công sức lao động... Thế nhưng, pháp luật Việt Nam lại chưa thể hiện việc thừa nhận các hình thức góp vốn này, bởi đây là những tài sản vô hình, nó không tồn tại dưới một hình thái vật chất cụ thể và chúng không thể trị giá được thành tiền, vì những giá trị nhân thân này và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp lại chỉ quy định những tài sản vô hình mà giá trị của chúng có thể xác định được thông qua những nguyên tắc của kế toán mới là tài sản góp vốn. Điều này theo tác giả là chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, mối quan hệ của những chủ thể như là mối bạn hàng quen, mối quan hệ với quyền lực công cũng có thể trở thành tài sản góp vốn vào công ty. Mối quan hệ tạo ra những liên minh mà dân gian quen gọi là những “dây làm ăn”, những liên minh này bảo vệ các thành viên của nó. Sự quen biết trong các mối làm ăn tạo ra độ an toàn cho một công ty. Các mối quan hệ đó tăng thêm nguồn thông tin và sự tin cậy vào bạn hàng, giảm thiểu những rủi ro xảy ra từ hoạt động kinh doanh[4]. Với các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức góp vốn trong CTHD, thì các loại tài sản trên được sử dụng làm tài sản góp vốn sẽ bị coi là trái pháp luật. Ngược lại, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các hình thức góp vốn bằng những loại tài sản này. Chẳng hạn, theo pháp luật Hoa Kỳ: “Tất cả các thành viên chưa góp vốn (capital) vào một doanh nghiệp thì cũng không thể giải thích rằng doanh nghiệp đó không phải là một hợp danh. Thế nhưng, thậm chí chỉ cần một số thành viên cung cấp kỹ năng (skill) hay sức lao động (labor) thì hợp danh đó coi như đã được thành lập”[5]. Theo pháp luật Cộng hòa Pháp: “Các thành viên có thể góp vốn bằng tiền mặt (cash), bằng hiện vật (kind) hoặc bằng các dịch vụ (services). Nếu góp vốn bằng dịch vụ, thành viên góp vốn phải giải thích về tất cả các khoản thu nhập (gains) mà người này có được từ việc thực hiện dịch vụ đó”[6]. Còn theo các học giả Nhật Bản, “sự đóng góp của các thành viên hợp danh có thể bằng tiền hoặc hiện vật, bao gồm cả sức lao động và uy tín”[7].
Đối với các công ty CTHD, vốn khi đầu tư vào công ty không phải là yếu tố quan trọng dùng làm căn cứ để bảo đảm quyền lợi cho chủ nợ, bởi các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới, vô hạn đối với mọi nghĩa vụ tài sản của công ty. Ý nghĩa lớn nhất của vốn điều lệ trong công ty là xác định tỷ lệ vốn góp của các thành viên vào công ty, thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và xác định trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư trong công ty mà không có ý nghĩa nhiều trong việc bảo đảm tài chính đối với các chủ nợ. Từ những phân tích ở trên cho thấy, pháp luật doanh nghiệp quy định về hình thức vốn góp chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế của hoạt động đầu tư, điều đó làm ảnh hưởng tới những lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của Nhà nước. Do vậy, yêu cầu tất yếu được đặt ra đối với pháp luật về CTHD là phải hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến vốn góp. Mục đích của việc hoàn thiện là làm cho chế định pháp luật này phù hợp với nhu cầu đầu tư của thị trường, hài hòa lợi ích của Nhà nước và người đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội. Theo đó, xác định mọi loại tài sản kể cả các tài sản không thể chuyển giao được quyền sở hữu như uy tín, kiến thức, công sức lao động... vẫn có thể trở thành vốn góp nếu được các thành viên hợp danh chấp thuận. Điều đó, vừa đảm bảo được nguyên tắc thống nhất ý chí, vừa phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư
Học viện Hậu cần
[1]. Article 2186, c. 64, Civil code of Québec (1991), http://legisquebec.gouv.qc.ca/en/showdoc/cs/CCQ-1991.
[2]. Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ, Nguyễn Tân (1973), Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải, Nxb. Kim lai Ấn quán, Sài Gòn, tr. 722.
[3]. Nguyễn Thị Dung (2010), Hoàn thiện quy định về vốn góp và xác định tư cách thành viên công ty theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, Tạp chí Luật học, số 09, tr. 29.
[4]. Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo luật kinh tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà nội, tr. 61.
[5]. Marianne Moody, David P. Twomey, Stephannie M. Greene, Business law: Principles for today’s commercial environment, 5th Edition, p. 829.
[6]. Frank Wooldridge (2009), The general partnership under French law, Amicus Curiae, Issue 77 Spring, p.30.
[7]. Lục Việt Dũng (2015), So sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật Nhật Bản về công ty hợp danh, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 63.