Do ông T, bà P không có khả năng trả nợ nên bà Nguyễn Thị Th khởi kiện và được Tòa án nhân dân thị xã DA, tỉnh BD giải quyết bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, ông T và bà P không có khả năng thanh toán nên Chi cục Thi hành án dân sự thị xã DA kê biên phần tài sản thế chấp này vào ngày 13/6/2014 và sau đó ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá cho Công ty TNHH Dịch vụ bán đấu giá tài sản CL (sau đây gọi tắt là Công ty CL), có địa chỉ tại phường CN, thành phố TDM, tỉnh BD để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Đến ngày 30/10/2014, Công ty CL tổ chức bán đấu giá thành và người trúng đấu giá là bà Vương Lệ X với giá trúng đấu giá là 2.816.000.000 đồng. Không đồng ý với kết quả bán đấu giá này, ông T và bà P đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố TDM, tỉnh BD yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân thành phố TDM không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T và bà P với căn cứ trình tự, thủ tục bán đấu giá đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Ông T, bà P kháng cáo và được Tòa án nhân dân tỉnh BD chấp nhận tuyên hủy kết quả bán đấu giá với căn cứ là Công ty CL và Chi cục Thi hành án dân sự thị xã DA chưa thông báo hợp lệ việc tổ chức bán đấu giá. Ngày 17/10/2016, bà Vương Lệ X - người trúng đấu giá khởi kiện yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thị xã DA và Công ty CL bồi thường thiệt hại về mặt thực tế, đã nộp đủ tiền nhưng không nhận được tài sản bán đấu giá với số tiền bồi thường là 1.762.000.000 đồng. Ngày 31/8/2017, Tòa án nhân dân thị xã DA đã tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự DA phải bồi thường cho bà X số tiền là 969.594.740 đồng tương ứng với mức độ lỗi là 60% và Công ty CL bồi thường cho bà X số tiền 646.396.493 đồng tương ứng với mức độ lỗi là 40%. Công ty CL cũng có trách nhiệm trả tiền lãi của số tiền 2.816.000.000 đồng (tiền mua trúng đấu giá bà X đã nộp và đã nhận lại) là 146.008.766 đồng. Căn cứ để Tòa án nhân dân thị xã DA tuyên bồi thường nêu trên là theo định giá thì giá trị tài sản bán đấu giá tại thời điểm Tòa án giải quyết vụ việc là 4.589.447.405 đồng, giá mua được tài sản của bà X là 2.816.000.000 đồng, chênh lệch là 1.773.447.405 đồng. Tuy nhiên, do bà X chỉ yêu cầu bồi thường số tiền 1.762.000.000 đồng (thấp hơn mức chênh lệch định giá) nên được Tòa án chấp nhận. Quy phạm pháp luật mà Tòa án nhân dân thị xã DA viện dẫn để xác định lỗi và bồi thường chênh lệch là quy định tại mục 2 phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình.
Qua vụ việc này còn nhiều quan điểm khác nhau về tố tụng và nội dung giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại.
- Quan điểm thứ nhất:
Về tố tụng, nguyên đơn là bà Vương Lệ X khởi kiện yêu cầu bị đơn là Chi cục Thi hành án dân sự thị xã DA và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty CL bồi thường thiệt hại số tiền 1.762.000.000 đồng phát sinh từ “Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 69 ngày 30/10/2014”, đây là một loại hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 456 Bộ luật Dân sự năm 2005. Vì vậy, vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã DA, tỉnh BD được quy định tại khoản 12 Điều 25, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011)
Về nội dung, theo quan điểm này thì mức độ lỗi và căn cứ xác định thiệt hại là việc bán đấu giá tài sản đã bị Tòa án nhân dân tỉnh BD hủy. Từ đó, xác định nguyên nhân dẫn đến kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy và bà X không nhận được tài sản là do lỗi của cơ quan thi hành án và Công ty CL, còn bà X không có lỗi. Tuy nhiên, xét về mức độ lỗi thì cơ quan thi hành án cao hơn Công ty CL, vì vậy xác định mức độ lỗi là 60% - 40%. Căn cứ để áp dụng bồi thường là khoản 2 Điều 48 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005 và tiểu mục b.3, mục 2.4 phần I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP
- Quan điểm thứ hai:
Về tố tụng, Tòa án xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp về bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy. Đây là quan hệ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do đó, Tòa án xác định Chi cục Thi hành án dân sự thị xã DA là bị đơn và Công ty CL là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chưa có cơ sở. Bởi lẽ, việc tranh chấp này xuất phát từ việc không nhận được tài sản là do bản án của Tòa án nhân dân tỉnh BD tuyên hủy kết quả bán đấu giá chứ không phải trực tiếp do lỗi của Chi cục Thi hành án dân sự không giao được tài sản. Do đó, để khởi kiện bồi thường ngoài hợp đồng thì phải xác định là việc mua - bán tài sản bán đấu giá được ký kết giữa Công ty CL với người trúng đấu giá (bà X), bà X cũng là người nộp tiền mua tài sản theo hợp đồng cho Công ty CL, tiền này do Công ty CL thu giữ, do đó bị đơn trong vụ việc này phải là Công ty CL, chứ không phải Chi cục Thi hành án dân sự thị xã DA. Vì vậy, thẩm quyền giải quyết vụ việc phải thuộc về Tòa án nhân dân thành phố TDM (nơi có địa chỉ trụ sở của Công ty CL), chứ không phải thị xã DA (nơi có trụ sở của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã DA).
Về nội dung giải quyết tranh chấp:
+ Xét về quan hệ tranh chấp, đây là quan hệ tranh chấp về bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy. Như vậy, việc tranh chấp này là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và theo quy định phải xác định lỗi của các bên, mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định tại các điều 307, 604, 605 Bộ luật Dân sự năm 2005.
+ Xét về yếu tố lỗi và căn cứ bồi thường thiêt hại, quan điểm này không đồng tình với việc xác định yếu tố lỗi và căn cứ bồi thường thiệt hại như quan điểm thứ nhất. Quan diểm này khẳng định, điều quan trọng nhất trong tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải xác định rõ yếu tố lỗi của các bên và mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại thực tế. Việc vi phạm trình tự, thủ tục bán đấu giá bị tuyên hủy là khác với lỗi trong bồi thường thiệt hại. Lỗi trong bồi thường phải trực tiếp gây ra thiệt hại thực tế, chứ không phải thiệt hại tính toán trên suy luận. Trong trường hợp này, nếu Công ty CL và cơ quan thi hành án dân sự có lỗi, thì lỗi này là không giao được tài sản bán đấu giá ảnh hưởng tới giá trị số tiền hơn 2 tỷ đồng mà bà X đã nộp cho Công ty CL và như vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế phải là khoản lãi suất đối với số tiền đã nộp, chứ không phải giá trị chênh lệch theo định giá tài sản.
Bên cạnh đó, xét về mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại xảy ra, quan điểm thứ nhất lại viện dẫn Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005 và tiểu mục b.3, mục 2.4 Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP: “Nếu bên bán có lỗi làm cho hợp đồng bị vô hiệu, thì bên bán phải trả cho bên mua số tiền đã nhận… Trong trường hợp có sự chênh lệch giá nhà mà bên mua bị thiệt hại thì bên bán phải bồi thường khoản tiền chênh lệch giá…”. Đối chiếu với vụ việc này thì việc bán đấu giá bị hủy là do việc thông báo bán đấu giá chưa hợp lệ, có sai phạm nhưng không phải/không thuộc trường hợp hợp đồng vô hiệu. Do đó, không thể lấy mức chênh lệch theo định giá để làm giá bồi thường mà phải xác định là thiệt hại thực tế và trong trường hợp này thì lãi suất của khoản tiền bà X đã nộp cho Công ty CL mới là khoản thiệt hại thực tế phải bồi thường.
Trên đây là hai quan điểm cơ bản khác nhau về tố tụng và áp dụng pháp luật giải quyết nội dung vụ việc tranh chấp bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá bị hủy. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai và rất mong nhận được sự trao đổi, nhận xét, bình luận của bạn đọc./.