1. Vài nét khái quát về quyền cổ đông và sự thể hiện của quyền cổ đông
1.1. Khái niệm quyền cổ đông
Cổ đông trong công ty cổ phần (CTCP) thực hiện việc góp vốn mua số lượng cổ phần nhất định, tài sản vốn góp của cổ đông sẽ được chuyển sang công ty là chủ sở hữu. Hoạt động góp vốn “là việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền hưởng dụng một thứ tài sản để được hưởng các quyền lợi của công ty”[1]. Sau khi cổ đông góp vốn mua cổ phần, tài sản của công ty và tài sản của các cổ đông có sự tách bạch nhau, công ty với tư cách là chủ sở hữu các tài sản mà các sáng lập viên góp vào, vì vậy, nó là chủ thể của các quan hệ pháp luật - có tư cách pháp nhân.
Quyền cổ đông - có thể hiểu là quyền của chủ thể sở hữu cổ phần của CTCP, phát sinh từ việc chủ thể góp vốn mua cổ phần tạo nên vốn điều lệ. Theo đó, “các cổ đông mua cổ phần của công ty và điều này tạo nên nghĩa vụ của họ. Ngược lại, cổ phần tiêu biểu cho quyền lợi của họ trong công ty. Các quyền này bao gồm việc tham gia điều hành công ty, chia cổ tức, ưu tiên mua cổ phần mới phát hành và nhận lại một phần tài sản công ty”[2]. Cổ đông không có quyền trực tiếp chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bất cứ tài sản nào của công ty, mà chỉ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình dựa trên việc sở hữu số lượng cổ phần nhất định theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty.
Như vậy, quyền của cổ đông là một loại quyền đặc biệt được xác lập thông qua việc cổ đông sở hữu cổ phần và được thực hiện trên một chủ thể độc lập - pháp nhân CTCP. Số lượng cổ đông trong CTCP “có thể biến đổi hằng ngày, nhưng tài sản của công ty thì luôn luôn được duy trì trạng thái ổn định, trọn vẹn và ở trong quá trình vận hành để tăng thêm giá trị của nó”[3].
1.2. Sự thể hiện của quyền cổ đông
Cổ đông là người góp vốn để mua cổ phần của công ty, khi thực hiện góp vốn thì phải chuyển quyền sở hữu/quyền sử dụng tài sản góp vốn cho công ty. Cổ đông không phải là chủ sở hữu khối tài sản của công ty, cổ đông cũng không phải là chủ sở hữu của công ty. Cổ đông là chủ sở hữu của phần vốn cổ phần và thực hiện các quyền cổ đông trên cơ sở quyền sở hữu cổ phần của mình. Quyền cổ đông là một loại quyền đặc biệt vì được xác lập thông qua việc sở hữu cổ phần nhưng được thực hiện trên một chủ thể quan hệ pháp luật độc lập (pháp nhân công ty).
Quyền của cổ đông rất đa dạng và được gắn liền với tư cách thành viên công ty[4]. Nếu xem xét dưới khía cạnh kinh tế thì quyền cổ đông có thể được chia thành các nhóm quyền như:
- Nhóm quyền mang tính kinh tế của cổ đông, bao gồm những quyền mang lại cho cổ đông những lợi ích vật chất nhất định như: Quyền được hưởng cổ tức, quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán, quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần, quyền được phân chia tài sản khi công ty chấm dứt hoạt động và quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
- Nhóm quyền không có tính chất kinh tế của cổ đông là các “quyền phi kinh tế” hay các “quyền tham gia quản lý”, bao gồm: Quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), quyền tiếp cận thông tin, quyền triệu tập cuộc họp, quyền đề cử người quản lý, quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ, quyền khởi kiện người quản lý công ty. Khi thực hiện các quyền không mang tính kinh tế là biện pháp cần thiết để các cổ đông bảo đảm các quyền mang tính kinh tế của mình.
2. Các biểu hiện của hành vi lạm dụng quyền cổ đông
2.1. Sự lạm dụng đa số hoặc thiểu số
Trong CTCP, cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành[5]. Như vậy, cổ đông thiểu số có thể hiểu là cổ đông sở hữu dưới 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một CTCP.
2.1.1. Sự lạm dụng đa số của cổ đông
Quyền của cổ đông có nhiều khả năng bị lạm dụng, nhất là quyền biểu quyết trong các cuộc họp ĐHĐCĐ. Về nguyên tắc, các cổ đông lớn phải có nghĩa vụ là không thực hiện quyền kiểm soát theo cách mà có thể đi ngược lại hoặc không xem xét đến lợi ích của cổ đông khác. Tuy vậy, trên thực tế, các hành vi lạm dụng thường được thực hiện bởi các cổ đông lớn đối với các cổ đông thiểu số, sự biểu hiện của lạm dụng đa số khi phiếu bầu của cổ đông lớn tạo ra cho chính họ một lợi thế hoặc một lợi ích, đồng thời gây bất lợi cho lợi ích của công ty hoặc chỉ dựa trên ý định ủng hộ lợi ích của cổ đông lớn gây bất lợi, tổn hại cho công ty hoặc các cổ đông khác.
Quyền đối với hoạt động quản lý công ty thuộc về số ít các cổ đông lớn, họ sẽ có động cơ để tối đa hóa giá trị công ty phục vụ lợi ích của chính mình. Mặt khác, “lợi ích từ hoạt động kinh doanh của công ty có khả năng bị phân phối không công bằng cho đa số các cổ đông nhỏ, sự lạm quyền của nhóm cổ đông chi phối có khả năng gây hại cho những cổ đông nhỏ còn lại”[6].
Các cổ đông lớn thường là giám đốc hoặc người quản lý của công ty, nhiệm vụ của họ đối với công ty hoặc các cổ đông khác thường với tư cách mà họ đang đảm nhiệm, thay vì là cổ đông lớn. Trên thực tế, một số cổ đông lớn có khuynh hướng thao túng việc quản trị, điều hành công ty, cũng như lạm dụng quyền cổ đông, thành viên lớn để loại bỏ hoặc ngăn cản thực hiện quyền của cổ đông thiểu số.
Bên cạnh đó, sự lạm dụng đa số còn thể hiện ở việc một số cổ đông lớn “bắt tay nhau” để thông qua một quyết định không vì lợi ích chung của công ty; các giao dịch nội bộ, các giao dịch với người có liên quan của công ty không được thông báo công khai hoặc thông báo không kịp thời đến các cổ đông thiểu số. Sự lạm dụng của cổ đông lớn “chỉ biểu hiện rõ nét khi có sự thay đổi chức năng, nếu quyết định chỉ vì quyền lợi ích kỷ trái ngược với quyền lợi công ty và thậm chí là dẫn đến việc hy sinh quyền lợi hợp pháp của các hội viên thiểu số”[7]. Hành vi của các cổ đông lớn lạm quyền làm ảnh hưởng đến lợi ích của công ty, vai trò cá nhân của cổ đông lớn ảnh hưởng gần như bao trùm cả Hội đồng quản trị cũng như cả công ty, trong khi vai trò của Ban kiểm soát lại “mờ nhạt” và bị vô hiệu hóa, các cổ đông nhỏ không dễ dàng để có ý kiến.
2.1.2. Sự lạm dụng thiểu số của cổ đông
Trên thực tế, sự lạm dụng thiểu số thể hiện ở việc các cổ đông thiểu số thường hành động với mục đích duy nhất phục vụ lợi ích của các cổ đông thiểu số và gây bất lợi cho lợi ích của công ty và của các cổ đông khác. Cổ đông thiểu số cũng có thể thực hiện các hành vi lạm dụng quyền biểu quyết của mình bằng việc cản trở quyết định của ĐHĐCĐ một cách vô lý, xâm phạm lợi ích của công ty. Các quyết định của ĐHĐCĐ phải đạt được tỷ lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc điều lệ, vì vậy, cổ đông thiểu số có thể chống lại việc thông qua quyết định đó để không đạt được tỷ lệ tán thành. Một trong những hành vi lạm dụng thiểu số biểu hiện khi mà các cổ đông thiểu số “phản đối ba lần liên tiếp một quyết định tăng vốn một cách bức thiết để cứu vãn công ty”[8]. Trong nhiều trường hợp, hành vi lạm dụng cũng thể hiện ở những hoạt động với mục đích duy nhất là phục vụ lợi ích của các cổ đông thiểu số, gây bất lợi cho tất cả các cổ đông khác.
Trong một số trường hợp, các cổ đông thiểu số lạm dụng nhằm mục đích để phá rối, gây cản trở hoạt động bình thường của công ty. Cổ đông thiểu số còn thực hiện việc gửi thư đến nhiều cơ quan, báo chí làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp và có nguy cơ xâm phạm đến uy tín, quyền lợi của người quản lý hoặc của công ty.
2.2. Sự lạm dụng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông
Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản và quan trọng của cổ đông trong CTCP. Quyền tiếp cận thông tin của cổ đông được hiểu là quyền được đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp các thông tin về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và những vấn đề liên quan của công ty. Xuất phát của quyền tiếp cận thông tin của cổ đông từ sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quản lý công ty. Do đó, “cơ chế tiếp cận giám sát nguồn vốn được thiết lập thông qua quyền tiếp cận các thông tin về công ty, góp phần bảo đảm lợi ích của cổ đông, phòng ngừa hành vi tư lợi và lạm quyền của người quản lý”[9]. Pháp luật có vai trò quan trọng trong điều chỉnh việc tiếp cận những thông tin trong tương lai, góp phần hạn chế tình trạng cổ đông lớn sử dụng các thông tin chưa được công bố để thực hiện giao dịch chứng khoán, nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho công ty hoặc cổ đông thiểu số.
Theo đó, một số thông tin phải được tiết lộ cho các cổ đông trước, trong và sau các cuộc họp cổ đông. Quyền đặt câu hỏi tại ĐHĐCĐ được ghi nhận cả với công ty niêm yết hoặc không niêm yết. Cổ đông có thể đặt câu hỏi trước bằng việc gửi câu hỏi hoặc đặt câu hỏi bằng miệng trong cuộc họp cổ đông. Các cổ đông thiểu số lạm dụng quyền đó để can thiệp quá mức vào việc chuẩn bị cuộc họp hoặc đặt ra các câu hỏi dẫn đến việc trả lời câu hỏi sẽ tiết lộ thông tin bí mật của công ty hoặc sử dụng cho các động cơ khác ngoài các nội dung của chương trình nghị sự được thông báo đến các cổ đông.
Thông thường, những nội dung và phạm vi quyền tiếp cận thông tin của cổ đông được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ của công ty. Vấn đề đặt ra là, sau khi thực hiện quyền được tiếp cận các thông tin của công ty, các cổ đông sử dụng những thông tin đó như thế nào. Nếu cổ đông sử dụng các thông tin nhằm bảo đảm cho các quyền lợi hợp pháp của mình trong công ty, thì đó là yêu cầu hoàn toàn chính đáng. Pháp luật luôn tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu và các quyền phái sinh của quyền sở hữu của các chủ thể trong xã hội.
Về nguyên tắc, mọi cổ đông có quyền nhận được mọi thông tin về hoạt động của công ty mà họ quan tâm, bởi họ là chủ sở hữu số lượng cổ phần nhất định của công ty. Những người quản lý công ty có thể là cổ đông hoặc do chủ sở hữu công ty thuê để thực hiện công việc quản lý. Vì vậy, đôi khi những thông tin mà chủ sở hữu yêu cầu được cung cấp lại bị chính những người quản lý gây khó khăn, thậm chí là cản trở, trì hoãn.
Về lý thuyết, các thông tin mà cổ đông được cung cấp, tiếp cận thì “cổ đông không có bất kỳ nghĩa vụ bảo mật nào và cổ đông có thể chia sẻ thông tin với cổ đông khác hay bất kỳ bên thứ ba nào”[10]. Tuy vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì nghĩa vụ của cổ đông phải “bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác”[11]. Đây cũng là điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm gắn nghĩa vụ bảo mật của cổ đông với các thông tin mà họ tiếp cận được do công ty cung cấp. Nếu cổ đông lạm dụng để sử dụng các thông tin làm ảnh hưởng xấu, xâm hại đến lợi ích của công ty hoặc của các cổ đông khác, thì đó là hành vi vi phạm nghĩa vụ của cổ đông. Cổ đông có quyền tiếp cận thông tin của công ty nhưng phải thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thông tin về công ty.
Ở nhiều nước, pháp luật quy định tương tự về vấn đề cổ đông có quyền được thông tin nhưng cổ đông phải có hành động “thiện chí và với mục đích chính đáng, có quyền xem xét và sao chép sổ biên bản, báo cáo kế toán và danh sách cổ đông của công ty. Mục đích chính đáng là mục đích giúp đỡ cổ đông trong việc quản lý và bảo vệ việc đầu tư của mình”[12].
2.3. Sự lạm dụng quyền khởi kiện của cổ đông
Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp sau đây: (i) Vi phạm trách nhiệm của người quản lý công ty; (ii) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị đối với quyền và nghĩa vụ được giao; (iii) Lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (iv) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Bên cạnh việc mở rộng quyền được khởi kiện của các cổ đông, nhóm cổ đông trong công ty thì xuất hiện nguy cơ lạm dụng quyền đại diện tố tụng của cổ đông. Nguy cơ đó thể hiện ở chỗ nguyên đơn khởi kiện chưa chắc đã đại diện cho toàn thể cổ đông vì mục đích bảo vệ lợi ích của công ty. Nhiều vụ kiện của cổ đông không có cơ sở pháp lý. Trong các vụ việc lạm dụng quyền khởi kiện, động cơ của cổ đông thường có hai dạng: (i) Nhằm mục đích kinh tế, chẳng hạn như cổ đông bằng việc đưa ra ý kiến phản đối đến thành viên Hội đồng quản trị hy vọng sẽ thu lại được lợi ích kinh tế nào đó; (ii) Nhằm mục đích phi kinh tế, như bán danh, mở rộng quyền phát ngôn trong công ty[13]. Việc lạm dụng quyền khởi kiện của cổ đông vì lợi ích kinh tế hoặc phi kinh tế đều có thể gây ra sự bất tín nhiệm đối với công ty, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
3. Một số định hướng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hành vi lạm dụng quyền của cổ đông trong công ty cổ phần
Một là, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần dự liệu các trường hợp về “lạm dụng đa số” của cổ đông lớn và “lạm dụng thiểu số” của cổ đông thiểu số trong quá trình thực hiện quyền biểu quyết của mình đối với các vấn đề của công ty để đạt được mục đích riêng, xâm hại đến lợi ích của công ty, của các cổ đông khác. Các quy định pháp luật cần cân đối quyền lợi hợp pháp của cổ đông lớn và cổ đông thiểu số với việc bảo đảm hoạt động kinh doanh, tránh tình trạng cổ đông lạm dụng các quy định pháp luật nhằm gây rối, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, để hạn chế việc lạm dụng quyền khởi kiện phái sinh của cổ đông “không thân thiện”, cũng như bảo đảm cho CTCP có cơ hội được đưa ra biện pháp phi tố tụng trước khi cổ đông nộp đơn khởi kiện, cần ban hành thủ tục kiện phái sinh. Có thể tham khảo cách tiếp cận của pháp luật Anh - Mỹ: (i) Bắt buộc cổ đông thông báo cho cơ quan quản lý CTCP về sai phạm để tạo điều kiện cho CTCP đưa ra biện pháp khắc phục cũng như trao quyền ưu tiên khởi kiện cho công ty tự mình khởi kiện người quản lý; (ii) Khi quá thời hạn mà CTCP không hồi đáp hoặc từ chối quyền ưu tiên khởi kiện của mình, cổ đông mới có thể nhân danh công ty khởi kiện[14]. Còn theo quy định của Luật Thương mại Nhật Bản, “trong trường hợp thành viên Hội đồng quản trị bị đại diện cổ đông khởi kiện, khi có yêu cầu của thành viên này về việc làm sáng tỏ việc cổ đông nguyên đơn phải đưa ra bảo đảm cho việc khởi kiện”[15]. Quy định này sẽ hạn chế khả năng cổ đông lạm dụng quyền khởi kiện nhằm mục đích cá nhân. Vì vậy, việc pháp luật hiện hành mở rộng quyền khởi kiện cho cổ đông nhưng cũng cần thiết phải đưa ra các quy định hạn chế quyền, để hạn chế việc lạm dụng quyền khởi kiện của cổ đông gây ảnh hưởng đến lợi ích của công ty và cổ đông khác.
Ba là, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần điều chỉnh thỏa thuận cổ đông liên quan tới quyền biểu quyết như gộp quyền biểu quyết nhằm thể hiện ý chí chung về các vấn đề của công ty. Yếu tố then chốt để cân bằng quyền của đa số và quyền của thiểu số là tính hợp lý, thể hiện ở chỗ, đa số cổ đông có quyền quyết định nhưng thiểu số có quyền phản đối, phản biện. Theo đó, cần thiết hoàn thiện quy định về các cơ chế gộp, tập trung quyền biểu quyết của cổ đông thiểu số để đồng ý hoặc không đồng ý các vấn đề của công ty tại ĐHĐCĐ, cơ chế hạn chế quyền biểu quyết của cổ đông lớn tránh việc lạm quyền trong các quyết định, xâm hại đến các cổ đông thiểu số[16].
Bốn là, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần tiếp cận theo hướng quy định cổ đông có quyền được thông tin nhưng cổ đông phải có hành động “thiện chí và với mục đích chính đáng có quyền xem xét và sao chép sổ biên bản, báo cáo kế toán và danh sách cổ đông của công ty. Mục đích chính đáng là mục đích giúp đỡ cổ đông trong việc quản lý và bảo vệ việc đầu tư của mình”[17]. Quy định trên gợi mở cho các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành trong việc gắn mục đích của việc yêu cầu cung cấp thông tin của cổ đông, dựa trên sự thiện chí và mục đích chính đáng thì người quản lý có thể cung cấp hoặc có thể từ chối cung cấp các thông tin. Đây cũng là cơ sở để lược bỏ quy định về tỷ lệ cổ phần mà cổ đông phải sở hữu tỷ lệ hoặc thời gian sở hữu nhằm bảo đảm tối đa quyền của cổ đông thiểu số trong CTCP[18].
Có thể nói, Luật Doanh nghiệp năm 2020 mặc dù đã chú trọng đến việc quy định tăng quyền của các cổ đông nhưng dường như vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc “chống lại” các hành vi lạm dụng tiềm ẩn của quyền cổ đông trong CTCP. Trong thực tiễn, việc phát hiện, chứng minh hành vi lạm quyền của cổ đông không phải điều dễ dàng. Vì vậy, theo tác giả, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần tuân theo xu hướng mở rộng quyền của cổ đông nhằm bảo đảm tính dân chủ trong CTCP, đồng thời đưa ra các cơ chế để bảo đảm thực hiện các quyền đó trong chừng mực nhất định, hạn chế hành vi lạm dụng quyền cổ đông có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh của CTCP ở Việt Nam hiện nay./.
TS. Nguyễn Văn Lâm
Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội
[1]. Nguyễn Văn Bình và Lê Thị Tý (1989) (dịch), Tổ chức công ty - Tập 1, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, tr. 51.
[2]. Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung (2013), Luật Doanh nghiệp: Vốn và quản lý trong công ty cổ phần, Nxb. Trẻ, tr. 67.
[3]. Ngô Viễn Phú (2003), Bàn về tính chất của quyền cổ đông, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (12), tháng 12, tr.53 - 58.
[4]. Nguyễn Mạnh Bách (2006), Các công ty thương mại, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, tr. 132.
[5]. Khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019.
[6]. Lê Thanh Sơn, Đồng Thái Quang (2022), Giải pháp bảo vệ quyền của cổ đông trong công ty cổ phần, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10 (458), tháng 5/2022.
[7]. Nguyễn Văn Bình, Lê Thị Tý (1989) (dịch), Tổ chức công ty - Tập 1, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, tr. 115.
[8]. Nguyễn Văn Bình, Lê Thị Tý (1989) (dịch), Tlđd, tr. 116
[9]. Phạm Hoàng Huấn (Chủ biên) (2017), Tranh chấp điển hình trong quản trị công ty, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 264.
[10]. Trương Nhật Quang (2016), Pháp luật về doanh nghiệp: Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Dân trí, tr. 275.
[11]. Khoản 5 Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[12]. Bùi Ngọc Sơn (2011), Giáo trình Pháp luật doanh nghiệp, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 80.
[13]. Nguyễn Thị Lan Hương (2005), Đại diện tố tụng của cổ đông ở Nhật Bản, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (12), tr. 60.
[14]. Nguyễn Thị Thu Hương (2023), Bảo đảm quyền khởi kiện của cổ đông trong công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tháng 11 (Số 393).
[15]. Khoản 2 Điều 106 và Điều 267 Luật Thương mại Nhật bản.
[16]. Nguyễn Văn Lâm (2022), Pháp luật về quyền biểu quyết của cổ đông và một số kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tháng 4 (378), tr. 25 - 30.
[17]. Bùi Ngọc Sơn (2011), Giáo trình Pháp luật doanh nghiệp, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 80.
[18]. Nguyễn Văn Lâm (2022), Bàn về các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tháng 10 (367), tr. 35 - 40.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 396), tháng 1/2024)