1. Quy định pháp luật về tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015). Theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý; còn tái phạm nguy hiểm được hiểu là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Trong phần riêng (phần các tội phạm) của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tái phạm, tái phạm nguy hiểm còn là tình tiết định tội, định khung hình phạt trong một số tội, cụ thể: Tái phạm là tình tiết định tội quy định trong một số tội như khoản 1 Điều 172, khoản 1 Điều 173, khoản 1 Điều 174, khoản 1 Điều 178...; tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt quy định tại một số tội như điểm p khoản 1 Điều 123, điểm d khoản 2 Điều 134, điểm i khoản 2 Điều 141, điểm e khoản 3 Điều 150, điểm h khoản 2 Điều 168, điểm g khoản 2 Điều 173, điểm d khoản 2 Điều 174...
Như vậy, việc hiểu và vận dụng đúng quy định của pháp luật hình sự về tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong thực tiễn xét xử là quan trọng và cần thiết nhằm xác định một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm (cấu thành tội phạm cơ bản) hay chưa? Khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội và đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người đó còn có các dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng lên và thuộc trường hợp định khung phạt (cấu thành tội phạm tăng nặng) hay không?
Trong quá trình áp dụng pháp luật, việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong điều tra, truy tố, xét xử vẫn có nhiều trường hợp vận dụng không đúng với quy định của pháp luật và còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất; có nhiều trường hợp hành vi phạm tội chỉ là tái phạm nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại xác định là tái phạm nguy hiểm, ngược lại, có trường hợp hành vi phạm tội là tái phạm nguy hiểm nhưng lại xác định là tái phạm, hoặc có trường hợp xác định tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong khi đó nó phải là tình tiết định khung hình phạt...
Để làm rõ hơn thực trạng này, tác giả đưa ra một vụ án mà bị cáo có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác và bị truy tố, xét xử về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình giải quyết vụ án đã có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định bị cáo thuộc trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm và hành vi phạm tội của bị cáo thuộc cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 và phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 hay hành vi phạm tội của bị cáo thuộc cấu thành tăng nặng (có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự) là tái phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2. Nội dung vụ án và một số nhận định
Ngày 10/01/2021, tại thôn P, xã Đ, huyện B, tỉnh Hà Giang, T, sinh ngày 21/4/1998, có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 01 xe máy của anh H có trị giá 18.000.000 đồng. Hành vi của T đã bị Viện kiểm sát nhân dân huyện B truy tố về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo tài liệu có trong hồ sơ xác định, T có các tiền án như sau:
- Trong thời gian thử thách của án treo (tại Bản án số 115/2016/HSST ngày 23/5/2016 (Bản án số 115) của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hà Nội xử phạt T 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về Tội trộm cắp tài sản), vào ngày 16/11/2016, T tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, tại Bản án số 05/2017/HSST ngày 27/02/2017 (Bản án số 05) của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Yên Bái xử phạt T 01 năm tù về Tội trộm cắp tài sản, tổng hợp hình phạt với Bản án số 115, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 01 năm 06 tháng tù (Bản án này, Tòa án nhân dân huyện V đã áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm đối với T).
- Bản án số 172/2017/HSST ngày 23/8/2017 (Bản án số 172) của Tòa án nhân dân quận N, Thành phố Hà Nội xử phạt T 18 tháng tù về Tội trộm cắp tài sản, tổng hợp hình phạt với Bản án số 05, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 36 tháng tù, T đã chấp hành xong hình phạt tù vào ngày 13/12/2019 (Bản án này Tòa án nhân dân quận N không áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm đối với T).
- Về nhân thân: (i) Bản án số 115 của Tòa án nhân dân quận N, Thành phố Hà Nội xử phạt T 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về Tội trộm cắp tài sản, trong vụ án này, T bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng khi chưa đủ 18 tuổi. (ii) Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2022/HS-ST ngày 18/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện B đã áp dụng khoản 1 Điều 175, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo T 02 năm tù về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Quá trình truy tố, xét xử đối với bị cáo T đã có nhiều quan điểm khác nhau như sau:
(i) Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi phạm tội của T thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và bị cáo T phải bị xét xử theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 vì tính đến ngày bị cáo T thực hiện hành vi phạm tội có 02 bản án (Bản án số 05 và Bản án số 172) chưa được xóa án tích, 02 bản án này phải được xem xét để xác định tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo T.
Các bản án tuyên về hành vi độc lập và trong các lần phạm tội này của bị cáo đều không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm, đến khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội ngày 10/01/2021, các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP) thì “trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm (đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm”. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015, được coi là tái phạm nguy hiểm tức là “đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”. Do đó, hành vi phạm tội của T thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và bị cáo phải bị xét xử theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
(ii) Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: Ngày 10/01/2021, tại thôn P, xã Đ, huyện B, tỉnh Hà Giang, T đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của anh H 01 chiếc xe máy trị giá là 18.000.000 đồng, hành vi của T đã đủ yếu tố cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có 02 tiền án, là Bản án số 05 (bản án có áp dụng tái phạm) và Bản án số 172 (bản án không áp dụng tái phạm).
Vận dụng hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP thì “Trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm (đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm”. Trong vụ án này, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của T vào ngày 10/01/2021 đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên 02 tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Tuy nhiên, xem xét 02 bản án được xác định là tiền án đối với bị cáo T thì:
- Đối với Bản án số 05: Căn cứ Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự, Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 và theo hướng dẫn tại Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì lần phạm tội trước của bị cáo T đã được xét xử tại Bản án số 115, bị cáo T phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi (17 tuổi 09 tháng 02 ngày) và bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng. Tại điểm b khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định: “Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “... b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý”.
Như vậy, trong lần phạm tội này, bị cáo T được coi là không có án tích. Để bảo đảm áp dụng đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, bảo đảm việc áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội, cần phải xác định hành vi phạm tội của bị cáo T trong vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Yên Bái xét xử tại Bản án số 05 không thuộc trường hợp tái phạm.
- Đối với Bản án số 172 xử phạt T 18 tháng tù về Tội trộm cắp tài sản, tổng hợp hình phạt với Bản án số 05, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 36 tháng tù, bị cáo T chấp hành xong hình phạt tù ngày 13/12/2019 (chưa được xóa án tích), bản án này của Tòa án nhân dân quận N, Thành phố Hà Nội không xác định tái phạm.
Như vậy, cả hai tiền án của bị cáo T trước đó đều về tội chiếm đoạt (trộm cắp tài sản) và trong cả hai bản án nêu trên, hành vi phạm tội của bị cáo T đều không thuộc trường hợp tái phạm. Tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý...”. Do đó, hành vi phạm tội của bị cáo T trong lần phạm tội tại vụ án này thuộc trường hợp tái phạm, mà không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, việc Tòa án nhân dân huyện B xét xử bị cáo T theo khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm theo điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo T là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
3. Kiến nghị
Từ những ý kiến, quan điểm còn tồn tại một số điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm, để tạo sự thống nhất cho việc áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, tác giả kiến nghị như sau: Đối với trường hợp bị cáo đã có tiền án trước đó đều về tội chiếm đoạt tài sản và được xác định bằng bản án có hiệu lực pháp luật thể hiện hành vi phạm tội của bị cáo đều không thuộc trường hợp tái phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cần xác định hành vi phạm tội của bị cáo trong lần phạm tội tiếp theo thuộc trường hợp tái phạm, mà không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015 như đã nêu theo quan điểm thứ nhất.
Thẩm phán Hoàng Văn Đạng
Tòa án nhân dân huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 393), tháng 11/2023)