Quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công là một quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Dân sự năm 2015. Mặc dù pháp luật không định nghĩa khái niệm “người thi công”, tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường, “thi công” là “tiến hành xây dựng công trình theo thiết kế”[1]. Dưới góc độ pháp lý, “thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng”[2]. Vậy “người thi công” được hiểu là người tiến hành các hoạt động xây dựng, lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng theo thiết kế. Nghiên cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công, nhận thấy có một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, về bản chất trách nhiệm
Xét về bản chất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra là một loại trách nhiệm bồi thường do tài sản gây thiệt hại. Để được bồi thường, nguyên đơn chỉ cần chứng minh ba điều kiện: (i) Có thiệt hại; (ii) Thiệt hại xảy ra do sự tác động của nhà cửa, công trình xây dựng; (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa tác động của nhà cửa, công trình xây dựng và thiệt hại, mà không cần chứng minh lỗi của bị đơn. Trong trường hợp này, thiệt hại lại do sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng gây ra - không phải do hành vi của con người - do đó không cần xem xét đến điều kiện lỗi.
Khoản 1 Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khẳng định chính xác bản chất của trách nhiệm này khi quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác”. Để được bồi thường, nguyên đơn chỉ cần chứng minh thiệt hại là “do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra” mà không cần chứng minh lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng. Đây được đánh giá là điểm tiến bộ của Bộ luật Dân sự năm 2015, bởi lẽ, trước đây, Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 1995 và Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, chủ sở hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại nếu “để nhà cửa, công trình xây dựng… gây thiệt hại”. Việc sử dụng từ “để” cho phép suy đoán rằng, sở dĩ, nhà cửa, công trình xây dựng bị “sụp đổ, hư hỏng, sụt lở” là do chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng đã biết nhà cửa, công trình xây dựng có khả năng gây ra thiệt hại nhưng vẫn không có hành động ngăn chặn mà lại để mặc cho thiệt hại xảy ra. Nói cách khác, để được bồi thường thiệt hại, nguyên đơn phải chứng minh rằng: Thiệt hại xảy ra là do lỗi của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng đã “để” mặc, không quan tâm sửa chữa, tu bổ hoặc kịp thời phá dỡ…, khiến nhà cửa, công trình xây dựng bị “sụp đổ, hư hỏng, sụt lở” gây thiệt hại. Điều này đồng nghĩa với việc đây không phải là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra mà là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng gây ra.
Khắc phục những điểm hạn chế trên, để đưa trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trở về đúng bản chất là trách nhiệm bồi thường do tài sản gây thiệt hại, Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa cụm từ “để nhà cửa, công trình xây dựng… sụp đổ, hư hỏng, sụt lở... gây thiệt hại” thành “do nhà cửa, công trình xây dựng… gây thiệt hại”. Điều này giúp thống nhất cách hiểu là trong mọi trường hợp, chỉ cần thiệt hại là “do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra” thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh mà không cần nguyên đơn phải chứng minh lỗi của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng. Sự sửa đổi này đã thể hiện đúng bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra là một loại trách nhiệm bồi thường do tài sản gây thiệt hại, phát sinh không cần yếu tố lỗi.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công: “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”. Theo quy định này, người thi công sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu “có lỗi” trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại”. Điều này đồng nghĩa với việc để được bồi thường nguyên đơn phải chứng minh được lỗi của người thi công. Như vậy, về bản chất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật, có lỗi gây ra chứ không phải trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra. Quy định này dường như chưa phản ánh đúng bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra - là một loại trách nhiệm bồi thường do tài sản gây thiệt hại, chứ không phải do hành vi trái pháp luật của con người; đồng thời, cũng hoàn toàn không tương thích với tên của điều luật là “Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra”.
Thứ hai, về nội dung của trách nhiệm
Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm của người thi công là “trách nhiệm liên đới”. Nếu có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì người thi công phải liên đới cùng chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng bồi thường thiệt hại. Quy định này không công bằng với chủ sở hữu, đặc biệt trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thi công. Ví dụ: Người thi công không thi công đúng thiết kế, tự ý cắt giảm, thay thế nguyên vật liệu khiến nhà cửa, công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng, bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở... gây thiệt hại. Trong trường hợp này, chủ sở hữu không có lỗi. Bản thân chủ sở hữu cũng là người bị thiệt hại (do nhà cửa, công trình xây dựng thuộc sở hữu bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở)... nhưng chủ sở hữu lại phải liên đới chịu trách nhiệm cùng người thi công để bồi thường thiệt hại. Điều này là không công bằng đối với chủ sở hữu, không phù hợp với bản chất của trách nhiệm liên đới. Đáng lẽ trong trường hợp này, người thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cả chủ sở hữu (trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng thi công) và người thứ ba bị thiệt hại (trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Đối với người thi công, việc chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công mà không quy định trách nhiệm của người khảo sát, thiết kế, giám sát… cũng là không công bằng với người thi công. Nhà cửa, công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của nhiều người với nhiều khâu, nhiều công đoạn khác nhau. Trong đó, kết quả của công đoạn trước có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của công đoạn sau. Nếu kết quả khảo sát không đúng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bản thiết kế, nếu bản thiết kế không đúng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình thi công… Một công trình xây dựng kém chất lượng là kết quả từ nhiều khâu không đảm bảo, chứ không chỉ riêng một mình khâu thi công. Nhưng Bộ luật Dân sự hiện hành lại “bỏ qua” cho tất cả các chủ thể khác, mà chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thi công là không công bằng đối với họ.
Nghiên cứu pháp luật dân sự của một số quốc gia cho thấy, họ cũng có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công, song trách nhiệm này thường được tách riêng thành một điều luật độc lập với những quy định chặt chẽ cả về điều kiện phát sinh và chủ thể phải chịu trách nhiệm. Theo Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp, bên cạnh Điều 1386 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu do sự sụp đổ của một tòa nhà, thì Điều 1792 quy định: “Người xây dựng công trình (bao gồm kiến trúc sư, nhà thầu, kỹ thuật viên hoặc người khác có quan hệ hợp đồng thuê dịch vụ với chủ công trình; người bán công trình mà họ đã xây dựng hoặc đã thuê xây dựng xong; người đã thực hiện một nhiệm vụ được coi như nhiệm vụ của người cung ứng dịch vụ, mặc dù đã hành động với tư cách người được ủy quyền của chủ công trình[3]) phải chịu trách nhiệm đối với chủ công trình hoặc người mua công trình về mọi thiệt hại, kể cả những thiệt hại do khuyết tật của nền đất gây ra, làm cho công trình không vững chắc hoặc thiệt hại gây ra cho một bộ phận cấu thành hoặc một phần thiết bị của công trình làm cho công trình không sử dụng được đúng mục đích”[4]. Thời hạn phải chịu trách nhiệm của người xây dựng công trình là 10 năm kể từ ngày nghiệm thu công trình[5]. Trong thời hạn 10 năm này, nếu nhà cửa, công trình xây dựng bị sụp đổ, gây thiệt hại do những khiếm khuyết trong xây dựng thì chủ sở hữu vẫn phải bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng sau đó có quyền kiện yêu cầu người xây dựng công trình phải bồi thường lại cho mình. Hết thời hạn 10 năm, chủ sở hữu sẽ mất quyền này. Khi đó, cho dù thiệt hại xảy ra là do lỗi từ hơn 10 năm trước của người xây dựng công trình (người thi công) thì chủ sở hữu cũng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo Bộ luật Dân sự Tây Ban Nha, song song với Điều 1907 quy định trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng bị sụp đổ do “thiếu sự sửa chữa cần thiết”[6], thì Điều 1909 cũng quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của “kiến trúc sư hoặc nhà thầu xây dựng”[7]. Theo đó, trong khoảng thời gian 10 năm kể từ ngày được hoàn thành, nếu nhà cửa, công trình xây dựng bị sụp đổ do “khiếm khuyết trong xây dựng” thì “nhà thầu xây dựng” phải chịu trách nhiệm bồi thường; còn nếu sự sụp đổ là do “khiếm khuyết của nền đất” hoặc do lỗi của kiến trúc sư trong quản lý, thì kiến trúc sư phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đặc biệt, nếu sự sụp đổ do lỗi của nhà thầu xây dựng, thì nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm trong khoảng thời gian 15 năm kể từ ngày công trình được hoàn thành[8].
Tương tự, theo Bộ luật Dân sự Philippine, bên cạnh Điều 2190 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng bị sụp đổ do “thiếu sự sửa chữa cần thiết”, thì Điều 2192 cũng quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của “kiến trúc sư, kỹ sư hoặc nhà thầu” trong trường hợp thiệt hại xảy ra là “kết quả của những khiếm khuyết trong xây dựng”[9]. Cụ thể, kiến trúc sư, kỹ sư, người thiết kế, chỉ đạo kỹ thuật xây dựng… phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu trong thời hạn 15 năm kể từ ngày hoàn thành công trình, công trình bị sụp đổ do “khiếm khuyết trong thiết kế hoặc trong việc tính toán các số liệu kỹ thuật hoặc do khuyết tật của nền đất”. Nhà thầu cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu trong thời gian 15 năm công trình xây dựng bị sụp đổ do khuyết tật trong xây dựng hoặc do sử dụng các nguyên vật liệu có chất lượng kém do chính người thi công cung cấp hoặc do bất kỳ vi phạm nào về các điều khoản của hợp đồng. Kỹ sư, kiến trúc sư giám sát việc xây dựng phải chịu trách nhiệm liên đới với nhà thầu (Điều 1723)[10].
Tại Trung Quốc, Điều 86 Luật Trách nhiệm xâm hại quyền lợi của Trung Quốc có điểm tương đồng với Bộ luật Dân sự của Việt Nam khi quy định trách nhiệm liên đới giữa chủ công trình xây dựng và nhà thầu. Tuy nhiên, một điểm khác biệt cơ bản là Điều 86 Luật Trách nhiệm xâm hại quyền lợi của Trung Quốc được xây dựng dựa trên học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt - trách nhiệm phát sinh không phụ thuộc vào yếu tố lỗi - nên chủ công trình xây dựng và nhà thầu cho dù có chứng minh được là mình không có lỗi vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chủ công trình xây dựng và nhà thầu chỉ được miễn trách nhiệm nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của người khác[11].
Từ những phân tích trên có thể đưa ra nhận xét rằng, việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, cách Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng trong cùng một điều luật như hiện nay là chưa phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Tác giả cho rằng, nên tách trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công thành một điều luật riêng biệt, trong đó, về bản chất phải quy định trách nhiệm của người thi công là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật, có lỗi gây thiệt hại; về nội dung, người thi công có thể phải chịu trách nhiệm độc lập (nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thi công hoặc giữa bên thi công và chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng đã có thỏa thuận) hoặc trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, chủ thể cùng chịu trách nhiệm liên đới với bên thi công có thể chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng hoặc có thể là bên thiết kế, bên khảo sát, bên giám sát…, nếu những chủ thể này cũng có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thiệt hại.
Đại học Lao động – Xã hội Hà Nội
[1]. Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 936.
[2]. Khoản 38 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014.
[3]. Điều 1792 -1 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
[4]. Điều 1792 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
[5]. Điều 2270 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp.
[6]. Điều 1907 Bộ luật Dân sự Tây Ban Nha: “The owner of a building is liable for damages resulting from the collapse of all or part thereof, if such collapse should occur as a result of a failure to make the necessary repairs”, nguồn: http://landwise.resourceequity.org/record/1080, truy cập ngày 17/7/2016.
[7]. Điều 1909 Bộ luật Dân sự Tây Ban Nha: “If the damage mentioned in the two preceding articles should result from a construction defect, the third party who suffers it may only claim against the architect or, as the case may be, the builder, within the requisite legal period”, nguồn: http://landwise.resourceequity.org/record/1080, truy cập ngày 17/7/2016.
[8]. Điều 1591 Bộ luật Dân sự Tây Ban Nha: “The contractor of a building which should collapse as a result of defects in its construction shall be liable for any damages if such collapse should take place within ten years, counting from completion of construction; the architect who manages the building works shall have the same liability for the same term if the collapse should result from a defect in the land or from his management
If the cause should be the fault of the contractor, the action to claim for damages shall last fifteen years”, nguồn: http://landwise.resourceequity.org/record/1080, truy cập ngày 17/7/2016.
[9]. Điều 2192 Bộ luật Dân sự Philippine: “If damage referred to in the two preceding articles should be the result of any defect in the construction mentioned in Article 1723, the third person suffering damages may proceed only against the engineer or architect or contractor in accordance with said article, within the period therein fixed. (1909)”, nguồn: http://www.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/ph/ph021en.pdf.
[10]. Điều 1723 Bộ luật Dân sự Philippine: The engineer or architect who drew up the plans and specifications for a building is liable for damages if within fifteen years from the completion of the structure, the same should collapse by reason of a defect in those plans and specifications, or due to the defects in the ground. The contractor is likewise responsible for the damages if the edifice falls, within the same period, on account of defects in the construction or the use of materials of inferior quality furnished by him, or due to any violation of the terms of the contract. If the engineer or architect supervises the construction, he shall be solidarily liable with the contractor, nguồn: http://www.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/ph/ph021en.pdf.
[11]. Điều 86 Luật Trách nhiệm xâm hại quyền lợi của Trung Quốc năm 2009: “Where any building, structure or facility collapses, causing any harm to another person, the construction employer and contractor shall be liable jointly and severally. After making compensation, the construction employer or contractor shall be entitled to be reimbursed by other liable persons if any.
Where the collapse of any building, structure or facility, which causes any harm to another person, is attributed to any other liable person, the other liable person shall assume the tort liability”, nguồn: http://english.mofcom.gov.cn/ article/policyrelease/Businessregulations/201312/20131200432451.shtml.