Tại khoản 8 Phần III Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 quy định hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới với những nội dung cụ thể như sau: “Trên cơ sở tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng… Sớm tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường trên địa bàn Hà Nội, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới”.
Nội dung nêu trên đã phần nào thể hiện nhiệm vụ quan trọng trong việc đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW vào thực tiễn xây dựng Thủ đô theo mục tiêu đề ra, đó là xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) với hai nội dung cần quan tâm gồm: (i) Hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; (ii) Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Chính vì vậy, cần phải xây dựng một nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật dành riêng cho Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hướng dẫn thi hành có những điểm khác biệt so với quy định tương ứng theo nguyên tắc quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy định này vừa bảo đảm khả năng thực thi trên thực tế, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Luật Thủ đô (sửa đổi) nhưng vẫn duy trì được nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định pháp luật.
Tại Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về áp dụng Luật Thủ đô như sau: “1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
3. Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định về một vấn đề”.
Phân tích đánh giá cụ thể nội dung trên như sau:
Theo khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)[1] quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Đây là quy định nhằm xác lập phạm vi áp dụng trong trường hợp giữa Luật Thủ đô (sửa đổi) và luật, nghị quyết khác của Quốc hội có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Cách làm này đã được quy định trong một số luật như: Tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) quy định: “Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”; khoản 1 Điều 4, Luật Dầu khí năm 2022 quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí, bao gồm: a) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư dự án dầu khí; b) Thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến về việc sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thực hiện quyền tham gia vào hợp đồng dầu khí, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí và khi thực hiện hoạt động dầu khí theo các giai đoạn của hợp đồng dầu khí, dự án dầu khí; việc tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào các hợp đồng dầu khí; nguyên tắc xử lý chi phí; quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư của hợp đồng dầu khí đã kết thúc để tiếp tục triển khai hoạt động dầu khí, thu dọn công trình dầu khí đã tiếp nhận và xử lý thu dọn; c) Việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí”; khoản 1 Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2023 cũng quy định: “Hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau về đấu thầu giữa Luật này và luật khác được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”… Tuy nhiên, nội dung quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có sự khác biệt so với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật về cùng một vấn đề khi mà đặt Luật Thủ đô (sửa đổi) được ưu tiên áp dụng trong tổng thể hệ thống pháp luật. Mặt khác, quy định này còn là sự cụ thể, chi tiết hóa nội dung khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) nhưng được tiếp cận dưới một khía cạnh khác.
Tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Đây là nội dung được thiết kế nhằm mục đích tạo ra “cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô” một cách thường xuyên, liên tục mà không cần phải sửa đổi, bổ sung trực tiếp Luật Thủ đô khi các đạo luật khác có liên quan được sửa đổi, bổ sung. Cách thức quy định tương tự như trên cũng đã được ghi nhận tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) như sau: “1. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 20 của Luật này. 2. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư”.
Tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định về một vấn đề”. Nội dung này nhằm cụ thể hóa yêu cầu “hoàn thiện hệ thống pháp luật” được ghi nhận tại khoản 8 Phần III Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hơn nữa, việc quy định như vậy mới bảo đảm tính khả thi của Luật Thủ đô (sửa đổi) trên thực tế cuộc sống./.
Nguyễn Bích Thủy
Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội