Do những đặc trưng về giới tính và thể chất nên dù chiếm hơn một nửa trong xã hội nhưng phụ nữ lại là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Bởi vậy, bảo vệ các quyền phụ nữ nói chung và bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai nói riêng theo quy định pháp luật là một nội dung cần được tiếp cận và làm rõ.
1. Pháp luật về bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai
Tư tưởng, quan điểm bất bình đẳng về giới xuất phát từ thực tế, do ảnh hưởng của yếu tố tôn giáo, định kiến xã hội và sinh lý, từ đó, quyền của phụ nữ thường bị xâm phạm và phụ nữ phải chịu sự phân biệt đối xử. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới. Người đã từng khẳng định: Công dân đều bình đẳng trước pháp luật; đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Theo Người, “nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”; “nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[1]. Tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng không chỉ giành lại độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho nông dân nghèo, các sản nghiệp lớn cho công nhân, các quyền dân chủ tự do cho nhân dân, mà còn nhằm: “Thực hiện nam nữ bình quyền”. Mục tiêu này đã được Người đưa vào Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố với thế giới và quốc dân rằng, “Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”[2]. Đến nay, bình đẳng giới, bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, được thể chế trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, cao nhất là Hiến pháp và trong các đạo luật chuyên ngành. Pháp luật Việt Nam luôn thể hiện sự quan tâm và bảo vệ cho quyền của người phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Cụ thể, Hiến pháp năm 1946 quy định: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều thứ 6); đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện (Điều thứ 9); tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử (Điều thứ 18). Hiến pháp năm 2013 tiếp tục nhấn mạnh: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (Điều 26). Thể chế hóa Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã xác định rõ mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình (Điều 4).
Trong lĩnh vực đất đai, Nhà nước hướng đến bảo vệ quyền của phụ nữ trong việc tiếp cận đất đai hợp pháp và bảo đảm quyền bình đẳng trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai và được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Tố tụng dân sự… Cụ thể:
Thứ nhất, quyền được tiếp cận đất đai hợp pháp:
Quyền tiếp cận đất đai là quyền mà pháp luật quy định cho các chủ thể trở thành người sử dụng đất và có quyền sử dụng đất (quyền sử dụng đất) một cách hợp pháp. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, cá nhân là một trong những người sử dụng đất hợp pháp và phụ nữ cũng có tư cách pháp lý độc lập tham gia vào quan hệ đất đai nếu họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 (Điều 5, Điều 54, Điều 55, Điều 56), phụ nữ có quyền tiếp cận đất đai bình đẳng với nam giới theo 02 hướng:
(i) Tiếp cận đất đai từ Nhà nước thông qua việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
(ii) Tiếp cận đất đai từ người sử dụng đất khác đã có quyền sử dụng đất hợp pháp thông qua các giao dịch: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, góp vốn, thừa kế, thế chấp.
Thứ hai, quyền bình đẳng trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của phụ nữ khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai:
Luật Đất đai năm 2013 cũng như Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định nào phân biệt và hạn chế quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực đất đai, do đó, phụ nữ có quyền sử dụng đất hợp pháp sẽ được hưởng các quyền chung mà Nhà nước quy định cho người sử dụng đất[3], như: Quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; được Nhà nước bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và bảo đảm các quyền khác trên cơ sở quyền công dân như quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền khởi kiện về những hành vi xâm phạm tới quyền sử dụng đất của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật đất đai.
Ngoài các quyền chung của người sử dụng đất, phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất không phải đất thuê, trả tiền thuê đất hàng năm được pháp luật cho phép thực hiện một số quyền khác, đó là quyền chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện dưới hình thức các giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp và góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 167 và khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, người phụ nữ với tư cách là người sử dụng đất, cũng phải thực hiện các nghĩa vụ trước Nhà nước[4] như những người sử dụng đất khác như: Phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất, chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất; thực hiện kê khai đăng ký đất đai và thực hiện đầy đủ các thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính trong quá trình sử dụng đất; thực hiện các biện pháp bảo vệ đất, bảo vệ môi trường; giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.
Thứ ba, bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai bằng hoạt động xét xử của Tòa án:
Trong các cơ quan thực hiện bảo vệ quyền con người nói chung, bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai nói riêng thì Tòa án giữ vị trí và vai trò quan trọng. Tòa án là cơ quan xét xử, nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Khi quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai bị xâm phạm, quy trình bảo vệ họ có thể thông qua hoạt động tố tụng hình sự hoặc hoạt động tố tụng dân sự trong các vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình… Dù là quy trình bảo vệ nào, bằng con đường tố tụng nào thì điểm cuối cùng của cơ chế bảo vệ quyền của phụ nữ vẫn là hoạt động tố tụng của Tòa án nhằm ra bản án, quyết định đối với hành vi vi phạm. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và thực hiện.
2. Thực trạng bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai
Có thể thấy, về cơ bản, các quy định của pháp luật hiện hành đã bảo vệ được quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của phụ nữ. Cụ thể:
2.1. Thực trạng thực hiện quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng
Khi quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, để bảo vệ quyền tài sản của phụ nữ, tại khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người; trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu. Trên cơ sở đó, Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng thể hiện việc bảo vệ quyền của người phụ nữ về tải sản là quyền sử dụng đất trong thời kỳ hôn nhân thông qua quy định: Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác; trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật. Nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ, từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3362/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 18/6/2021 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả vợ và chồng, theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, về quyền của người phụ nữ đối với tài sản của chung vợ và chồng, trong đó có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và nâng cao tính tự tin, thúc đẩy sự sáng tạo để nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ, tạo sự bình đẳng trong xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận đã chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai. Các quy định trên đã giúp cho người phụ nữ có tiếng nói, vị thế hơn trong việc xây dựng và tham gia vào các hoạt động kinh tế gia đình, đặc biệt trong hoàn cảnh người phụ nữ chỉ làm công việc nội trợ, chăm sóc gia đình; đồng thời, đã làm tăng tỷ lệ giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng trong thời gian qua[5]. Qua đó, từng bước bảo vệ được quyền lợi của phụ nữ trong trường hợp chia tài sản là quyền sử dụng đất trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ, chồng nhưng chỉ có tên người chồng vẫn còn nhiều (khoảng 12 triệu giấy chứng nhận); tỷ lệ chuyển đổi giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng vẫn còn thấp[6].
Thực trạng trên xuất phát từ một số lý do như:
- Về quy định của pháp luật: Luật Đất đai năm 2013 quy định đăng ký đất đai là bắt buộc nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bắt buộc. Trường hợp cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng nhưng trên giấy chỉ ghi tên người chồng pháp luật cũng không có cơ chế bắt buộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được cấp đổi mang tên cả vợ và chồng.
- Về phía người dân: Nhiều người dân chưa biết về quy định của pháp luật, chưa biết về cơ hội được chuyển và lợi ích của việc chuyển đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi tên cả vợ và chồng; nhiều trường hợp coi việc ghi tên cả vợ và chồng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là “phiền hà” về thủ tục, khó khăn khi mọi giao dịch liên quan đều cần có mặt của cả vợ và chồng hoặc không cũng phải có thủ tục ủy quyền.
- Về phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Một số địa phương hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, đặc biệt người phụ nữ trong đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên cả vợ và chồng đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng chưa được đẩy mạnh. Điều này cũng là một rào cản trong quá trình thực hiện pháp luật trong thực tế.
2.2. Thực trạng bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai trong hoạt động xét xử
Thực trạng bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai từ hoạt động xét xử vô cùng đa dạng nhưng trong phạm vi bài viết, tác giả đánh giá trên hai vấn đề nổi bật và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của phụ nữ, bao gồm: (i) Tranh chấp hôn nhân và gia đình có liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất; (ii) Tranh chấp về thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất. Về cơ bản, quá trình giải quyết các tranh chấp trên của Tòa án đã từng bước bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử tại Tòa án vẫn còn hiện tượng chưa bảo vệ tốt các quyền của phụ nữ. Trong các vụ án hôn nhân và gia đình, các vướng mắc chủ yếu xuất phát từ việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung hay tài sản riêng; việc vận dụng nguyên tắc ưu tiên người phụ nữ khi giải quyết vấn đề tài sản của vợ, chồng trong trường hợp vợ, chồng ly hôn chưa phát huy tác dụng trong việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ; nhiều vụ án việc đánh giá công sức đóng góp vào tài sản chung của người vợ cho gia đình chưa chính xác. Bên cạnh đó, các vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền sử dụng đất thường kéo dài; trong khi pháp luật cho phép vợ chồng được tự thỏa thuận về tài sản trong quá trình ly hôn cũng là nguyên nhân dẫn đến người phụ nữ chấp nhận chịu “thiệt thòi” để được “giải thoát”, chấm dứt tranh chấp. Còn trong các vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất xuất phát từ những quan điểm từ thời xa xưa như trách nhiệm thờ cúng cha mẹ, lo hương hỏa cho tổ tiên thuộc về con trai; còn “con gái là con người ta” khi đã đi lấy chồng… mà phần lớn khi chia tài sản, con gái, cháu gái sẽ thiệt hòi hơn so với con trai, cháu trai; đa phần di chúc của cha mẹ để lại hết tài sản cho con trai. Cũng chính vì vậy mà các tranh chấp liên quan đến di sản thừa kế diễn ra khá phổ biến và kéo dài dẫn đến quyền lợi của người phụ nữ bị ảnh hưởng.
3. Kiến nghị
Từ những đánh giá, phân tích ở trên, để bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai, tác giả đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, pháp luật đất đai cần chỉnh sửa theo hướng, nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì cần có cơ chế bắt buộc phải đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ và chồng; trong trường hợp không đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải có văn bản thỏa thuận về việc tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng. Qua đó, sẽ sớm giải quyết triệt để việc đăng ký tài sản chung đứng tên cả hai vợ, chồng; đồng thời, đây sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các tranh chấp về tài sản là quyền sử dụng đất giữa các bên vợ, chồng theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng trong lĩnh vực đất đai nói riêng thông qua các buổi tọa đàm, sinh hoạt, nói chuyện về bình đẳng giới trong các cơ quan, đơn vị, trong các khu dân cư..., dần dần thay đổi nhận thức của không chỉ phụ nữ mà cả nam giới trong việc thực hiện quyền của phụ nữ trong đất đai, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những phong tục, tập quán lạc hậu mang định kiến về phụ nữ.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bảo đảm hồ sơ quản lý đất đai, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời, đội ngũ cán bộ quản lý đất đai cũng cần được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý nói chung và nhận thức về bình đẳng giới nói riêng.
Thứ tư, nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án để bảo vệ tốt hơn quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực đất đai.
Quá trình Tòa án giải quyết các tranh chấp để bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai không chỉ đòi hỏi thẩm phán nắm vững các quy định của pháp luật, có kỹ năng xét xử tốt mà còn đòi hỏi sự am hiểu các vấn đề xã hội, đặc biệt các yếu tố “nhạy cảm” về giới. Chính vì lẽ đó, nâng cao trình độ xét xử, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán chuyên trách xét xử các vụ án đòi hỏi bảo vệ người phụ nữ trong lĩnh vực đất đai là yêu cầu cấp bách, nhất là trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp để lựa chọn và bồi dưỡng những hội thẩm nhân dân có điều kiện về trình độ chuyên môn và trách nhiệm tham gia xét xử, bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ trong lĩnh vực đất đai.
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. https://ldld.quangbinh.gov.vn/3cms/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-binh-dang-gioi.htm, truy cập ngày 11/02/2022.
[2]. https://ldld.quangbinh.gov.vn/3cms/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-binh-dang-gioi.htm, truy cập ngày 11/02/2022.
[3]. Điều 166 Luật Đất đai năm 2013.
[4]. Điều 170 Luật Đất đai năm 2013.
[5]. Theo Báo cáo số 51/BC-BTNMT ngày 20/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc cấp giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, đến nay, tổng số giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 24,69 triệu giấy chứng nhận (hộ gia đình là 15,07 triệu giấy chứng nhận, cá nhân là 5,01 triệu giấy chứng nhận, cả vợ và chồng là 4,6 triệu giấy chứng nhận), trong đó có 15,68 triệu giấy chứng nhận có tên người phụ nữ. Như vậy, số giấy chứng nhận có tên người phụ nữ chiếm 64% trên tổng số giấy chứng nhận đã cấp cho đối tượng là hộ gia đình, vợ chồng và cá nhân, trong đó, Bắc Trung Bộ là vùng có tỷ lệ giấy chứng nhận có tên người phụ nữ cao nhất với tỷ lệ 76%, tương ứng với 4,01 triệu giấy chứng nhận, Tây Nam Bộ là vùng có tỷ lệ giấy chứng nhận có tên người phụ nữ là thấp nhất với 49%, tương ứng với 2,73 triệu giấy chứng nhận.
[6]. Báo cáo số 51/BC-BTNMT ngày 20/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc cấp giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ.