1. Khái quát về tội phạm tình dục đối với trẻ em gái
Tội phạm tình dục đối với trẻ em gái có thể hiểu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự nhằm lôi kéo, ép buộc hoặc dụ dỗ người dưới 18 tuổi là nữ giới vào các hành vi có tính dục. Tội phạm tình dục đã xâm phạm trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm thân thể của phụ nữ nói chung và trẻ em gái nói riêng, trong đó có quyền tự do và an toàn tình dục đã được ghi nhận trong các công ước quốc tế. Tuy nhiên, trẻ em gái lại là đối tượng phổ biến của tội phạm này, bởi trẻ em nhận thức còn hạn chế, không biết việc mình bị xâm hại hoặc lo sợ người thực hiện tội phạm; cũng có thể do sự e ngại của các gia đình có nạn nhân bị xâm hại... dẫn đến không tố cáo hành vi phạm tội. Cùng với đó, hậu quả để lại đối với trẻ em gái là nạn nhân của tội phạm tình dục cũng nặng nề hơn rất nhiều khi các em chưa phát triển toàn diện về tâm sinh lý, dẫn đến những ảnh hưởng về thể chất cũng như tinh thần, thậm chí có thể ảnh hưởng đến chức năng thai sản cũng như lệch lạc về mặt tâm lý của các em. Đặc biệt, đối với một số quốc gia theo tư tưởng Nho giáo, trong đó có Việt Nam, vấn đề trinh tiết của người phụ nữ có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của những trẻ em gái bị xâm hại. Do đó, các tội phạm tình dục đối với trẻ em gái phải bị lên án và pháp luật hình sự là một trong những công cụ hiệu quả của Nhà nước trông việc bảo vệ tối đa quyền của các em đặc biệt là trẻ em gái.
2. Một số quy định của quốc tế về bảo vệ trẻ em gái khỏi tội phạm tình dục
Tuyên bố Vienna năm 1993 khẳng định: “Các quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái là một bộ phận cấu thành không thể tước đoạt và không thể chia cắt khỏi các quyền phổ cập của con người”. Xuất phát từ những nguyên nhân mang tính lịch sử, định kiến cũng như từ chính đặc điểm về giới mà đa số phụ nữ phải chịu những vi phạm quyền con người cơ bản của mình, trong đó có quyền về tự do tình dục. Trẻ em gái là một trong những đối tượng được hưởng đầy đủ các quyền của phụ nữ, trong đó có quyền tự do và an toàn tình dục. Đồng thời, các em còn được thụ hưởng những quyền đặc thù của trẻ em. Những văn kiện pháp lý cơ bản quy định quyền của trẻ em gái nói chung và quyền về tự do và an toàn tình dục của các em, có thể kể đến như: Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948; Công ước Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ năm 1979 (CEDAW); Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1989 (UNCRC). Điều 26 Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người đã khẳng định “Bà mẹ và trẻ em được đảm bảo chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt”. Cụ thể hóa nội dung này, Công ước CEDAW và UNCRC đã ghi nhận và bảo đảm quyền của phụ nữ cũng như trẻ em bao gồm cả quyền về tình dục.
Theo Điều 2(e), Công ước CEDAW kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện tất cả những biện pháp thích hợp nhằm loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ - là bất kỳ sự phân biệt, loại bỏ, hạn chế nào được đưa ra trên cơ sở giới tính, phượng hại hoặc vô hiệu hóa việc công nhận, thụ hưởng hoặc thi hành quyền của phụ nữ[2]. Như Ủy ban Loại bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ đã giải thích, định nghĩa này cũng bao gồm “bạo lực dựa trên giới tính… bao gồm hành vi gây ra tổn thương hoặc sự chịu đựng về thể chất, tinh thần hoặc tình dục…”[3]. Điều 2 của Tuyên bố loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ được Liên Hợp Quốc ban hành năm 1993 thì bạo lực đối với phụ nữ có thể được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm nhưng không giới hạn, bởi những yếu tố bạo lực tâm lý, tình dục, thân thể xảy ra trong gia đình, cộng đồng hoặc do Nhà nước phạm phải hoặc làm ngơ bất kì xảy ra khi nào… Mặc dù các quy định của Công ước CEDAW không công khai đề cập đến bạo lực, Ủy ban loại bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ đã giải thích các điều 2, 5, 11, 12 và 16 Công ước CEDAW[4] là yêu cầu các quốc gia thành viên “hành động bảo vệ phụ nữ chống lại bạo lực dưới mọi hình thức xảy ra trong gia đình, nơi làm việc hoặc trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội”[5]. Hay ngay trực tiếp tại Điều 6 của Công ước CEDAW cũng khẳng định: “Các nước tham gia công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp kể cả biện pháp lập pháp để loại bỏ mọi hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột mại dâm phụ nữ”.
Công ước UNCRC, ngược lại, quy định rất rõ và trực tiếp về hành vi bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi xâm hại tình dục. Tại khoản 1 Điều 19 Công ước quy định rõ: “Các quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp lập pháp, hành pháp, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể xác hoặc tinh thần, gây tổn thương hay xúc phạm, bỏ mặc hoặc sao nhãng trong sự chăm sóc, ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả sự xâm phạm về tình dục…”. Hay cụ thể hơn Điều 34 Công ước quy định: “Các quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục...”. Các hành vi bóc lột và lạm dục tình dục có thể là: Xúi giục hoặc ép buộc trẻ em tham gia bất kì hoạt động tình dục trái pháp luật; sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong mại dâm hoặc trong các cuộc biểu diễn hay tài liệu khiêu dâm.
Nghị định thư không bắt buộc liên quan đến phòng chống buôn bán, mại dâm và khiêu dâm trẻ em năm 2000 là những sự bổ sung cần thiết, là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em chống lại sự xâm hại. Nghị định thư đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có biện pháp cụ thể để nghiêm cấm và phải tội phạm hóa các hành vi mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em.
3. Bảo vệ trẻ em gái là nạn nhân của tội phạm tình dục bằng pháp luật hình sự Việt Nam
Việc bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng ngày càng được pháp luật hình sự Việt Nam hoàn thiện từ Bộ luật Hình sự năm 1985, 1999 và nay là Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015).
Bộ luật Hình sự năm 2015 là cơ sở pháp lý hình sự duy nhất xác định những hành vi nguy hiểm được xem là tội phạm tình dục và hình phạt có thể áp dụng đối với người thực hiện hành vi này. So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với nạn nhân là trẻ em, đã tội phạm hóa nhiều hành vi mới, phân hóa hình phạt và khung hình phạt theo từng nhóm tuổi trẻ em là nạn nhân. Đặc biệt, đối với các tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP). Đây là một trong những văn bản hướng dẫn đầu tiên của Bộ luật Hình sự năm 2015 được Tòa án nhân dân tối cao ưu tiên ban hành đã giải quyết nhiều vấn đề còn tranh luận về nhóm tội phạm này, nhất là khi trước đây, cả trong Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 không có văn bản hướng dẫn nào quy định trực tiếp về nhóm tội phạm này mà vẫn phải áp dụng Bản Tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục số 329-HS2 của Tòa án nhân dân tối cao từ năm 1967. Qua đó, chính sách bảo vệ trẻ em là nạn nhân càng được thể hiện rõ nét.
Bộ luật Hình sự năm 2015 không sử dụng thuật ngữ trẻ em, tuy nhiên, như đã trình bày, trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả nghiên cứu khái niệm trẻ em theo chuẩn mực pháp luật quốc tế, nên trẻ em ở đây được hiểu là người dưới 18 tuổi[6]. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (bao gồm cả trẻ em gái) tại: (i) Các tội mà phạm tội đối với người dưới 18 tuổi là tình tiết định tội, gồm: Điều 142 - Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144 - Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145 - Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 146 - Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Điều 147 - Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; Điều 329 - Tội mua dâm người dưới 18 tuổi; (ii) Các tội phạm tình dục mà phạm tội đối với người dưới 18 tuổi là tình tiết định khung tăng nặng gồm: Khoản 4 Điều 141 - Tội hiếp dâm; khoản 4 Điều 143 - Tội cưỡng dâm.
Đặc điểm chung của nhóm các tội phạm này, trước hết, là dấu hiệu khách thể. Cụ thể, những hành vi trên đã xâm phạm đến quyền được tôn trọng nhân phẩm, danh dự và quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em, trong đó có trẻ em gái. Mặc dù trong các tội phạm trên, có những hành vi được thực hiện khi có sự đồng ý của nạn nhân, tuy nhiên, với quan điểm của nhà làm luật, với trẻ em độ tuổi dưới 18 tuổi, “là những người sống phụ thuộc và chưa phát triển đầy đủ về mặt thể chất… và các hoạt động tình dục mà chúng không thực sự hiểu đầy đủ hoặc không có khả năng đưa ra sự đồng ý một cách có hiểu biết”[7], nên thực hiện hành vi quan hệ tình dục, dù thuận tình, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, “việc coi cơ thể con người như hàng hóa là sự chà đạp nghiêm trọng nhân phẩm và mang tính bóc lột họ”[8], đặc biệt với phụ nữ và trẻ em, do đó, hành vi mua dâm trẻ em được các công ước quốc tế khuyến nghị cần trấn áp.
Về mặt khách quan, do tính nguy hiểm của những hành vi tình dục này nên khi xây dựng cấu thành các tội phạm này, nhà làm luật chỉ quy định dấu hiệu hành vi, không quy định dấu hiệu hậu quả.
Một điểm chung nữa của nhóm tội phạm này là hình thức lỗi. Đối với nhóm tội phạm này, có thể xác định người phạm tội có lỗi cố ý. Cụ thể ở đây, người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình có tính chất nguy hiểm cho xã hội; thấy trước hậu quả mà hành vi của mình có thể gây ra cho trẻ em và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. Tuy nhiên, một vấn đề đang gây tranh luận là khi định tội đối với các tội này, chủ thể của tội phạm có bắt buộc biết hay không tuổi của nạn nhân. Theo ý kiến của nhóm tác giả, trong trường hợp người phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 18 tuổi, dù thuận tình và không biết được độ tuổi của nạn nhân thì vẫn xác định đây là lỗi cố ý, cụ thể là cố ý gián tiếp khi người đó “trên cơ sở chấp nhận dấu hiệu nhất định của hành vi phạm tội, trong đó có hậu quả thiệt hại của hành vi”[9]. Có thể như vậy vì, người thực hiện hành vi tình dục với trẻ em có thể biết rõ độ tuổi của nạn nhân hoặc cũng có thể không biết nhưng chấp nhận khả năng quan hệ đó xảy ra.
Các tội phạm tình dục đối với trẻ em, được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể chia thành các nhóm: Các tội phạm hiếp dâm, các tội phạm cưỡng dâm, các tội phạm tình dục có sự thuận tình của nạn nhân và các tội phạm tình dục không nhằm mục đích giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác.
Đáng chú ý, tại Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” đối với các tội phạm tình dục có xâm nhập. Đây là hành vi của người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ, ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; hoặc dùng bộ phận khác trên cơ thể như ngón tay, ngón chân, lưỡi…, dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác[10]. Việc bổ sung này là cần thiết khi hiện nay có nhiều hành vi tình dục khác với khái niệm giao cấu cũng như cách hiểu về tình dục như chúng tôi đã phân tích.
Đối với Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, trước khi có Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP) thì việc tội phạm hóa hành vi quan hệ tình dục khác của luật dẫn đến nhiều chuyên gia e ngại sẽ có sự nhầm lẫn giữa hành vi này và hành vi dâm ô. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP đã giải thích rõ khái niệm dâm ô để giải quyết các vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra từ trước đến nay. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 tội phạm hóa hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Theo đó, người phạm tội có thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm. Hai hành vi này được giải thích cụ thể tại khoản 4 và khoản 6 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP. Sự bổ sung này vừa phù hợp với thực tiễn, đồng thời cũng nội luật hóa các quy định trong các văn kiện quốc tế về trẻ em mà Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế liên quan đến các quy định của pháp luật đã làm hạn chế “sức mạnh” của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong bảo vệ trẻ em gái nói riêng và trẻ em cũng như phụ nữ nói chung là nạn nhân của các tội phạm tình dục, có thể kể đến:
Một là, những hướng dẫn về khái niệm hành vi khách quan của một số tội phạm trong luật vẫn còn mang hơi hướng của Bản Tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục số 329-HS2 của Tòa án nhân dân tối cao từ năm 1967. Ví dụ như, khái niệm về giao cấu, dâm ô… Theo quan điểm của chúng tôi, rõ ràng giao cấu là một dạng của hành vi quan hệ tình dục, có thể nó có tính phổ biến nên chúng ta vẫn duy trì thuật ngữ này trong luật, tuy nhiên, nó dẫn đến những vấn đề về cách giải thích và cách hiểu của Việt Nam khác với nhiều quan điểm lập pháp của các quốc gia trên thế giới, khác với khái niệm về tình dục cũng như gây ra sự rườm rà trong xây dựng luật. Hơn nữa, việc bổ sung hành vi quan hệ tình dục khác để phân biệt với hành vi dâm ô, mặc dù Nghị quyết số 06/2019/HQ-HĐTP đã hướng dẫn nhưng trên thực tế để phân biệt vẫn sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, nếu đơn giản hơn, chúng ta mở rộng khái niệm giao cấu bao gồm cả các hành vi quan hệ tình dục khác như hiện nay, giống như một số nước như Hoa Kỳ, Singapore[11]… hoặc “tình dục có xâm nhập” theo thuật ngữ trung lập về giới và bao gồm mọi hình thức xâm nhập (qua âm đạo, hậu môn và miệng) bằng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể hoặc đồ vật[12] thì sẽ thống nhất trong cách hiểu cũng như quy định pháp luật hơn rất nhiều.
Hai là, hiện nay, đối với các tội phạm hiếp dâm, về thái độ của phạm nhân đối với hành vi vẫn là “trái ý muốn”. Dẫn đến thực tế, để chứng minh như thế nào là trái ý muốn thì cơ quan điều tra lại rất khó khăn và phải khai thác từ nạn nhân. Từ đó, đặt gánh nặng chứng minh tội phạm lên nạn nhân[13] và khiến nạn nhân bị “nạn nhân hóa” một lần nữa khi phải liên tục tiếp nhận những câu hỏi nhạy cảm trong quá trình tiến hành tố tụng và phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Đức… và ngay cả trong một số văn kiện pháp lý quốc tế đã ghi nhận quy tắc “No means No” - Không là “Không”, nghĩa là chỉ cần nạn nhân đã bày tỏ sự không đồng ý mà người phạm tội vẫn thực hiện hành vi, thì hoàn toàn có thể cấu thành tội phạm[14]. Quy định như vậy sẽ hạn chế được những khó khăn hiện nay của cơ quan điều tra.
Ba là, hành vi tình dục, như khái niệm chúng tôi đã nêu cũng như cách hiểu trên thế giới hiện nay, bao gồm ba dạng: Tiếp xúc, nghe, nhìn. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao như hiện nay, như khái niệm dâm ô, mới chỉ làm rõ được hành vi tình dục dưới dạng tiếp xúc mà hoàn toàn đang bỏ trống hai dạng còn lại là nghe, nhìn. “Hành vi tình dục trong dâm ô không chỉ là hành vi tiếp xúc cơ học như sờ, bóp, day… mà còn có hành tiếp xúc cơ học như nghe, nhìn trực tiếp hoặc qua phương tiện truyền thông, internet các hành ảnh tính dục trần trụi, đồi trụy; buộc nạn nhân lõa thể, chát sex… Cũng có ý kiến cho rằng, các hành vi tình dục không tiếp xúc mang tính dâm ô trên có thể xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; tuy nhiên, thông thường hành vi truyền bá phải ở mức độ nhất định mới cấu thành tội phạm. Hơn nữa, một số hành vi tình dục như buộc nạn nhân nhìn thân hình lõa thể; buộc nạn nhân phải lõa thể (chưa phải là khiêu dâm) thì chưa được quy định cấm trong Bộ luật Hình sự. Điều này không đáp ứng yêu cầu bảo vệ nhân phẩm, sự phát triển bình thường và an toàn tình dục cho trẻ em[15]”. Do đó, giải thích về khái niệm dâm ô hiện nay không bao quát hết được các hành vi thực tế cũng như không phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế hiện nay.
4. Một số vấn đề trao đổi và kiến nghị nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em gái là nạn nhân của tội phạm tình dục bằng pháp luật hình sự
Một là, cần có sự thống nhất về độ tuổi của trẻ em, theo đó cần thay đổi Luật Trẻ em năm 2016 theo hướng coi trẻ em là người dưới 18 tuổi để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Hai là, trên cơ sở nâng độ tuổi trẻ em, nên mở rộng đối tượng tác động của một số tội như tội dâm ô người dưới 16 tuổi hoặc tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thành người dưới 18 tuổi để bảo vệ tối đa quyền của nhóm người này. Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 141 và khoản 4 Điều 143 nên được đưa về gộp về Điều 142 và Điều 144 và sửa tên điều luật thành Điều 142 - Tội hiếp dâm người dưới 18 tuổi và Tội cưỡng dâm người dưới 18 tuổi.
Ba là, cần chuyển tội mua dâm nguời dưới 18 tuổi (Điều 329) từ Chương XXI - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng về Chương XIV - Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người. Mặc dù hành vi này có xâm phạm đến trật tự công cộng nhưng khách thể chính của nhóm tội phạm này vẫn là quyền về tự do tình dục của con người. Mặt khác, nên đổi tên tội thành Tội mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi để phù hợp với cách thức đặt tội danh của các tội phạm khác.
Bốn là, cần xem lại chế tài của một số tội phạm để đồng bộ với việc mở rộng phạm vi các Tội hiếp dâm người dưới 18 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.
Năm là, cần có thêm những hướng dẫn áp dụng các tội phạm tình dục nói chung, tội phạm tình dục đối với trẻ em nói riêng… Hướng đến trong tương lai cần tiếp tục sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 để phù hợp và tiệm cận hơn với thế giới như: Mở rộng khái niệm giao cấu, dâm ô; thay đổi tình tiết “trái ý muốn” thành “không đồng ý” của nạn nhân.
ThS. Lê Thị Diễm Hằng
[1]. Bài viết này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học về “Bảo vệ phụ nữ bằng hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam” của Trường Đại học Luật Hà Nội.
[2]. Điều 1 Công ước Loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ năm 1979.
[3]. Bình luận chung số 19 (Bạo lực chống lại phụ nữ), Tập hợp Bình luận chung của Liên Hợp Quốc, tr.216, đoạn 6.
[4]. Tòa án nhân dân tối cao, Quyền con người trong thi hành công lý (Sổ tay về quyền con người dành cho thẩm phán, công tố viên và luật sư), Nxb. Lao động - Xã hội, 2010, tr. 320.
[5]. Kiến nghị chung số 12 (Bạo lực chống lại phụ nữ), Tập hợp Bình luận chung của Liên Hợp Quốc, tr. 209.
[6]. Theo chúng tôi, cách tiếp cận của Bộ luật Hình sự năm 2015 gần với chuẩn mức quốc tế hơn là với Luật Trẻ em năm 2015.
[7]. Danya Glaser and Stephen Frosh (1993), Child sexual abuse, England trích trong tài liệu: Viện Gia đình và Giới (2008), Tổng quan nghiên cứu về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam trong những năm gần đây, Báo cáo nghiên cứu, Hà Nội, tr. 3.
[8]. Tatjana Hörnle and Mordechai Kremnitzer (2011), “Human dignity as a protected interest in criminal law”, Israel Law Review, Vol.44, pp.143 - 167, p. 153.
[9]. GS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa (2015), Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 127.
[10]. Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP.
[11]. Xem: Lê Thị Diễm Hằng (2016), Các tội xâm phạm tinh dục trẻ em - So sánh pháp luật hình sự Việt Nam với pháp luật hình sự của một số nước, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[12]. Bộ Tư Pháp và Unicef (2021), Bạo lực với trẻ em: Phân tích Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (Dự thảo), Hà Nội, tr. 16.
[13]. Nguyễn Thị Bình (2021), Bảo vệ quyền con người bằng quy định về các tội xâm phạm tình dục trong luật hình sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 170.
[14]. Xem: Elaine Gunnison, Frances P.Bernat, Lynne Goodstein (2017), Women, Crime, and Justice: Balancing the Scales, Wiley Blackwell, Singapore.
[15]. Trần Văn Độ, Các tội phạm về tình dục đối với trẻ em - pháp luật, thực tiễn và một số giải pháp, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên đối với các tội xâm hại sức khỏe, danh dự nhân phẩm phụ nữ và trẻ em”. UNODC, JICA và Trường Đại học Kiểm sát, 08/2019, tr. 8”.