Abstract: This article focuses on clarifying the shortcomings of regulations on liquidation procedure for bankrupt enterprises and co-operatives, and from there, makes some recommendations to improve the legal regulations on this issue.
Luật Phá sản năm 2014 được ban hành với mục tiêu quan trọng là tạo một cơ chế phù hợp, khoa học, có hiệu quả cho việc duy trì hoặc tổ chức lại doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây viết tắt là DN, HTX) có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi DN, HTX không có khả năng phục hồi thì việc thanh lý tài sản của DN, HTX, giải quyết quyền lợi cho các chủ nợ cũng như các chủ thể có liên quan và cho DN, HTX rút khỏi thị trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản còn nhiều bất cập, cụ thể:
1. Một số bất cập của quy định về trình tự, thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
1.1. Xác định tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
So với Luật Phá sản năm 2004, Điều 64 Luật Phá sản năm 2014 quy định về tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán rộng hơn, phù hợp hơn với thực tiễn. Điều 49 Luật Phá sản năm 2004 quy định tài sản của DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản là chưa đầy đủ, đã bỏ qua tài sản và quyền về tài sản mà DN, HTX có được tại thời điểm Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay các tài sản mà DN, HTX được tặng cho sau khi Toà án thụ lí đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo quy định của Luật Phá sản năm 2004, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản thì mọi hoạt động kinh doanh của DN, HTX vẫn được tiến hành bình thường. Vì vậy, việc DN, HTX có thêm tài sản và quyền tài sản sau ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2004 không quy định tài sản này trong khối tài sản của DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản. Khắc phục hạn chế đó, Luật Phá sản năm 2014 đã bổ sung những tài sản và quyền tài sản này trong danh mục tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, tương tự như Luật Phá sản năm 2004, Luật Phá sản năm 2014 chưa quy định về tài sản được miễn trừ trách nhiệm. Đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là hai tổ chức kinh tế có chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Thực tiễn thi hành tại một số địa phương gặp vướng mắc trong việc thu hồi toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh để thanh toán nợ mà không tính đến việc ngoại trừ những tài sản thiết yếu, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của họ[1].
1.2. Kiểm kê xác định tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
Kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản còn lại của DN, HTX bị phá sản là một công việc quan trọng trong quá trình thanh lý tài sản. Theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 16 Luật Phá sản năm 2014, chủ thể có trách nhiệm lập bảng kê tài sản là quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện việc kiểm kê tài sản mà công việc này được giao cho DN, HTX mất khả năng thanh toán (khoản 1 Điều 65 Luật Phá sản năm 2014). Quy định như vậy là hợp lý, bởi vì trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, tài sản của DN, HTX vẫn thuộc quyền sở hữu của DN, HTX. Bên cạnh đó, nhằm tránh trường hợp DN, HTX không trung thực khi thực hiện việc kiểm kê tài sản, Luật Phá sản năm 2014 quy định: Trường hợp xét thấy việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản của DN, HTX là không chính xác thì Tòa án yêu cầu quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức kiểm kê, xác định lại giá trị một phần hoặc toàn bộ tài sản của DN, HTX. Tuy nhiên, hiện nay xác định thế nào là “không chính xác”, không chính xác ở mức độ nào sẽ tiến hành kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản của DN, HTX thì pháp luật chưa quy định cụ thể. Ngoài ra, việc gửi bảng kiểm kê tài sản trên thực tế còn bất cập. Bởi vì, theo khoản 3 Điều 65 Luật Phá sản năm 2014, thì bảng kiểm kê tài sản đã được xác định giá trị phải gửi ngay cho Tòa án tiến hành thủ tục phá sản. Việc quy định “gửi ngay” mà không xác định một thời hạn cụ thể gây ra sự lúng túng trong việc áp dụng trên thực tế.
1.3. Thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
So với Luật Phá sản năm 2004, Điều 50 và Điều 115 Luật Phá sản năm 2014 đã bổ sung quy định về ủy thác tư pháp trong việc giải quyết phá sản và xử lý trường hợp có tranh chấp tài sản trong quá trình thi hành quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế việc thu hồi nợ của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Một số cá nhân không có địa chỉ cụ thể, rõ ràng hoặc có địa chỉ nhưng khi xác minh thì không còn ở địa phương hoặc đã bỏ đi nơi khác. Đối với con nợ là tổ chức, doanh nghiệp thì họ chỉ công nhận nợ mà không có phương án trả nợ, có trường hợp đưa ra lý do gặp khó khăn về kinh tế nên xin được trả dần, nhưng vẫn chây ỳ không trả nợ[2]. Tồn tại thực trạng trên bởi vì pháp luật chưa có quy định rõ ràng về việc trả nợ cho chủ nợ là DN, HTX phá sản, đồng thời chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi nêu trên. Điều này gây nên sự chậm trễ trong việc thu hồi tài sản của DN, HTX phá sản, thậm chí nhiều trường hợp DN, HTX không thể thu hồi được nợ.
1.4. Định giá tài sản
Định giá tài sản là một trong những nội dung bắt buộc của hoạt động thanh lý tài sản nhằm xác định được đúng giá trị thực của tài sản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Phá sản năm 2014 thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoàn toàn chủ động trong việc định giá tài sản mà không phụ thuộc vào việc cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án hoặc chấp hành viên có văn bản yêu cầu hay không. Tuy nhiên, theo Điều 121 Luật này thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản, trong đó bao gồm việc định giá tài sản sau khi nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên. Có thể thấy, quy định về thời điểm quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá tài sản chưa có sự thống nhất.
Bên cạnh đó, ngoài quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì pháp luật còn cho phép tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền định giá tài sản. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc quy định khi ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không được ký hợp đồng thẩm định giá với cá nhân, tổ chức mà mình có quyền, lợi ích liên quan, mà chưa có quy định cụ thể trường hợp nào phải có sự tham gia của các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp vào việc định giá tài sản.
1.5. Định giá lại tài sản
Nếu như định giá tài sản là một nội dung bắt buộc khi tiến hành hoạt động thanh lý tài sản thì việc định giá lại tài sản chỉ được thực hiện khi có vi phạm nghiêm trọng quy định về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả. Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, chủ thể có thẩm quyền quyết định về việc định giá lại tài sản cũng có sự khác nhau:
- Thẩm phán quyết định định giá lại đối với trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được Tòa án giao việc bán một số tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản.
- Chấp hành viên quyết định định giá lại đối với trường hợp thanh lý tài sản.
Trong khi đó, Điều 99 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp: “a) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản”. Như vậy, Luật Phá sản năm 2014 đã thu hẹp các trường hợp định giá lại so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Luật Phá sản năm 2014 không quy định quyền yêu cầu định giá lại của các chủ nợ (người được thi hành án). Do đó, trên thực tế, các chủ nợ không thể thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định về định giá lại tài sản khi tài sản bị hao mòn, giảm giá trị do tổ chức đấu giá nhiều lần mà chưa tìm ra được người mua tài sản[3].
1.6. Bán tài sản
Điều 124 Luật Phá sản năm 2014 đã phân tách các loại tài sản và quy định các phương thức bán tài sản khác nhau nhằm đảm bảo việc xử lý tài sản được nhanh chóng và hiệu quả. Cụ thể là, tài sản được bán theo hình thức bán đấu giá và bán không thông qua thủ tục đấu giá. Trong quá trình triển khai thực hiện quy định về bán tài sản của DN, HTX bị phá sản đã nảy sinh một số bật cập, cụ thể là:
Thứ nhất, chưa có hướng xử lý trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành. Theo quy định hiện hành, chấp hành viên sẽ quyết định việc thanh lý tài sản trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành[4]. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không quy định cụ thể chấp hành viên quyết định việc thanh lý tài sản thì chấp hành viên phải làm thủ tục gì? Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản bán đấu giá hay phải chuyển giao tài sản cho chấp hành viên thanh lý, có tổ chức đấu giá lại với tài sản đó không, đấu giá lại bao nhiêu lần, đấu giá nhiều lần mà không bán được tài sản thì xử lý như thế nào?... Điều này gây khó khăn trong việc xử lý tài sản đã bán đấu giá mà không thành.
Thứ hai, thời hạn bán đầu giá đối với tài sản ở nước ngoài là chưa hợp lý. Điều 124 Luật Phá sản năm 2014 quy định thời hạn bán đấu giá đối với động sản là 30 ngày, bất động sản là 45 ngày cho cả tài sản ở trong nước và tài sản ở nước ngoài. Trong khi đó, thời hạn này chỉ hợp lý khi áp dụng đối với những tài sản đang ở Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm tránh trường hợp việc thanh lý tài sản DN, HTX phá sản kéo dài, khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 đã quy định tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật là Luật Phá sản hay Luật Thi hành án dân sự?
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
Thứ nhất, cần bổ sung quy định về tài sản được miễn trừ trách nhiệm. Theo thông lệ của các nước, thì các tài sản, quyền về tài sản được miễn trừ bao gồm các đồ vật phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mang tính chất tối thiểu của cá nhân và các khoản trợ cấp cho cá nhân do không còn khả năng lao động, do bệnh tật, do mất việc làm[5]... Như vậy, xét ở khía cạnh nhân đạo và phù hợp với thông lệ quốc tế thì đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, pháp luật cần quy định các tài sản miễn trừ trách nhiệm đối với họ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Quy định như vậy cũng phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, bởi Luật này đã có quy định về tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân.
Thứ hai, cần giải thích cụ thể thế nào là “không chính xác” để tiến hành kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản của DN, HTX cũng như làm rõ thời hạn gửi bảng kiểm kê tài sản.
Thứ ba, cần quy định rõ thời gian trả nợ của cá nhân, tổ chức đối với chủ nợ là DN, HTX phá sản và hậu quả pháp lý đối với việc trả nợ. Quá thời hạn quy định, nếu con nợ không trả nợ được thì cần tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật. Cần có phương án giải quyết thống nhất đối với DN, HTX sau khi bán hết tài sản mà vẫn còn một số nợ chưa đòi được, cơ quan thi hành án tiếp tục việc thu hồi nợ theo quy định và sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ đã có tại quyết định phân chia tài sản ban đầu[6]. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể chế tài xử lý đối với hành vi của những cá nhân, tổ chức không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với DN, HTX phá sản.
Thứ tư, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về định giá tài sản, cụ thể là: (i) Quy định thống nhất về thời điểm quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá tài sản. Theo tác giả, pháp luật cần quy định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá tài sản sau khi nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên. Điều này là hợp lý bởi quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ thực hiện việc thanh lý tài sản trong đó có định giá tài sản khi nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên. (ii) Cần quy định cụ thể các trường hợp phải có sự tham gia của tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp vào việc định giá tài sản. Đối với các tài sản đặc biệt như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công nghiệp… thì sự tham gia của tổ chức định giá chuyên nghiệp là cần thiết, tránh tình trạng tài sản được định giá thiếu chính xác gây thiệt hại cho chủ nợ cũng như DN, HTX phá sản. (iii) Bổ sung quy định về việc bồi dưỡng kiến thức bắt buộc đối với quản tài viên và có mức độ phù hợp với từng đối tượng. Trong tố tụng phá sản nói chung và việc thanh lý tài sản nói riêng, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có vai trò rất quan trọng. Đối với việc định giá tài sản, quản tài viên không chỉ cần hiểu biết về pháp luật mà còn phải am hiểu về lĩnh vực kinh tế, tài chính… Vì vậy, cần chú trọng hơn nữa đến việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức cho quản tài viên góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của quản tài viên trong việc định giá tài sản nói riêng và việc quản lý, thanh lý tài sản nói chung.
Thứ năm, cần quy định thống nhất về quyền yêu cầu định giá lại tài sản giữa Luật Phá sản và Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, Luật Phá sản năm 2014 cần quy định bổ sung quyền yêu cầu định giá lại tài sản của các chủ nợ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, cần quy định về trường hợp định giá lại tài sản khi tài sản bị hao mòn, giảm giá trị do tổ chức đấu giá nhiều lần mà chưa tìm ra được người mua tài sản.
Thứ sáu, quy định cụ thể cách thức xử lý tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành. Theo tác giả, nên quy định trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì tiếp tục tổ chức bán đấu giá lại, quy định cụ thể mức giảm giá tài sản trong trường hợp đấu giá lại, số lần đấu giá lại cũng như cách xử lý trong trường hợp đấu giá nhiều lần mà không có người mua. Bên cạnh đó, cần quy định về bán đấu giá tài sản đối với tài sản ở nước ngoài nhằm đảm bảo mục tiêu thu hồi được toàn bộ tài sản, bảo đảm quyền lợi cho các chủ nợ.
Thứ bảy, cần quy định rõ việc cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản trong trường hợp tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên thì theo quy định của Luật Phá sản hay Luật Thi hành án dân sự.
Qua quá trình nghiên cứu, có thể thấy rằng, Luật Phá sản năm 2014 đã có những quy định phù hợp hơn so với Luật Phá sản năm 2004 về thủ tục thanh lý tài sản của DN, HTX bị phá sản. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các quy định của Luật Phá sản năm 2014 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Vì vậy, trong thời gian tới các quy định về thủ tục thanh lý tài sản của DN, HTX bị phá sản cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả thi hành quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, “Một số vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình giải quyết các yêu cầu về tuyên bố phá sản trong doanh nghiệp và ý kiến đề xuất”, Chuyên đề hội thảo “Luật Phá sản, thực tiễn, vướng mắc và kiến nghị” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, 2006.
[2].Http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_ details=1&item_id=18109080.
[3]. Http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=296.
[4]. Xem khoản 2 Điều 17 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
[5]. Báo cáo số 44/BC-TANDTC ngày 09/9/2013 của Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thi hành Luật Phá sản năm 2004.
[6]. Http://tapchitoaan.vn/bai-viet/thao-go/thanh-ly-tai-san-cua-doanh-nghiep-mat-kha-nang-thanh-toan-no-den-han.