Tóm tắt: Bài viết này đưa ra một số bất cập trong quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu hiện nay. Qua đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện những bất cập này để việc quản lý thuế đạt hiệu quả.
1. Một số bất cập trong quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu
Thứ nhất, quản lý thông tin người nộp thuế chưa thực sự hiệu quả dẫn đến hạn chế trong việc giám sát, quản lý nguồn thu
Hiện nay, việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp do nhiều cơ quan thực hiện theo các yêu cầu về nhiệm vụ, chức năng khác nhau như: Cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý về mặt cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư; cơ quan thuế quản lý về mặt cấp mã số thuế, quản lý thu thuế nội địa; cơ quan hải quan quản lý về việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Ngân hàng Nhà nước quản lý về việc đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán và giao dịch thanh toán qua trung gian thanh toán... Để phục vụ yêu cầu quản lý của mình, mỗi cơ quan, tổ chức trên đều xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của ngành, đơn vị. Những hệ thống này hoạt động mang tính nội bộ, chưa có sự liên thông, kết nối với nhau. Do đó, các cơ quan quản lý trên hầu như không có các thông tin về việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp đối với ngành khác cũng như không có các thông tin về việc chấp hành pháp luật thuế. Khi muốn có thông tin thì bắt buộc phải thực hiện thông qua con đường công văn, giấy tờ và làm ảnh hưởng đến thời gian và chi phí để xử lý vụ việc. Việc này làm giảm hiệu quả công tác quản lý thông tin người nộp thuế của cơ quan quản lý nói chung và cơ quan hải quan nói riêng.
Thứ hai, công tác phối hợp trong xử lý nợ thuế vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết
Tại nhiều địa phương hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang nợ thuế nhưng đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản. Quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, trên thực tế chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là không còn nợ thuế trong khi một số trường hợp người nộp thuế trước đây được miễn thuế, thuộc đối tượng không phải nộp thuế khi chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản có thay đổi mục đích sử dụng như chuyển nhượng, tặng cho đối với tài sản dẫn đến không còn được miễn thuế hoặc không còn thuộc đối tượng không thuộc diện chịu thuế thì phải thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định. Trên thực tế, người nộp thuế chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế thì đã được phép chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản theo quyết định của Tòa án nhân dân, để lại một khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi vì không còn chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục phá sản tại Tòa án nhưng cơ quan hải quan không nhận được thông tin của Tòa án về việc giải quyết các khoản thanh toán nợ theo quy định của Luật Phá sản. Do đó, khi cơ quan hải quan đề nghị Tòa án cung cấp bản chính quyết định phá sản của Tòa án nhân dân thì không được cung cấp với lý do là cơ quan hải quan không nằm trong các đối tượng có liên quan được cung cấp bản án.
Thứ ba, việc xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với người nộp thuế còn có vướng mắc
Doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 01/7/2007 (bao gồm tiền thuế, tiền phạt còn nợ của các chi nhánh hạch toán phụ thuộc, cửa hàng hạch toán phụ thuộc, đơn vị vãng lai hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp) thì được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt. Đối với doanh nghiệp nhà nước đã giải thể, thì phải đảm bảo các điều kiện là doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập và đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, khái niệm doanh nghiệp nhà nước lại có sự thay đổi lớn kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2014, do đó chưa có sự thống nhất để xử lý. Theo khoản 8 Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì “doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”, trong khi đó, theo cách hiểu của Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 thì “doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”.
Thứ tư, một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thực hiện chưa thực sự hiệu quả
Theo điểm a khoản 1 Điều 93 Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2016) thì cơ quan quản lý thuế có thể sử dụng biện pháp “trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, yêu cầu phong tỏa tài khoản” để bắt buộc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi số dư trên tài khoản đủ để thanh toán một phần hoặc toàn bộ cho các nghĩa vụ tài chính liên quan đến thuế. Mặc dù có quy định buộc doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan hải quan về tài khoản ngân hàng, nhưng thực tế, doanh nghiệp thường cố tình cung cấp không đầy đủ về số lượng tài khoản, gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc xác minh tài khoản để yêu cầu phong tỏa. Trong khi cơ quan hải quan còn mất nhiều thời gian làm các thủ tục theo quy định, thì doanh nghiệp đã chủ động chuyển hết tiền ra tài khoản, dẫn đến cưỡng chế không có hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi cơ quan hải quan có đủ thông tin và điều kiện để thực hiện biện pháp yêu cầu trích tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp tại Cục Thuế địa phương để thi hành quyết định hành chính thuế, thì không được đáp ứng vì theo quy định cơ quan thuế phải nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp thì mới có thể kiểm tra điều kiện được hoàn thuế (mà đề nghị hoàn thuế lại là quyền của doanh nghiệp). Các trường hợp doanh nghiệp đã bỏ trốn, mất tích thì không thể lập và nộp hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan thuế. Do đó, cơ quan hải quan không thể thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi từ tiền thuế được hoàn.
Thứ năm, còn có sự khác biệt trong các thời hạn khai mỗi loại thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Từ ngày 01/9/2016, thời hạn nộp thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan, trừ trường hợp người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ 10 của tháng kế tiếp. Quá thời hạn này mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì phải nộp đủ số tiền nợ thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế. Do đó, có cách hiểu thời hạn nộp thuế tại Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 là thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, không áp dụng đối với việc nộp các sắc thuế khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, dẫn đến việc người nộp thuế không thực hiện nộp cùng một lúc các loại thuế trước khi thông quan hàng hóa nhập khẩu.
Thứ sáu, Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2016) đã quy định về xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại khoản 12 Điều 5 như sau: Xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là việc cơ quan hải quan ban hành văn bản xác định mã số, trị giá hải quan, xác nhận xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan. Trong khi đó, nội dung về xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được quy định tại khoản 26 Điều 4 và cụ thể hóa tại Điều 28 Luật Hải quan năm 2014. Như vậy, cùng một nội dung nhưng được quy định tại hai văn bản luật khác nhau.
Thứ bảy, còn một số bất cập về quy định định lượng, xác định phẩm cấp hàng hóa
Một trong những khó khăn hiện nay chính là việc xác định giá trị tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng chiếm bao nhiêu phần trăm so với giá bán hàng hóa vì chính sách thuế không ưu đãi đối với hàng hóa có tài nguyên khoáng sản chiếm 51% trở lên, kể cả chi phí năng lượng. Một tình huống thường xảy ra trên thực tế đối với hàng hóa nhập khẩu đó chính là phân biệt giữa hàng hóa hoàn chỉnh và nguyên liệu, phụ tùng của hàng hóa đó. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp đã tháo dời các bộ phận của hàng hóa hoàn chỉnh (ví dụ như xe gắn máy, máy móc, thiết bị…) để khai báo nhập khẩu linh kiện rời. Ví dụ: Tại khu vực hải quan Hà Nội, công ty liên doanh chế tạo xe máy Lifan Việt Nam có nhập khẩu các linh kiện rời để lắp ráp xe máy và khai báo thuế. Qua kiểm tra, Cục Hải quan thành phố Hà Nội nhận thấy, với tổng số linh kiện được nhập, nếu sau khi lắp ráp sẽ thành xe máy hoàn chỉnh và phải chịu mức thuế suất khác cũng như tính toán lại trị giá hải quan. Tuy nhiên, Công ty Lifan không đồng ý và cho rằng chưa đủ các linh kiện để trở thành chiếc xe, thậm chí còn chưa sơn và dán logo của xe. Tại Công văn số 4695/TCHQ-TXNK ngày 09/8/2018, Tổng cục Hải quan xác định dựa trên Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn để phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa thì trường hợp này được xem là nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Thứ tám, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu còn có những khó khăn do tính đa dạng, đa dụng của hàng hóa nhập khẩu
Một đặc trưng của việc kiểm tra và quản lý thuế của cơ quan hải quan là không quản lý và thu thuế tại trụ sở doanh nghiệp mà thu tại cửa khẩu nên khi làm thủ tục nên không thể xác định xem doanh nghiệp có sử dụng hàng hóa đó như mục đích kê khai không. Ví dụ, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định mặt hàng dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, mặt hàng máy móc, thiết bị sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, mặt hàng trang thiết bị sử dụng cho y tế thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Do đó, trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu ngô, lúa mỳ và kê khai để sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc nhập khẩu động cơ diezel để lắp ráp cho máy bơm nước, máy kéo hoặc khai nhập khẩu máy hút tắc tia sữa, giường sắt sử dụng cho cơ sở y tế... đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan hải quan khi xác định mức thuế giá trị gia tăng ngay khi làm thủ tục hải quan bởi các mặt hàng này đa công dụng. Sau khi được nhập khẩu và không phải chịu thuế hoặc thuộc diện chịu thuế 5%, các doanh nghiệp nhập khẩu có thể chuyển đổi công năng đối với hàng hóa nhập khẩu để bán cho các mục đích sử dụng khác (mà nếu thông thường thì phải chịu thuế suất 10%) và do đó, làm thất thoát nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Thứ chín, bất cập khi quản lý thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu là xăng dầu
Theo Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện khai, nộp thuế bảo vệ môi trường và ngân sách nhà nước đối với lượng xăng dầu xuất, bán (bao gồm cả xuất để tiêu dùng nội bộ, xuất để trao đổi sản phẩm hàng hóa khác, xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, bán cho tổ chức, cá nhân khác; trừ bán cho công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối khác) tại địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng. Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu để tiêu thụ thì sẽ khai thuế tại cơ quan hải quan khi nhập khẩu, còn nếu nhập khẩu về để bán thì sẽ do các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện và khai thuế tại cơ quan thuế địa phương. Chính vì thế, việc quản lý thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trở nên không chặt chẽ, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan hải quan. Trong trường hợp doanh nghiệp đầu mối vừa xuất bán, vừa tiêu thụ nhưng chỉ khai là xuất bán khi nhập khẩu để không phải nộp thuế bảo vệ môi trường với hàng nhập khẩu mà chỉ phải nộp với phần xuất bán thực sau này, sẽ gây thất thoát nguồn thu từ thuế.
2. Giải pháp
Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin chung đối với các chủ thể nộp thuế để từ đó, đảm bảo cho công tác giám sát rủi ro về thuế cũng như cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Trước mắt, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cần xây dựng dữ liệu chung về người nộp thuế. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có Trung tâm Thông tin tín dụng để quản lý lịch sử tín dụng của các cá nhân, tổ chức có giao dịch với ngân hàng thương mại và những thông tin này cũng rất hữu ích với cơ quan hải quan và cơ quan thuế. Tương tự như vậy, rủi ro về quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm đi đáng kể nếu cơ quan hải quan có nhiều thông tin hơn từ các cơ quan, tổ chức có liên quan đến chủ thể nộp thuế.
Thứ hai, Bộ Tài chính cùng với các cơ quan chức năng như Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp trong thủ tục giải quyết vụ việc phá sản doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước trong thu hồi nợ thuế. Tòa án khi giải quyết thủ tục phá sản cần xác minh về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đang trong quá trình phá sản, từ đó xác định tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của cơ quan quản lý thuế như cơ quan hải quan và/hoặc cơ quan thuế. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thuế, trong đó có cơ quan hải quan cũng cần nắm bắt các thông tin từ phía các cơ quan tố tụng để kịp thời thực thi quyền đại diện cho Nhà nước trong việc thu hồi nợ thuế. Điều đó càng cho thấy, việc xây dựng hệ thống xử lý, công bố thông tin tích hợp quan trọng như thế nào.
Thứ ba, đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có hướng dẫn rõ về phương án xử lý đối với các trường hợp là doanh nghiệp nhà nước được xóa nợ thuế trước thời điểm 01/7/2007 để có thể giải quyết triệt để tình trạng tồn đọng như hiện nay ở nhiều cơ quan hải quan, nhất là Cục Hải quan thành phố Hà Nội. Theo chúng tôi, chính sách xóa nợ thuế có hiệu lực từ thời điểm nào thì xác định tư cách doanh nghiệp nhà nước của các đơn vị tại thời điểm đó và về trước để xử lý, không áp dụng khái niệm doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Đối với các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần thì các công ty hiện nay sẽ kế thừa các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước trước đây để thực hiện các thủ tục có liên quan.
Thứ tư, cần bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả của các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Đối với biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế, pháp luật nên quy định rõ về việc cơ quan quản lý thuế, trong đó có cơ quan hải quan, có quyền trích tiền hoặc yêu cầu phong tỏa tài khoản ở bất kỳ tài khoản của chủ thể nợ thuế mà không nhất thiết chủ thể đó có đăng ký, thông báo về tài khoản đó với cơ quan hải quan hay không. Bên cạnh đó, kể từ thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền trên tài khoản hoặc phong tỏa tài khoản, cơ quan quản lý thuế có quyền đề nghị ngân hàng thương mại thu hồi các giao dịch chuyển tiền sau thời điểm quyết định cưỡng chế đã được thông báo đến chủ thể nợ thuế để đảm bảo quyền thu thuế của Nhà nước.
Đối với biện pháp kê biên tài sản, trong trường hợp có căn cứ xác định doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng lại nợ tiền thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc tạm giữ và hạch toán riêng một phần hoặc toàn bộ số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng để bù trừ nợ thuế cho đến khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục đề nghị hoàn thuế.
Thứ năm, cần bổ sung quy định trong Luật Quản lý thuế về thời hạn nộp các loại thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu vì đặc trưng của hàng hóa nhập khẩu là việc khai báo hải quan đồng thời với khai báo thuế. Do đó, trong các loại thuế chuyên biệt thì thời hạn khai thuế có thể khác nhau, nhưng đối với hàng hóa nhập khẩu thì phải có chung một thời hạn đó là theo thời hạn của pháp luật hải quan quy định. Như vậy, mới đảm bảo sự thống nhất và thuận lợi cho việc thực hiện pháp luật thuế, tránh việc mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản pháp luật với nhau về thời hạn khai thuế.
Thứ sáu, thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế thì nên bãi bỏ quy định tại khoản 12 Điều 5 về việc xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan hải quan vì thực tế đây là nội dung thuộc về nghiệp vụ hải quan có liên quan đến nghĩa vụ thuế, chứ không phải là nghiệp vụ thuế, trong khi Luật Hải quan năm 2014 đã có quy định khá cụ thể, rõ ràng về nội dung này.
Thứ bảy, đối với quản lý thuế nhập khẩu trong trường hợp xuất khẩu để gia công nhưng sau đó lại nhập khẩu hàng hóa là tài nguyên, khoáng sản, cần quy định về việc giám định (nhưng không bắt buộc) đối với trường hợp có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng không xác định được là trên hoặc dưới mức 51%. Trong trường hợp tiến hành giám định thì chi phí giám định sẽ do chủ thể nộp thuế chịu nhưng cơ quan tiến hành giám định sẽ do cơ quan hải quan chỉ định. Có như vậy, mới có căn cứ để xác định ưu đãi hay không ưu đãi thuế trong trường hợp này.
Đối với hàng hóa là linh kiện tháo rời nhưng có khả năng lắp ráp trở thành nguyên chiếc, đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể để thực hiện vì tình trạng các doanh nghiệp tháo rời các linh kiện để nhập khẩu là khá phổ biến, nhằm tránh tình trạng các cơ quan hải quan trước khi tiến hành lại phải xin ý kiến hướng dẫn từ Tổng cục Hải quan như hiện nay.
Thứ tám, cần hoàn thiện các quy định về quản lý thuế giá trị gia tăng đối với một số loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích, trong đó có những mục đích được hưởng thuế suất 5%, nhưng cũng cho mục đích khác thì phải chịu thuế suất 10%. Theo chúng tôi, Bộ Tài chính cần hướng dẫn là nếu có căn cứ cho rằng những hàng hóa nhập khẩu có thể sử dụng đa mục đích, thì người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo mức thuế 10%, sau khi có xác nhận về việc sử dụng đúng mục đích của hàng hóa thuộc diện chịu thuế 5% thì sẽ được hoàn thuế. Trong trường hợp hàng hóa dùng để kinh doanh hoặc bán cho chủ thể khác thì áp dụng mức thuế suất 10% (vì thực chất đây được xem là thuế đầu vào, sẽ được khấu trừ ở đầu ra).
Thứ chín, để quản lý tốt thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu nhập khẩu, đề nghị sửa đổi quy định về nơi khai thuế của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối, đó là phải khai thuế tại cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập khẩu xăng dầu trong mọi trường hợp chứ không phải khai thuế tại cơ quan thuế địa phương khi nhập khẩu về để bán. Trong việc phân chia nguồn thu ngân sách, hoàn toàn có thể thực hiện được bằng việc những doanh nghiệp này, trong trường hợp nhập khẩu xăng dầu về để bán thì phải nộp bản sao tờ khai thuế đối với cơ quan hải quan cho cơ quan thuế địa phương để ghi nhận vào ngân sách địa phương. Sau đó, số tiền thuế bảo vệ môi trường đã nộp tại cơ quan hải quan sẽ được ngân sách nhà nước hạch toán để chuyển vào ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước.
Đại học Luật Hà Nội
ThS. Nguyễn Mạnh Hùng
Cục Hải quan thành phố Hà Nội