1. Đặt vấn đề
Pháp quyền là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế, không chỉ ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây mà còn ở các quốc gia tư bản chủ nghĩa đang phát triển. Khi đó, một số quan điểm cho rằng, Nhà nước pháp quyền sẽ đóng vai trò là người tạo ra quyền tài sản, khối xây dựng của thị trường. Theo nhận định từ Ngân hàng Thế giới (WB): “Các thị trường không thể phát triển xa nếu không có quyền sở hữu hiệu quả. Những quyền chỉ được thực hiện với ba điều kiện tiên quyết là: (i) Được bảo vệ khỏi hành vi trộm cướp, bạo lực và các hành vi xâm phạm khác; (ii) Bảo vệ khỏi các hành động tùy tiện, từ các quy định đặc biệt về thuế, cho đến hành vi tham nhũng tác động đến hoạt động kinh doanh; (iii) Một hệ thống tư pháp mang tính công bằng và dễ tiếp cận[1]. Theo đó, để bảo đảm phát triển bền vững nền kinh tế, đòi hỏi mỗi Nhà nước pháp quyền cần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở Dự án Tư pháp Thế giới (The World Justice Project - WJP) đã đưa ra Báo cáo Chỉ số pháp quyền WJP (WJP Ruleof Law Index) hàng năm dựa trên khảo sát từ 139 quốc gia trên thế giới, tổ chức này đã tiến hành 06 đợt khảo sát liên quan đến thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam, kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy, Việt Nam đang xếp thứ hạng 92/139 về chỉ số thiếu vắng sự tham nhũng (Absence of Corruption)[2].
Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng từng bước được hoàn thiện theo tiêu chí của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, đã có nhiều đạo luật, bộ luật như: Luật Tố Cáo, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự… ra đời hướng đến ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra: “Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế”[3]. Khi đó, tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Tuy nhiên, công tác tiến hành truy thu tài sản tham nhũng vẫn còn những hạn chế nhất định chưa thực sự hiệu quả khi thực tiễn cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Qua đó, kinh nghiệm trong công tác thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng tại một số quốc gia trên thế giới sẽ là bài học quý giá trong tiến trình thực hiện phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
2. Kinh nghiệm thực hiện tịch thu tài sản tham nhũng ở một số quốc gia trên thế giới
2.1. Italia
Biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng đã được ghi nhận tại Chương V Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 (UNCAC). Biện pháp này thực sự cần thiết trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng bảo vệ nền kinh tế trong Nhà nước pháp quyền. Nhìn chung, tại mỗi quốc gia sẽ có những phương thức thu hồi tài sản tham nhũng sao cho phù hợp với đặc điểm của quốc gia đó. Ở Italia, luật định của quốc gia này đưa ra 04 phương pháp có thể sử dụng trong truy thu tài sản tham nhũng bao gồm: (i) Tịch thu tiền do hành vi tham nhũng có được; (ii) Tịch thu tài sản dựa trên giá trị; (iii) Tịch thu mở rộng; (iv) Tiến hành tịch thu không dựa trên kết án. Theo đó, với mỗi phương thức sẽ được triển khai tùy theo tính chất vấn đề như:
Thứ nhất, với hình thức tiến hành tịch thu tiền do hành vi tham nhũng có được sẽ áp dụng dựa trên cơ sở Điều 240 Bộ luật Hình sự của Italia. Để tiến hành tịch thu tài sản theo hình thức này, đòi hỏi Tòa án phải tiến hành xét xử và đưa ra một phán quyết thông qua phiên tòa hình sự. Theo đó, dựa trên chứng cứ, tình tiết của vụ án, Tòa án sẽ đưa ra phán quyết tịch thu tài sản được cho là phạm tội mà có hoặc là công cụ phạm tội, đòi hỏi phải có mối liên hệ giữa tài sản và tội phạm; vấn đề cần chú ý, có thể truy thu tài sản tham nhũng không giới hạn trong tài sản có được trực tiếp từ hành vi phạm tội. Các Tòa án được phép tịch thu bất kỳ tài sản nào có nguồn gốc trực tiếp và gián tiếp từ tội phạm. Đơn cử: Nếu chủ thể có hành vi tham nhũng, dùng tiền tham nhũng mà có để mua nhà ở, thì nhà ở cùng hoa lợi thu được từ tài sản này đều bị truy thu, bởi suy cho cùng thì tài sản này trực tiếp có được từ việc phạm tội[4].
Thứ hai, để có căn cứ xác định nguồn tài sản của chủ thể vi phạm là bất hợp pháp, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành các cuộc điều tra tài chính. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ thực hiện dựa trên hướng dẫn tại “cẩm nang thu hồi tài sản” để biết được chức năng, nhiệm vụ của mình có thể được tiến hành để điều tra. Sự khác biệt lớn nhất so với quy định tại Việt Nam nằm ở vấn đề việc thu thập chứng cứ liên quan đến hành vi tham nhũng không chỉ được thực hiện bởi cơ quan công quyền mà còn có thể được triển khai bởi “điều tra viên tư nhân hoặc các bên quan tâm khác tiến hành thu thập chứng cứ và truy tìm tài sản dưới sự giám sát hoặc hợp tác chặt chẽ của các công tố viên hay thẩm phán điều tra”[5]. Về bản chất, những điều tra viên tư nhân sẽ không có thẩm quyền như các cán bộ thực thi pháp luật, tuy nhiên, những điều tra viên này vẫn có thể tiến hành điều tra thông tin tham nhũng dựa trên cơ sở nguồn thông tin công khai, đồng thời, có thể đề nghị Tòa án ban hành lệnh dân sự (như lệnh yêu cầu cung cấp thông tin, rà soát hồ sơ tại chỗ, điều trần trước khi lập hồ sơ, hoặc báo cáo chuyên gia). Điều này góp phần mở rộng phạm vi điều tra thay vì chỉ các cơ quan có thẩm quyền được thực thi tiến hành điều tra thông tin liên quan đến tham nhũng.
Thứ ba, một trong những kinh nghiệm truy thu tài sản tham nhũng của Italia cho thấy, để thu hồi thành công phần tài sản có được bởi tham nhũng, pháp luật quốc gia này cho phép Tòa án có thể được “tịch thu mở rộng”, điều này đồng nghĩa rằng, Tòa án vẫn có thể truy thu số tiền, tài sản hoặc bất kỳ lợi ích nào khác có giá trị không tương xứng so với thu nhập của đối tượng bị cáo buộc tham nhũng hay những tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp mà đối tượng không chứng minh được tính hợp pháp của tài sản đó. Về bản chất, hình thức tịch thu mở rộng này sẽ được áp dụng trong phiên xét xử hình sự với tội danh tham nhũng, chủ thể có thể yêu cầu Tòa án thực hiện là các công tố viên, nếu công tố viên có căn cứ chứng minh tỷ lệ chênh lệch giữa khối tài sản và thu nhập hợp pháp của đối tượng. Điều này được áp dụng dựa lên luận điểm của pháp luật là tất cả tài sản không tương xứng với thu nhập hợp pháp đều xuất phát từ các hoạt động bất chính (trừ khi bị đơn chứng minh ngược lại)[6].
Thứ tư, thực tế thi hành xét xử cho thấy, biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hình thức kết tội vẫn tồn tại những vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến quyết định truy thu như: Không đủ bằng chứng, hết thời hiệu truy cứu, đối tượng bị cáo buộc tham nhũng đã chết, bỏ trốn hoặc thuộc diện miễn trách nhiệm hình sự…, với những tài sản có nguồn gốc nước ngoài không thể truy thu do xung đột pháp luật quốc gia. Ngoài ra, với hình thức kết tội, biện pháp này chỉ thu hồi được tài sản có nguồn gốc hoặc sử dụng để phạm tội, còn đối với những tài sản thuộc các bên thứ ba, không thể được thu hồi bằng hình thức kết tội. Từ căn cứ Điều 54.1 (c) của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, yêu cầu các quốc gia thành viên: “Cân nhắc thực hiện các biện pháp cần thiết để cho phép tịch thu tài sản đó mà không bị kết án hình sự trong trường hợp người phạm tội không thể bị truy tố vì lý do đã chết, bỏ trốn hoặc vắng mặt hoặc trong các trường hợp thích hợp khác”. Tại Italia đã cho phép tịch thu tài sản tham nhũng không dựa trên kết án (tịch thu phòng ngừa), phương pháp này được hiểu là Nhà nước cho phép tịch thu tiền mặt và tài sản liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp ngay cả khi chủ sở hữu không bị buộc tội hoặc bị kết án; chỉ đơn thuần yêu cầu bằng chứng về các hành vi bất hợp pháp trong quá khứ và không yêu cầu bất kỳ đánh giá về bị cáo hoặc tài sản bị tịch thu liên quan đến khả năng phạm tội mới trong tương lai nhằm thu hồi tài sản có được từ tội phạm. Việc này hoàn toàn giống với việc tịch thu số tiền thu được do phạm tội nêu trên[7]. Để triển khai điều này, tại Italia đã đưa ra luận điểm rằng: “Tịch thu tài sản tham nhũng không phải là hình phạt, đây được hiểu là những biện pháp phủ nhận quyền sở hữu tiền và tài sản thu được bất hơp pháp”. Qua đó, nếu xem hành vi tịch thu tài sản là một biện pháp khắc phục hậu quả, không thuộc hình phạt thì điều này sẽ đồng nghĩa rằng việc thi hành vẫn bảo đảm được tính hợp hiến và không vi phạm các quyền cơ bản của con người đối với tài sản tịch thu bởi hành vi tham nhũng[8].
2.2. Zambia
Trên cơ sở từ Chương trình “Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp”, đã đề xuất một số hình thức để các quốc gia có thể tiến hành truy thu tài sản tham nhũng bao gồm: (i) Thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự; (ii) Thu hồi không dựa trên kết án hình sự; (iii) Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản; (iv) Thu hồi tài sản dựa trên hành động, đề nghị từ các cơ quan tài phán nước ngoài; (v) Thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính[9]. Theo đó, để truy thu khoản lợi bất hợp pháp từ hành vi tham nhũng, tại quốc gia Zambia, có thể tiến hành kết hợp các biện pháp như: Truy tố hình sự, khởi kiện dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng dựa trên hành động, đề nghị tại các cơ quan tài phán nước ngoài. Với biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng thông qua biện pháp dân sự được tiến hành dựa trên Điều 53 phần a Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, theo đó: “Yêu cầu các quốc gia thành viên căn cứ vào pháp luật quốc gia, thực hiện các biện pháp cần thiết cho phép một quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nước mình để xác lập quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được thông qua hành vi phạm tội được thiết lập theo Công ước này”.
Trên tinh thần Công ước này, Zambia đã thực hiện tiến hành thu hồi tài sản tham nhũng thông qua một vụ kiện dân sự tại Vương Quốc Anh, nhằm thu hồi các khoản tiền được chuyển đến Luân Đôn và khắp châu Âu từ năm 1995 đến năm 2001 được thực hiện bởi cố Tổng thống Zambia Frederick Chiluba. Thủ tục này được tiến hành đồng thời cùng các thủ tục tố tụng hình sự đang diễn ra ở Zambia. Lý giải cho vấn đề này, có thể nhận thấy, nếu chỉ tiến hành truy tố hành vi tham nhũng trong phạm vi quốc gia, Zambia rất khó có thể thu hồi hết số tài sản được tẩu tán tại phạm vi ngoài quốc gia, bởi các đối tượng phạm tội và tài sản phần lớn đều ở nước ngoài nên việc điều tra trong phạm vi quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nếu Zambia có thể tiến hành truy tố và tịch thu tài sản bằng tài phán trong nước, thì việc hợp tác quốc tế thành công thông qua một yêu cầu tương trợ tư pháp (MAL) là không thể. Bởi nhận thấy Zambia vẫn thiếu các hiệp định song phương hoặc đa phương, năng lực và kinh nghiệm cần thiết để thu thập bằng chứng và thực thi lệnh thu hồi tài sản trên khắp châu Âu. Từ đó, các phán quyết do một Tòa án của châu Âu đưa ra sẽ dễ được thi hành hơn rất nhiều.
Trên cơ sở vụ kiện từ Zambia, Tòa án Tối cao Luân Đôn đã tiến hành thu thập bằng chứng, củng cố đầy đủ thông tin để buộc Tổng thống Frederick Chiluba phải trả cho Nhà nước Zambia gần 50 triệu USD. Theo quan điểm của các chuyên gia, phương pháp thu hồi tài sản thông qua thủ tục dân sự được tiến hành bởi nhiều lý do khác nhau, như: “Không có khả năng thu hồi tài sản thông qua hình thức kết án, không thể thu hồi tài sản thông qua biện pháp thu hồi không kết án, hoặc không thể sử dụng tương trợ tư pháp để thi hành lệnh tịch thu. Biện pháp này có yêu cầu về chứng cứ tại các phiên toà dân sự thấp hơn so với tố tụng hình sự. Ngoài ra, biện pháp này cho phép các chủ sở hữu tài sản ngay tình được khởi kiện bên thứ ba để yêu cầu thứ ba bồi thường thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra”[10].
3. Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam trong tịch thu tài sản tham nhũng
Thứ nhất, cần nghiên cứu mở rộng hình thức tịch thu tài sản tham nhũng qua việc tham khảo hình thức tịch thu mở rộng mà pháp luật Italia quy định hay khởi tố hình sự tại quốc gia song song với khởi kiện dân sự và thu hồi tài sản tham nhũng dựa trên hành động, đề nghị tại các cơ quan tài phán nước ngoài như Zambia. Nhìn chung, các hình thức này giúp cho việc thu hồi triệt để tài sản tham nhũng khi chưa có đầy đủ cơ sở chứng minh được nguồn gốc của tài sản mà người phạm tội có được hoặc đồng thời người phạm tội không chứng minh được tính hợp pháp. Quy định này cho phép đảo ngược nghĩa vụ chứng minh tài sản tham nhũng, đó là người bị nghi ngờ phạm tội tham nhũng do tài sản có được không tương xứng so với thu nhập thực tế thì phải có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp của tài sản đó. Nếu không thể minh chứng, đồng nghĩa rằng sẽ bị tịch thu tài sản phục vụ cho tiến trình điều tra vụ án tham nhũng.
Thứ hai, để có thể chủ động xác minh tài sản có nghi ngờ là tài sản tham nhũng hoặc tài sản có được một cách bất hợp pháp, thay vì quy định cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải chứng minh khi xác minh tài sản của bị can, bị cáo thì pháp luật nên quy định nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản của người có tài sản khi có liên quan đến hành vi phạm tội. Nếu tài sản đó không phải đến từ hoạt động tham nhũng mà có thể do các hoạt động tội phạm khác mà có thì có thể xử lý về tội phạm khác. Để công tác tiến hành thu hồi tài sản một cách hiệu quà, rất nhiều quốc gia đã ban hành nhiều đạo luật điều chỉnh biệt riêng liên quan đến trình tự, thủ tục tiến hành điều tra, tịch thu tài sản tham nhũng điều này sẽ là căn cứ cho quá trình điều tra, tịch thu tài sản tham nhũng một cách hiệu quả nhất. Do đó, việc có lộ trình ban hành đạo luật điều chỉnh vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề cần đặt ra tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, cần có hướng dẫn cụ thể hoặc bổ sung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2021) về trình tự, thủ tục điều tra tài chính, đặc biệt là đối với việc điều tra hành vi tham nhũng, từ giai đoạn xác minh tài sản bị nghi ngờ; truy tìm tài sản; sử dụng các biện pháp tạm thời như phong tỏa, thu giữ khi thích hợp để tránh tẩu tán tài sản; thực hiện các biện pháp tịch thu tài sản; chứng minh hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, cần sử dụng tổng hợp và linh hoạt các biện pháp khác nhau (thu hồi tài sản thông qua hình thức kết án; thu hồi tài sản không qua hình thức kết tội; thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính; thu hồi tài sản thông qua thủ tục dân sự) để thu hồi tài sản tham nhũng một cách hiệu quả. Cuối cùng, cần bổ sung thủ tục về việc tịch thu tài sản trong trường hợp người có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng không chứng minh được nguồn gốc tài sản là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
ThS. Thân Thị Kim Nga
Khoa Luật, Trường Đại học Nam Cần Thơ
Ảnh: Internet
[1]. Nguyễn Minh Tuấn, Thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 18 (466), tr. 3.
[2]. WJP, Civil Justice (Factor 7), https://worldjusticeproject.org/our-work/wjp-rule-law-index/wjp-rule-lawindex-2016/factors-rule-law/civil-justice-factor-7, truy cập ngày 06/5/2023.
[3]. Nguyễn Văn Thôi, Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật hiện nay, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quan-triet-va-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/815902/view_content, truy cập ngày 25/5/2023.
[4]. Hà Lệ Thủy, Pháp luật một số nước trên thế giới về tịch thu tài sản tham nhũng và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Kiểm sát, số 11/2022, tr. 62.
[5]. Lê Viết Sinh, Lê Tiến Viên, Kinh nghiệm một số nước về thu hồi tài sản tham nhũng, https://tapchitoaan.vn/kinh-nghiem-mot-so-nuoc-ve-thu-hoi-tai-san-tham-nhung, truy cập ngày 26/5/2023.
[6]. Tommaso Trinchera (2020), Confiscation And Asset Recovery: Better Tools To Fight Bribery And Corruption Crime, Criminal Law Forum volume 31, p. 49 - 79.
[7]. Tommaso Trinchera (2020), Confiscation And Asset Recovery: Better Tools To Fight Bribery And Corruption Crime, Criminal Law Forum volume 31, p. 49 - 79.
[8]. Hà Lệ Thủy, Pháp luật một số nước trên thế giới về tịch thu tài sản tham nhũng và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Kiểm sát, số 11/2022, tr. 63.
[9]. Thi Uyên, Các nước thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?, https://vov.vn/chinh-tri/cac-nuoc-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-nhu-the-nao-878760.vov, truy cập ngày 26/5/2023.
[10]. Lê Viết Sinh, Lê Tiến Viên, Kinh nghiệm một số nước về thu hồi tài sản tham nhũng, https://tapchitoaan.vn/kinh-nghiem-mot-so-nuoc-ve-thu-hoi-tai-san-tham-nhung, truy cập ngày 26/5/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 393), tháng 11/2023)