1. Quy định tại khoản 1: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
So với khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 khi qui định về vấn đề này thì khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã khái quát hóa điều luật, bỏ tình trạng liệt kê từ điểm a đến điểm o như Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Nhờ đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã khắc phục tình trạng bỏ sót các tranh chấp kinh doanh thương mại đáng lẽ cần được Tòa án nhân dân giải quyết như các tranh chấp phát sinh từ hoạt động đấu giá, đấu thầu, logistics, môi giới, ủy thác, gia công...
Hoạt động kinh doanh thương mại vô cùng phong phú, đa dạng và vận động phát triển không ngừng. Hơn nữa, thực hiện tinh thần hiến định “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 33) thì điều chắc chắn là thị trường sẽ xuất hiện thêm nhiều ngành nghề kinh doanh mới do chính cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh nghĩ ra từ nhu cầu tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì vậy, nếu điều luật dùng kỹ thuật liệt kê thì dễ lạc hậu và bỏ sót. Nên chăng chỉ liệt kê những tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Tòa án (nếu có). Do đó, sự khái quát hóa như Điều 30 là một sự tiến bộ so với Bộ luật Tố tụng dân sự cũ.
Tuy nhiên, cũng trong chính khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn bộc lộ nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Theo khoản này, chỉ có các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thì mới do Tòa án giải quyết.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì các tổ chức, cá nhân sau phải đăng ký kinh doanh: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (gồm loại hai thành viên trở lên và loại một thành viên), công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Riêng các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. Đồng thời, khi nghiên cứu Điều 1 Luật Thương mại hiện hành cho thấy, Luật này không chỉ điều chỉnh các hoạt động thương mại (được thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam) giữa các thương nhân (khoản 1 và 2) mà còn điều chỉnh “hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này” (khoản 3). Nghĩa là, bên cạnh việc điều chỉnh hoạt động thương mại diễn ra giữa các thương nhân, Luật Thương mại còn điều chỉnh hoạt động giữa thương nhân và bên không phải là thương nhân - là bên không có mục đích sinh lợi, với điều kiện bên không có mục đích sinh lợi chọn Luật Thương mại áp dụng cho hoạt động giữa họ và thương nhân. Luật Thương mại cũng giải thích rõ: Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (còn được gọi là thương nhân đúng nghĩa) (Điều 6). Điều đó có nghĩa là, một trong những điều kiện để được coi là thương nhân (đúng nghĩa) là có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, Luật Thương mại cũng để ngỏ trường hợp thương nhân chưa đăng ký kinh doanh (còn gọi là thương nhân thực tế) nhưng thỏa mãn các điều kiện còn lại của Điều 6 Luật Thương mại, đó là: (i) Có hoạt động thương mại; (ii) Hoạt động thương mại độc lập; (iii) Hoạt động thương mại thường xuyên. Cũng trong Luật Thương mại, tại khoản 1 Điều 3, hoạt động thương mại được định nghĩa là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Tổng hợp những qui định trên của Luật Thương mại cho thấy loại tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận như qui định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chính là tranh chấp giữa thương nhân với thương nhân và cả hai bên này đều là thương nhân đúng nghĩa vì có đăng ký kinh doanh, mà không phải là thương nhân thực tế.
Vậy thì, hoạt động thương mại giữa các thương nhân thực tế (đều không có đăng ký kinh doanh), hoặc giữa thương nhân thực tế (không có đăng ký kinh doanh) với bên không có mục đích sinh lợi (cũng không có đăng ký kinh doanh) hoặc giữa thương nhân đúng nghĩa (có đăng ký kinh doanh) với bên không có mục đích sinh lợi (không đăng ký kinh doanh) thì cũng là hoạt động thương mại theo Luật Thương mại nhưng tranh chấp phát sinh từ các hoạt động thương mại này lại không được ghi nhận tại khoản 1 Điều 30, do một hoặc cả hai bên đều không có đăng ký kinh doanh. Đối với các tranh chấp này, các bên phải lựa chọn trọng tài để giải quyết hoặc do Tòa dân sự giải quyết. Nhưng nếu do Tòa dân sự giải quyết thì mâu thuẫn với lý luận: Tranh chấp kinh doanh, thương mại phải do Tòa kinh tế giải quyết bằng pháp luật kinh tế chứ không thể do Tòa dân sự xét xử theo pháp luật dân sự.
Mặt khác, việc dùng thuật ngữ có “mục đích lợi nhuận” như khoản 1 Điều 30 là không chính xác. Theo cách hiểu chung, lợi nhuận, trong kinh tế học, là phần tài sản mà nhà đầu tư nhận thêm nhờ đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến đầu tư đó, bao gồm cả chi phí cơ hội; là phần chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí. Trong kế toán, lợi nhuận là phần chênh lệch giữa giá bán và chi phí sản xuất[1]. Đồng thời, như đã đề cập ở trên, thương nhân là chủ thể của hoạt động thương mại mà hoạt động thương mại được Điều 3 Luật Thương mại định nghĩa là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi (chứ không phải sinh lợi nhuận). Sinh lợi có thể không sinh lợi nhuận nhưng đem lại lợi ích nào đó cho thương nhân. Ví dụ như, thương nhân bỏ tiền ra tài trợ cho một giải đấu thể thao để quảng bá thương hiệu thì không sinh lời cho thương nhân nhưng sinh lợi cho họ. Vì vậy, dùng thuật ngữ “sinh lợi” thì chính xác hơn “mục đích lợi nhuận”.
2. Quy định tại khoản 3: Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
Đây là điều khoản mới so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Sự bổ sung này là cần thiết vì tranh chấp trong công ty không chỉ diễn ra giữa thành viên công ty với công ty hoặc giữa thành viên công ty với nhau mà còn là tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty với công ty hoặc với thành viên công ty. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 lại dùng từ “chuyển nhượng” thì không chính xác. Bởi lẽ, chuyển nhượng được hiểu là mua bán; trong khi đó, quan hệ giữa người chưa phải là thành viên công ty với công ty hoặc với thành viên công ty liên quan đến phần vốn góp không chỉ là các giao dịch mua bán mà còn có các giao dịch khác như thừa kế, tặng cho, trả nợ bằng phần vốn góp… Do đó, qui định này của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không bao quát hết các trường hợp qui định tại Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
3. Về khoản 4 Điều 30: Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Điều khoản này thể hiện sự lủng củng, thiếu nhất quán về cú pháp trong một câu của điều luật. Đầu tiên là việc dụng từ “người quản lý” trong công ty trách nhiệm hữu hạn là kỹ thuật gộp. Điều 4 Luật Doanh nghiệp đã định nghĩa: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty”. Nhưng tại khoản 4 Điều 30 nói trên, thuật ngữ này lại không được dùng tiếp cho công ty cổ phần ngay sau đó; mà các nhà làm luật lại dùng cách liệt kê: Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc trong công ty cổ phần. Đồng thời, nếu căn cứ vào định nghĩa người quản lý doanh nghiệp như trên của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì thấy rõ khoản 3 Điều 30 đã bỏ sót loại tranh chấp giữa công ty hợp danh với người quản lý doanh nghiệp của công ty này và tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp tư nhân với Giám đốc thuê. Tiếp đến là cụm từ “liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty”, cụm từ này cũng cần biên tập lại cho logic và khái quát. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, có 05 hình thức tổ chức lại doanh nghiệp được qui định từ Điều 192 đến Điều 198 gồm: Chia công ty, tách công ty, hợp nhất công ty, sáp nhập công ty và chuyển đổi doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ cần dùng thuật ngữ “tổ chức lại doanh nghiệp” là đã bao quát tất cả các trường hợp trên. Chưa kể việc chen từ “bàn giao tài sản” vào giữa các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp cũng thể hiện sự không hợp lý của việc liệt kê vì “bàn giao tài sản” không phải là một hình thức tổ chức lại doanh nghiệp. Mặt khác, cụm từ “bàn giao tài sản của công ty” này gây khó hiểu, không rõ là bàn giao tài sản trong trường hợp nào. Theo khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014 khi qui định về nghĩa vụ “chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn” cho công ty của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần thì thủ tục được thực hiện như sau: (i) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ; (ii) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
Vậy nên, nếu cụm từ “bàn giao tài sản” là nhằm đề cập đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của thành viên góp vốn sang cho công ty bằng biên bản giao nhận thì chỉ thực hiện việc bàn giao này đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu. Còn đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, nếu dùng từ “bàn giao tài sản” thì lại quá hẹp.
Thêm một ý nữa, cần bổ sung các tranh chấp liên quan đến tạm ngừng kinh doanh và phá sản vào điều khoản trên, vì đây là một dạng tranh chấp vẫn có thể xảy ra trong doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu lập pháp có thể nghiên cứ, chỉnh sửa khoản 4 Điều 30 như sau: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý doanh nghiệp, giữa Giám đốc được thuê với người quản lý của doanh nghiệp tư nhân, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, tổ chức hoạt động, tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản, tổ chức lại doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty”.
4. Về các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật
Theo qui định của khoản này, trừ những qui định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 30 như trên là thuộc thẩm quyền của Tòa án, thì các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại cũng sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Suy ra rằng, các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà không được qui định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 30, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật thì Tòa án sẽ không được thụ lý giải quyết. Ví dụ, hoạt động thương mại giữa các thương nhân thực tế (đều không có đăng ký kinh doanh), hoặc giữa thương nhân thực tế (không có đăng ký kinh doanh) với bên không có mục đích sinh lợi (cũng không có đăng ký kinh doanh) hoặc giữa thương nhân đúng nghĩa (có đăng ký kinh doanh) với bên không có mục đích sinh lợi (không đăng ký kinh doanh) thì cũng là hoạt động thương mại theo Luật Thương mại nhưng tranh chấp phát sinh từ các hoạt động thương mại này lại không được ghi nhận tại khoản 1 Điều 30, do một hoặc cả hai bên đều không có đăng ký kinh doanh (như đã phân tích ở trên và cũng không thuộc khoản 2, 3,4 Điều 30). Ở đây cụm từ “cơ quan, tổ chức” có thể được hiểu bao gồm cả trọng tài thương mại. Nếu vậy, trừ các tranh chấp ở khoản 1, 2, 3, 4 Điều 30, những tranh chấp kinh doanh thương mại khác nếu thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại thì Tòa án không có quyền giải quyết. Điều này là không thể, vì trọng tài là cơ quan tài phán tư, do các bên tranh chấp lựa chọn bằng thỏa thuận trọng tài hợp pháp. Nếu các bên không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì trọng tài không được thụ lý, dù vụ tranh chấp đó theo luật là thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài và khi đó, các bên vẫn có quyền nộp đơn kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Còn nếu qui định như khoản 5 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự thì các tranh chấp loại này, do các bên không chọn trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu nên không giải quyết được bằng trọng tài mà khoản 5 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng loại trừ thẩm quyền của Tòa án thì cơ quan nào sẽ giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại loại này?
Với những phân tích trên, tác giả cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để hoàn thiện các qui định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại của Tòa án.