1. Khái quát về bỏ phiếu trực tuyến trong nền dân chủ hiện đại
Bỏ phiếu điện tử (electronic voting hay e-voting) đã trở thành mối quan tâm từ thập niên 60 của thế kỷ XX cùng với sự ra đời của lá phiếu có thẻ bấm (punched-card ballots), một thập kỷ sau với sự ra đời của các lá phiếu cảm biến quang học (optical mark-sense ballot) và máy bỏ phiếu ghi âm trực tiếp (direct-recording electronic voting machines) - được coi như là thùng phiếu điện tử, đảm bảo tính xác thực của lá phiếu và tạo điều kiện hơn cho việc kiểm phiếu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều học giả nghiên cứu và giới thiệu một phương thức bỏ phiếu mới đó chính là bỏ phiếu qua internet (online voting hoặc internet voting). Điều này cho phép công dân tiếp cận thông tin và thực hiện các quyền chính trị cơ bản, tham gia vào các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân ở cấp độ địa phương và quốc gia thông qua các thiết bị có kết nối internet[1].
Về cơ bản, bỏ phiếu điện tử được hiểu là hoạt động bỏ phiếu được hỗ trợ bởi các thiết bị điện tử. Sự hỗ trợ này có thể bao gồm đăng ký, bỏ phiếu và kiểm phiếu[2]. Nhìn chung, có hai loại bỏ phiếu điện tử thường được nhắc đến: Một là, các loại máy bỏ phiếu được giám sát bởi đại điện của Nhà nước hoặc một cơ quan bầu cử độc lập, ví dụ như máy bỏ phiếu điện tử được đặt tại các khu vực bỏ phiếu; hai là, bỏ phiếu qua internet (i-voting) có nghĩa là thông qua máy tính cá nhân, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử cá nhân công dân có thể gửi phiếu cho cơ quan bầu cử từ bất kỳ địa điểm nào.
Bỏ phiếu trực tuyến (internet voting) bao gồm ba loại: Bỏ phiếu qua các trang web bỏ phiếu (poll site internet voting), kiosk bỏ phiếu (kiosk internet voting) và bỏ phiếu qua internet từ xa (remote internet voting)[3]. Trong đó, bỏ phiếu qua các trang web bỏ phiếu đem lại sự thuận tiện và hiệu quả hơn hệ thống bỏ phiếu truyền thống, cử tri có thể bỏ phiếu qua internet từ các máy đặt tại các điểm bỏ phiếu chính thức, các thiết bị và quy trình bỏ phiếu được kiểm soát bởi cơ quan phụ trách bầu cử. Bên cạnh đó, việc xác thực thông tin cử tri được tiến hành theo phương pháp truyền thống. Kiosk bỏ phiếu là các máy bỏ phiếu không chỉ được đặt ở trong các địa điểm bỏ phiếu mà còn được đặt ở các nơi như kiosk công cộng, trạm xăng, trung tâm thương mại, thư viện… Lợi thế của mô hình này là việc bỏ phiếu có thể được thực hiện giữa các sinh hoạt thường nhật của cử tri, điểm bỏ phiếu sẽ đến gần với cử tri hơn. Bỏ phiếu qua internet từ xa giúp tối đa hóa sự thuận tiện và quyền truy cập cho các cử tri bằng cách cho phép họ bỏ phiếu ở bất kỳ địa điểm nào có thể truy cập internet. Vì hoạt động bỏ phiếu diễn ra trong phạm vi riêng tư, nên việc giám sát bầu cử đối với loại hình bỏ phiếu điện tử này được đặc biệt quan tâm nhằm tránh sự can thiệp đến quá trình bỏ phiếu, kết quả bầu cử.
Trong khi hệ thống bỏ phiếu qua trang web và kiosk có ưu điểm là cử tri có thể bỏ phiếu ở “trên đường” chứ không nhất thiết tại một điểm bỏ phiếu được chỉ định. Trọng tâm chính của hệ thống này là thực hiện việc bỏ phiếu và quy trình kiểm phiếu hiệu quả hơn, do đó, không có sự khác biệt cơ bản so với cách thức bỏ phiếu truyền thống (bỏ phiếu giấy) ngoại trừ lá phiếu bằng giấy thay bằng lá phiếu điện tử. Ngược lại, bỏ phiếu qua internet từ xa đã thay đổi cách thức bỏ phiếu một cách cơ bản, hình thức này cho phép cử tri có thể thực hiện bỏ phiếu từ bất kỳ nơi nào và quá trình bỏ phiếu được thực hiện như một thói quen sử dụng internet, thương mại điện tử hàng ngày. Do đó, tạo ra tiềm năng của hình thức bỏ phiếu mới, người dân có thể thông qua internet dễ dàng thực hiện các quyền chính trị cơ bản của mình, tham gia vào các hoạt động chung của xã hội như bầu cử, trưng cầu ý dân hoặc đóng góp các sáng kiến…
Sự tham gia của công dân vào đời sống chính trị xã hội là một trong những yếu tố cốt lõi của bất kỳ khái niệm dân chủ nào. Trong các nền dân chủ hiện đại, hình thức dân chủ chủ yếu là hệ thống dân chủ đại diện - cơ quan dân cử, là nơi được hình thành bởi con đường bầu cử bỏ phiếu. Bên cạnh đó, dân chủ còn được thể hiện thông qua hình thức dân chủ trực tiếp - người dân đưa ra các sáng kiến hoặc thực hiện quyền biểu quyết (quyết định) của mình trong các cuộc trưng cầu dân ý quốc gia hoặc địa phương. Dân chủ trực tiếp là hình thức quan trọng ở bất cứ nhà nước dân chủ nào. Đặc trưng của dân chủ trực tiếp là trực tiếp, nhanh chóng và đảm bảo tính nguyên vẹn của ý chí chính trị của công dân. Chính vì vậy, tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động chính trị chính là đang xây dựng một nền dân chủ hiện đại. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các quá trình dân chủ, bỏ phiếu điện tử được giới thiệu như một cách thức thuận tiện nhằm phát huy dân chủ và trong tương lai không xa, khi công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ và đi vào đời sống xã hội, bỏ phiếu điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình dân chủ (đặc biệt là dân chủ điện tử).
2. Triển vọng và thách thức của bỏ phiếu điện tử
2.1. Triển vọng
Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của công dân
Sự phổ biến của kỹ thuật thông tin và truyền thông mới tác động đến mọi khía cạnh của đời sống và sự tác động mạnh mẽ của internet đã dẫn tới các cuộc thảo luận và những dự án về dân chủ điện tử trên phạm vi toàn thế giới. Ban đầu, nhiều học giả tin rằng, một ngày nào đó hệ thống mạng internet có thể thay thế nền dân chủ đại diện, cho phép mọi người tham gia vào quá trình dân chủ[4]. Trong những năm gần đây, người ta đã quan tâm nhiều đến bỏ phiếu trực tuyến (online voting) như là một cách để làm cho việc bỏ phiếu được thuận tiện hơn và hấp dẫn hơn với mục tiêu “đối phó” (ở một mức độ nào đó) với vấn đề tỷ lệ bỏ phiếu trắng tăng và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, công dân sinh sống nước ngoài hoặc đi công tác hoặc đi nghỉ mát, người tàn tật và người già[5].
Bỏ phiếu điện tử từ xa được coi là một lựa chọn tối ưu cho bỏ phiếu từ nước ngoài. Điều này có nghĩa rằng, sẽ rất thuận tiện cho công dân ở nước ngoài thực hiện bỏ phiếu nếu áp dụng hình thức bỏ phiếu từ xa. Đối với những cá nhân là công dân sinh sống ở nước ngoài, có ba cách để bỏ phiếu: (i) Công dân sẽ bỏ phiếu trực tiếp tại đại sứ quán, tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là đại sứ quán/lãnh sự quán có thể cách rất xa nơi công dân sinh sống. (ii) Công dân có thể ủy quyền bỏ phiếu cho vợ/chồng hoặc thành viên trong gia đình để bỏ phiếu cho họ tại quê hương của họ. Tuy nhiên, hình thức biểu quyết này dễ bị vi phạm nguyên tắc bầu cử trực tiếp mà Hiến pháp quốc gia quy định. (iii) Cử tri có thể bỏ phiếu thông qua bưu điện. Phương pháp này là phương pháp hiệu quả khi phải biểu quyết từ xa nhưng nó vẫn mang lại một số nguy cơ tiềm ẩn như thời gian chuyển phát thư, thủ tục, chi phí và thời gian. Một số quốc gia như Úc, Anh, Hà Lan, Estonia, Pháp, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ đã tiến hành việc bỏ phiếu điện tử qua internet đối với cử tri ở nước ngoài. Kết quả cho thấy, Estonia và Thụy Sĩ đã đạt được hiệu quả và thành công nhất định[6].
Thứ hai, giảm thiểu chi phí và giảm số lượng phiếu bầu không hợp lệ[7]. Với các đặc trưng của bỏ phiếu điện tử, có thể thấy rằng, bỏ phiếu điện tử có khả năng làm giảm chi phí bằng cách cung cấp thông tin về bầu cử trên internet. Ví dụ, các thông tin về tiểu sử, hình ảnh và hoạt động của ứng cử viên sẽ được hiển thị trên các lá phiếu bầu hoặc trang web sẽ tích hợp và cung cấp các thông tin cơ bản và những phân tích về thuận lợi, khó khăn của vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân, từ đó, làm cho quyết định của cử tri được chính xác hơn. Thêm vào đó, bỏ phiếu điện tử có thể cải thiện quy trình quản lý bầu cử bằng cách tăng hiệu quả, tốc độ và độ chính xác của việc ghi và kiểm phiếu.
Thứ ba, bỏ phiếu điện tử thông qua internet sử dụng chuỗi mã hóa và các cơ chế khác làm giảm gian lận, tạo nên tính minh bạch và khách quan của cuộc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.
2.2. Những thách thức
Mặc dù, bỏ phiếu điện tử là một giải pháp đem lại sự thuận tiện cho cử tri - khi mà họ chỉ cần nhấn vào một trang web để tham gia vào một cuộc bầu cử công khai. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, bỏ phiếu điện tử cũng chứa đựng một số rủi ro và thách thức:
Thứ nhất, khả năng chống gian lận hoặc sai sót: Bỏ phiếu qua internet từ xa có nhiều lỗi bảo mật, bởi lẽ các thiết bị được sử dụng không thể được kiểm soát hoàn toàn, ví dụ như máy tính cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi các phần mềm độc hại và dễ dàng bị tấn công ảnh hưởng đến máy chủ hoặc kết nối có thể bị giả mạo và bị thao túng bởi bên thứ ba.
Thứ hai, khả năng tiếp cận: Bỏ phiếu điện tử có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử bằng cách loại trừ một phần cử tri. Về mặt lý thuyết, bỏ phiếu điện tử có thể tăng cường sự tham gia của cử tri là người cao tuổi. Tuy nhiên, đây là nhóm cử tri “miễn cưỡng” sử dụng máy tính và internet. Điều này vô hình chung đã tạo ra sự phân hóa và bất bình đẳng giữ những người có học vấn và những người ít học hơn, giàu và nghèo, thành thị và nông thôn.
Thứ ba, về tính minh bạch: Người bỏ phiếu không thể xác minh xem lá phiếu của họ có được lưu trữ và đếm chính xác hay không vì hoạt động này ở bên trong các thiết bị máy tính và không được nhìn thấy. Như vậy, con người không thể quan sát chính xác máy tính đang làm gì với các phiếu bầu. Đây là điểm đặc biệt quan trọng và khác biệt so với phương thức bỏ phiếu truyền thống - ở đó, quy trình được thiết kế chính xác để đảm bảo tính minh bạch và khả năng xác minh.
Thứ tư, về vấn đề bí mật, bảo mật và quyền riêng tư. Nội dung liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư là vấn đề cốt lõi trong các cuộc thảo luận về bỏ phiếu điện tử và các giải pháp cho những vấn đề này là trọng tâm của quan niệm về bầu cử tự do và công bằng được quy định trong Hiến pháp các quốc gia. Bỏ phiếu bí mật và riêng tư được hiểu là khi thực hiện các thủ tục đăng ký, bỏ phiếu không bị thao túng hoặc áp lực từ người khác. Đối với hình thức bỏ phiếu thông thường, sự bí mật và riêng tư được đảm bảo bởi các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phụ trách bầu cử. Tuy nhiên, đối với hình thức bỏ phiếu trực tuyến qua internet thì điều đang được đặt ra với nhiều tranh luận ở các khía cạnh như mức độ kín của lá phiếu mà cử tri bỏ, mức độ ẩn danh của cử tri.
3. Khả năng áp dụng bỏ phiếu điện tử ở Việt Nam
Kể từ trước đến nay, Việt Nam áp dụng phương thức bỏ phiếu truyền thống (bỏ phiếu giấy) trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, để thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước tập trung chú trọng áp dụng khoa học - công nghệ trong quản lý xã hội, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tham gia vào đời sống chính trị - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo “… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”, “… đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia...” và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong tiến trình chuyển đổi số và ứng dựng khoa học - công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội. Gần đây, tổ chức We Are Social và Hootsuite đã công bố báo cáo thường niên “Digital 2021” dựa trên khảo sát hạ tầng mạng viễn thông và thói quen sử dụng internet của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, tính đến tháng 01/2021, internet tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ phát triển cao hơn mức trung bình chung của khu vực và đang từng bước xếp vào các quốc gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực này. Cụ thể, tỷ lệ người dùng internet đạt 70,3% (68,72 người sử dụng internet/97,75 triệu dân), tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh là 96,9%, cao hơn mức trung bình chung của thế giới, tỷ lệ sử dụng máy tính/laptop là 66,1%, tỷ lệ sử dụng máy tính bảng 31.9%[8]. Như vậy, điện thoại thông minh không chỉ là công cụ liên lạc, điện thoại thông minh với khả năng cá nhân hóa, khả năng kết nối internet không dây sẽ là tiền đề để chuyển đổi số ở mỗi quốc gia. Có thể thấy, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ đáp ứng được các yêu cầu của bỏ phiếu điện tử.
Tính chính đáng của quyền lực nhà nước có quan hệ mật thiết với vấn đề dân chủ. Yếu tố trung tâm của sự nhận thức về tính chính đáng của quyền lực nhà nước chính là lòng tin của mọi người rằng đời sống vật chất và tinh thần của họ và của đất nước nói chung có sự liên quan đến sự ủng hộ của họ đối với Nhà nước, rằng Nhà nước đang đảm bảo cho họ và đại diện cho lợi ích của họ, chính quyền là của họ và vì họ[9]. Chính vì vậy, đảm bảo cho đa số công dân tham gia thể hiện ý chí chính trị của họ để xây dựng Nhà nước là yếu tố cốt lõi của dân chủ. Theo thống kê của Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), tính nến năm 2020, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là khoảng 5.3 triệu người, sinh sống và làm việc ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ[10]. Trong tương lai, số lượng nhóm cử tri này sẽ ngày càng tăng do xu hướng toàn cầu hóa và giao lưu quốc tế ngày càng được mở rộng. Đây cũng là một trong những nhóm cử tri bị hạn chế trong việc thực hiện quyền bầu cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân hiện nay. Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 và Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 đã quy định cơ chế, phương thức bỏ phiếu bầu cử hoặc trưng cầu ý dân cho công dân Việt Nam sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài nhưng cơ chế này chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi tối đa đối với nhóm cử tri này vì chi phí và thời gian. Bên cạnh đó, nhóm cử tri là người làm công tác ngoại giao hoặc đi công tác trong thời gian bầu cử cũng là những nhóm cử tri bị hạn chế thực hiện việc bỏ phiếu. Để duy trì vị trí trung tâm trong các hoạt động xã hội và đáp ứng yêu cầu của các cấu trúc truyền thông đang thay đổi nhanh chóng trong xã hội thông tin, Chính phủ phải cung cấp những cách thức, công cụ và dịch vụ thông qua hệ thống mạng internet để công dân tham gia vào công việc chung của xã hội.
Thêm vào đó, bỏ phiếu điện tử giúp các cuộc bầu cử, trưng cầu ý dân không bị trì hoãn trong các tình huống khẩn cấp, dịch bệnh quốc gia. Cụ thể, đại dịch Covid-19 đã lây lan đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, có tác động đến sức khỏe người dân, kinh tế và hoạt động của các quốc gia. Theo thông kế của IDEA, có ít nhất 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã quyết định hoãn các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương[11]. Điều này vô hình chung đã tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện quyền cơ bản của công dân và tác động đến nền dân chủ của các quốc gia. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và đảm bảo nguyên tắc bầu cử phổ thông, bỏ phiếu điện tử có thể là lựa chọn đúng đắn.
Hiện nay, bỏ phiếu điện tử vẫn là một công nghệ bỏ có nhiều ý kiến khác nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới với những ưu điểm và hạn chế nhất định. Mặc dù vậy, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là nhận thức của công dân ngày càng được nâng cao, bỏ phiếu điện tử vẫn cần được quan tâm, nghiên cứu để áp dụng trong thời gian tới.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Dimitris A.Gritzalis (2003), Secure electronic voting, Evaluation of voting technologies, published by Kluwer Academic Publishers, ISBN 978 - 1 - 4613 - 4981 - 5, p.4
[2]. https://en.wikipedia.org/wiki/Electronic_voting, truy cập ngày 28/4/2021.
Norbert Kersting and Harald Baldersheim (2004), Electronic Voting and Democracy, Electronic Voting and Demcratic Issues, published by Palgrave Macmilan, ISBN 978-1-349-51891-3, p.5.
[3]. https://aceproject.org/ace-en/topics/et/eth/eth02/eth02b/eth02b4, truy cập ngày 5/5/2021
Norbert Kersting and Harald Baldersheim (2004), Electronic Voting and Democracy, Electronic Voting and Demcratic Issues, published by Palgrave Macmilan, ISBN 978-1-349-51891-3, p.6
[4]. Parliamantary Office of Science and Technology (United Kingdom), Online Voting, (Postnote Nr. 155, May 2001) www.parliament.uk/post/home.htm.
[5]. California Internet Voting Task Force, A report on the Feasibility of Internet Voting, January 2000.
Internet Policy Institute, Report of the National Workshop on Internet Voting – Issues and Research Agenda (March 2001).
[6]. Norbert Kersting (2012), Electronic Democracy, Electronic Voting, publish by Barbara Budrich, ISBN 978-3-8474-0018-9, p.157.
[7]. Norbert Kersting (2012), Electronic Democracy, Electronic Voting, publish by Barbara Budrich, ISBN 978-3-8474-0018-9, p.154.
[8]. https://specials.laodong.vn/chuyen-doi-so-tai-viet-nam-va-nhung-thong-ke-an-tuong-2021/, truy cập ngày 05/5/2021.
[9]. Viện Chính sách công và pháp luật, Viện Nhà nước và pháp luật (2014), Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam, GS.TSKH. Đào Trí Úc, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và vấn đề hoàn thiện dân chủ trực tiếp và dân chủ cở cở ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, ISBN 978-604-939-714-1, tr. 30.
[10]. https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/day-manh-cong-tac-doi-voi-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-trong-tinh-hinh-moi-568517.html, truy cập ngày 05/5/2021.
[11]. https://www.idea.int/news-media/multimedia-reports/global-overview-covid-19-impact-elections, truy cập ngày 05/5/2021.