
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Tham dự Hội nghị có các thành viên của Nhóm công tác số 03 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ; thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp gồm: Cục Hành chính tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước, Cục Quản lý thi hành án dân sự, Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Đảng ủy Bộ Tư pháp cùng đại diện Tập đoàn FPT.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Bộ Tư pháp có rất nhiều cơ sở dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó, cơ sở dữ liệu về hộ tịch được xác định là một trong những cơ sở dữ liệu quốc gia “xương sống” do gắn chặt với công dân và con người. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn những cơ sở dữ liệu khác, vì vậy, buổi làm việc sẽ tập trung rà soát tổng thể toàn bộ các cơ sở dữ liệu của Bộ Tư pháp trên cơ sở 04 nhóm gồm: (i) Nhóm đã xây dựng và đang vận hành; (ii) Nhóm đang xây dựng; (iii) Nhóm đã xây dựng nhưng chưa vận hành được; (iv) Nhóm phải xây dựng trong thời gian tới, từ đó hoạch định kế hoạch chi tiết của Bộ Tư pháp với sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Bộ Tư pháp là Bộ đi đầu trong công tác chuyển đổi số, theo đó, các cơ sở dữ liệu về hộ tịch và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác của Bộ Tư pháp đã được triển khai từ rất sớm, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần phải rà soát lại. Do đó, Bộ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu.
![]() |
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin trao đổi tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như Cục Hành chính tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Cục Quản lý Thi hành án dân sự, Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục Công nghệ thông tin báo cáo một số nội dung về việc rà soát, đánh giá, thúc đẩy triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Tư pháp. Theo đó, trong năm 2025, Bộ Tư pháp phải hoàn thành xây dựng 06 cơ sở dữ liệu gồm: Cơ sở dữ liệu hộ tịch; cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý; cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự; cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm và cơ sở dữ liệu công chứng. Đối với các cơ sở dữ liệu này, Bộ Tư pháp đã rà soát và phân loại theo 04 nhóm, cụ thể: (i) Nhóm 1: Đã xây dựng và sử dụng được gồm 02 cơ sở dữ liệu là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm; (ii) Nhóm 2: Đang xây dựng gồm 04 cơ sở dữ liệu là cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý, cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự, cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu công chứng; (iii) Nhóm 3: Chưa xây dựng: Không có cơ sở dữ liệu nào; (iv) Nhóm 4: Đã xây dựng nhưng không sử dụng được: Không có cơ sở dữ liệu nào.
Đối với các cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực của Bộ Tư pháp như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, dữ liệu pháp điển…); cơ sở dữ liệu theo dõi thi hành pháp luật; cơ sở dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở; cơ sở dữ liệu bồi thường nhà nước; cơ sở dữ liệu quản lý thừa phát lại; cơ sở dữ liệu quản lý đấu giá tài sản; cơ sở dữ liệu quản lý các chức danh bổ trợ tư pháp (luật sư, trọng tài viên…) sẽ tiếp tục được rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai theo yêu cầu của Tổ công tác.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trao đổi tại buổi làm việc. |
Trên cơ sở các báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đề nghị Bộ Tư pháp lưu ý một số nội dung trong quá trình triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu, cụ thể:
Thứ nhất, các cơ sở dữ liệu cần phải bám sát khung kiến trúc dữ liệu chung theo quy định tại Nghị định số 194/2025/NĐ-CP ngày 03/7/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giao dịch điện tử về cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối và chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và Thông tư số 08/2025/TT-BCA ngày 05/02/2025 của Bộ Công an ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu trao đổi với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Thứ hai, tiếp tục rà soát tổng thể toàn bộ các cơ sở dữ liệu, đồng thời, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp cần xác định các cơ sở dữ liệu sẽ phải hình thành trong tương lai.
Thứ ba, quá trình xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan đến con người cần sử dụng triệt để kết quả dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là dữ liệu nền tảng để bảo đảm đồng bộ, thống nhất về mặt dữ liệu, đồng thời tránh lãng phí khi xây dựng cơ sở dữ liệu.
Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nghiên cứu giao thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch đối với từng bộ dữ liệu.
Thứ năm, cần đánh giá cấp độ bảo đảm an ninh, an toàn đối với các cơ sở dữ liệu đang chạy, các cơ sở dữ liệu xây mới hoặc đang xây.
Thứ sáu, cần huy động nguồn lực về con người trong việc tham gia tư vấn, giúp đỡ các đơn vị chuyên môn để có thể sớm triển khai xây dựng, hình thành các nền tảng cho từng bộ dữ liệu.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh gửi lời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Công an, đặc biệt là Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, đồng thời bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công an trong việc hoàn thành các kế hoạch đã đề ra bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.