
![]() |
Toàn cảnh phiên họp. |
Tham dự phiên họp có các thành viên của Hội đồng thẩm định là đại diện của các cơ quan: Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Xây dựng; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội; Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam… và đại diện một số cơ quan thuộc Bộ Tư pháp.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được hoàn thiện để bảo đảm tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế
Trao đổi tại phiên họp, đồng chí Trương Anh Dũng, Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được hoàn thiện để bảo đảm tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế cũng như yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như: Tổ chức bộ máy quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan; quy mô phát triển và phân bổ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số vùng, địa phương chưa hợp lý; quy mô đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ; cơ cấu trình độ đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương, từng giai đoạn phát triển; năng lực, điều kiện của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về bảo đảm chất lượng đào tạo theo nhu cầu của xã hội; hoạt động kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa được tiến hành một cách toàn diện, thường xuyên... Xuất phát từ cơ sở thực tiễn trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành.
![]() |
Đồng chí Trương Anh Dũng, Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi tại phiên họp. |
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) được xây dựng gồm 09 chương, 49 điều với các nội dung chính như: (i) Quy định rõ trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp, trong đó bổ sung trình độ trung học nghề; (ii) Quy định cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng kế thừa sự ổn định của hệ thống giáo dục, đồng thời, mở rộng hệ thống các cơ sở đủ điều kiện tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ; (iii) Quy định về tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ toàn diện trong hoạt động chuyên môn và quản trị nội bộ; (iv) Quy định về Hội đồng trường thống nhất với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; quy định trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trường; giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng và hướng dẫn việc xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có nội dung về cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; (v) Quy định các chính sách tài chính cho giáo dục nghề nghiệp; (vi) Quy định về doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hướng tăng cường quyền và chính sách, thúc đẩy doanh nghiệp gắn kết với giáo dục nghề nghiệp; (vii) Quy định hợp tác, đầu tư nước ngoài trong giáo dục nghề nghiệp.
Phạm vi và nội dung quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp cần mở rộng hơn so với quy định chung về quản lý nhà nước trong Luật Giáo dục
![]() |
Đại biểu trao đổi tại phiên họp. |
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận và cho ý kiến đối với một số nội dung của dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), cụ thể: (i) Về nội dung quản lý nhà nước, một số đại biểu cho biết, đây là lĩnh vực có tính đặc thù cao, chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau theo ngành, lãnh thổ, lĩnh vực… Do đó, phạm vi và nội dung quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp cần phải mở rộng hơn so với quy định chung về quản lý nhà nước trong Luật Giáo dục; (ii) Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung chính sách đối với một số ngành, nghề nặng nhọc, độc hại và ngành, nghề đặc thù liên quan đến hàng hải, cảng biển, hàng không; (iii) Tại khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật quy định: “Công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, năng lực nghề nghiệp đã tích lũy của người học nhằm tạo điều kiện học tập liên thông, học tập suốt đời”, về nội dung này, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung việc quy đổi tương đương đối với người học đã có các chứng chỉ về năng lực nghề nghiệp để cấp bằng trung học mà không cần qua các trường nghề; (iv) Điểm a khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật quy định người học được hưởng chính sách hỗ trợ khi có thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và đạt giải trong các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực, quốc tế. Về nội dung này, một số đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụm “và đạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật, thể thao và kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực và quốc tế” để bảo đảm phù hợp với lĩnh vực nghệ thuật, thể thao…
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận phiên họp. |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau: (i) Hoàn thiện các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng bảo đảm thể hiện rõ, đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua; (ii) Việc xây dựng dự thảo Luật phải bảo đảm phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là những chủ trương, đường lối mới sẽ được Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII thông qua; (iii) Dự thảo luật phải bảo đảm sự thống nhất trong các quy định và với các cái luật khác có liên quan; (iv) Nghiên cứu cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ, chính xác 05 chính sách đã được thông qua cũng như các nội dung được nêu tại 05 vấn đề bổ sung thêm tại nghị quyết của Chính phủ; (v) Cần rà soát lại các vấn đề liên quan đến phân cấp, phân quyền và các vấn đề về hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.