
![]() |
Toàn cảnh họp báo. |
Tham dự họp báo có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan.
![]() |
Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo. |
Các luật được công bố gồm: 1. Luật Nhà giáo 2. Luật Việc làm 3. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 4. Luật Hóa chất 5. Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 6. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 7. Luật Ngân sách Nhà nước 8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo |
Tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ngành liên quan giới thiệu những nội dung cơ bản và điểm mới nổi bật của các luật. Cụ thể:
Luật Nhà giáo: Gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 05 Chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi họp báo. |
Luật Việc làm: Quy định về hỗ trợ tạo việc làm, đăng ký lao động, thông tin thị trường, kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp và áp dụng cho mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi có nhu cầu làm việc, không phân biệt có hay không có quan hệ lao động.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Gồm 4 chương, 11 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026, được sửa đổi nhằm mục đích: Hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu; khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước…
Luật Hóa chất (sửa đổi) năm 2025: Gồm 07 chương, 48 điều với các nội dung mới: Xây dựng chính sách phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Gồm 4 chương, 20 điều, được ban hành nhằm mục tiêu: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đôi, bổ sung để khắc phục khó khăn, vướng mác phát sinh thời gian qua; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định của pháp luật có liên quan, nhất là pháp luật vê đầu tư, về doanh nghiệp, về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Gồm 08 chương, 59 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2025 với những nội dung đổi mới cơ bản: Quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xác định rõ đối tượng áp dụng, trong đó bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ Ngân hàng chính sách; quy định chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền, trách nhiệm trên nguyên tắc minh bạch, hiệu quả, theo cách thức thông thường như các chủ sở hữu khác…
![]() |
Các đại biểu tham dự họp báo. |
Luật Ngân sách nhà nước: Bao gồm 07 chương, 79 điều, trong đó có một số nội dung cơ bản như: Quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương theo 02 nhóm địa phương không nhận bổ sung cân đối và nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương; bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách cho chi đầu tư phát triển, phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế …; bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính sách, pháp luật; điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng tối đa lên 5% và bổ sung quy định phạm vi chi từ nguồn dự phòng đối với chi dự trữ quốc gia./.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Bám sát theo 04 chính sách được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm: Chính sách 1: Về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 2: Về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 3: Quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chính sách 4: Chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo: Được xây dựng trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Các quy định mới quan trọng, mang tính đột phá trong Luật là đã bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; về từ ngữ tiếng Việt trong sản phẩm quảg cáo; yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và điều kiện quảng cáo; quảng cáo trên báo nói, báo hình, trên mạng, ngoài trời...