
![]() |
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Tham dự họp báo có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng; Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 09 Luật vừa được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua.
![]() |
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 09 Luật vừa được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua. |
Cụ thể, các luật được công bố gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Đường sắt.
Giới thiệu về những nội dung cơ bản và điểm mới nổi bật của các luật, đại diện các bộ, ngành có liên quan cho biết:
Thu hút và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ số
Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 06 chương, 51 điều, quy định những nội dung chủ yếu như:
Thúc đẩy, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ số: Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; ưu tiên đầu tư thành lập và phát triển các cơ sở thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển công nghiệp công nghệ số từng thời kỳ.
Thu hút và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ số: Luật đưa ra giải pháp và chính sách toàn diện cho phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.
Tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số: Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp công nghệ số thiết yếu.
Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia lần đầu tiên được luật hóa
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật gồm 03 điều với nhiều điểm mới như: Bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; bổ sung quy định về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, chiến lược tiêu chuẩn quốc gia, cơ quan tiêu chuẩn quốc gia; sửa đổi, bổ sung nguyên tắc, trình tự, thủ tục xây dựng, công bố, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bổ sung quy định thúc đẩy sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định về thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức quốc tế, nước ngoài để giải quyết khó khăn, bất cập hiện nay của doanh nghiệp, khi năng lực thử nghiệm, chứng nhận của các tổ chức trong nước trong một số lĩnh vật liệu mới, công nghệ cao còn hạn chế.
Ứng dụng Hộ chiếu số sản phẩm, nhãn điện tử
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm 03 điều, đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các định hướng lớn:
Chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro: Phân loại sản phẩm, hàng hóa được chuyển từ phân nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo ba mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao). Ưu tiên giám sát và hậu kiểm thay cho tiền kiểm nhằm tăng hiệu quả, giảm can thiệp hành chính.
Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong quản lý chất lượng. Bao gồm: Hộ chiếu số sản phẩm, nhãn điện tử; hệ thống truy xuất nguồn gốc, phản hồi người tiêu dùng; giám sát chất lượng qua nền tảng số, hệ thống dữ liệu tích hợp.
Quy định đầy đủ về nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu
Luật Năng lượng nguyên tử năm 2025 gồm 8 chương, 73 điều, quy định về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; an toàn bức xạ, bảo vệ bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân; nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân; thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
An toàn bức xạ, bảo vệ bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân được quy định tại Chương III chia theo 05 mục với cấu trúc chặt chẽ, phản ánh đầy đủ các khía cạnh quản lý rủi ro, bảo vệ con người và môi trường, cũng như bảo đảm an ninh quốc gia.
Luật Năng lượng nguyên tử năm 2025 đã dành riêng một chương để quy định về nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, với cách tiếp cận quản lý toàn diện theo vòng đời từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, chế tạo và xây dựng, vận hành thử, vận hành chính thức đến chấm dứt hoạt động.
Đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu khoa học
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025 gồm 07 chương, 73 điều với những nội dung mới:
Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả nghiên cứu mang lại và tác động thực tiễn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Lần đầu tiên xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.
Đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, từng bước hình thành các trung tâm nghiên cứu trình độ cao gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo đảm phối hợp hiệu quả với mạng lưới viện nghiên cứu chuyên ngành.
Điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng gồm 03 điều, được xây dựng và ban hành trên tinh thần bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.
Một điểm đáng chú ý là Luật quy định về điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, để bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để cho Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các tổ chức tín dụng thông qua cho vay đặc biệt; quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; quy định về kê biên tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự.
Làm rõ khái niệm dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 5 chương, 39 điều với những nội dung chính như:
Luật đã xây dựng và thống nhất một số khái niệm quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân như: khái niệm dữ liệu cá nhân bao trùm cả môi trường truyền thống và môi trường số; bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý dữ liệu cá nhân; khử nhận dạng dữ liệu cá nhân; làm rõ khái niệm và nội hàm của dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm; chủ thể dữ liệu cá nhân và các bên liên quan trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.
Để đảm bảo khả thi và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm bám sát thực tiễn, đảm bảo tính bao quát, tập trung vào những hành vi phổ biến, nghiêm trọng, như: xử lý dữ liệu cá nhân nhằm chống lại Nhà nước; lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác, cho người khác sử dụng dữ liệu cá nhân của mình để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
![]() |
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu nhiều điểm mới quan trọng của Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc |
Ngày 27/5 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc
Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc gồm 5 chương, 27 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Luật quy định lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm: lực lượng vũ trang, lực lượng dân sự (là cán bộ, công chức, viên chức).
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ngày 27/5 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy giới thiệu về Luật Đường sắt. |
Mở ra cơ hội để khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển hệ thống đường sắt
Luật Đường sắt gồm 4 chương, 59 điều. Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Đường sắt là bổ sung quy định về đầu tư dự án đường sắt bằng nguồn vốn ngoài nhà nước để thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Thời gian qua, các dự án đường sắt đều được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, quy định này đã mở ra cơ hội để huy động tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển hệ thống đường sắt. Bên cạnh đó, Luật vẫn có các quy định ràng buộc, kiểm soát bảo đảm vừa huy động được nguồn lực tư nhân, vừa giữ được vai trò quản lý của Nhà nước đối với hệ thống đường sắt./.