
![]() |
Toàn cảnh phiên họp. |
Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; các thành viên của Hội đồng thẩm định là đại diện của các cơ quan: Bộ Công an; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Đại học Quốc gia Hà Nội; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam… và đại diện một số cơ quan thuộc Bộ Tư pháp.
Tại phiên họp Hội đồng thẩm định, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã tạo hành lang pháp lý mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh, phát huy nguồn lực xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và không theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới của đất nước. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục đại học nhằm tạo cơ sở pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục các hạn chế về chất lượng đào tạo, quản trị đại học, tự chủ tài chính, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế, góp phần hiện đại hóa giáo dục đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển bền vững, đưa giáo dục Việt Nam trở thành trung tâm tri thức và khoa học công nghệ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
![]() |
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại phiên họp. |
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) được xây dựng gồm 09 chương, 51 điều (giảm 22 điều so với Luật Giáo dục đại học hiện hành), trong đó, 08 điều giữ nguyên những nội dung cơ bản; 36 điều sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các quy định cũ; 07 điều quy định mới. Dự thảo Luật có những điểm đột phá so với Luật hiện hành như: (i) Kiến tạo cho các cơ sở giáo dục đại học đột phá, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; (ii) Tăng tính tự chủ, tự quyết của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động giáo dục đại học; (iii) Đột phá trong quản lý nhà nước và quản trị cấp cơ sở giáo dục đại học; (iv) Tạo “sân chơi” cạnh tranh bình đẳng cho các bên liên quan tham gia hoạt động giáo dục đại học.
Trao đổi về nội dung dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau:
Thứ nhất, nội dung Báo cáo đánh giá về lồng ghép bình đẳng giới và việc thực hiện chính sách dân tộc mới chỉ tập trung đánh giá về tình hình triển khai vấn đề lồng ghép giới trong quá trình xây dựng dự thảo Luật mà chưa có những đánh giá chi tiết, cụ thể trong dự thảo Luật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các chính sách về giới trong dự thảo Luật và đánh giá cụ thể hơn về vấn đề này.
Thứ hai, dự thảo Tờ trình dự án Luật đang liệt kê khá nhiều cơ sở chính trị, tuy nhiên lại chưa thể hiện rõ vấn đề về giáo dục đại học; chưa đưa ra được những chính sách cụ thể, những quan điểm chỉ đạo cụ thể của Đảng về giáo dục đại học. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các cơ sở chính trị bảo đảm thể hiện ngắn gọn, súc tích hơn, trong đó nhấn mạnh các chính sách, chỉ đạo của Đảng về vấn đề giáo dục đại học.
![]() |
Đại biểu trao đổi tại phiên họp. |
Thứ ba, khoản 1, 2 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học”; “Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học”. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa quy định cụ thể về các nội dung quản lý nhà nước. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc bổ sung nội dung này.
Thứ tư, tại khoản 2 Điều 48 dự thảo Luật quy định về xử lý vi phạm đã đưa ra các hình thức xử phạt gồm khiển trách, cảnh cáo, xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động, xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Các đại biểu cho rằng, các hình thức xử phạt đã được quy định trong các luật chuyên ngành. Do đó, cơ quan chủ trì soạn cần nghiên cứu lại về sự cần thiết của quy định này.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp. |
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Giáo dục đại học (sửa đổi); các quy định tại dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và phù hợp với các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát bảo đảm sự thống nhất giữa dự thảo Luật với 03 luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo. Ngoài ra, cần thể hiện trong dự thảo Luật các chính sách mới tại 04 nghị quyết chiến lược được ban hành trong thời gian qua gồm: Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới và Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.