1. Các thiết chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay
Ở nước ta, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Để bảo vệ những quyền này của con người, của công dân thì tương ứng với nó các thiết chế được hình thành, bao gồm thiết chế chính trị, thiết chế dân sự, thiết chế kinh tế, thiết chế văn hóa, thiết chế xã hội, thiết chế pháp lý... Mỗi thiết chế có vị trí, vai trò khác nhau nhưng nhìn chung đều hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng một xã hội an toàn, bình đẳng cho con người.
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân, mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, không có ngoại lệ. Pháp luật là cơ sở, là thước đo để điều chỉnh hành vi của con người. Trong quá trình xây dựng pháp luật, các cơ quan chức năng có thẩm quyền nghiên cứu, dựa trên quy tắc, nguyên tắc, luật tục… trong cộng đồng dân cư và đạo đức xã hội… để xây dựng nên những văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với cuộc sống, phù hợp với đạo đức xã hội, điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ khác nhau. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, là tiêu chuẩn để điều chỉnh các mối quan hệ, các hành vi của con người trong xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện trong nước và quá trình hội nhập quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, để những giá trị của pháp luật đi vào cuộc sống, cần phải có cơ chế, con người, cơ sở vật chất... để bảo đảm thực thi.
Như vậy, có thể hiểu một cách đầy đủ, thiết chế là hệ thống những quy chế, những chuẩn mực, quy tắc xử sự được mọi người trong xã hội cho là đúng (được lựa chọn, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng thành hệ thống pháp luật), là cơ sở để định hướng hành vi của con người trong xã hội và hệ thống cơ sở vật chất, nguồn lực, con người để bảo đảm thực thi... Nói một cách khác, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước Việt Nam bảo vệ thông qua nhiều thiết chế khác nhau như thiết chế pháp lý, với thiết chế văn hóa, thiết chế xã hội, thiết chế kinh tế, thiết chế dân sự, thiết chế truyền thông báo chí … Mỗi thiết chế đều giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở nước ta.
2. Vai trò của thiết chế truyền thông báo chí trong việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân
Thiết chế truyền thông báo chí có vị trí, vai trò khá đặc biệt trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thiết chế truyền thông báo chí có thể được hiểu là toàn bộ những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hệ thống cơ cở vật chất, con người… về truyền thông báo chí để báo chí hoạt động đúng định hướng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, của công dân.
Hiện nay, báo chí giữ một vị trí rất quan trọng trong xã hội, trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta. Quyền được tiếp cận thông tin thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị, là quyền cơ bản của con người, được pháp luật các quốc gia và cộng đồng quốc tế công nhận. Báo chí là một trong những phương tiện đắc lực bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của cá nhân, công dân được thực hiện trên thực tiễn.
Theo Điều 1 Luật Báo chí thì báo chí ở nước ta là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân. Báo chí có nhiệm vụ thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hóa, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, báo chí còn có nhiệm vụ phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác và mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Vì vậy, thiết chế truyền thông báo chí có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở nước ta, cụ thể:
2.1. Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho cơ quan báo chí, người làm báo thực hiện chức năng, nhiệm vụ
Hiện nay, ở nước ta nhiều loại hình báo chí cùng tồn tại phong phú, đa dạng. Người dân được cập nhật thông tin một cách thường xuyên, liên tục, nhanh chóng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trên thực tế, cùng một sự vật, hiện tượng, nhưng cách phản ánh, cách đưa tin có thể sẽ làm cho người đọc, người nghe có những nhiều cách hiểu và cách nhìn nhận khác nhau. Do đó, để tạo nên sự đồng thuận, thiết chế truyền thông báo chí sẽ quản lý, định hướng để các cơ quan báo chí đưa thông tin một cách chính xác, rõ ràng, tránh tình trạng đưa thông tin không rõ ràng, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn tới tình trạng hoang mang trong dư luận xã hội. Nhờ có thiết chế truyền thông báo chí, báo chí đã góp phần rất lớn tạo sự đồng thuận xã hội, phản ánh kịp thời những những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà nước bảo hộ mạnh mẽ cho các cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp bằng các quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí, quyền và nghĩa vụ giữ bí mật nguồn tin của cơ quan báo chí, nhà báo. Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động... Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định, báo chí được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Nhờ có các chủ trương, chính sách, pháp luật và các quy định đúng đắn đó đã tạo một hành lang pháp lý vững chắc, để cơ quan báo chí, nhà báo có những quyền đặc biệt trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nếu như không có thiết chế truyền thông báo chí, các cơ quan báo chí, người làm báo không được trao những quyền đặc biệt như quyền được tiếp cận nguồn tin, được pháp luật bảo vệ khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ… thì không có những thông tin nhanh, chính xác để cung cấp cho nhân dân.
2.2. Là cơ sở để truyền thông báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích đề ra
Báo chí Việt Nam hiện nay phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: Cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút[1]. Do vậy, cho thấy vai trò của thiết chế truyền thông báo chí là vô cùng quan trọng. Nếu như thiết chế truyền thông báo chí phù hợp, sẽ tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ. Trên thực tế, nhiều vụ án tham ô, tham nhũng được đưa ra ánh sáng nhờ có có sự tham gia của cơ quan báo chí vào cuộc, đấu tranh với những tệ nạn, những mặt trái của xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Ngược lại, nếu không có thiết chế truyền thông báo chí, báo chí hoạt động một cách tự do cũng sẽ đem lại những ảnh hưởng không tốt cho xã hội. Hiện nay, pháp luật về báo chí tạo hành lang pháp lý cho báo chí phát triển đúng định hướng. Trên thực tế, cùng một thông tin, cùng một sự việc xảy ra trên thực tiễn, nếu như nhà báo, cơ quan báo chí thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo sẽ nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, đưa ra bài học, kinh nghiệm cho bạn đọc. Cũng cùng một vấn đề, nếu như cơ quan báo chí, người làm báo không tuân thủ nghiêm túc đạo đức nghề nghiệp báo chí, mô tả quá kỹ những hành vi sai trái, không đưa ra những bài học, kinh nghiệm để định hướng dư luận, cộng đồng khi đó vô hình chung báo chí đã miêu tả cụ thể hành động sai trái (như hành vi giết người, cướp của...) có thể dẫn tới tình trạng bạn đọc học theo... hoặc tạo ra sự hoang mang trong dư luận xã hội.
Thiết chế truyền thông báo chí có vai trò đặc biệt trong đời sống xã hội, là ranh giới để báo chí hoạt động đúng tư tưởng, định hướng, tôn chỉ mục đích đề ra vì sự phát triển tốt đẹp của xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, của công dân. Khi đó, báo chí giúp cho công chúng hình thành những khát vọng, quan điểm và lý tưởng, nhận thức sâu sắc, đúng đắn những vấn đề cấp bách của đất nước và tình hình quốc tế. Đồng thời, báo chí phổ biến những kinh nghiệm tốt trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với khả năng tác động một cách rộng lớn, nhanh chóng và mạnh mẽ vào xã hội, hoạt động báo chí góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cần văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong khi phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân, báo chí tạo điều kiện để toàn dân tham gia thảo luận và giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước, phê phán và đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực cản trở sự phát triển của xã hội, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hiện nay, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, do đó thông tin được truyền tải một cách nhanh chóng nhưng để tìm hiểu thông tin một cách nhanh chóng, chính xác người dân vẫn tin tưởng và tìm đọc nguồn tin từ báo chí, các phương tiện thông tin chính thống. Bởi lẽ, báo chí, cơ quan truyền thông chính thống chịu sự quy định chặt chẽ của pháp luật, phải đưa thông tin một cách trung thực, chính xác nhất. Báo chí đưa thông tin sai sự thật phải chịu những chế tài theo quy định của pháp luật. Các trang mạng xã hội mới phát triển trong giai đoạn hiện nay, không chịu sự quản lý, ràng buộc chặt chẽ như cơ quan báo chí, việc đưa tin không được kiểm soát chặt chẽ, chủ yếu dựa vào đạo đức của người đưa tin, do đó không có độ tin cậy. Như vậy, có thể nói truyền thông báo chí đã giúp cho việc đưa tin của báo chí chuẩn xác, tin cậy, vì sự phát triển của cộng đồng, vì mục tiêu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, khác việc đưa tin của các trang mạng xã hội, giúp thỏa trí tò mò của người dân hay vì mục đích riêng nào khác… mà không có sự kiểm soát thông tin một cách chặt chẽ.
Báo chí ở Việt Nam hiện nay đang là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ với các loại hình báo chí đa dạng, phong phú. Trong nền kinh tế thị trường, báo chí đứng trước nhiều thách thức, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời phải cạnh tranh, tạo nguồn thu để tồn tại và phát triển. Do đó, thiết chế truyền thông báo chí càng quan trọng, đảm bảo báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình không đi sai định hướng, tôn chỉ mục đích trong nền kinh tế thị trường.
2.3. Là cơ sở thực hiện quyền được tiếp cận thông tin của con người, của nhân dân
Quyền được thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, được pháp luật bảo vệ. Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc đáp ứng quyền cơ bản đó của con người, của công dân. Báo chí, truyền thông đại chúng ra đời, phát triển là nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của công chúng và sự gia tăng nhu cầu thông tin trong xã hội, là phương tiện hữu hiệu trong việc cung cấp, trang bị thông tin, kiến thức trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức cho công chúng. Đây cũng là lý do tạo nên sự tin tưởng của công chúng đối với chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Chính từ sự tin tưởng đó, công chúng mới đi theo định hướng của báo chí, có phản hồi và tích cực hợp tác, thậm chí trở thành nguồn tin của báo chí. Từ thực tiễn đó có thể nói, truyền thông báo chí góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của con người, của nhân dân một cách chính xác, trung thực.
Nhìn chung, thiết chế truyền thông báo chí có vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở nước ta. Thiết chế truyền thông báo chí bảo vệ quyền con người và quyền công dân một cách trực tiếp và gián tiếp. Thiết chế truyền thông báo chí trực tiếp thực hiện quyền con người, quyền công dân như quyền được tiếp cận thông tin, quyền được tự do ngôn luận... và gián tiếp bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội như dân sự, kinh tế, văn hóa... Báo chí phản ánh tất cả những mặt trong đời sống xã hội, có sức mạnh to lớn trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội. Nếu như mọi thông tin được truyền tải trên báo chí đúng sự thật, xuất phát từ cái tâm trong sáng của người làm báo, vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân... khi đó báo chí có tác dụng tích cực, thúc đẩy các thiết chế khác trong xã hội phát triển. Trong trường hợp ngược lại, vì một lý do, một động cơ nào đó tin tức đăng tải không vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, vì lợi ích của dân tộc... khi đó báo chí đã kìm hãm sự phát triển của các thiết chế khác trong xã hội. Như vậy, có thể nói, thiết chế truyền thông báo chí gắn bó chặt chẽ với các thiết chế khác trong xã hội, nếu thiết chế truyền thông báo chí được thực hiện tốt sẽ góp phần thúc đẩy các thiết chế khác phát triển. Ngược lại, khi thiết chế truyền thông báo chí bị xâm phạm sẽ có những ảnh hưởng đến những thiết chế khác, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân trong xã hội.
(Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ về “Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam”)