1. Những nội dung chính về lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Hiệp định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, bảo vệ tính bền vững của môi trường để đảm bảo rằng tự do thương mại sẽ đóng góp vào phát triển bền vững, đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng. Hiệp định CPTPP có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được thể hiện trong 08 Công ước, bao gồm các nội dung: (i) Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (theo Công ước số 87 và Công ước số 98: Quyền tự do liên kết được đề cập đến trong hai Công ước này chỉ bao gồm quyền của người lao động cũng như của người sử dụng lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện cho mình nhằm mục đích tương tác trong quan hệ lao động; hai Công ước này không điều chỉnh các hiệp hội cũng như các hoạt động không thuộc về quan hệ lao động); (ii) Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc (theo Công ước số 29 và Công ước số 105); (iii) Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (theo Công ước số 138 và Công ước số 182); (iv) Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (theo Công ước số 100 và Công ước số 111).
Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992, đã phê chuẩn 5/8 Công ước cơ bản của ILO (bao gồm các công ước số 29, 100, 111, 138, 182) và đang chuẩn bị trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đối với 03 Công ước cơ bản còn lại (các công ước số 87, 98 và 105). Nhưng theo Tuyên bố năm 1998 của ILO thì các nước thành viên dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước cơ bản nêu trên đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các công ước đó. Như vậy, trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO.
Chương 19 về lao động của Hiệp định CPTTP được xây dựng dựa trên Tuyên bố năm 1998 của ILO. Chương này quy định mối liên hệ giữa việc thực hiện Tuyên bố với các điều kiện về thương mại trong một khuôn khổ thời gian nhất định, thông qua văn kiện song phương bên lề.
Một số nội dung cơ bản về lao động trong Hiệp định CPTPP bao gồm: (i) Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động thì cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định. Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên thực tiễn. Đối với cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống luật pháp của Việt Nam về cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung; (ii) Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định CPTPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định CPTPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; (iii) Hiệp định CPTPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO; (iv) Hiệp định CPTPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Điều này cũng phù hợp với quy định của ILO.
Đồng thời, Hiệp định CPTPP đặt ra những yêu cầu cụ thể về quyền lao động và điều kiện làm việc nhằm đảm bảo tự do thương mại đóng góp cho sự phát triển bền vững, giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích về kinh tế một cách công bằng. Những cơ chế thực hiện dự kiến trong hiệp định bao gồm các hoạt động hợp tác, kêu gọi sự tham gia của đại diện doanh nghiệp và đại diện các tổ chức của người lao động cũng như các tổ chức quốc tế như ILO, để củng cố các thể chế thị trường lao động, tạo nền tảng cải thiện đối thoại xã hội (đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động) và tuân thủ Tuyên bố năm 1998.
2. Thách thức
Bên cạnh những cơ hội, việc gia nhập CPTPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia trong đó có Việt Nam về lao động. Chẳng hạn như, nội dung và cam kết lao động sẽ rộng hơn, mức độ tuân thủ cũng phải cao hơn. Đối với Việt Nam, đó là những bất cập về tay nghề, trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam không đồng đều, đa số lao động chưa qua đào tạo. Trong khi đó, người sử dụng lao động cũng phải đối mặt nhiều áp lực về áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa và thực hiện các cam kết trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… CPTPP cũng đặt ra thách thức về lao động. Bởi thế, việc luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia; sức ép của cơ chế giám sát trong đó có các cơ chế giám sát thực hiện các công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và điều kiện thực hiện các thiết chế để thực hiện các Hiệp định. Lúc này, cạnh tranh tăng lên có thể sẽ kéo theo khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.
Theo các chuyên gia, Hiệp định CPTPP không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 Công ước của ILO về những vấn đề này và hệ thống pháp luật về lao động đã được sửa đổi tương đối hoàn chỉnh để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định về tiêu chuẩn và điều kiện lao động ở nước ta vẫn còn một số vấn đề chưa thật sự được cải thiện mạnh mẽ. Ví dụ như vấn đề sử dụng lao động trẻ em. Dù pháp luật quy định không sử dụng lao động trẻ em nhưng thực tế còn một số doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận trong ngắn hạn nên thường sử dụng người lao động dưới 18 tuổi, thậm chí là dưới 15 tuổi. Ðối với các đối tác thành viên của CPTPP có các quy định về tiêu chuẩn lao động cao như Nhật Bản, bất kỳ sản phẩm nào họ nhập khẩu đều yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải khai báo thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, công nhân tham gia quy trình đó từ khâu kiểm soát đầu vào đến khâu kiểm tra đầu ra. Ở những nước này, các tổ chức công đoàn tạo ra các làn sóng phản đối sử dụng lao động trẻ em thông qua việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Ðiều này sẽ tạo ra áp lực và rủi ro cho các nhà nhập khẩu nếu liên quan đến lao động trẻ em.
Như vậy, các nhà nhập khẩu sẽ buộc phải báo cáo các thông tin cơ bản về thời gian làm việc, chế độ bảo hộ lao động và độ tuổi của công nhân ở nước sản xuất hàng hóa cho khách hàng. Nếu doanh nghiệp trong nước bị phát hiện có sử dụng lao động không đủ tiêu chuẩn sẽ có thể bị hủy đơn hàng. Ðồng thời với đó, Hội đồng Lao động nước nhập khẩu sẽ tiến hành tố tụng ở cấp quốc gia theo quy định tại Chương 27 và Chương 28 của Hiệp định CPTPP về việc xử lý vi phạm các cam kết trong Hiệp định thông qua Ủy ban CPTPP. Ðiều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ các nước thành viên nếu không cải thiện các tiêu chuẩn này.
Không chỉ đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn lao động quốc tế trong CPTPP, những doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những xung đột pháp luật về quy định tiêu chuẩn lao động ở từng nước thành viên khi có hoạt động thương mại thực tế. Những nước có tiêu chuẩn cao về lao động có thể sẽ đưa ra các yêu cầu đáp ứng theo tiêu chuẩn của họ. Vì vậy nếu không nhanh chóng cải thiện, cơ hội xuất khẩu hàng hóa sẽ khó trở thành hiện thực[1].
Đối với người lao động, nếu không đáp ứng được yêu cầu, nguy cơ không có việc làm, thất nghiệp của người lao động là rất lớn, luôn có thể đến với cá nhân, nhóm người, thậm chí cả doanh nghiệp.
3. Khuyến nghị
Để tận dụng được các lợi ích, vượt qua những khó khăn, thách thức và nắm bắt cơ hội phát triển bền vững từ CPTPP, các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần cải cách thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể:
Một là, cần cải cách thể chế, đặc biệt là hoàn thiện pháp luật về lao động
CPTPP nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường, giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng. Tuy nhiên, hiệp định này không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức. Do đó, để đạt được điều này đòi hỏi nước ta cần tiến tới phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại là Công ước số 87 về tự do liên kết, Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Đây cũng là những công ước Việt Nam đã cam kết thực hiện thông qua chương phát triển bền vững của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.
Đồng thời, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của Hiệp định CPTPP. Trong số những điều khoản cần sửa đổi, có điều khoản về công đoàn. Đây là một vấn đề khó và mới đối với Việt Nam, cần có quá trình nghiên cứu, xây dựng lộ trình nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về vấn đề này. Riêng đối với lĩnh vực lao động, việc làm, thách thức đối với Việt Nam là tuân thủ về lao động, sự chuẩn bị nguồn nhân lực. Do vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị chu đáo về nguồn lực lao động để bảo đảm hàng hóa Việt Nam được các thị trường tham gia hiệp định chấp nhận[2]. Theo đó, để cụ thể hóa những cam kết của Việt Nam về vấn đề lao động, Việt Nam cần có một quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động theo đúng trình tự, thủ tục. Cụ thể, theo các chuyên gia, Việt Nam cần khoảng thời gian từ 03 - 05 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm. Cùng với đó, nâng cao năng lực thực thi, nhận thức cho công chúng và doanh nghiệp, tổ chức bộ máy thực thi hiệu quả. Đồng thời, trong cam kết của CPTPP có quy định về tăng cường năng lực thực thi pháp luật của quốc gia. Theo đó, chúng ta một mặt phải rà soát, sửa đổi bộ sung luật và các quy định dưới luật, mặt khác, cần tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực thực thi các điều khoản trong cam kết chung và riêng, việc tổ chức thực thi cần nhấn mạnh đến tăng cường năng lực thanh tra lao động.
Từ góc độ của nhà lập pháp và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, để triển khai các cam kết về lao động và công đoàn trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cần hoàn thiện các tiêu chuẩn lao động với một số nội dung như: Đảm bảo quyền của người lao động được tự do thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động nhưng phải tuân thủ pháp luật; bảo đảm tổ chức của người lao động được tự chủ trong quản lý các vấn đề của mình; quy định cụ thể về việc lựa chọn cán bộ cho tổ chức của người lao động; bảo đảm sự tương thích, thống nhất trong quy định của pháp luật lao động với các luật khác; quy định cụ thể đối với các nội dung về phạm vi đình công, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử[3].
Hai là, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động áp dụng trước những tiêu chuẩn lao động theo Hiệp định mà ở thời điểm hiện tại có thể đáp ứng được, cùng với đó là một lộ trình cải thiện các tiêu chuẩn và điều kiện lao động trong chính doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp phải từ nhận thức đi tới hành động, việc đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về lao động liên quan đặc biệt đến loại bỏ lao động trẻ em, bảo đảm quyền tiếp cận công lý trong thực thi pháp luật lao động… là thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời cũng là cách tốt nhất để đáp ứng xu hướng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về lao động của khách hàng thuộc các nước thành viên CPTPP và trên thế giới.
Ba là, để tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại, lực lượng lao động của Việt Nam cần được đào tạo để có kỹ năng nghề, công nghệ thông tin, nhất là về công nghệ mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Việt Nam cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia bốn bộ môn khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật, để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai. Giáo dục đào tạo và khởi nghiệp là hai lĩnh vực cần cải cách. Trên thực tế, sự kết nối giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong lĩnh vực đào tạo là rất quan trọng, đó là cách để lĩnh vực tư thúc đẩy lĩnh vực công thay đổi, cải cách các phương thức giáo dục và đào tạo. Tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực của Việt Nam. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn lao động sẽ là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội thời gian tới.
Ảnh minh họa: Nguồn TTXVN