Theo tổng hợp của Vụ Quản lý Phát hành chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (nay là Vụ Quản lý chào bán chứng khoán) trong bài viết “Phát hành chứng khoán - Nguồn cung hàng hóa chủ yếu cho thị trường chứng khoán Việt Nam” ghi nhận, giá trị phát hành chứng khoán từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu ra công chúng của năm 2012, năm 2013 và 06 tháng đầu năm 2014 lần lượt là 17.778 tỷ đồng, 52.545 tỷ đồng và 10.942 tỷ đồng. Có thể thấy, đây là những con số không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại hiện nay.
Trong khi đó, pháp luật lại không định nghĩa cụ thể chào bán chứng khoán ra công chúng mà liệt kê các phương thức được cho là chào bán chứng khoán ra công chúng tại khoản 12 Điều 6 Luật Chứng khoán, các phương thức đó bao gồm: (i) Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet; (ii) Chào bán chứng khoán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; (iii) Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định.
Mặc dù pháp luật có sự phân biệt rất rõ giữa hai hình thức chào bán này, tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai vẫn có trường hợp các nhà đầu tư băn khoăn, chưa xác định cụ thể phương thức đang thực hiện là chào bán chứng khoán riêng lẻ hay chào bán chứng khoán ra công chúng nên còn lúng túng trong áp dụng. Đơn cử là trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán được sửa đổi bởi Nghị định số 60/2015/NĐ-C P ngày 26/6/2015, theo đó, pháp luật quy định điều kiện chào bán, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư được xác định để mua một phần trong tổng số cổ phần đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng như sau: “Trường hợp tổ chức phát hành thực hiện chào bán một phần trong tổng số cổ phần đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cho một hoặc một số nhà đầu tư xác định (trừ trường hợp chào bán cho cổ đông hiện hữu tương ứng với tỷ lệ sở hữu của họ trong công ty hoặc chào bán cho người lao động), thì phải bảo đảm điều kiện chào bán, điều kiện về quyền, nghĩa vụ của cổ đông không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho cổ đông hiện hữu, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác. Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị phải xác định tiêu chí, danh sách các nhà đầu tư này theo các quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này. Số cổ phiếu chào bán nêu trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán”. Ở đây, cần xác định rõ đối tượng áp dụng của quy định này đó là một phần mà không phải toàn bộ số cổ phần đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, và phần cổ phần này phải xác định trước được nhà đầu tư mua. Việc bán một phần cổ phần đăng ký chào bán ra công chúng cho một số nhà đầu tư xác định thường là phương thức thực hiện để xử lý số cổ phần chưa phân phối hết sau đợt chào bán. Và việc pháp luật dẫn chiếu những điều kiện bắt buộc áp dụng đối với phần cổ phần này như điều kiện của chào bán cổ phần riêng lẻ đã khiến một số doanh nghiệp đang hiểu nhầm và có sự đồng nhất phương thức bán quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 60/2015/NĐ-CP với việc phát hành chứng khoán riêng lẻ. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ quy định của pháp luật, có thể thấy việc bán một phần cổ phần trong tổng số cổ phần đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cho một hoặc một số nhà đầu tư xác định không mang các dấu hiệu của một đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ, cụ thể việc bán các cổ phần trên: (i) Không có quy định giới hạn số lượng nhà đầu tư xác định được mua như quy định của chào bán chứng khoán riêng lẻ; (ii) Không bị hạn chế việc sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để thực hiện chào bán ngay cả đối với số cổ phần bán cho nhà đầu tư xác định trước. Như vậy, các dấu hiệu cần đáp ứng của đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ không thỏa mãn. Bên cạnh đó, việc bán một phần các cổ phần trong tổng số cổ phần đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cho nhà đầu tư xác định trước không phải thực hiện theo các thủ tục của chào bán chứng khoán riêng lẻ. Do đó, việc một số doanh nghiệp đang băn khoăn cho rằng việc bán một phần trong tổng số cổ phần đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cho một hoặc một số nhà đầu tư xác định được xem là một đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ là không có căn cứ.
Trở lại với thống kê của Vụ Quản lý chào bán chứng khoán như đã nêu ở trên, mặc dù giá trị phát hành chứng khoán từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu ra công chúng đều có sự tăng trưởng qua các năm nhưng cơ cấu cổ phiếu phát hành lại không đồng nhất qua các năm đối với các hình thức phát hành khác nhau. Cụ thể, nếu như năm 2012 phát hành cổ phiếu ra công chúng chiếm tỷ trọng lớn (đạt 9.658 tỷ đồng tương đương 53,2% tổng giá trị phát hành), tỷ trọng phát hành riêng lẻ (đạt 8.120 tỷ đồng tương đương 44,7% tổng giá trị phát hành) thì đến năm 2013, tỷ trọng phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng nhanh và đạt 38.184 tỷ đồng (tương đương 67,04% tổng giá trị phát hành), trong khi phát hành cổ phiếu ra công chúng chỉ đạt 14.361 tỷ đồng (tương đương 25,2% tổng giá trị phát hành). Và tính đến 06 tháng đầu năm 2014, cơ cấu cổ phiếu phát hành đang có sự chênh lệch nghiêng về phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ là 46,7% - 19,04% tổng giá trị phát hành. Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp đang có xu hướng “ưu ái” hơn đối với hình thức huy động vốn từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Chính vì vậy, cần có sự hiểu đúng thế nào là đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ nói riêng và chào bán chứng khoán riêng lẻ nói chung để áp dụng các điều kiện huy động cho phù hợp với quy định pháp luật. Bởi lẽ, khác với chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ phải chịu các hạn chế về thời gian giữa các đợt phát hành là ít nhất 06 tháng. Việc hiểu đúng, hiểu rõ bản chất của hoạt động phát hành chứng khoán riêng lẻ sẽ giúp các doanh nghiệp không bỏ lỡ thời cơ để huy động vốn một cách hiệu quả./.