Việc xác định lại giới tính áp dụng với người sinh ra không rõ ràng là nam hay nữ, còn chuyển đổi giới tính áp dụng với những ai có nhu cầu thay đổi giới tính bẩm sinh của mình. Như vậy, về cơ bản thì những ai có nhu cầu đều có thể thực hiện chuyển đổi giới tính. Do Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật, nên phải tới khi Quốc hội ban hành luật về chuyển đổi giới tính thì các cá nhân mới được thực hiện.
Trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2017) thì vấn đề xác định lại giới tính vẫn phải thực hiện theo Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính: Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP quy định nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận về quyền này (cụ thể tại Điều 37). Vì vậy, cá nhân muốn bảo đảm được quyền lợi của mình khi chuyển đổi giới tính thì những cá nhân đó vẫn phải trong tư thế “chờ đợi”. Trong khi đó, tới ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành mà Quốc hội chưa ban hành luật về chuyển đổi giới tính thì quyền này của nhiều người vẫn bị “treo” để chờ luật và văn bản hướng dẫn mới có thể thực hiện.
Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định khái quát về xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính tại Điều 36, Điều 37, vì vậy cần có các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết để giải quyết những vướng mắc về vấn đề chuyển giới, cụ thể như:
Thứ nhất, nếu chưa phẫu thuật chuyển giới sẽ không thể thay đổi giới tính trên giấy tờ, việc thay đổi giấy tờ hộ tịch chỉ áp dụng với người đã chuyển đổi giới tính. Trong khi đó, trên thế giới việc thay đổi giới tính trên giấy tờ không phụ thuộc vào việc phẫu thuật hay chưa.
Thứ hai, chưa có định nghĩa rõ thế nào thì được công nhận là “đã chuyển đổi giới tính”, toàn phần hay một phần. Ví dụ, một người chỉ phẫu thuật một phần ngực thì người đó có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ hay không? Xu hướng trên thế giới là chỉ cần giấy xác nhận tâm lý về giới tính và sử dụng hoóc-môn liên tục ít nhất 12 tháng là có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ.
Thứ ba, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định chung về chế độ hôn nhân gia đình. Các quy định chi tiết nằm ở Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, theo đó thì hôn nhân cùng giới không còn bất hợp pháp, nhưng cũng chưa được thừa nhận và thực thi. Với quy định mới, “cá nhân đã chuyển đổi giới tính có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi”, nghĩa là họ sẽ có các quyền, nghĩa vụ theo đúng như giới tính mới, bao gồm quyền kết hôn với người khác giới. Vấn đề đặt ra là đến bao giờ họ mới được thực hiện quyền này nếu như họ chưa hoàn tất thủ tục chuyển giới cả về giấy tờ và y khoa.
Thứ tư, với quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”, đồng nghĩa sẽ phải có một luật về chuyển đổi giới tính ban hành cụ thể hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục, hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời điểm chính thức mà người chuyển giới có thể thực hiện quyền của mình sẽ được quy định trong luật chuyên ngành đó.
Để giải quyết được những vấn đề trên cần gấp rút xây dựng pháp luật về chuyển đổi giới tính quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như các nguyên tắc phải tuân thủ trong lĩnh vực chuyển giới, hậu quả pháp lý của vấn đề này như thế nào… trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2017) nhằm bảo đảm được đầy đủ các quyền của người chuyển giới, tránh tình trạng điều luật quy định cụ thể nhưng chưa thể thực hiện.
Vũ Ngân
Tài liệu tham khảo:
- Tư liệu Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường iSEE;
- Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính.