Đa dạng hóa dịch vụ viễn thông phù hợp xu thế hội nhập, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xoá khoảng cách số giữa các vùng miền, đặc biệt đối với một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp với các chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng: Việc thực thi các quy định về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và khách hàng. Bài viết đưa ra một vài đánh giá trong việc thực thi các quy định về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cũng như đi tìm những nguyên nhân của sự bất cập, hạn chế về vấn đề này.
Kinh doanh dịch vụ viễn thông là một trong hai hình thức của hoạt động kinh doanh viễn thông[1], là hoạt động thương mại nhằm giúp một bên sinh lợi[2] (gọi là bên cung ứng dịch vụ viễn thông) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ viễn thông theo thỏa thuận. Kinh doanh dịch vụ viễn thông gồm: (i) Kinh doanh nhóm dịch vụ viễn thông cơ bản như: Cước thuê bao + cước truy nhập; chỉ tính cước truy nhập; chỉ tính cước thuê bao hoặc miễn phí toàn bộ; (ii) Kinh doanh nhóm các dịch vụ giá trị gia tăng được thể hiện dưới các hình thức như hợp đồng kinh tế; trả theo tháng; trả theo cường độ sử dụng; hoa hồng.
Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể thực hiện các hành vi kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật. Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm hai loại: (i) Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng; (ii) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng[3].
Việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho nhà đầu tư được thực hiện theo một quy trình, thủ tục nhất định và phải được kiểm soát chặt chẽ. Giai đoạn trước ngày 01/7/2016, tất cả các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP và Thông tư số 12/2013/TT-BTTTT. Sau khi Nghị định số 81/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông có hiệu lực thi hành, thì các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 81/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Cấp phép là lĩnh vực bị tác động rõ ràng nhất bởi sự hội tụ và là một trong yếu tố quyết định sự thành công của quá trình mở cửa thị trường cho cạnh tranh và đổi mới.
Có thể nhận thấy, thời gian vừa qua, hoạt động cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngày càng bền vững của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Những kết quả đó được thể hiện trên những phương diện sau:
Thứ nhất, việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông góp phần mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt đối với lĩnh vực cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng. Quy trình, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản phù hợp với sự phát triển viễn thông trong nền kinh tế thị trường cũng như định hướng của Đảng và Nhà nước. Trước khi Luật Viễn thông ban hành và có hiệu lực thi hành, chỉ có doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối mới được xem xét cấp phép tham gia thiết lập hạ tầng mạng viễn thông. Ngày nay trong điều kiện hội nhập quốc tế, Việt Nam cần những nguồn đầu tư lớn không chỉ là từ các doanh nghiệp nhà nước mà cần có sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc chỉ cho các doanh nghiệp Nhà nước tham gia xây dựng hạ tầng mạng, một mặt sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư và tăng rủi ro kinh doanh vốn nhà nước trong lĩnh vực này do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Nhà nước với nhau. Điều này có thể sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nguy cơ dẫn đến độc quyền trong lĩnh vực viễn thông là điều khó tránh khỏi. Đồng thời, khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, hướng tới một môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh thì việc gia nhập thị trường vieenc thông của của các thành phần kinh tế khác là cần thiết. Thực tế cho thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động viễn thông ngày càng được mở rộng về số lượng cũng như quy mô. Tính đến hết năm 2015, tổng số doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng có 26 doanh nghiệp (trong đó phạm vi toàn quốc có 15 doanh nghiệp; phạm vi khu vực có 06 doanh nghiệp; phạm vi 01 tỉnh/thành phố có 05 doanh nghiệp) và tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có 72 doanh nghiệp[4].
Thứ hai, các quy định tại Luật Viễn thông năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp đa dịch vụ trên một hạ tầng mạng viễn thông, tận dụng tối đa khả năng hạ tầng mạng ứng dụng các công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu hội tụ dịch vụ. Việc cho phép cung cấp đa dạng (hội tụ các loại hình dịch vụ giữa viễn thông, Internet, phát thanh truyền hình) trên một hạ tầng mạng sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên viễn thông, nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Đến hết năm 2015, Việt Nam có 05 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động là VNPT-VinaPhone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile và Gtel mobile, trong đó có 04 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ 3G là VNPT-VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile. Tính đến tháng 10/2015, tổng số thuê bao di động (2G, 3G) phát sinh lưu lượng là 120.607.276 thuê bao (trong đó VNPT-Vinaphone 13,10%, MobiFone 27,89%, Viettel 51,11%, Vietnamobile 2,92%, Gtel Mobile 4,98%) và tổng số thuê bao 3G phát sinh lưu lượng là 36.283.074 thuê bao (trong đó VNPT-Vinaphone 29,43%, MobiFone 16,12%, Viettel 50,90%, Vietnamobile 3,55%). Đối với thị trường Internet, hiện nay có 38 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ Internet, trong đó có 18 doanh nghiệp thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng. Tính đến tháng 10/2015, tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định là 7.303.648 thuê bao (trong đó VNPT 49,13%, FPT 21,23 %, Viettel 22,11%, SCTV 3,86%, CMC 2,02%) và tổng băng thông kết nối Internet quốc tế là 1.431 Gbps, tổng băng thông kết nối Internet trong nước là 905 Gbps[5].
Thứ ba, thực tế cho thấy, giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông có thời hạn tương đối dài (thường là 10 năm). Ví dụ: Công ty Cổ phần Truyền thông Đại Dương Xanh, số giấy phép: 747/GP-BTTTT, dịch vụ được cấp phép là truy nhập Internet, ngày cấp: 25/5/2010, ngày hết hạn: 25/5/2020; hoặc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Asia Communication, số giấy phép: 73/GP-CVT, dịch vụ được cấp phép là truy nhập Internet, ngày cấp: 03/02/2015, ngày hết hạn: 03/02/2025[6]. Quy định về thời hạn của giấy phép thể hiện sự tiến bộ, đảm bảo sự ổn định cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Với những chính sách tích cực về viễn thông như vậy, các thiết chế pháp luật góp phần thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thị trường. Đồng thời, mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông và chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được hoàn thiện và nâng cao trong điều kiện hội nhập.
Thứ tư, phí quyền hoạt động viễn thông - một thành tố của thương quyền doanh nghiệp. Phí quyền hoạt động viễn thông là khoản tiền tổ chức trả cho Nhà nước để được quyền thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông và được xác định trên cơ sở phạm vi, quy mô mạng viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông; số lượng và giá trị tài nguyên viễn thông được phân bổ; mức sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển để thiết lập mạng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng. Theo thông lệ quốc tế, giấy phép viễn thông gắn liền với thương quyền của doanh nghiệp, do vậy các nước trên thế giới hầu hết đều thu phí giấy phép viễn thông dưới một trong ba hình thức: theo phần trăm (%) doanh thu, theo mức cố định hàng năm hoặc cố định một lần cho toàn bộ thời gian của giấy phép, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp xin phép nhưng không triển khai hoặc triển khai hời hợt và điều này dẫn đến làm méo mó thị trường viễn thông, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về viễn thông. Việc quy định phí quyền hoạt động viễn thông như trên thể hiện yếu tố thương quyền trong kinh doanh dịch vụ viễn thông và là yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép tích cực hơn trong hoạt động triển khai giấy phép đã được cấp vì kể từ thời điểm được cấp phép dù có hoạt động hay không doanh nghiệp viễn thông đều phải có trách nhiệm nộp phí quyền hoạt động viễn thông.
Cấp phép là lĩnh vực bị tác động rõ ràng nhất bởi sự hội tụ và là một trong yếu tố quyết định sự thành công của quá trình mở cửa thị trường cho cạnh tranh và đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả không thể phủ nhận, thì việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông vẫn bộc lộ những bất cập được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, cụ thể:
Một là, bất cập trong việc xác định đối tượng được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 thì thị trường truyền dẫn, phát sóng được hình thành trên cơ sở tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Viễn thông không giới hạn thành phần tham gia thị trường viễn thông (trong đó có thị trường truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình). Sự khác biệt này gây khó khăn về mặt sở cứ pháp lý trong việc cấp phép cho các doanh nghiệp Nhà nước không chiếm cổ phần chi phối. Bên cạnh đó, về mức cam kết đầu tư qui định tại Nghị định số 25/2011/NĐ-CP là đối với doanh nghiệplần đầu xin cấp phép. Theo đó, đối với doanh nghiệp xin cấp phép lại sau khi đã triển khai giấy phép 15 năm thì chưa quy định, cho nên không thể áp dụng mức đặt cọc và mức cam kết đầu tư như tại Điều 20, Điều 22 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP.
Hai là, bất cập trong quy hoạch đối với truyền hình cáp. Quy hoạch thị trường đối với dịch vụ phát sóng phát thanh, truyền hình số mặt đất mà không chỉ rõ quy hoạch về mặt thị trường (đối tượng tham gia, số nhà cung cấp, phạm vi cung cấp …) cho các dịch vụ truyền hình trả tiền khác như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh (DTH), truyền hình di động (MobileTV), IPTV[7]. Tuy nhiên, do sự phát triển chung của công nghệ trên thế giới hiện nay theo hướng hội tụ, cho phép các loại dịch vụ khác nhau có thể được cung cấp trên cùng một hạ tầng mạng, truyền hình cáp cũng không đứng ngoài xu thế đó và đã có sự hội tụ giữa truyền thông và viễn thông. Các doanh nghiệp viễn thông đã bắt đầu chuyển sang làm truyền thông và ngược lại, vì vậy, việc sớm xác định và xây dựng quy hoạch về thị trường đối với lĩnh vực này thông qua sự phối hợp giữa đơn vị quản lý hạ tầng và đơn vị quản lý nội dung là rất cần thiết.
Ba là, bất cập trong công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, đối với các bộ hồ sơ sao, không yêu cầu phải có dấu xác nhận, dấu chứng thực bản sao nhưng phải có dấu giáp lai của doanh nghiệp nộp hồ sơ. Trong đó, một dấu giáp lai đóng không quá 05 (năm) tờ văn bản. Về tiêu chí xét tính hợp lệ của hồ sơ, hiện nay cũng có quy định, đối với các loại giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc giấy chứng nhận đầu tư; văn bản xác nhận vốn pháp định trong trường hợp doanh nghiệp không nộp bản gốc; điều lệ doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không nộp bản có giá trị hiệu lực theo quy định tại điều lệ, có dấu chứng thực bản sao đối với điều lệ của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không nộp bản có giá trị hiệu lực theo quy định tại điều lệ phải có chứng thực bản sao[8]. Thực tế cho thấy, việc kiểm tra 01 dấu giáp lai đóng 05 tờ văn bản gây khó khăn trong công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp do hồ sơ của doanh nghiệp thường rất nhiều và số lượng trang rất lớn. Cần quy định thêm hồ sơ sao là bản sao của hồ sơ gốc, tránh tình trạng thực tế có trường hợp doanh nghiệp nộp các bộ hồ sơ sao có nội dung như nhau nhưng được trình bày, in ấn theo hình thức khác nhau, không thống nhất về hình thức trình bày.
Những bất cập, hạn chế trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân xuất phát trong xây dựng, ban hành pháp luật, có nguyên nhân do quá trình áp dụng các quy định trong đời sống thực tiễn. Nhận diện những nguyên nhân thể hiện trên các góc độ chủ yếu sau:
Thứ nhất, xu thế phát triển hội tụ công nghệ ngày càng sâu rộng nên các đặc thù của công nghệ viễn thông, Internet ngày càng xóa đi các ranh giới cụ thể. Viễn thông mà đặc biệt là kinh doanh dịch vụ viễn thông là một lĩnh vực luôn luôn được cập nhật, đổi mới, phát triển hàng ngày, hàng giờ. Do vậy, các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này có thể không kịp thay đổi theo công nghệ và xu hướng, dẫn đến việc không kịp thời điều chỉnh các quan hệ phát sinh hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện; thiếu tính đồng bộ trong việc ban hành các văn bản pháp luật quản lý. Một số tiêu chí cấp phép còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan có liên quan, nhất là phần tài chính (như vốn pháp định - xác định tài sản…), hay yêu cầu về lý lịch tư pháp của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc điều hành, Ban kiểm soát dẫn tới khó khăn trong việc xác định, thẩm định tính chính xác, đầy đủ của số liệu, khiến cho thời gian thẩm định kéo dài. Bên cạnh đó, các quy định về thủ tục hồ sơ đề nghị cấp phép còn rườm rà, phức tạp, nhất là các doanh nghiệp mới gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hồ sơ cấp phép theo đúng quy định, điều này dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục trong quá trình thẩm định do Cục Viễn thông phải trả lời hướng dẫn doanh nghiệp nhiều lần, làm tăng thời gian thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.
Thứ hai, các thủ tục hành chính liên quan đến việc xem xét, cấp hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông phức tạp, qua nhiều khâu ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của việc cấp phép. Chính vì vậy, cơ hội tiếp cận thị trường hiện còn mang tính chung chung, chưa cụ thể và chưa hoàn toàn chuyển sang cơ chế “hậu kiểm”. Các điều kiện cấp phép còn mang tính chất định tính nhiều (ít định lượng), đặc biệt điều kiện về tài chính, kinh doanh, ngoài ra quy định về cấp phép còn một số nội dung chưa rõ ràng và thiếu thống nhất dẫn tới ranh giới giữa việc phải có giấy phép và không cần giấy phép là không rõ khiến cho việc thẩm định hồ sơ mất nhiều thời gian và khó thống nhất cách làm chung đối giữa các hồ sơ đề nghị cấp phép của các doanh nghiệp. Quy định về từ chối cấp phép không rõ ràng nên doanh nghiệp khi nộp hồ sơ không hợp lệ vẫn có thể lại tiếp tục gửi hồ sơ. Do đó, có nhiều trường hợp doanh nghiệp không nghiên cứu kỹ quy định và xây dựng hồ sơ chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ nhưng gửi nhiều lần đến Cục Viễn thông và Cục Viễn thông vẫn phải thực hiện thẩm định gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến các công tác chuyên môn khác. Thậm chí, việc thành lập và giải thể các doanh nghiệp hiện nay khá dễ dàng, trong khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung về doanh nghiệp trên toàn quốc, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc xác định xem doanh nghiệp còn tồn tại hay không cũng làm ảnh hưởng tới công tác thu hồi giấy phép và điều tiết thị trường (có tình trạng doanh nghiệp sau khi bị thu hồi giấy phép thì cổ đông sáng lập ngay lập tức giải thể doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp mới để lách quy định sau 01 năm mới được nộp lại hồ sơ đề nghị cấp phép).
Thứ ba, bất cập, hạn chế trong cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông xuất phát từ công tác thực thi quản lý thị trường liên quan. Thực tế, công tác quản lý thị trường chưa theo kịp được tốc độ và xu thế phát triển nhanh chóng của thị trường viễn thông, Internet. Xu thế phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tốc độ cao đã kết nối mọi thành phần cấu thành một hệ sinh thái mạng băng rộng. Hệ sinh thái này hoạt động tương tác và mang tính toàn cầu nên đòi hỏi sự thực thi quản lý thị trường viễn thông theo Luật cần phải hoàn thiện hơn, đặc biệt các nội dung hướng dẫn Luật cần mang tính thực thi cao hơn nữa. Thực tế, một số doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ viễn thông không thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định, thiếu tuân thủ pháp luật nhưng không được xử lý nghiêm, thường xuyên vận dụng hoặc cố tình lách luật (như ký hợp đồng đại lý ủy quyền để đối tác trực tiếp kinh doanh dịch vụ viễn thông, …) gây ra khó khăn trong quản lý thị trường.
Có thể nhận thấy, những năm qua, cùng với quá trình phát triển của đất nước, Ngành Viễn thông Việt Nam là một trong những ngành có những bước phát triển nhanh, đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với những chính sách tích cực về viễn thông, Việt Nam đã tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp gia nhập thị trường. Đồng thời, mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông và chất lượng dịch vụ viễn thông ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, trong khi giá cước từng bước giảm xuống bằng và thấp hơn mức bình quân của khu vực và thế giới. Trong đó, những giá trị căn bản của hoạt động cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông góp phần mang lại những thành công đối với doanh nghiệp và các giá trị xã hội của đời sống là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh rằng, hoạt động xem xét, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định. Vì vậy, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban Thường vụ quốc hội, Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10.
2. Quốc hội Việt Nam (2009), Luật Viễn thông số 41/2009/QH12.
3. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.
4. Quyết định số 453/QĐ-BTTTT ngày 30/3/2016 về việc công bố thủ tục hành chính mới/thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung/thủ tục hành chính bị bãi bỏ hoặc hủy bỏ/thủ tục hành chính giữ nguyên thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. Trần Đăng Khoa (2007), Phát triển ngành viễn thông Việt Nam đến năm 2020, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Xuân Vinh (2005), Vai trò của viễn thông trong phát triển kinh tế, Nxb. Bưu Điện.
7. Th.S Đỗ Minh Xuân (2014), Hoàn thiện pháp luật kinh doanh dịch vụ viễn thông trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông.
8. Báo cáo tổng kết hoạt động của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông các năm 2013, 2014, 2015.
9. Trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, http://mic.gov.vn/Trang/default.aspx.
10. Trang thông tin điện tử của Cục Viễn thông, http://vnta.gov.vn/Trang/default.aspx
11. Trang thông tin điện tử của Báo Bưu Điện Việt Nam, http://www.ictnews.vn/Home/.
Các tin khác
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp tại Việt Nam Khung pháp lý về mua lại và sáp nhập Ngân hàng thương mại ở Việt Nam Quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất đô thị và hướng hoàn thiện Một số bất cập của pháp luật cạnh tranh hiện hành Định giá tài sản theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự Hoàn thiện các quy định về chế tài trong thương mại theo Luật Thương mại năm 2005 Địa vị pháp lý của Tổ quản lý và thanh lý tài sản theo pháp luật phá sản Những bất cập trong quy định của pháp luật về tranh chấp và giải quyết tranh chấp đất đai