Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, đặc biệt là tại địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới như ở Lào Cai, đòi hỏi chấp hành viên càng phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của chấp hành viên, về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án; đồng thời cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, cấp ủy, chính quyền cơ sở và am hiểu phong tục tập quán, đặc thù vùng miền, nhất là đối với người phải thi hành án là người dân tộc thiểu số. Cụ thể:
1. Quyền và nghĩa vụ của chấp hành viên trong công tác xác minh điều kiện thi hành án
Sau khi được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án, chấp hành viên phải xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện quyết định thi hành án và chịu trách nhiệm toàn bộ về quá trình tổ chức thi hành việc thi hành án đó, trong đó, xác minh điều kiện thi hành án là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo khoản 4 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật Thi hành án dân sự) thì chấp hành viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn như: Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.
Như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên trong công tác xác minh điều kiện thi hành án được thể hiện như sau:
Thứ nhất, chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành hoặc phải xác minh ngay trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự). Nếu chấp hành viên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn theo quy định trên thì có nghĩa là chấp hành viên chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và của các cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Việc thực hiện nhiệm vụ của chấp hành viên được Nhà nước bảo đảm bằng cách trao cho chấp hành viên những quyền hạn và cung cấp trang thiết bị, phương tiện và các nguồn lực khác để hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có việc xác minh điều kiện thi hành án.
Thứ ba, về cách thức tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, chấp hành viên có thể tiến hành xác minh điều kiện thi hành án bằng cách làm việc trực tiếp hoặc thông qua văn bản. Chấp hành viên có thể làm việc trực tiếp với người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin liên quan đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc tại nơi cư trú, nơi có tài sản của đương sự. Chấp hành viên có thể gửi văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, các thông tin bằng văn bản về các nội dung có liên quan đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Thứ tư, để bảo đảm quyền hạn của chấp hành viên trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp tài liệu, thông tin của người phải thi hành án, đó là cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức và cá nhân có liên quan đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thực hiện yêu cầu của chấp hành viên và chịu trách nhiệm về các thông tin đã cung cấp.
2. Thời hạn xác minh điều kiện thi hành án
Xác minh điều kiện thi hành án là hoạt động thường xuyên trong toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án do chấp hành viên thực hiện. Vì thế, tùy thuộc vào việc xác minh được thực hiện để phục vụ cho mục đích gì trong quá trình tổ chức thi hành án mà pháp luật có quy định về thời hạn tiến hành xác minh khác nhau. Theo quy định của pháp luật, có thể chia thời hạn xác minh điều kiện thi hành án thành 04 trường hợp mà chấp hành viên phải lưu ý thực hiện, đó là:
Thứ nhất, trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì chấp hành viên phải tiến hành xác minh ngay khi được phân công tổ chức thi hành án (khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự) để kịp thời giải quyết các yêu cầu cấp bách, hạn chế hoặc khắc phục tối đa hậu quả có thể xảy ra. Quy định này được xuất phát từ yêu cầu cấp bách của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để kịp thời bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu nhập; bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Thứ hai, thời hạn xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp thông thường: (i) Chấp hành viên có trách nhiệm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành (khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự); (ii) Chấp hành viên có trách nhiệm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong trường hợp người được thi hành án tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự, mà chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại hoặc kết quả xác minh của người được thi hành án và của chấp hành viên không thống nhất hoặc bị Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị (khoản 5 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự).
Thứ ba, trường hợp việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành (khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự), pháp luật quy định 03 loại thời hạn xác minh khác nhau, đó là: (i) Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 06 tháng một lần trong trường hợp xác định rõ địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án hoặc trong trường hợp người phải thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại dưới 02 năm; (ii) Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 01 năm một lần trong trường hợp người phải thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án; (iii) Chấp hành viên chỉ phải tiến hành xác minh lại điều kiện thi hành án khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trong trường hợp sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án.
Thứ tư, thời hạn xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp nhận được ủy quyền xác minh: Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 20/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở trong trường hợp cần làm rõ thông tin về tài sản, nơi cư trú, nơi làm việc, trụ sở của người phải thi hành án hoặc các thông tin khác liên quan đến việc thi hành án.
Trong trường hợp này, khi được thủ trưởng phân công, chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án bảo đảm thời hạn theo quy định: (i) Đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì thời hạn là 30 ngày; trường hợp khó khăn, phức tạp thì thời hạn là không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền; (ii) Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền (thời hạn này tính cả việc xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền).
3. Công tác phối hợp trong xác minh điều kiện thi hành án
Để giải quyết việc thi hành án đạt hiệu quả, ngoài việc thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ, về thời hạn xác minh, chấp hành viên cần phải thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án.
Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa chấp hành viên với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong xác minh điều kiện thi hành án đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn như: Việc cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án của một số cơ quan cho chấp hành viên còn chậm, thậm chí có trường hợp cung cấp sai thông tin; việc tham gia xác minh điều kiện thi hành án, tham gia tiêu hủy vật chứng của một số cơ quan còn chậm, thậm chí không tham gia khi được mời; việc thông báo cho cơ quan thi hành án khi tiếp nhận phạm nhân hoặc có phạm nhân đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc phạm nhân chuyển trại của trại giam có lúc chưa kịp thời; một số cấp ủy, chính quyền cấp xã nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm đối với công tác thi hành án dân sự…
Từ những khó khăn nêu trên, để thực hiện tốt công tác phối hợp trong xác minh điều kiện thi hành án, chấp hành viên cần đáp ứng một số yêu cầu sau:
Thứ nhất, chấp hành viên phải nắm vững những quy định của pháp luật, các văn bản phối hợp về quyền, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xác minh, cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án. Đồng thời duy trì công tác phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đúng tầm để thực hiện đầy đủ, thống nhất, hiệu quả các quy chế phối hợp đã ký kết.
Thứ hai, chấp hành viên phải thực hiện tốt vai trò của một tuyên truyền viên, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan đến các cấp, các ngành và nhân dân để các cấp, các ngành và người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi pháp luật về thi hành án dân sự nói chung và công tác phối hợp trong xác minh điều kiện thi hành án nói riêng.
Thứ ba, chấp hành viên phải chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cơ quan thi hành án để trao đổi đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa có sự phối hợp tốt trong công tác xác minh, cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án. Trường hợp cần thiết, báo cáo với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để có sự chỉ đạo kịp thời.
4. Ảnh hưởng của phong tục tập quán, đặc thù vùng miền đến công tác xác minh điều kiện thi hành án
Mặc dù, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục xác minh điều kiện thi hành án. Song, khi áp dụng vào thực tiễn thi hành đối với người phải thi hành án là người dân tộc thiểu số thì hiệu quả chưa cao. Với đặc thù về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng cũng như trình độ dân trí còn thấp, việc nhận thức về pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng của người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Do tính cục bộ dòng tộc, địa phương và nhiều trường hợp người phải thi hành án không biết tiếng phổ thông, nên rất khó khăn cho chấp hành viên trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành.
Vì thế, khi xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là người dân tộc thiểu số, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật, chấp hành viên cần phải có kỹ năng, kinh nghiệm để vận dụng tổ chức thi hành sao cho phù hợp và hiệu quả. Đó chính là kinh nghiệm, giải pháp hướng về cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cơ sở, lấy cấp ủy, chính quyền địa phương làm nòng cốt; đồng thời thực hiện tốt việc bám thôn, bản, các trưởng thôn, trưởng bản, những người có uy tín tại địa phương, thôn bản. Trên cơ sở đó, những người này sẽ là cầu nối giữa chấp hành viên với người phải thi hành án giúp đưa các nội dung, thông tin mà cơ quan thi hành án cần truyền tải đến người phải thi hành án, đồng thời qua đó tuyên truyền, vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành.
Xuất phát từ những lý do trên, với mục đích xác minh điều kiện thi hành án nhằm tổ chức việc thi hành án có hiệu quả, đúng quy định đối với người phải thi hành án là người dân tộc thiểu số, chấp hành viên ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật còn phải biết vận dụng kinh nghiệm vào thực tiễn phù hợp với từng địa bàn công tác, cụ thể:
Thứ nhất, đưa ra các giải pháp để áp dụng phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trong đó cần vận dụng kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng đối với mỗi đối tượng phải thi hành án khác nhau.
Thứ hai, làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phối hợp tốt với cơ sở, tăng cường công tác dân vận, tích cực nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
Thứ ba, thường xuyên bám sát cơ sở, tạo mối quan hệ, sự gắn kết giữa cơ quan thi hành án dân sự và cơ sở thông qua cấp ủy, chính quyền địa phương, các trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng ở cơ sở. Từ đó, tạo cầu nối giữa cơ quan thi hành án dân sự với người phải thi hành án, giúp cho việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nói chung và trách nhiệm, nghĩa vụ trong xác minh, cung cấp điều kiện thi hành án nói riêng đến với người phải thi hành án để họ hiểu và tự nguyện chấp hành.
Trong trường hợp người phải thi hành án không biết tiếng phổ thông, chấp hành viên cần vận dụng mối quan hệ, sự phối hợp để phát huy vai trò của trưởng thôn, trưởng bản và những người có uy tín ở địa phương để tiến hành xác minh đầy đủ điều kiện thi hành án, thực hiện truyền tải các nội dung về thi hành án đến với người phải thi hành án. Đây là vấn đề then chốt trong việc thành công hay thất bại khi xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án đối với người phải thi hành án là người dân tộc thiểu số.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai