Abstract: This article analyzes some theoretical issues about electronic evidence under current Vietnamese law and introduces regulations on electronic evidence of some countries around the world, thereby proposing some suggestions for reference purposes to improve the law on electronic evidence in Vietnam.
1. Khái quát về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự
1.1. Khái niệm chứng cứ điện tử
“Chứng cứ điện tử” là một thuật ngữ tuy mới xuất hiện nhưng đã được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu khoa học pháp lý và trong hoạt động tố tụng dân sự cũng như tố tụng hình sự ở nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, khái niệm chính thức về chứng cứ điện tử chưa được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 1, 2 Điều 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 mới chỉ quy định về giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu chứ không đưa ra khái niệm về chứng cứ điện tử. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Chứng cứ điện tử có mối quan hệ chặt chẽ với dữ liệu điện tử, vì các dữ liệu điện tử chính là nguồn của chứng cứ điện tử. Tuy vậy, không phải dữ liệu điện tử nào cũng có thể trở thành chứng cứ điện tử, bởi dữ liệu điện tử muốn trở thành chứng cứ phải bảo đảm được ba thuộc tính của chứng cứ là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Trường hợp dữ liệu điện tử được khởi tạo mang tính chủ quan của một chủ thể nào đó nhưng không phản ánh đúng sự thật khách quan, chỉ được tạo ra để che giấu, qua mặt cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc trường hợp dữ liệu điện tử bị cắt ghép, lưu trữ, truyền gửi nhưng không bảo đảm được tính nguyên vẹn như vốn có khiến các thông tin chứa đựng trong nguồn chứng cứ như ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh không còn phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Bên cạnh đó, những dữ liệu điện tử không được phát hiện, ghi nhận, thu thập, bảo quản, khai thác đúng theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định cũng không thể trở thành chứng cứ điện tử[1] và không có giá trị sử dụng trong quá trình tố tụng.
Như vậy, chứng cứ điện tử có thể được hiểu là những thông tin, dữ liệu được thu thập từ các thiết bị điện tử như máy tính và các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu hay các thông tin, dữ liệu từ mạng máy tính, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số... cũng như từ mạng internet, được các bên tham gia tố tụng cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền thu thập nhằm chứng minh cho các yêu cầu của các chủ thể hay các đương sự khi giải quyết các yêu cầu, vụ việc theo trình tự tố tụng.
1.2. Đặc điểm của chứng cứ điện tử
Chứng cứ điện tử mang đầy đủ những đặc điểm, thuộc tính như chứng cứ thông thường đó là tính liên quan, tính khách quan và tính hợp pháp. Tuy vậy, với đặc thù là phát sinh từ các dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử có những đặc điểm riêng cụ thể như sau:
- Chứng cứ điện tử là chứng cứ sẽ xuất hiện ngày càng phổ biến trong tương lai: Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện nay, các thiết bị điện tử xuất hiện ngày càng nhiều hơn, hiện đại hơn, thông minh hơn và ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của con người. Thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, các thiết bị nghe nhìn,... việc thu thập và lưu trữ thông tin cũng trở nên dễ dàng và đa dạng hơn. Không chỉ là những đoạn văn bản truyền thống mà có thể là những hình ảnh, âm thanh, video, cảm xúc,… Xét về mặt pháp lý, những thông tin này đã mang lại cách nhìn nhận mới về việc cung cấp những thông tin hay chứng cứ cần thiết trong các vụ việc dân sự hoặc yêu cầu dân sự.
- Chứng cứ điện tử không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không thể tồn tại một cách độc lập mà phải phụ thuộc vào các thiết bị điện tử hoặc các phần mềm ứng dụng: Chứng cứ điện tử được lưu trữ trong các thiết bị điện tử hoặc được tạo ra từ các phần mềm ứng dụng do đó nó không thể được xử lý tương tự hoặc dễ dàng như các chứng cứ thông thường. Đôi khi chúng được tìm thấy ở những nơi mà chỉ các chuyên gia mới có thể tìm kiếm hoặc ở những nơi chỉ có thể tiếp cận bằng các thiết bị đặc biệt. Chứng cứ điện tử không thể tồn tại một cách độc lập mà phải phụ thuộc vào các thiết bị điện tử và các phần mềm để có thể tạo thành thông tin mà cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng có thể nhận biết được. Nếu thiếu thiết bị điện tử hoặc phần mềm ứng dụng phù hợp thì những thông tin có thể trở thành không có giá trị hoặc không thể hiển thị thành định dạng mà ta có thể đọc được, hiểu được, nghe được, nhận biết được bằng các giác quan. Tốc độ thay đổi của công nghệ cũng là một vấn đề rất lớn đối với chứng cứ điện tử khi mà những chứng cứ được tạo ra bởi thiết bị công nghệ cũ không thể định đạng và đọc hiểu được bằng thiết bị và công nghệ mới hoặc cần phải có thiết bị chuyên dụng mới có thể đọc được trong khi đó những thiết bị này qua thời gian quá lâu có thể không còn được sản xuất, không hoạt động được, rất hiếm thấy hoặc không còn tồn tại. Khác với phần lớn các chứng cứ thông thường một khi đã hình thành thì các đặc tính không có sự biến đổi. Nếu có sự tác động hay thay đổi thì qua các hoạt động giám định, các hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng có thể dễ dàng phát hiện. Các thiết bị điện tử và dữ liệu điện tử lại rất dễ bị tác động, bị giả mạo hoặc can thiệp… khi đó nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình nhận thức sự việc đã xảy ra, có thể làm thay đổi đáng kể nhận định, đánh giá chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Điều đó làm ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác, sử dụng chứng cứ điện tử làm cho chứng cứ điện tử có khác biệt rất lớn với chứng cứ vật chất thông thường.
- Chứng cứ điện tử có khả năng chứa đựng lượng thông tin lớn: Chứng cứ điện tử có thể chứa đựng lượng thông tin lớn vì đó là những ký tự dưới dạng số hóa được lưu trữ trong các phương tiện, thiết bị điện tử hoặc mạng internet như thẻ nhớ, máy chủ, hệ thống sao lưu hoặc những nơi khác để lưu trữ dữ liệu. Điều này khác với chứng cứ vật chất bởi chứng cứ vật chất có thể chỉ là độc bản.
- Chứng cứ điện tử có thể dễ dàng được sao chép, phát tán, thay đổi, cập nhật hoặc sửa, xóa. Vì những chứng cứ này thường được lưu trữ dưới dạng các tệp văn bản, hình ảnh, âm thanh,... trên các thiết bị điện tử và được số hóa nên khác với chứng cứ vật chất, việc sao chép, phát tán, thay đổi, cập nhật hoặc xóa một số loại chứng cứ điện tử có thể được thực hiện chỉ với một số click chuột đơn giản. Trong thời đại phát triển của khoa học - công nghệ và mạng internet, có thể sao chép, nhân bản, truyền đi bất kỳ tài liệu điện tử nào và với khối lượng khổng lồ, có thể trên quy mô toàn thế giới với số lượng không giới hạn một cách nhanh chóng thông qua mạng viễn thông và máy tính. Chứng cứ vật chất thông thường có thể dễ dàng bị phá hủy bằng các cách thức vật lý. Trong khi đó, việc phá hủy tài liệu điện tử có nhiều khó khăn bởi những dữ liệu đã xóa hoàn toàn có thể phục hồi bởi những người có khả năng chuyên môn hoặc một số công nghệ có thể ghi nhận mọi sự thay đổi trên dữ liệu.
So với chứng cứ thông thường, chứng cứ điện tử có nhiều điểm khác biệt. Sự khác biệt đó làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại khi thu thập, xác thực và bảo quản chứng cứ điện tử cũng như sử dụng chứng cứ điện tử trong quá trình giải quyết vụ án dân sự hoặc các yêu cầu dân sự. Điều đó có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự liên quan. Chính vì vậy, hoàn thiện các quy định của pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự và nghiên cứu quy định của các quốc gia về chứng cứ điện tử có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử ở Việt Nam hiện nay.
2. Quy định về chứng cứ điện tử ở một số quốc gia trên thế giới
2.1. Quy định về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở châu Âu
Hướng dẫn của Ủy ban Bộ trưởng (Hội đồng châu Âu) thông qua tháng 11/2019 quy định về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính theo đề xuất của Ủy ban châu Âu về hợp tác pháp lý[2] (Hướng dẫn) nhằm thống nhất cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã đưa ra định nghĩa chung thống nhất về chứng cứ điện tử đồng thời quy định các vấn đề chủ yếu liên quan đến sử dụng, thu thập, thu giữ, chuyển giao, lưu trữ, bảo quản… chứng cứ điện tử. Hướng dẫn này có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp một khung pháp lý chung cho các quốc gia thành viên trong quá trình giải quyết các vụ việc thực tế liên quan.
- Theo Hướng dẫn, chứng cứ điện tử là bất kỳ chứng cứ nào phát sinh, lưu trữ từ các thiết bị điện tử hoặc được xử lý qua các chương trình phần mềm, qua các kết nối mạng. Chứng cứ điện tử có thể tồn tại dưới dạng văn bản, video, hình ảnh hoặc âm thanh, bản ghi âm… Các dữ liệu có thể bắt nguồn từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc phương thức truy cập khác nhau, chẳng hạn như điện thoại di động, trang web, máy tính tích hợp hoặc máy ghi GPS, bao gồm cả dữ liệu được lưu trữ trong một không gian lưu trữ bên ngoài sự kiểm soát của chính bên đó (ví dụ như thư điện tử, các đoạn hội thoại, tin nhắn, trò chuyện trực tuyến,…). Chúng được lưu lại từ một thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính hoặc thiết bị giống máy tính và có thể bao gồm các siêu dữ liệu có liên quan.
- Hướng dẫn cũng ghi nhận giá trị chứng cứ của bằng chứng điện tử giống như các bằng chứng khác. Tòa án có quyền quyết định về giá trị chứng minh tiềm năng của chứng cứ điện tử theo quy định về pháp luật dân sự và tố tụng hành chính của mỗi quốc gia. Tòa án có thể trưng cầu giám định của chuyên gia nhưng vẫn là cơ quan cuối cùng có quyền quyết định giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử. Bên cạnh đó, Tòa án không được từ chối bằng chứng hay phủ nhận giá trị chứng cứ của chứng cứ điện tử chỉ vì nó là chứng cứ điện tử hoặc được thu thập hoặc được gửi dưới hình thức điện tử. Việc xử lý chứng cứ điện tử không được gây bất lợi cho các bên tham gia dân sự. Việc xác thực chứng cứ điện tử là phải xác định các tiêu chí về sự liên quan, độ tin cậy và nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên đưa ra chứng cứ điện tử.
- Chứng cứ điện tử phải được thu thập theo cách phù hợp và an toàn, phải được nộp cho Tòa án bằng những phương thức hoặc dịch vụ đáng tin cậy (ví dụ như dịch vụ ủy thác). Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống các quy định về trình tự, thủ tục để thu giữ hoặc thu thập an toàn các tài liệu điện tử và chứng cứ điện tử nhằm tránh các nguy cơ rủi ro có thể dẫn đến phá hủy hoặc mất mát chứng cứ điện tử kể cả đối với những tài liệu và bằng chứng được thu thập ngoài biên giới lãnh thổ. Chứng cứ điện tử phải được lưu trữ theo cách bảo đảm khả năng đọc, khả năng truy cập, tính toàn vẹn, tính xác thực, độ tin cậy, tính bảo mật và quyền riêng tư. Việc lưu trữ và bảo quản này phải được thực hiện với một siêu dữ liệu đã được chuẩn hóa và được thực hiện bởi các chuyên gia hoặc các cơ quan có chuyên môn để giảm rủi ro về an ninh mạng, tránh thiệt hại hoặc truy cập trái phép.
2.2. Quy định về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự ở Nhật Bản
Hệ thống pháp luật ở Nhật Bản không tồn tại quy chế thống nhất cho tố tụng dân sự và tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cả hai ngành luật này đều có quy định về chứng cứ điện tử. Trong tố tụng dân sự Nhật Bản, nguyên tắc tự do đánh giá chứng cứ trao quyền cho thẩm phán trong việc quyết định xác định chấp nhận chứng cứ ngoại trừ chứng cứ được thu thập một cách bất hợp pháp và chứng cứ điện tử cũng được chấp nhận như các chứng cứ thông thường. Tuy nhiên, trong pháp luật Nhật Bản có sự phân biệt giữa các loại chứng cứ điện tử với nhau dựa trên sự khác biệt về mức độ tin cậy của các loại chứng cứ điện tử. Dữ liệu số hay dữ liệu máy tính (digital data) thường được đánh giá khác với dữ liệu tương tự (analogue data) vì mức độ tin cậy của chúng khác nhau. Nội dung của dữ liệu số không thể được xác minh một cách trực tiếp bằng việc sử dụng các thiết bị để phát lại và chúng cũng không tồn tại dưới hình thức duy nhất[3].
Trong tố tụng dân sự Nhật Bản, một tài liệu muốn được coi là bằng chứng phải là bản gốc. Tuy nhiên, bản sao có chứng thực của tài liệu gốc hoặc bản sao được chứng thực cũng có thể được chấp nhận. Dữ liệu điện tử được ghi trên các phương tiện cũng có thể coi là bản gốc. Một số Tòa án ở Nhật Bản coi bản in của dữ liệu điện tử là bản gốc vì bản thân dữ liệu điện tử không thể được ký. Do đó, bản ghi được in ra là tài liệu quan trọng nhất để Tòa án xem xét giải quyết vụ việc hoặc yêu cầu dân sự. Trong trường hợp tính xác thực của dữ liệu và bản in có vấn đề, Tòa án có thể yêu cầu một chuyên gia kiểm tra tính xác thực của dữ liệu, kiểm tra phương tiện ghi nhận hoặc lưu trữ dữ liệu hoặc người có trách nhiệm điều hành hệ thống điện tử cũng có thể được triệu tập như là một nhân chứng của vụ việc. Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản quy định trong quá trình giải quyết vụ án hoặc yêu cầu dân sự, một số loại tài liệu phải được các bên đương sự cung cấp cho Tòa án theo yêu cầu. Điều đó thể hiện trách nhiệm của các bên đối với việc xuất trình chứng cứ cho Tòa án. Bên yêu cầu cung cấp chứng cứ phải nêu rõ chức danh, nội dung tóm tắt của yêu cầu, sự việc cần chứng minh và lý do yêu cầu xuất trình chứng cứ. Thẩm phán có thể coi việc một bên không hợp tác là một yếu tố bất lợi chống lại bên đó, bên cạnh việc đánh giá bằng chứng do các bên trình bày.
2.3. Quy định về chứng cứ điện tử của pháp luật Trung Quốc
Pháp luật Trung Quốc không có quy định riêng về chứng cứ điện tử. Chứng cứ điện tử cũng giống như các loại chứng cứ khác và áp dụng theo nguyên tắc chứng cứ chung[4]. Pháp luật Trung Quốc quy định, chứng cứ điện tử được xác định theo phạm vi. Dữ liệu điện tử bao gồm: Thông tin được đăng trên các nền tảng trực tuyến như trang website, blog, webio...; thông tin liên lạc qua các dịch vụ mạng như tin nhắn văn bản, thư điện tử, tin nhắn tức thời và các nhóm liên lạc; thông tin về hồ sơ như đăng ký người dùng, nhận dạng danh tính, giao dịch điện tử, hồ sơ giao tiếp, nhật ký đăng nhập; các tệp được lưu trữ trong thiết bị điện tử như tài liệu, hình ảnh, âm thanh, video, chương trình máy tính; những thông tin khác được lưu trữ hoặc xử lý hoặc chuyển giao dưới dạng dữ liệu điện tử.
Trong quá trình giải quyết các tranh chấp, một bên có thể giao nộp cho Tòa án các chứng cứ điện tử mà mình thu thập được bằng cách sử dụng các thiết bị đa phương tiện khác nhau hoặc dưới dạng bản sao, bản in tài liệu và những chứng cứ liên quan để xác thực chứng cứ đã cung cấp. Để xác thực tính chính xác, tin cậy của chứng cứ, một trong những phương thức các bên thường sử dụng đó là công chứng chứng cứ điện tử. Việc công chứng chỉ có thể được thực hiện bởi một văn phòng công chứng do Chính phủ và các công chứng viên. Đây là phương thức có độ tin cậy cao và chứng cứ công chứng là những bằng chứng khó bị bác bỏ. Những phương thức thu thập chứng cứ khác có thể sử dụng đó là thu thập thông qua dấu vết thời gian hay công nghệ blockchain[5].
Quy tắc về chứng cứ do Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành ngày 25/12/2019 quy định một số yếu tố mà các Tòa án cần xem xét khi đánh giá tính xác thực của chứng cứ điện tử, đó là: Tính toàn vẹn và độ tin cậy của hệ thống máy tính để tạo ra, lưu trữ và truyền dữ liệu điện tử, bao gồm cả phần cứng và phần mềm; trạng thái hoạt động của hệ thống máy tính hoặc bất kỳ tác động nào đến việc sản xuất, lưu trữ và truyền dữ liệu điện tử nếu hệ thống máy tính không hoạt động bình thường và hiệu quả của các biện pháp giám sát và xác minh trong hệ thống máy tính để sửa hoặc tránh sai sót; toàn bộ dữ liệu điện tử có được lưu trữ, truyền đi và rút lại hay không; hoặc phương thức lưu trữ, truyền và rút dữ liệu điện tử có đáng tin cậy hay không; dữ liệu điện tử có được tạo ra và lưu trữ trong quá trình kinh doanh hoặc giao dịch bình thường hay không; tư cách hợp lệ của những người hoặc tổ chức lưu trữ việc truyền và rút dữ liệu điện tử; các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và độ tin cậy của dữ liệu điện tử… Việc đánh giá chứng cứ của Tòa án có thể thực hiện bằng cách so sánh bản sao dữ liệu điện tử với bản gốc có sẵn trong phương tiện lưu trữ; kiểm tra tuyên bố của bên tạo ra dữ liệu điện tử; kiểm tra xem quy trình và thủ tục thu thập dữ liệu điện tử; khả năng sửa đổi, bổ sung hoặc giả mạo nội dung… Ngoài việc xem xét chứng cứ điện tử, Tòa án có thể yêu cầu các chứng cứ khác để củng cố giá trị của chứng cứ điện tử và sự thừa nhận hay bác bỏ của bên còn lại để xác thực chứng cứ hoặc yêu cầu giám định tư pháp hoặc hỗ trợ xác minh chứng cứ.
3. Một số gợi mở mang tính tham khảo cho việc hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử ở Việt Nam
Qua việc nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến chứng cứ điện tử của một số hệ thống pháp luật như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, tác giả đưa ra một số gợi mở mang tính tham khảo cho việc hoàn thiện quy định của pháp luật về chứng cứ điện tử ở nước ta hiện nay như sau:
Một là, xây dựng khái niệm về chứng cứ điện tử và dữ liệu điện tử. Trong đó, cần có sự phân biệt giữa các loại chứng cứ điện tử dựa trên nguồn gốc dữ liệu điện tử. Chứng cứ điện tử bao gồm chứng cứ điện tử kỹ thuật số và chứng cứ điện tử analog, chúng có nguồn gốc khác nhau và cần phải có sự phân biệt bởi mức độ tin cậy khác biệt. Chứng cứ điện tử cần được hiểu là những thông tin thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử mà con người có thể nhận biết được như chữ số, chữ viết, ký tự, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh hoặc các dạng tương tự được ghi nhận trong hồ sơ vụ việc, vụ án dân sự, hình sự, hành chính, phản ánh một cách khách quan, liên quan về sự kiện pháp lý dân sự, hình sự, hành chính và có ý nghĩa trong giải quyết vụ việc, vụ án dân sự, hình sự, hành chính. Dữ liệu điện tử được hiểu là một nguồn chứng cứ được quy định trong các Bộ luật Tố tụng. Dữ liệu điện tử tồn tại trong các thiết bị, phương tiện điện tử, khu vực lưu trữ hoặc được truyền đi, tiếp nhận từ các thiết bị, phương tiện điện tử. Khi thông qua một phần mềm thích hợp các dữ liệu sẽ biểu thị dưới dạng thông điệp giao tiếp, có khả năng thể hiện dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc các dạng tương tự mà con người có thể nhận biết được bằng các giác quan.
Hai là, có thể tham khảo các quy định trong việc thừa nhận các dịch vụ ủy thác trung gian trong thu thập bảo quản, xác thực chứng cứ điện tử, ứng dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ blockchain trong quá trình thu thập đánh giá chứng cứ giúp việc thu thập chứng cứ dễ dàng, chính xác hơn.
Ba là, đối với các chế định trong tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng có sự liên quan đến chứng cứ điện tử như quy định về trình tự, thủ tục thu thập, tìm kiếm, phát hiện, bảo quản, đánh giá, sử dụng, lưu trữ dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử… cần có sự thống nhất theo một hướng dẫn chung với một bộ tiêu chí chung và áp dụng những nguyên tắc chung cho toàn bộ quy định trong hệ thống pháp luật tố tụng.
Mỗi hệ thống pháp luật trên thế giới có mô hình quy định riêng về chứng cứ điện tử. Trong đó, có những quy định mang tính tương đồng với pháp luật Việt Nam. Một số quốc gia lựa chọn ban hành luật mẫu hay đạo luật riêng về chứng cứ điện tử trong khi những quốc gia khác có thể lựa chọn mô hình áp dụng các quy định chung về chứng cứ cho chứng cứ điện tử nhưng kèm theo đó là những quy định mang tính đặc thù. Mỗi mô hình đó đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng và mặc dù bản chất của mỗi hệ thống pháp luật không giống nhau nhưng việc tham khảo các quy định của các quốc gia khác vẫn là cần thiết trong quá trình hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử ở Việt Nam hiện nay.
ThS. Đinh Thị Ngọc Hà
Khoa Luật, Đại học Thương mại
[1]. Nguyễn Đức Hạnh, Dữ liệu điện tử và chứng cứ điện tử, Tạp chí Khoa học kiểm sát, Số chuyên đề tháng 1/2019.
[2]. The Guidelines of the Committee of Ministers to member States on electronic evidence in civil and administrative proceedings were adopted by the Committee of Ministers of the Council of Europe on 30 January 2019, as proposed by the European Committee on Legal Co-operation (CDCJ).
[3]. Hironao Kaneko, Electronic evidence in civil procedure in Japan, Digital Evidence and Electronic Signature Law Review, Vol 5, https://journals.sas.ac.uk/deeslr/issue/view/305.
[4]. Lê Thị Hòa, Chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự dân sự, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021.
[5]. How to Collect Evidence from Internet and Social Media - Guide to China’s Civil Evidence Rules, https://www.chinajusticeobserver.com/a/how-to- collect-evidence-from-internet-and-social-media.
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023