1. Một số nội dung cơ bản trong Luật Hòa giải của Singapore
1.1. Khái niệm hòa giải
Điều 3.(1) Luật Hòa giải Singapore năm 2017 đưa ra khái niệm về hòa giải: “Hòa giải là một quá trình bao gồm một hoặc nhiều phiên họp mà trong đó một hoặc nhiều hòa giải viên hỗ trợ các bên trong một vụ tranh chấp để giải quyết tất cả hoặc bất kỳ nội dung nào sau đây nhằm tạo điều kiện cho việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần tranh chấp:
(a) Xác định các vấn đề tranh chấp;
(b) Khám phá và đưa ra các lựa chọn;
(c) Liên lạc với các bên;
(d) Đi đến thỏa thuận hòa giải thành một cách tự nguyện”.
Như vậy, khái niệm hòa giải trong Luật Hòa giải Singapore năm 2017 được thể hiện theo nghĩa rộng, chứ không chỉ có hòa giải thương mại. Về cơ bản, khái niệm này đã làm rõ được những đặc trưng trong cơ chế hòa giải về chủ thể (hòa giải viên), về một số hoạt động cơ bản và đặc biệt, khái niệm này đã thể hiện rõ nét tính “tự nguyện” - một trong những ưu điểm nổi bật của hòa giải.
1.2. Thỏa thuận hòa giải
Cũng theo quy định của Luật Hòa giải Singapore năm 2017, thỏa thuận hòa giải là một thỏa thuận bởi hai hay nhiều người về việc đưa toàn bộ hoặc một phần tranh chấp phát sinh, hoặc có thể phát sinh giữa các bên để giải quyết bằng hòa giải. Thỏa thuận hòa giải có thể được thể hiện dưới dạng một điều khoản của hợp đồng hoặc dưới dạng một thỏa thuận riêng biệt1.
Về hình thức, thỏa thuận hòa giải phải được xác lập bằng văn bản. Tuy nhiên, Luật Hòa giải của Singapore cũng quy định được coi là xác lập bằng văn bản nếu “nội dung của nó được ghi nhận bằng một hình thức nhất định, dù bản thân thỏa thuận hòa giải đã được ký kết bằng miệng hay không, căn cứ vào một ứng xử hoặc bất kỳ cách thức nào khác”2.
Như vậy, theo pháp luật Singapore, nếu như trong trường hợp các bên thỏa thuận bằng lời nói về việc đưa tranh chấp ra trọng tài và họ “thể hiện bằng văn bản” thỏa thuận đã thông qua một bản ghi âm nói trên thì thỏa thuận này vẫn được coi là hợp pháp. Đây là một quy định thể hiện tính linh hoạt và sự tiến bộ của nhà làm luật Singapore, đặc biệt trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin như hiện nay.
1.3. Tiêu chuẩn hòa giải viên
Singapore không có luật hoặc một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia điều chỉnh việc kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn hòa giải viên3. Luật Hòa giải của Singapore cũng không đưa ra các tiêu chuẩn chung cho hòa giải viên, thậm chí, Luật này còn bổ sung một số quy định của Luật Hành nghề pháp lý (sửa đổi năm 2009), theo đó, các yêu cầu đối với người hành nghề và người không được ủy quyền, người không được ủy quyền hoạt động với tư cách người biện hộ hoặc cố vấn pháp lý cũng không áp dụng đối với hòa giải viên. Vì vậy, tiêu chuẩn về hòa giải viên do các trung tâm hòa giải tự quy định hoặc các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, để kết quả hòa giải thành được công nhận như một lệnh hay phán quyết của Tòa án thì việc hòa giải phải được thực hiện bởi một trung tâm hòa giải hoặc một hòa giải viên đã được chứng nhận theo quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền4.
Ở Singapore, Viện Trung gian quốc tế Singapore (SIMI) - một tổ chức phi lợi nhuận được Bộ Pháp luật Singapore và Đại học quốc gia Singapore hỗ trợ5 - có nhiệm vụ cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn cho các hòa giải viên. Chương trình chứng nhận hòa giải viên của SIMI (The SIMI Credentialing Scheme) được xây dựng thành bốn cấp riêng biệt6: Hòa giải viên cấp độ 1 được SIMI công nhận; hòa giải viên cấp độ 2 được SIMI công nhận; hòa giải viên cấp độ 3 được SIMI công nhận và hòa viên được SIMI chứng nhận. Như vậy, Chương trình chứng nhận hòa giải viên của SIMI được xây dựng theo hệ thống phân tầng. Điều này đảm bảo rằng các cá nhân có kỹ năng và kinh nghiệm hòa giải đều có thể nhận được sự công nhận với các mức độ khác nhau. Từ đó, các bên tranh chấp cũng có thêm căn cứ để lựa chọn hòa giải viên.
1.4. Kết quả hòa giải thành
Tranh chấp được coi là giải quyết thành công nếu các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Trước đây, việc thi hành thỏa thuận hòa giải thành vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, từ sau khi Luật Hòa giải Singapore năm 2017 có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ có cơ chế hỗ trợ bắt buộc thi hành từ phía Tòa án. Cụ thể, khi một thỏa thuận hòa giải được đưa ra với sự đồng ý của tất cả các bên khác mà không có thêm bất kỳ thủ tục tố tụng nào được tiến hành tại Tòa án thì một bên tranh chấp có thể nộp đơn đến Tòa án để yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải thành như một lệnh hay phán quyết của Tòa. Ngoài ra, để được Tòa án công nhận, thỏa thuận hòa giải thành phải đáp ứng các điều kiện như: Được lập thành văn bản, có chữ ký của tất cả các bên tranh chấp; đơn yêu cầu công nhận phải được gửi đến Tòa án trong vòng 08 tuần kể từ ngày hòa giải thành; việc hòa giải đã được thực hiện bởi một trung tâm hòa giải hoặc một hòa giải viên đã được chứng nhận theo quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Song song với các quy định về công nhận kết quả hòa giải thành bởi Tòa án thì Luật Hòa giải Singapore năm 2017 cũng có các quy định về việc không công nhận kết quả hòa giải. Điều 12.(4) Luật này quy định Tòa án có thể từ chối công nhận thỏa thuận hòa giải thành dưới dạng một lệnh của Tòa nếu:
- Thỏa thuận vô hiệu do có một bên không đủ năng lực, do gian lận, thông tin sai, ép buộc, nhầm lẫn hoặc bất kỳ lý do nào khác dẫn đến hợp đồng vô hiệu;
- Vấn đề của thỏa thuận không có khả năng giải quyết;
- Bất kỳ điều khoản nào của thỏa thuận không có khả năng thực thi như lệnh của Tòa án;
- Khi vấn đề tranh chấp liên quan đến quyền lợi của trẻ em hoặc quyền nuôi con, một hoặc nhiều điều khoản của thỏa thuận không vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ;
- Việc công nhận thỏa thuận hòa giải thành dưới dạng lệnh của Tòa án là trái với chính sách công.
1.5. Vấn đề bảo mật
Điều 9.(1) Luật Hòa giải Singapore quy định: “Ngoại trừ khoản 2 và khoản 3 Điều này, một người sẽ không được tiết lộ bất cứ thông tin trao đổi gì liên quan đến hòa giải với bên thứ ba”. Theo đó, khoản 2 và khoản 3 Điều luật này quy định rất chi tiết về các trường hợp mà hòa giải viên cũng như các bên được tiết lộ thông tin với một bên thứ ba. Cụ thể, một người có thể tiết lộ thông tin hòa giải cho bên thứ ba trong một số trường hợp như:
- Việc tiết lộ tất cả các bên tham gia hòa giải đồng ý và thông tin hòa giải được tiết lộ là thông tin được thực hiện bởi một người không phải là một bên tham gia hòa giải hay một người thực hiện thông tin hòa giải;
- Có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tiết lộ là cần thiết để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ bị thương cho bất kỳ người nào; hoặc để ngăn ngừa sự lạm dụng, bóc lột trẻ em hoặc thanh thiếu niên (theo quy định của Chương 38 Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên);
- Việc tiết lộ được thực hiện cho mục đích nghiên cứu, đánh giá hoặc giáo dục mà không làm lộ (dù trực tiếp hay gián tiếp) danh tính của người thực hiện thông tin hòa giải hoặc bất kỳ người nào mà thông tin hòa giải có liên quan; hoặc việc tiết lộ được thực hiện với mục đích tìm kiếm lời khuyên pháp lý;
- Người tiết lộ thông tin hòa giải là một trọng tài viên đóng vai trò là người hòa giải theo quy định của Luật Trọng tài và Luật Trọng tài quốc tế Singapore7 và việc tiết lộ được thực hiện theo đúng như các quy định của luật này8;
- Việc tiết lộ được yêu cầu theo lệnh của Tòa án; được yêu cầu/cho phép theo bất kỳ luật thành văn nào…
Bên cạnh đó, một người sau khi rời khỏi Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài, có thể tiết lộ thông tin hòa giải cho bên thứ ba về cuộc hòa giải với các mục đích thực thi hoặc tranh chấp thỏa thuận hòa giải; cáo buộc hoặc khiếu nại về hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp đối với hòa giải viên hoặc bất kỳ người nào khác đã tham gia hòa giải với tư cách chuyên môn; với bất kỳ mục đích nào khác mà Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài cho là chính đáng trong các trường hợp của vụ việc…
Qua nghiên cứu cho thấy, tính bảo mật là một trong những lý do để doanh nghiệp lựa chọn cơ chế hòa giải đối với các vụ tranh chấp nói chung và tranh chấp thương mại nói riêng. Do vậy, vấn đề bảo mật thông tin trong hòa giải được nhiều quốc gia, trong đó có Singapore rất quan tâm. Luật Hòa giải Singapore liệt kê về những trường hợp cụ thể các bên hoặc hòa giải viên có quyền tiết lộ thông tin của phiên hòa giải. Nếu không thuộc trường hợp được liệt kê trong Luật Hòa giải thì không chỉ hòa giải viên mà các bên tranh chấp đều không được tiết lộ thông tin liên quan đến việc hòa giải. Tác giả cho rằng quy định của Singapore là chặt chẽ và đầy đủ, cả về chủ thể có trách nhiệm bảo đảm tính bảo mật và về các trường hợp ngoại lệ được tiết lộ thông tin, góp phần bảo đảm tính bảo mật cho cơ chế hòa giải thương mại, qua đó, thúc đẩy sự phát triển của cơ chế này.
2. Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế
Công ước Liên Hợp Quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải (gọi tắt là Công ước Singapore) được ký kết ngày 07/8/2019 tại Singapore. Tại thời điểm ký kết, đã có 46 nước đã ký kết Công ước, bao gồm hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc, ba trên bốn nền kinh tế lớn nhất châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc) và 05 nước ASEAN (Brunei, Malaysia, Lào, Philippines và Singapore) - đều là những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Mục đích của Công ước này là đưa ra một quy chế quốc tế để thực thi các thỏa thuận đạt được thông qua con đường hòa giải, gần giống với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài của Liên Hợp Quốc ( Công ước New York) và nhằm đảm bảo rằng thỏa thuận được các bên thông qua này đều mang tính ràng buộc và có thể thực thi theo một thủ tục đơn giản và hợp lý9. Có lẽ cũng chính vì mục đích tương đồng với Công ước New York, Công ước Singapore cũng được thiết kế dựa trên những đặc trưng tốt nhất Công ước New York.
Công ước Singapore khá ngắn gọn, với chỉ 16 điều khoản. Phạm vi Công ước chỉ đề cập đến tranh chấp thương mại quốc tế, với các thuật ngữ “quốc tế” và “thương mại” được định nghĩa cụ thể trong Điều 1. Để một tranh chấp là “quốc tế”, phải đáp ứng một trong hai tiêu chí: (i) Ít nhất hai bên trong thỏa thuận giải quyết phải có địa điểm kinh doanh tại các nước khác nhau; (ii) Nước mà các bên có địa điểm kinh doanh khác hoặc là nước mà phần cơ bản của nghĩa vụ theo thỏa thuận giải quyết được thực hiện hoặc nước mà đối tượng của thỏa thuận giải quyết có kết nối gần gũi nhất. Ý nghĩa của “thương mại” được giải thích bằng cách loại trừ. Điều 1 rõ ràng loại bỏ khỏi phạm vi của Công ước thỏa thuận giải quyết liên quan đến các giao dịch cá nhân, vì mục đích gia đình hay hộ gia đình, hoặc liên quan đến luật gia đình, thừa kế hay lao động.
Ngoài việc bảo đảm tính “thương mại” và tính “quốc tế” thì một thỏa thuận hòa giải thành để được công nhận theo Công ước Singapore cũng phải thỏa mãn các tiêu chí như: Thỏa thuận giải quyết đạt được giữa các bên phải có kết quả từ hòa giải; thỏa thuận giải quyết phải được ký kết bằng văn bản…
Nhằm thúc đẩy thi hành Công ước Singapore, Singapore đã ban hành Luật về Công ước Singapore về hòa giải (Singapore Convention on Mediation Act) năm 2020. Luật này được áp dụng đối với các thỏa thuận hòa giải thành trong thương mại quốc tế, bao gồm các điều luật hỗ trợ cho việc công nhận thỏa thuận hòa giải này. Đơn yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải thành sẽ được gửi đến Tòa án cấp cao (High Court). Sau khi xem xét, Tòa án nếu nhận thấy thỏa thuận hòa giải thành đáp ứng cả về mặt hình thức và nội dung thì sẽ công nhận thỏa thuận này. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực và được thi hành như lệnh hay phán quyết của Tòa án sau khi được công nhận. Tuy nhiên, Luật này cũng đặt ra một số trường hợp mà thỏa thuận hòa giải thành không được công nhận như trường hợp một bên tham gia hòa giải không đủ năng lực, hay có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu của sự thiếu công bằng, gian dối, hoặc việc công nhận là trái với chính sách công, đối tượng của tranh chấp không thể giải quyết bằng hòa giải… Như vậy, có thể nhận thấy, Singapore đã có những bước tiến nhằm thể hiện sự tích cực thực thi Công ước Singapore, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài khi xúc tiến hoạt động thương mại với đối tác đến từ Singapore.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hòa giải ở Việt Nam
Ở Việt Nam, cơ chế hòa giải thương mại được quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại (Nghị định số 22/2017/NĐ-CP) và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Mặc dù các quy định trên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập, tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải, nhưng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Singapore về hòa giải thương mại, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại ở Việt Nam như:
Thứ nhất, về khái niệm hòa giải, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”. Tuy nhiên, so với pháp luật của Singapore, quy định này chưa thể hiện rõ nét được tính “tự nguyện” - một đặc trưng của hòa giải. Do vậy, khái niệm về hòa giải trong pháp luật Việt Nam có thể được chỉnh sửa như sau: “Hòa giải thương mại là một quá trình tự nguyện với sự tham gia của một bên trung gian là hòa giải viên nhằm hỗ trợ các bên tranh chấp đi đến một thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”.
Thứ hai, về hình thức của thỏa thuận hòa giải, bên cạnh việc quy định như hiện nay, có thể nghiên cứu việc mở rộng các quy định về hình thức thỏa thuận hòa giải theo hướng: Kể cả trong trường hợp các bên có thỏa thuận bằng lời nói về sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp và thỏa thuận này đã được ghi âm, thể hiện lại bằng hình thức văn bản thì thỏa thuận này cũng có thể có hiệu lực. Quy định như vậy sẽ tạo nên tính linh hoạt trong việc quy định cũng như áp dụng các quy định của thỏa thuận hòa giải.
Thứ ba, về công nhận thỏa thuận hòa giải thành, pháp luật Việt Nam có quy định tương tự pháp luật Singapore, theo đó, để thỏa thuận hòa giải thành được Tòa án cũng như cơ quan thi hành án thi hành thì thỏa thuận này phải được Tòa án công nhận. Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, bao gồm trường hợp:
“1. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
2. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
3. Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
4. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba”.
Tuy nhiên, điều kiện “không vi phạm điều cấm của luật” là khá chung chung, không minh bạch, không rõ ràng, dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định của luật để không công nhận kết quả hòa giải thành. Ở đây, cần giới hạn phạm vi của căn cứ này bằng việc quy định cụ thể những điều cấm được đưa ra là thuộc Bộ luật Dân sự hay luật nào khác, điều cấm này có làm thay đổi nội dung, bản chất của tranh chấp hoặc việc hòa giải hay không. Những quy định cụ thể đó có thể khắc phục tình trạng bất cập vì sự không rõ ràng như hiện nay.
Thứ tư, về vấn đề bảo mật, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP không có điều riêng quy định về việc bảo mật thông tin trong hòa giải thương mại, mà quy định rải rác vấn đề này ở một số điều, cụ thể: Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định “các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”; khoản 1 Điều 10 về những hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại bao gồm “tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải, trừ trường hợp được các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. So với pháp luật về hỏa giải của Singapore, tác giả cho rằng, luật của Việt Nam phần nào chưa thể hiện rõ tầm quan trọng của tính bảo mật trong quá trình hòa giải do chưa có điều luật riêng. Bên cạnh đó, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP cũng chưa thể hiện rõ việc bảo mật thông tin là nghĩa vụ của cả các bên tranh chấp chứ không chỉ là nghĩa vụ của hòa giải viên, bởi có một điều luật riêng về cấm hòa giải viên tiết lộ thông tin, nhưng lại không có quy định riêng về nghĩa vụ các bên phải bảo mật thông tin mà chỉ đặt trong điều luật mang tính nguyên tắc chung. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp ngoại lệ, thông tin về việc hòa giải có thể được tiết lộ nếu như các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc “pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, các nhà lập pháp có thể nghiên cứu để cụ thể hóa những trường hợp được tiết lộ thông tin về hòa giải thay vì một quy định chung “pháp luật có quy định khác”, bởi lẽ, việc tiết lộ thông tin trong trường hợp này cần hết sức hạn chế và việc quy định chung có thể dẫn đến việc không chặt chẽ và dễ bị lạm dụng trên thực tiễn.
Thứ năm, cần tiếp tục nghiên cứu và tham gia Công ước Singapore. Xét về mặt lợi ích, việc tham gia Công ước trong bối cảnh những tranh chấp xuyên quốc gia ngày càng diễn ra phổ biến sẽ là cơ chế hiệu quả để giải quyết những tranh chấp này và đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận với pháp luật quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Khi tham gia Công ước, kết quả hòa giải thành giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và một bên là doanh nghiệp nước ngoài nếu được thực hiện bởi các hòa giải viên, trung tâm hòa giải thương mại của Việt Nam sẽ được công nhận và thi hành ở các quốc gia thành viên10. Bên cạnh đó, những kết quả hòa giải thành ở nước ngoài cũng sẽ được công nhận và thi hành ở Việt Nam, như vậy sẽ làm tăng hiệu quả, tăng độ tin cậy với các quốc gia cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khi hợp tác với Việt Nam.
Tuy vậy, khi gia nhập Công ước này, Việt Nam cũng cần điều chỉnh một số vấn đề trong quy định pháp luật về hòa giải thương mại, đặc biệt, cần bổ sung một chương riêng về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án do hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài thực hiện, tương tự như thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiến tới xây dựng một luật riêng về hòa giải ngoài Tòa án, với các quy định tương tự Luật Hòa giải năm 2017 và Luật về Công ước Singapore về hòa giải năm 2020 của Singapore.
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Điều 4.(1) và (2) Luật Hòa giải Singapore năm 2017.
[2]. Điều 4.(4) Luật Hòa giải Singapore năm 2017.
[3]. https://www.linklaters.com/en/insights/publications/commercial-mediation-a-global-review/commercial-mediation-a-global-review/singapore, truy cập ngày 01/7/2021.
[4]. Điều 3.(1).(a) Luật Hòa giải Singapore năm 2017.
[5]. http://www.simi.org.sg/About-Us/Organisation-Information/About-SIMI, truy cập ngày 01/7/2021.
[6]. https://www.simi.org.sg/What-We-Offer/Mediators/SIMI-Credentialing-Scheme, truy cập ngày 01/7/2021.
[7]. Điều 63.(1) của Đạo luật Trọng tài (Chương 10); Điều 17.(1) của Đạo luật Trọng tài quốc tế (Chương 143A).
[8]. Điều 63.(2) hoặc (3) của Đạo luật Trọng tài (Chương 10); Điều 17.(2) hoặc (3) của Đạo luật Trọng tài quốc tế (Chương 143A).
[9]. https://phaply.net.vn/cong-uoc-singapore-ve-hoa-giai-thuong-mai-quoc-te-va-kha-nang-tham-gia-cong-uoc-cua-viet-nam-a236044.html, truy cập ngày 01/7/2021.
[10]. https://phaply.net.vn/cong-uoc-singapore-ve-hoa-giai-thuong-mai-quoc-te-va-kha-nang-tham-gia-cong-uoc-cua-viet-nam-a236044.html.