1. Sự cần thiết của việc biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế
Một là, pháp luật kinh tế là một lĩnh vực pháp luật quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam và thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Đặc biệt kể từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì lĩnh vực pháp luật kinh tế phát triển rất mạnh mẽ với việc ra đời hàng loạt các bộ luật, đạo luật về kinh tế nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý cho sự vận hành thông suốt, đồng bộ và cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh của các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc quyền tự do kinh doanh của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Pháp luật kinh tế đã góp phần to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững đưa nước ta thoát ra khỏi nhóm các nước nghèo nàn, lạc hậu và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới.
Dẫu vậy, thực tiễn thi hành pháp luật kinh tế đạt hiệu quả thấp và gặp không ít rào cản, khó khăn hay việc áp dụng không thống nhất tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều thuật ngữ pháp lý, nhiều khái niệm trong các quy phạm pháp luật về kinh tế không được giải thích, giải nghĩa chính thức để mọi người có cách hiểu thống nhất. Do cách hiểu không thống nhất khiến việc áp dụng của các cơ quan công quyền không giống nhau ở từng địa phương hoặc gây ra mâu thuẫn, xung đột về quan điểm giữa cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ, công chức nhà nước thực thi công vụ với cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có sự giải thích mang tính học thuật về các khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản pháp luật kinh tế. Mặt khác, ở nước ta, việc biên soạn từ điển luật học, từ điển giải thích thuật ngữ luật học… thì nhóm các thuật ngữ pháp luật về kinh tế được biên soạn lồng ghép với thuật ngữ của những lĩnh vực pháp luật khác mà không tách thành một công trình nghiên cứu độc lập, chuyên sâu. Vì vậy, nhiều thuật ngữ pháp luật kinh tế không được giải thích hoặc việc giải thích các thuật ngữ pháp luật kinh tế trong những bộ từ điển luật học không đầy đủ, toàn diện. Thiết nghĩ đây là một khiếm khuyết cần phải được khắc phục kịp thời.
Hai là, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, pháp luật kinh tế là lĩnh vực pháp luật thường xuyên có những biến động, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nếu so sánh, đối chiếu với các lĩnh vực pháp luật khác trong hệ thống pháp luật. Nhiều quy phạm pháp luật mới, khái niệm, thuật ngữ mới ra đời góp phần xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường[2]. Vì vậy, cần phải tổ chức biên soạn giải thích các thuật ngữ pháp lý về kinh tế nhằm giúp các cơ quan nhà nước, tổ chức áp dụng pháp luật; các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của các văn bản pháp luật về kinh tế hiểu được bản chất khái niệm để áp dụng đúng và tuân thủ nghiêm minh pháp luật về kinh tế; góp phần phòng tránh các xung đột, tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế.
Ba là, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nước ta phải tăng cường, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nước trên thế giới; tranh thủ, tận dụng, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để phát triển đất nước nhanh, bền vững… Muốn vậy, Nhà nước phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp mà một trong số đó là quản lý kinh tế bằng pháp luật có hiệu quả. Đặt trong bối cảnh đó, pháp luật kinh tế trở thành một trong những công cụ quan trọng để quản lý, điều tiết các quan hệ kinh tế. Sự hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ, phù hợp của pháp luật kinh tế góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, năng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và ngược lại. Điều này có được là do dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học về học thuật về pháp lý trong việc đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; xây dựng luận cứ, cơ sở khoa học; giải mã những khái niệm, thuật ngữ gốc; khái niệm chủ yếu được sử dụng trong xây dựng, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật hoặc giải quyết tranh chấp thương mại… cho thấy, có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về nội hàm của những khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế. Đây là trở ngại, rào cản gây tốn kém thời gian, nguồn lực trong quá trình soạn thảo hoặc dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất trong giải quyết tranh chấp thương mại - kinh tế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh.
Bốn là, một trong những trụ cột của hội nhập quốc tế mà Việt Nam thực hiện là hội nhập về kinh tế và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nước ta đã gia nhập các hiệp định thương mại đa phương; chủ động đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó, Việt Nam cam kết thực hiện các nguyên tắc, luật lệ của thương mại quốc tế như không có sự đối xử, phân biệt, kỳ thị; đảm bảo sự công bằng; công khai minh bạch; mở cửa thị trường nội địa; cắt giảm thuế quan… Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là cần “nội luật” hóa những cam kết, nguyên tắc của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… trong nội dung hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng. Vì vậy, xuất hiện các khái niệm, thuật ngữ mới được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế. Mặt khác, trong điều kiện hội nhập quốc tế về kinh tế, thương mại; khó tránh khỏi những xung đột, bất đồng, tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài liên quan đến hợp đồng thương mại, hợp đồng về cung cấp dịch vụ… Để giải quyết có hiệu quả tranh chấp này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời, ngăn ngừa những tranh chấp hoặc phòng tránh nguy cơ thiệt hại tiềm ẩn khi đàm phán, ký kết, thực hiện các hiệp định thương mại nói chung và các hợp đồng kinh doanh thương mại quốc tế nói riêng thì không chỉ am hiểu hệ thống pháp luật của các nước; các nguyên tắc hoạt động của những định chế thương mại quốc tế đa phương… mà còn phải nắm vững nội hàm của các khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta cũng như của các đối tác tương ứng. Đây cũng là một lý do luận giải cho sự cần thiết phải biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế…
2. Mục đích, ý nghĩa của việc biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế
2.1. Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hệ thống pháp luật thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội nói chung và quản lý kinh tế nói riêng theo các quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Trong hệ thống pháp luật thì lĩnh vực pháp luật kinh tế là lĩnh vực pháp luật có nhiều biến động, thay đổi mạnh mẽ nhất, thường xuyên nhất. Các quan điểm, định hướng quan trọng của Đảng qua các thời kỳ phát triển được thể chế hóa trong nội dung các quy định của pháp luật về kinh tế. Vì vậy, việc biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế với việc giải thích chuyên sâu về các khái niệm, thuật ngữ pháp luật kinh tế góp tạo ra cách hiểu thống nhất, góp phần tạo điều kiện cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Bởi lẽ, cuốn Từ điển này là cẩm nang giúp cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia xây dựng pháp luật có thể tra cứu, truy cập để tìm hiểu nội dung, nội hàm của các khái niệm, thuật ngữ để sử dụng chính xác, phù hợp trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế.
2.2. Đối với hoạt động áp dụng, thực thi pháp luật
Pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng cho dù có được soạn thảo đầy đủ, hoàn thiện đến đâu đi chăng nữa sẽ không phát huy được tác dụng tích cực, không đi vào cuộc sống đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội nếu khâu áp dụng, thực thi không hiệu quả hoặc kém hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả của áp dụng, thực thi pháp luật phụ thuộc vào nhiều điều kiện như mức độ hoàn thiện, chi tiết, cụ thể của hệ thống pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng chịu sự điều chỉnh; năng lực, trình độ chuyên môn, sự hiểu biết pháp luật; phẩm chất, tư cách đạo đức, tinh thần, thái độ phục vụ và kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền áp dụng pháp luật… Hiệu quả của các điều kiện áp dụng, thực thi pháp luật về kinh tế chịu sự tác động, ảnh hưởng không nhỏ của việc giải thích nội hàm các thuật ngữ, các khái niệm được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này. Rõ ràng sự thiếu hiểu biết, hiểu biết không đầy đủ, căn kẽ hoặc hiểu biết không thống nhất về các khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất, gây ra những xung đột, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể mà thực tiễn đã có nhiều ví dụ minh chứng về vấn đề này.
2.3. Đối với hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo luật, các cơ sở đào tạo về kinh tế
Xét dưới khía cạnh học thuật, trước hết, việc biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế nhằm “nhất thể hóa” cách hiểu về các khái niệm, thuật ngữ pháp luật kinh tế. Thông qua đó, nó giúp cho người dạy và người học hiểu sâu sắc, cặn kẽ về nội dung các quy định của pháp luật đất đai. Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu, giáo viên và sinh viên có thêm nguồn tài liệu tham khảo có chất lượng, mang tính học thuật cao để giải quyết các yêu cầu của khóa luận, luận văn, luận án về pháp luật kinh tế. Đồng thời, việc làm này góp phần bổ sung nguồn học liệu cho thư viện của các cơ sở đào tạo luật; bổ sung, làm phong phú hơn các từ điển luật học, từ điển giải thích thuật ngữ luật học ở nước ta hiện nay…
3. Phân loại Từ điển Pháp luật Kinh tế
Thứ nhất, đại Từ điển Pháp luật Kinh tế. Xét về quy mô, phạm vi, đại Từ điển Pháp luật Kinh tế là công trình nghiên cứu đồ sộ, hệ thống có quy mô, phạm vi bao quát giải thích các khái niệm, các thuật ngữ pháp lý trong lĩnh vực kinh tế. Số lượng các mục từ, các từ, thuật ngữ được biên soạn lên đến hàng vạn từ, thuật ngữ được tập hợp, phân loại theo từng lĩnh vực cụ thể của pháp luật kinh tế. Đại Từ điển Pháp luật Kinh tế bao gồm nhiều tập huy động một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, chuyên gia ngôn ngữ, biên soạn từ điển hàng đầu và được thực hiện trong một thời gian dài lên tới vài năm hoặc hơn một chục năm; sẽ được công bố, xuất bản một tập khoảng từ 01 - 02 năm. Vì vậy, đại Từ điển Pháp luật Kinh tế là công trình học thuật có giá trị khoa học, học thuật cao nhất, toàn diện nhất.
Việc biên soạn bộ đại từ điển này thực hiện phức tạp hơn nên phải thành lập Ban chỉ đạo trước khi tổ chức thực hiện. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là quyết định, đưa ra định hướng; quan điểm, nguyên tắc chung và phương thức cơ bản của việc biên soạn; quyết định tiêu chuẩn của tổng chủ biên, chủ biên và tiêu chuẩn lựa chọn đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia pháp luật, chuyên gia biên soạn từ điển phù hợp để mời tham gia… Bên cạnh đó, việc biên soạn đại Từ điển Pháp luật Kinh tế phải có người hoặc một số người đóng vai trò tổng chủ biên; người này là nhà khoa học đầu đàn, có uy tín, học hàm, học vị và có trình độ chuyên môn cao, được thừa nhận, suy tôn trong cộng đồng khoa học, trong giới chuyên môn để chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm về chuyên môn, chất lượng của bộ đại từ điển này. Đối với mỗi tập của bộ đại từ điển, cần phân công hoặc cử một nhà khoa học có uy tín, có chuyên môn cao, phù hợp với lĩnh vực, chủ đề biên soạn làm chủ biên. Việc biên soạn được thực hiện dưới sự điều hành của chủ biên; chủ biên là người chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung của từng tập mà mình đứng tên chủ biên.
Thứ hai, Từ điển Luật Kinh tế. Xét về quy mô, phạm vi, Từ điển Luật Kinh tế có số lượng từ, mục từ ít hơn so với đại Từ điển Pháp luật Kinh tế. Từ điển Luật Kinh tế bao gồm một hoặc vài tập giải thích các khái niệm, thuật ngữ quan trọng được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế. Tùy theo mục đích, ý nghĩa của việc biên soạn; nguồn lực vật chất, thời gian và đội ngũ biên soạn… mà nhóm tác giả có thể lựa chọn, tập hợp, phân loại các mục từ, các từ để biên soạn. Từ điển Luật Kinh tế có thể bao gồm một số lĩnh vực cụ thể như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Tài chính, Luật Ngân hàng… hoặc một số khái niệm của tất cả các lĩnh vực cụ thể của Luật Kinh tế. Việc biên soạn các từ trong mục từ của đại Từ điển Pháp luật Kinh tế, Từ điển Luật Kinh tế được thực hiện theo cấu trúc gồm: (i) Đưa ra khái niệm, giải thích hoặc giải mã nội hàm khái niệm của thuật ngữ; (ii) Phân tích những quan điểm, cơ sở lý thuyết cơ bản của việc ra đời khái niệm, thuật ngữ và người đại diện tiêu biểu của quan điểm gắn với tác phẩm công bố quan điểm, lý thuyết này liên quan trực tiếp đến khái niệm, thuật ngữ được giải thích; (iii) Lịch sử hình thành và phát triển của khái niệm, thuật ngữ; (iv) Nội dung quy định của pháp luật có sử dụng khái niệm, thuật ngữ…
Thứ ba, Từ điển giải thích Thuật ngữ Pháp luật kinh tế hay từ điển về các thuật ngữ pháp lý về kinh tế (gọi chung là Từ điển giải thích Thuật ngữ Pháp luật kinh tế).
Từ điển giải thích Thuật ngữ Pháp luật kinh tế giới hạn việc biên soạn vào việc luận giải, giải thích nội hàm khái niệm, nội hàm thuật ngữ; phân tích khái quát lịch sử hình thành của khái niệm, thuật ngữ; đề cập những văn bản quy phạm pháp luật tiêu biểu sử dụng các khái niệm, thuật ngữ này. So với việc biên soạn đại Từ điển Pháp luật Kinh tế; Từ điển Luật Kinh tế thì việc biên soạn Từ điển giải thích Thuật ngữ Pháp luật kinh tế ít áp lực, “nhẹ nhàng” hơn. Bởi lẽ, việc biên soạn Từ điển giải thích Thuật ngữ Pháp luật kinh tế chủ yếu đi sâu vào việc giải thích từ ngữ, giải mã nội hàm của khái niệm mang tính pháp lý. Mục đích cơ bản của việc biên soạn cuốn từ điển này dường như là đưa ra các hiểu thống nhất về khái niệm, thuật ngữ pháp lý; tránh cách hiểu khác nhau. Vì vậy, Từ điển giải thích Thuật ngữ Pháp luật kinh tế khó có thể bao quát giải thích đầy đủ, toàn diện, cặn kẽ các khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong hệ thống pháp luật kinh tế. Các thuật ngữ được lựa chọn, giải thích là những thuật ngữ pháp lý cơ bản, sử dụng phổ biến. Số lượng các từ ngữ được biên soạn trong Từ điển giải thích Thuật ngữ Pháp luật kinh tế giới hạn trong khoảng 02 nghìn từ đến 04 nghìn từ do sự hạn chế về nguồn lực con người, thời gian, vốn…
4. Yêu cầu của việc biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế cần phải đáp ứng
4.1. Bảo đảm yêu cầu cơ bản của việc biên soạn từ điển nói chung
Việc biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản của việc biên soạn từ điển nói chung. Biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế là hoạt động mang tính học thuật chuyên môn sâu và chuyên ngành rất cao. Việc biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế phải có sự tham gia, phối hợp giữa các nhà khoa học, chuyên gia pháp luật kinh tế với các chuyên gia soạn thảo từ điển. Điều này đảm bảo chất lượng nội dung của Từ điển Pháp luật Kinh tế vừa có dung lượng khoa học, tính học thuật cao về giải mã khái niệm, thuật ngữ pháp luật kinh tế vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu của một cuốn từ điển luật học. Có như vậy mới phân biệt, nhận diện được sự khác biệt giữa Từ điển Pháp luật Kinh tế với các công trình nghiên cứu, bình luận pháp luật kinh tế; chuyên khảo về từng lĩnh vực của pháp luật kinh tế.
4.2. Bảo đảm các yêu cầu cơ bản của việc biên soạn từ điển Luật học
Yêu cầu này có nghĩa là văn phong được sử dụng khi biên soạn phải là văn phong pháp lý mang tính học thuật cao; ngôn ngữ biểu đạt trong sáng, dễ hiểu. Cấu trúc ngữ pháp chặt chẽ; lập luận lôgíc, khúc triết, rành mạch; không sử dụng các từ đa nghĩa, câu phức hợp hoặc lối hành văn ẩn dụ, sử dụng điển tích. Các khái niệm, thuật ngữ được lựa chọn là những thuật ngữ kinh tế có liên quan trực tiếp, gắn bó chặt chẽ với nội dung của các quy phạm pháp luật kinh tế mà cần phải giải thích mà nếu không giải thích thì sẽ không hiểu được nội dung các quy định này hoặc không hiểu được nội hàm của khái niệm thuật ngữ pháp luật kinh tế. Các khái niệm, thuật ngữ pháp luật kinh tế được lựa chọn để giải thích phải được các văn bản quy phạm pháp luật kinh tế sử dụng trong các quy định. Việc giải thích thuật ngữ pháp luật kinh tế phải góp phần làm sáng tỏ nội dung các quy định của pháp luật kinh tế; giúp cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh hiểu sâu sắc về từng điều, khoản, mục của pháp luật thực định. Mặt khác, việc biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế phải dựa vào mục đích biên soạn và dựa trên yêu cầu đặt ra…
4.3. Có các tiêu chí lựa chọn, xây dựng các mục từ, các từ để giải mã nội hàm khái niệm, bản chất của thuật ngữ
Biên soạn Từ điển Pháp luật Kinh tế là công việc rất khó khăn, phức tạp và đòi hỏi đảm bảo chất lượng chuyên môn, tính học thuật rất cao. Nó phải được biên soạn công phu, tỷ mỷ, cẩn trọng. Vì vậy, trước tiên cần xây dựng tiêu chí lựa chọn các từ, mục từ để biên soạn. Việc lựa chọn các từ, mục từ để biên soạn dựa trên một số tiêu chí cơ bản sau đây:
Một là, rà soát, lập danh mục các từ, thuật ngữ để phân loại nhóm các mục từ theo vần Alphabet (A, B, C…). Có hai cách chủ yếu phân loại nhóm mục từ:
- Phân loại nhóm mục từ của cuốn Từ điển Pháp luật kinh tế theo vần Alphabet (A, B, C…):
(i) Ưu điểm của cách sắp xếp phân loại này là giúp bạn đọc dễ tra cứu, truy cập và việc phân loại mang tính hệ thống, khoa học. Các mục từ được phân loại xuyên suốt các lĩnh vực cụ thể của pháp luật kinh tế. Với cách phân loại này, người đọc có thể tra cứu, so sánh các thuật ngữ pháp lý của các lĩnh vực cụ thể của pháp luật kinh tế trong cùng một nhóm mục từ.
(ii) Nhược điểm của cách phân loại này là gây tốn kém thời gian, công sức và nguồn lực cho công tác biên soạn. Nếu hạn chế về nguồn lực vật chất, con người và thời gian thì việc phân loại này khó có tính khả thi.
- Phân loại nhóm mục từ theo vần Alphabet (A, B, C…) của từng lĩnh vực của pháp luật kinh tế:
(i) Ưu điểm của cách phân loại mục từ này là đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện hạn chế về thời gian, nguồn lực vật chất, con người. Mặt khác, cách phân loại này cũng tạo thuận lợi, dễ tra cứu khi tìm hiểu khái niệm, thuật ngữ pháp lý của từng lĩnh vực pháp luật cụ thể của pháp luật kinh tế.
(ii) Nhược điểm của cách phân loại mục từ này là dễ có sự trùng lặp giữa một số thuật ngữ được sử dụng ở các lĩnh vực pháp luật khác nhau của pháp luật kinh tế. Ví dụ: Thuật ngữ vốn được sử dụng trong Luật Doanh nghiệp, được sử dụng trong Luật Ngân hàng, được sử dụng trong Luật Đầu tư… gây khó khăn cho việc phân công biên soạn. Mặt khác, cách phân loại mục từ này để biên soạn gây ra sự “cắt khúc”, cát cứ của từng lĩnh vực pháp luật trong hệ thống pháp luật kinh tế.
Hai là, xây dựng tiêu chí lựa chọn các từ, thuật ngữ kinh tế. Trong pháp luật kinh tế khó tránh khỏi việc sử dụng các thuật ngữ kinh tế, hay nói cách khác, trong nội dung các quy phạm pháp luật kinh tế có sự hiện diện của khái niệm, thuật ngữ kinh tế và khái niệm, thuật ngữ pháp lý. Thông thường, các thuật ngữ kinh tế được giải thích nội hàm khái niệm ở các từ điển kinh tế. Tuy nhiên, trong Từ điển Luật Kinh tế, đành rằng mục đích và phạm vi của nó là giải thích nội hàm các thuật ngữ pháp luật kinh tế song không thể không đề cập, giải mã khái niệm những khái niệm kinh tế này. Tiêu chí lựa chọn các thuật ngữ kinh tế để đưa vào biên soạn cuốn Từ điển Luật Kinh tế này, bao gồm:
- Thuật ngữ kinh tế phải được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật kinh tế.
- Việc lựa chọn những thuật ngữ kinh tế để giải thích phụ thuộc vào vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nó trong nội dung các quy định của pháp luật kinh tế.
- Những thuật ngữ kinh tế mang tính chất chuyên ngành, ít có tính phổ quát đối với các chủ thể trong xã hội.
- Những thuật ngữ kinh tế có liên quan trực tiếp, ảnh hưởng đến nội dung quy định của pháp luật
- Trong trường hợp một khái niệm, thuật ngữ kinh tế được sử dụng trong các văn bản thuộc các lĩnh vực pháp luật kinh tế cụ thể thì ưu tiên lĩnh vực pháp luật mà có tần suất sử dụng thuật ngữ này nhiều hơn. Trong trường hợp áp dụng tiêu chí này những không lựa chọn được thuật ngữ để giải thích thì có sự thỏa thuận giữa các thành viên biên soạn nên để cho lĩnh vực pháp luật cụ thể để giải thích. Ví dụ: Khái niệm kinh tế thị trường được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật doanh nghiệp, văn bản quy phạm pháp luật tài chính, văn bản quy phạm pháp luật lao động, văn bản quy phạm pháp luật đất đai… thì nhóm biên soạn bàn bạc, thỏa thuận giao cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp thực hiện việc giải thích nội hàm. Trường hợp, nhóm biên soạn không thỏa thuận được thì chủ biên sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Ba là, xây dựng tiêu chí lựa chọn khái niệm, thuật ngữ pháp lý để xây dựng mục từ, nhóm từ mục.
Đầu tiên cần rà soát, tập hợp các khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật kinh tế. Tiếp đó, nhóm biên soạn tổ hợp, sắp xếp thành các nhóm từ mục theo thứ tự Alphabet (A, B, C). Sau đó, nhóm biên soạn trao đổi, thảo luận để chọn lọc và lập ra danh sách danh mục bảng từ để tiến hành biên soạn. Việc lựa chọn này dựa trên tiêu chí sau:
- Lựa chọn từ mục gốc, sau đó, tập hợp, lựa chọn các từ cùng gốc. Ví dụ: Từ gốc là doanh nghiệp; sau đó các từ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… là các từ có cùng gốc là doanh nghiệp.
- Lựa chọn từ mục có nội dung trái ngược đối lập nhau. Ví dụ: Từ mục tổ chức - cá nhân; vi phạm pháp luật - tuân thủ pháp luật; quyền - nghĩa vụ…
- Lựa chọn từ mục có gốc Hán - Việt. Ví dụ: Từ mục pháp nhân - thể nhân, trái chủ - thụ trái, địa dịch, sản nghiệp, thương nhân…
- Lựa chọn từ mục có nguồn gốc tiếng Anh. Ví dụ: Từ mục nhượng quyền thương mại (Franchise), logistic, incoterm, adhoc, mediation, contract, negotiation.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc biên soạn cuốn Từ điển Pháp luật Kinh tế”, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2023.
[2]. Như giá đất, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, phá sản doanh nghiệp, cổ phần hóa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trái phiếu, cổ phiếu, séc, bảo lãnh tín dụng, ủy thác đầu tư, tín chấp, tài chính doanh nghiệp, tài chính đất đai, thị trường chứng khoán, thị trường vốn, logictis, vận đơn, incoterm, trọng tài thương mại, Tòa kinh tế, hòa giải thương mại, đầu tư nước ngoài, cạnh tranh lành mạnh, quyền lợi người tiêu dùng…
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)