Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả nêu lên những cơ sở quan trọng để Công đoàn Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động.
Abstract: In this article, the author outlines the important grounds for the Vietnam Trade Union to be worthy of being the largest representative organization of workers.
Mục tiêu tổng quát về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới là: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”1. Để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động, công đoàn có những cơ sở quan trọng như sau:
1. Cơ sở pháp lý cho hoạt động của tổ chức công đoàn
Hiến pháp năm 2013 (Điều 10) đã khẳng định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ðây là những quy định mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Như vậy, việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công đoàn, thực hiện tốt nhiệm vụ này cũng chính là chăm lo và bảo vệ tốt nhất cho người lao động.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, các văn bản pháp luật về tổ chức công đoàn được ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của công đoàn, cụ thể như: Luật Công đoàn năm 2012; Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn; Nghị định số 200/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Điều 11 Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; Thông tư số 14/2014/TT-BQP ngày 15/4/2014 của Bộ Quốc phòng quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quốc phòng và tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Quân đội; Thông tư số 24/2015/TT-BCA ngày 22/5/2015 của Bộ Công an quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, lao động hợp đồng và tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Công an nhân dân; Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT ngày 28/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Vị trí của tổ chức công đoàn
Công đoàn, xét về phương diện xã hội, là một tổ chức xã hội, cũng như các tổ chức xã hội khác (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...) được hình thành do chính nhu cầu của các thành viên mà họ tự nguyện lập ra. Vì vậy, cũng như các tổ chức xã hội khác, công đoàn có tính chất quần chúng.
Khác với các tổ chức xã hội khác, công đoàn là một tổ chức có tính chất nghiệp đoàn. Tính nghiệp đoàn biểu hiện ở thành phần tham gia công đoàn và mục đích tồn tại của nó. Các thành viên tham gia công đoàn mặc dù không phân biệt về thành phần xã hội, tôn giáo, trình độ... nhưng nhất thiết phải thuộc về lực lượng lao động xã hội, họ đang làm một nghề nhất định và công đoàn luôn đại diện cho họ để bảo vệ các lợi ích gắn liền với nghề nghiệp.
Trong xã hội, công đoàn không chỉ là một tổ chức thông thường, mà nó còn là một tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, công đoàn có một vị trí rất lớn trong xã hội. Không chỉ đại diện cho lực lượng tự mình, công đoàn còn đại diện cho mọi người lao động trong xã hội; không chỉ bảo vệ lợi ích cho người lao động, công đoàn còn đại diện cho họ tham gia quản lý kinh tế - xã hội.
Vị trí của công đoàn được khẳng định tại Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
3. Cơ cấu tổ chức của tổ chức công đoàn
Theo quy định của pháp luật, Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có các cấp sau đây:
- Cấp trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Cấp tỉnh, ngành trung ương gồm: Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.
- Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm: Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công đoàn ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn tổng công ty; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.
- Cấp cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
Với một cơ cấu chặt chẽ, thống nhất như vậy, công đoàn có điều kiện thuận lợi trong hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đưa chính sách pháp luật vào đời sống, giúp cho đại bộ phận người lao động và người sử dụng lao động thực hiện tốt chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã đề ra một số mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025: Phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức công đoàn, đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên. Phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể; đến năm 2023 đạt tỷ lệ trên 70%.
- Đến năm 2030: Phấn đấu có 16,5 triệu đoàn viên; nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Phấn đấu 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.
- Đến năm 2045: Hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể.
4. Tài chính của tổ chức công đoàn
Tài chính công đoàn là điều kiện bảo đảm cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn theo Luật Công đoàn. Hệ thống tổ chức quản lý tài chính công đoàn gồm:
- Cấp Tổng dự toán trung ương (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
- Cấp Tổng dự toán Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương.
- Cấp Tổng dự toán công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
- Đơn vị dự toán bao gồm: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công đoàn.
Trên cơ sở các văn bản pháp luật, hệ thống tài chính công đoàn được quy định rất chặt chẽ, cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là các khoản chi của công đoàn cơ sở là: Chi lương, phụ cấp và các khoản đóng theo lương cho cán bộ công đoàn cơ sở; chi quản lý hành chính; chi hoạt động phong trào (chi tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; chi phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; chi tuyên truyền; chi tổ chức phong trào thi đua; chi đào tạo cán bộ; chi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; chi tổ chức các hoạt động về giới và bình bẳng giới; chi thăm hỏi, trợ cấp; chi động viên, khen thưởng và chi hoạt động khác).
Đặc biệt, ngày 19/5/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021. Theo đó, kinh phí công đoàn đã được chi hỗ trợ đơn vị tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch Covid-19.
Ngày 09/8/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 3022/TĐ-TLĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021. Các mức chi hỗ trợ được quy định cụ thể, phù hợp với thực tế và kịp thời động viên được đơn vị tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thực tế từ nhiều năm qua, nguồn kinh phí công đoàn được thu chủ yếu là dành để chăm lo đời sống của đoàn viên công đoàn và người lao động cũng như tổ chức hoạt động phong trào. Đặc biệt, trong những hoàn cảnh khó khăn, nguồn kinh phí công đoàn càng phát huy tác dụng mạnh mẽ cho mục đích trên.
Khoa Luật, Trường Đại học Lao động - Xã hội
1. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.