Tóm tắt: Bài viết này khái quát, đánh giá về thực tiễn thực hiện quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của Điều 53 Hiến pháp năm 2013, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn quy định này.
1. Thực tiễn thực hiện quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý
1.1. Về những thành tựu
Với quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và sau này là Hiến pháp năm 1992, Nhà nước đã thu hồi hàng chục ngàn héc ta đất để xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, bệnh viện… làm cho đất nước không ngừng đổi thay và thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bước sang thế kỷ XXI, đặc biệt là sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành đã xác định rõ hơn: “Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đối với đất đai, thì nguồn lực đất đai càng được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả. Với quy định của Hiến pháp cho phép chúng ta thu hồi hàng ngàn héc ta đất đai trên cả nước để giao cho các doanh nghiệp xây các khu nhà ở chung cư, biệt thự để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công dân trong nước và công dân nước ngoài. Nhiều khu đô thị tiêu chuẩn quốc tế đã được mọc lên, như khu đô thị Mỹ Đình và khu đô thị Nam Thăng Long ở Hà Nội, khu đô thị Ecopark ở Hưng yên, khu đô thị Phú Mỹ Hưng thành phố Hồ Chí Minh… Các khu đô thị đã cung cấp hàng trăm triệu m2 nhà ở cho người dân. Giải quyết được các yêu cầu bức xúc về nhà ở của nhân dân. Đồng thời Nhà nước đã thu được hàng ngàn tỷ đồng từ tiền giao đất, tiền cho thuê đất, tiền thuế sử dụng đất, từ đó để điều tiết thúc đẩy và phát triển nền kinh tế trong cả nước.
Bên cạnh thu hồi đất để xây dựng nhà ở, Nhà nước còn thực hiện quyền chủ sở hữu của mình để thu hồi đất xây dựng các khu công nghiệp như khu công nghiệp Bắc Thăng Long, khu công nghiệp Mê Linh, khu công nghiệp Sài Đồng Hà Nội, khu công nghiệp công nghệ cao ở Xuân Mai, khu công nghiệp Bình Dương, khu công nghiệp Đồng Nai... Nhiều khu công nghiệp hiện nay đã được lấp đầy. Có thể nói, hiện nay hầu hết ở tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, nhiều tỉnh tham gia câu lạc bộ ngàn tỷ đồng mà nguồn thu là từ tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất, hoặc tiền giao đất, hoặc tiền thuế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư trên đất đai của tỉnh. Điển hình là các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương… Kết quả tiền thu từ đất là rất lớn, năm 2015 tổng thu từ đất để nộp vào ngân sách nhà nước là 50.000 tỷ đồng[1].
Quy định đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi đất để xây dựng hệ thống giao thông, nhiều tuyến đường cao tốc đã được xây mới, như tuyến cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng; tuyến Nội Bài - Lào Cai, tuyến Láng - Hòa Lạc, tuyến Long Thành - Giầu Dây… Đặc biệt Nhà nước đã thu hồi một diện tích đất rất lớn để mở rộng tuyến đường quốc lộ 1A, xây dựng hệ thống đường Hồ Chí Minh chạy dài từ Bắc vào Nam với chiều dài hàng ngàn km.
Quy định quyền sở hữu đất đai thuộc về Nhà nước còn là cơ sở pháp lý để Nhà nước thu hồi đất để mở rộng và xây dựng hệ thống sân bay, bến cảng. Nhiều sân bay đã được xây mới và mở rộng như sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài và một số sân bay ở các tỉnh… Hoặc một số bến cảng như cảng Vũng Áng, cảng Tiên Sa, cảng Quy Nhơn… đã được xây mới, hoặc mở rộng. Quy định về quyền sở hữu và quản lý đất đai như Hiến pháp năm 2013 nêu trên cũng tạo thuận lợi rất lớn cho việc thu hồi hàng ngàn héc ta đất để xây dựng các nhà máy thủy điện, như Nhà máy thủy điện Mường La (Sơn La), Nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An)… Với quy định đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đã cho phép chúng ta chỉnh trang và xây mới các đô thị, các thành phố. Nhiều thành phố với những biệt danh đã được khắc họa trên bản đồ thế giới như “Thành phố xanh, sạch, đẹp” - thành phố Hà Nội; hoặc “Hòn ngọc viễn đông” - thành phố Hồ Chí Minh, hoặc “Thành phố đáng sống” - thành phố Đà Nẵng… Có thể nói nếu không có quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và quản lý đất đai trong Hiến pháp năm 2013 thì sẽ vô cùng khó khăn khi chúng ta thu hồi hàng trăm ngàn m2 đất ở, để tiến hành quy hoạch và xây mới các khu đô thị trong cả nước ở Việt Nam hiện nay.
Cùng với việc thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước cũng đã thực hiện chức năng quản lý đối với đất đai. Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, các Bộ và chính quyền địa phương các cấp đã tiến hành hàng loạt các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, như điều tra, khảo sát, đo đạc đánh giá đất; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập bản đồ địa chính, tiến hành các hoạt động để số hóa về đất đai. Xây dựng bản đồ địa giới hành chính; thanh tra về đất đai, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai như lấn chiếm, hủy hoại đất đai, giao đất trái thẩm quyền, thu hồi đất trái pháp luật; các hoạt động về bồi thường thiệt hại cho người sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi đất, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về đất đai… có thể nói công tác quản lý đất đai của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đại diện cho Nhà nước trong quản lý đất đai đã thu được những kết quả quan trọng nhất là những năm gần đây.
1.2. Những hạn chế, bất cập
Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được như đã nêu trên, việc thực hiện quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý vẫn có một số bất cập, hạn chế như sau:
- Một số cán bộ có chức vụ quyền hạn đại diện cho Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đối với đất đai trong quá trình giao đất cho một số tổ chức, cá nhân đã vi phạm các quy định quản lý đất đai gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Điển hình là vụ án Vũ Nhôm đã thâu tóm nhiều lô đất vàng tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố một số bị can về “hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Cụ thể: Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh; Trương Văn Út, Phó Trưởng Phòng Quản lý đất Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh[2]. Theo Báo Lao động (điện tử) trong vụ án Vũ Nhôm đã có 17 bị can bị khởi tố đều liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước[3], trong đó, có một số cán bộ là cựu lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng như ông Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng), ông Phan Xuân Ít (nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Đình Thông (cựu Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất ở Đà Nẵng), ông Nguyễn Thanh Sang (nguyên Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng) và bà Nguyễn Thị Hà (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng). Những cán bộ nói trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình về quản lý đất đai đã gây thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước, như báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin.
- Trong công tác quản lý đất đai, một số cán bộ, công chức đã thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ của mình gây thiệt hại và ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, gây nên hiện tượng khiếu kiện, khiếu kiện đông người kéo dài từ năm này qua năm khác. Điển hình là vụ Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh, buộc người dân phải đi khiếu kiện từ địa phương đến Trung ương gần 20 năm mới giải quyết được. Cuối cùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban đứng ra xin lỗi nhân dân. Hoạt động quản lý nhà nước đối với đất đai của một số cán bộ, công chức và địa phương có nơi, có lúc còn buông lỏng nên nhiều vụ lấn chiếm đất công đã xảy ra ở nhiều địa phương. Một số tổ chức, cá nhân đã vi phạm các quy định chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng một số địa phương không xử lý, hoặc xử lý không dứt điểm. Chẳng hạn, vụ xây dựng hàng trăm ngôi nhà ở, nhà biệt thự trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn - Hà Nội đã được báo chí, truyền hình nói đến từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nạn phá rừng để chuyển đất rừng thành đất nông nghiệp ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước… đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hàng năm, chúng ta mất đi hàng trăm héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn, hoặc rừng đặc dụng.
- Công tác quy hoạch đất đai trên cả nước cũng còn có một số bất cập. Tình trạng quy hoạch “treo” lên tới 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Một số dự án thu hồi đất của dân rồi để hoang hóa hàng chục năm gây lãng phí đất đai, gây bức xúc dư luận, trong khi đó nhân dân không có đất để sản xuất. Chẳng hạn như một số dự án ở đường quốc lộ số 5 thuộc các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương nhiều năm nay vẫn để hoang hóa. Hoặc một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở rất chậm chạp, như dự án khu đô thị Kim Chung Di Trạch hoặc một số dự án xây dựng nhà ở tại huyện Mê Linh đã thu hồi hàng trăm ha đất, nhưng hàng chục năm nay gần như không có gì thay đổi. Một số dự án để đất hoang hóa nhiều chục năm vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai nhưng không bị cơ quan quản lý nhà nước thu hồi.
- Công tác giao đất, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất của một số địa phương và một số cán bộ, công chức đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Trong giao đất, một số trường hợp giao không đúng đối tượng, đúng trình tự thủ tục. Việc thu hồi đất có trường hợp không đúng theo quy hoạch. Việc bồi thường thiệt hại, tái định cư còn không ít sai sót gây bức xúc cho người dân. Trong một số trường hợp vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đã không tiến hành đấu thầu quyền sử dụng đất mà chỉ định thầu, gây thiệt hại lớn về tài sản cho Nhà nước.
- Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một số địa phương tiến hành chậm. Một số địa phương chỉ mới cấp gần xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì nhiều trường hợp hết sức khó khăn, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
- Công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai có một số cơ quan nhà nước tiến hành còn sơ sài, chiếu lệ và hình thức, nên phát hiện không nhiều các vụ tham nhũng từ đất đai. Một số trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai, nhưng xử lý không nghiêm, xử lý nhẹ hoặc xử lý nội bộ nên dẫn đến hiện tượng xem thường pháp luật. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai chỉ chú trọng tới biện pháp hành chính mà chưa chú ý nhiều tới biện pháp hình sự, đối với các cá nhân vi phạm pháp luật đất đai, nhất là hành vi lấn chiếm hủy hoại đất đai, nên gây ra những bức xúc lớn cho nhân dân. Đặc biệt một số cán bộ công chức trong quản lý nhà nước về đất đai đã vi phạm các quy định của pháp luật về giao đất, thu hồi đất đền bù thiệt hại khi giải phóng mặt bằng, nhưng bị xử lý nhẹ, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy mà họ sẵn sàng vi phạm vì lợi ích riêng của mình.
- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai của một số cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cũng còn một số bất cập hạn chế, thiếu dứt điểm dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, có trường hợp xuất hiện “điểm nóng” gây ảnh hưởng tới an ninh - trật tự, chính trị - xã hội. Hiện nay các vụ khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm khoảng hơn 70% trong tổng số vụ khiếu kiện.
Có thể nói, việc thực hiện quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo Hiến pháp năm 2013 vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Vì vậy cần phải có các giải pháp để thực hiện tốt hơn quy định trên.
2. Các giải pháp tiếp tục thực hiện quy định đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật đất đai hiện hành
Để thực hiện quy định nêu trên của Hiến pháp, theo chúng tôi Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện một số quy phạm pháp luật đất đai. Trước hết, Nhà nước cần xây dựng và ban hành quy định về giao “đất sạch” cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Có nghĩa là khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất, thì Nhà nước sẽ đứng ra giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và đền bù thiệt hại cho người dân theo cùng một giá trên vùng đất bị thu hồi, sau đó mới giao lại đất cho họ theo một giá khác. Khoản tiền chênh lệch sẽ nộp vào ngân sách nhà nước. Như vậy, Nhà nước sẽ thực hiện được quyền chủ sở hữu của mình và toàn bộ tiền có được từ đất đai thuộc về Nhà nước mà không bị thất thoát. Hơn nữa khi được đền bù bình đẳng như nhau thì người bị thu hồi đất sẽ không khiếu kiện. Hiện nay, Trung Quốc và một số nước đã và đang thực hiện theo cách này. Còn để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân thì Nhà nước không thu về được một khoản tiền nào và quyền sở hữu của Nhà nước đối với đất đai không thực hiện được. Quy định giao “đất sạch” sẽ tránh được hiện tượng một số doanh nghiệp bắt tay với một số cán bộ nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất cùng nhau đưa ra giá đền bù thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế sau đó doanh nghiệp chia lợi ích cho những cán bộ, công chức này. Và như vậy phần thiệt hại thuộc về Nhà nước.
Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và ban hành những chế tài nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức có thẩm quyền vi phạm việc đấu giá quyền sử dụng đất. Thiết chặt các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất sẽ hạn chế được lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong đấu giá quyền sử dụng đất và quyền sở hữu của Nhà nước đối với đất đai được đảm bảo. Pháp luật hình sự cần quy định cụ thể hành vi lấn chiếm đất đai với diện tích bao nhiêu m2 và trị giá bao nhiêu tiền thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự để bảo vệ đất đai là tài sản công, mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Đặc biệt là ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm đất công mà hiện nay đang xảy ra nhiều nơi trên cả nước. Pháp luật hình sự cũng cần quy định chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc hơn hành vi gây ô nhiễm suy thoái, hủy hoại đất đai. Từ thế kỷ XV bộ “Quốc triều hình luật” đã quy định xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi lấn chiếm đất đai kể cả đất công và đất tư.
Về giá đất, Nhà nước cần quy định giá đất theo giá thị trường kể cả đất nông nghiệp để khi thu hồi đất không làm thiệt hại đến người sử dụng đất. Khi giao đất cho cá nhân, hoặc doanh nghiệp thì Nhà nước thu về được lợi ích tối đa. Nhà nước cũng cần ban hành các quy định pháp luật để thành lập cơ quan định giá đất, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, hoặc ở từng vùng thuộc Bộ Tài chính để làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập hệ thống cơ quan này. Về giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Pháp luật đất đai cần quy định chặt chẽ, đầy đủ và chi tiết hơn. Đặc biệt, pháp luật hình sự cần có quy định cụ thể về hành vi giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý bằng hình sự. Trong đó cần làm rõ thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng” để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật hình sự đối với những hành vi này. Để tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải tiếp tục rà soát và cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, hạn chế tối đa việc ban hành các thủ tục hành chính mới, tính toán các thủ tục hành chính sẽ phát sinh khi ban hành mới luật nội dung. Nghĩa là phải hoàn thiện luật hình thức trong quản lý đất đai và đưa khoa học công nghệ, kỹ thuật vào quản lý đất đai.
Thứ hai, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về đất đai
Để thực hiện được quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, thì đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đất đai có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy phải nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức này. Muốn thực hiện được giải pháp này phải cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đất đai đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, dưới hình thức dài ngày, hoặc ngắn ngày, vừa đào tạo theo hướng chính quy, vừa đào tạo theo hướng tại chức. Bên cạnh đó, hàng năm các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về quản lý đất đai. Song song với đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn thì cần bồi dưỡng các kiến thức chính trị pháp lý để nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ công chức quản lý đất đai. Bởi quản lý đất đai là quản lý một khối tài sản rất lớn của Nhà nước, là quản lý một lĩnh vực rất nhạy cảm về chính trị, vì đất đai liên quan tới hàng triệu người dân Việt Nam, liên quan tới chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật đất đai
Muốn thực hiện tốt quy định của Hiến pháp năm 2013 về Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và quản lý đất đai thống nhất thì Nhà nước phải tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai cho toàn thể nhân dân để người dân nhận thức đầy đủ quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai hiện hành, từ đó người dân hiểu được đây là một quy định mang tính Hiến định và không có hành vi lấn chiếm, hủy hoại, gây ô nhiễm cho đất đai. Còn khi Nhà nước có yêu cầu thu hồi đất để phục vụ cho lợi ích quốc gia, cho toàn xã hội thì người dân giao lại đất cho Nhà nước. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật đất đai còn có tác dụng làm cho các cán bộ, công chức quản lý đất đai hiểu được đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai, để lãnh đạo và quản lý đất đai đúng theo pháp luật; giải quyết các quan hệ về đất đai dựa trên cơ sở pháp luật. Xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, đồng thời bảo vệ các quyền lợi của Nhà nước, tổ chức, cá nhân sử dụng đất theo đúng pháp luật.
Thứ tư, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý và sử dụng đất
Để bảo vệ đất đai là tài sản của quốc gia mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thì Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp phải tăng cường hoạt động giám sát công tác quản lý và sử dụng đất đai, như tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thông qua các kỳ họp, thông qua các đoàn đại biểu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và thông qua hoạt động của từng đại biểu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý và sử dụng đất. Cụ thể là tăng cường công tác thanh tra của Chính phủ, thanh tra của tỉnh và đặc biệt là tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực đất đai để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Hạn chế tới mức tối đa thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.
Thứ năm, xử lý nghiêm minh, kiên quyết kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất
Hiện nay, trong quản lý đất đai ở nước ta, một số cán bộ công chức vi phạm các quy định pháp luật đất đai, có những vụ gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng phá vỡ quy hoạch đất đai, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Vì vậy, khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xử lý nghiêm và không nương nhẹ. Tùy theo từng vụ việc và hậu quả mà xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Phải xử lý kiên quyết dù người đó là ai, giữ chức vụ gì thì cũng phải xử lý. Không một tổ chức cá nhân nào có quyền bao che cho hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Thậm chí xử lý cả người có hành vi bao che cho những cán bộ quản lý đất đai vi phạm pháp luật. Có như vậy mới thực hiện được quy định của Hiến pháp năm 2013 là: “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai”. Trong những năm gần đây, một số tổ chức, cá nhân sử dụng đất đai đã có các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, như lấn chiếm, hủy hoại, gây ô nhiễm cho đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật… Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xử lý kiên quyết, nghiêm minh đúng pháp luật đối với những hành vi này. Hành vi vi phạm gây hậu quả không nghiêm trọng thì xử phạt hành chính, còn hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì kiên quyết xử lý bằng hình sự, với những chế tài thích hợp đủ cứng rắn để vừa ngăn chặn, vừa để răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Từ đó mới bảo vệ được đất đai - nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Khi có hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng đất mà chúng ta xử lý không nghiêm minh sẽ dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật, tạo ra những tiền lệ xấu trong quá trình sử dụng đất của các chủ thể sử dụng đất.
Có thể nói quy định: “Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 là hoàn toàn đúng đắn cả về phương diện lý luận, thực tiễn và truyền thống lịch sử sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam. Để thực hiện tốt quy định này, theo chúng tôi cần nghiên cứu nhận thức và thực hiện đầy đủ các vấn đề lý luận thực tiễn, giải pháp như chúng tôi đã đề cập ở trên. Như vậy, quy định của Hiến pháp năm 2013 về đất đai chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
[1]. Theo Trường Anh, http://www.vietnamfinace.vn/tai-chinh, [truy cập ngày 30/3/2019].
[2]. Theo báo Nhân dân điện tử ngày 30/3/2019 - nhandan.com.vn.
[3]. Báo Lao động điện tử laodong.vn ngày 19/9/2018 (truy cập 30/3/2019).