1. Đặc điểm tâm lý tư pháp của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là người ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, đây là độ tuổi có đầy đủ các đặc tính sinh học, xã hội và bước đầu phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về một số tội phạm nhất định (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi) và phải chịu TNHS hầu hết các tội phạm (từ đủ 16 tuổi). Khi tham gia tố tụng, người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng thường có tâm lý sợ hãi, e dè, không dám bộc lộ hết suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Về phía người bị buộc tội, một số người dưới 18 tuổi cố tỏ ra bất chấp, bất cần, coi thường người tiến hành tố tụng để che dấu sự sợ hãi bên trong. Có trường hợp lại từ chối tiếp xúc với cha mẹ, người đại diện hợp pháp, đại diện của nhà trường vì mặc cảm, sợ bị lên án, trách mắng. Do kiến thức xã hội hạn chế, kinh nghiệm sống chưa nhiều, người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng chưa có nhận thức thức đầy đủ về các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, chưa có ý thức thực hiện các quyền của bản thân và yêu cầu các chủ thể khác tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp mà người dưới 18 tuổi được hưởng. Người dưới 18 tuổi cũng chưa biết cách để tự bảo vệ mình trước những tác động mà quá trình tố tụng hình sự đưa lại. Do đó, họ được bảo vệ bằng các quy định đặc thù của pháp luật nói chung, bằng các quy định riêng của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Thi hành án hình sự phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm dễ bị tổn thương của lứa tuổi.
Theo Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên trước đây, thì “người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, do đó, tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự”.
Thứ nhất, đối với người bị bắt, người bị tạm giữ dưới 18 tuổi biểu hiện của đặc điểm tâm lý là: (i) Tâm trạng hoang mang, lo lắng, bất an; (ii) Trạng thái hay quan sát, thăm dò, đánh giá người bào chữa trong lần tiếp xúc đầu tiên.
Thứ hai, đối với bị can dưới 18 tuổi đặc điểm tâm lý biểu hiện: Ngoài những đặc điểm tâm lý chung của người bị bắt, người bị tạm giữ dưới 18 tuổi, bị can dưới 18 tuổi có những đặc điểm tâm lý riêng như: (i) Có khả năng miêu tả chính xác các dấu hiệu cơ bản của sự việc, hiện tượng nói chung và sự việc do mình và đồng phạm gây ra nói riêng; (ii) Có khả năng lắng nghe cao nhưng sự chú ý thấp, thiếu tri thức và kinh nghiệm nói chung, khả năng phân tích chưa sâu sắc; (iii) Trong quá trình tri giác và đánh giá những gì đã tri giác được có sự pha trộn giữa sự thật, trí tưởng tượng, hay xúc động trong quá trình tri giác và hoạt động; (iv) Cảm giác, ấn tượng thường xảy ra theo dòng dẫn đến có sự lẫn lộn những gì đã tri giác được; (v) Bị can người dưới 18 tuổi là nam giới thường muốn tỏ ra mình là người lớn, độc lập và tự chủ trong hành động của mình; (vi) Trong quá trình tham gia tố tụng bị can dưới 18 tuổi có thể sử dụng những thuật ngữ, khái niệm của người lớn nhưng thực tế lại không hiểu bản chất và hiểu sai nghĩa sử dụng; (vii) Nhiều trường hợp bị can chưa thành niên khai tô vẽ hoặc thay đổi lời khai do bị tác động, căn vặn của điều tra viên hoặc luật sư.
Có thể nói, những đặc điểm tâm lý nào và xuất hiện ra sao ở bị can dưới 18 tuổi phụ thuộc vào hoàn cảnh phạm tội cụ thể, hoàn cảnh bị bắt cũng như việc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hậu quả của tội phạm và sự cảm nhận của họ về tính nghiêm trọng của tội phạm và trách nhiệm pháp lý của họ.
Thứ ba, đối với bị cáo dưới 18 tuổi đặc điểm tâm lý biểu hiện như sau: Đặc điểm tâm lý của bị cáo dưới 18 tuổi trong hoạt động xét hỏi tại phiên tòa rất đa dạng tùy thuộc vào công việc; trình độ học vấn; lần đầu phạm tội hay nhiều lần phạm tội; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;... song có thể khái quát một số đặc điểm tâm lý phổ biến của bị cáo như sau:
So với các giai đoạn tố tụng trước đó, ngoài những đặc điểm tâm lý của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can phân tích ở trên, với tư cách là bị cáo ở giai đoạn xét xử có tâm lý mang tính ổn định hơn, không còn bỡ ngỡ với hoạt động tố tụng như ở giai đoạn điều tra. Khi tham gia phiên tòa, bị cáo nói chung và bị cáo dưới 18 tuổi nói riêng thường có tâm lý căng thẳng, hoạt động tư duy của bị cáo diễn ra với tốc độ cao theo các diễn biến tại phiên tòa. Nhiều bị cáo có thể rơi vào trạng thái bão hòa cảm xúc; đó là trạng thái tâm lý của con người bị mất tính nhạy cảm đối với kích thích, mất khả năng phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt. Đối với bị cáo khi tham dự phiên tòa, hiện tượng bão hòa cảm xúc có thể xảy ra như là hệ quả của trạng thái tâm lý căng thẳng quá mức kéo dài trong suốt các giai đoạn của hoạt động tố tụng từ giai đoạn điều tra cho đến giai đoạn xét xử tại tòa. Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn đến hiện tượng bão hòa cảm xúc ở bị cáo bao gồm diễn biến tại phiên tòa không đúng như kỳ vọng của bị cáo; tác động của dư luận xã hội mạnh mẽ, điều kiện sức khỏe, biến cố gia đình; chứng kiến sự đau khổ của người thân tại tòa... Khi bị rơi vào trạng thái bão hòa cảm xúc, bị cáo sẽ có ứng xử tại phiên tòa một cách máy móc, kém tinh nhạy và sáng suốt, do đó, không trình bày được một cách thuyết phục những vấn đề có liên quan đến vụ án; không trả lời được một cách logic, rõ ràng và mạch lạc các câu hỏi của những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa đặt ra.
Trong các phiên tòa xét xử đối với người dưới 18 tuổi có những biểu hiện tâm lý trái ngược nhau: Có bị cáo ở phiên tòa thì tỏ ra sợ hãi, hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình, song ngược lại thì cũng có những bị cáo tỏ vẻ “chất anh hùng” của mình, bất cần, không chút sợ hãi, thậm chí có hành vi cố tình cười cợt… thể hiện sự hạn chế trong nhận thức về pháp luật, nhận thức không đầy đủ hoặc phiến diện về chuẩn mực đạo đức.
2. Đặc điểm tâm lý tư pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi
Người bị hại dưới 18 tuổi là tất cả những người ở mọi độ tuổi dưới 18 mà không phải chỉ ở độ tuổi 14 - 18 như đối với người bị buộc tội. Người dưới 18 tuổi dễ bị tội phạm xâm hại, dễ bị đưa đến nguy cơ nạn nhân hóa do sức khỏe, khả năng tự bảo vệ bản thân còn hạn chế, do ngây thơ, cả tin, thiếu hiểu biết xã hội. Khi bị tội phạm xâm hại, họ có nguy cơ bị tổn thương cao hơn (cho rằng tổn thất mình phải gánh chịu là quá lớn, xã hội quá bất công, cuộc đời quá bất hạnh, người lớn quá vô tâm, một số bị hại dưới 18 tuổi lại có diễn biến tâm lý tiêu cực theo chiều hướng tự đổ lỗi cho bản thân, tự oán trách bản thân) hoặc ngược lại chưa ý thức được về tổn thất mà mình đã trải qua hoặc những hậu quả mà mình sẽ phải gánh chịu trong những giai đoạn sắp tới của cuộc đời.
(i) Đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi bị xâm hại: Người dưới 18 tuổi bị xâm hại là nạn nhân của các hành vi bạo lực, lạm dụng tình dục hoặc đe dọa tâm lý làm tổn thương về thể xác và tinh thần, trí tuệ (người chưa thành niên bị xâm hại là nạn nhân trong từng điều luật cụ thể). Đặc điểm cơ bản của người dưới 18 tuổi bị xâm hại nói chung bao gồm:
- Bị tổn thương về thể xác, đau đớn về cơ thể, hành vi xâm hại làm cho cơ thể hoặc một bộ phận của cơ thể hoạt động không bình thường, sự tổn hại đó được thể hiện ra bên ngoài như: Vết bầm tím, vết xây xước, vết hằn, sẹo... mắt thường có thể nhận biết được.
- Bị tổn thương về mặt tin thần: Bị chấn động mạnh về mặt tinh thần thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi: hoảng sợ, lo lắng căng thẳng, trầm uất, luôn bị ám ảnh về các hành vi đã gây ra tổn thương cho các em; lo lắng, sợ hãi khi nhớ lại sự việc hoặc gặp lại, nhìn thấy người lạ có hình dáng, đặc điểm, thái độ, động tác như kẻ đã gây ra sự việc đối với các em; sợ tiếp xúc với cha mẹ, người lạ, thường xuyên có những ác mộng khi ngủ... và có các hành vi không bình thường trong cuộc sống so với những đứa trẻ bình thường cùng lứa tuổi, đều có thể nhận biết được.
Những dấu hiệu về trạng thái tinh thần và thái độ thường thấy ở người dưới 18 tuổi bị xâm hại hoặc bị ngược đãi như: Tỏ ra đau khổ và buồn thảm khi thấy những đứa trẻ khác khóc lóc; hung hãn và có thái độ tiêu cực, phủ nhận; sợ bố mẹ và những người lớn khác; đứng ngồi không yên, có những thói quen bừa bãi, vô tổ chức; hay cắn móng tay, thậm chí đái dầm, từ chối và không muốn hợp tác….
(ii) Đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục: Trong nhóm tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người, các tội danh liên quan đến xâm phạm tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm, sinh lý của người bị hại. Trong thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam có xu hướng gia tăng và để lại những hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Khi tham gia vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, tiếp xúc với bị hại, chúng ta cần lưu ý một số đặc điểm tâm lý của bị hại là trẻ em bị xâm hại tình dục, cụ thể như:
- Trẻ bị xâm hại tình dục thường có cảm giác xấu hổ và tội lỗi, trẻ tự đổ lỗi cho bản thân mình về những gì đã xảy ra với trẻ và có cảm giác xấu hổ vì mình là nạn nhân. Từ tâm lý xấu hổ, mặc cảm tội lỗi này sẽ ngăn cản việc trẻ khai báo, trình bày lại sự việc với luật sư cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hiểu được trạng thái tâm lý trẻ em như vậy, giúp luật sư tìm hiểu thêm về tâm lý trẻ em và diễn biến tâm lý của trẻ để có phương pháp tiếp xúc, trao đổi và kế hoạch bảo vệ tốt nhất cho các em.
- Trẻ tự ti và nhút nhát không tin tưởng vào bản thân, người khác và môi trường xung quanh. Trẻ mất khả năng chia sẻ cảm xúc và vật chất của mình với người khác, do đó, sẽ thiếu sự hợp tác trong quá trình làm việc với luật sư cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật. Với đặc điểm tâm lý này, trẻ thường có độ lì cao độ, không nói và không trả lời, không nghe. Trạng thái này không thuộc dạng chống đối bất hợp tác mà quá tự ti dẫn đến không thể hợp tác được.
- Trẻ thể hiện nhiều hành vi tự hủy hoại bản thân khác nhau như tự gây ra tai nạn cho mình, cố tình để bị đau ốm, đến việc có hành vi cố gắng tự sát… Đây là cách để trẻ thoát khỏi cảm nhận không tốt về bản thân. Dạng tâm lý này còn được gọi là tâm lý của dạng tự kỷ, trầm cảm, nên thường có những hành vi hành hạ bản thân mới thấy mình đỡ xấu hổ, tủi nhục. Hiểu được trạng thái tâm lý bất ổn này, giúp luật sư có phương án tiếp cận và đưa trẻ ra khỏi trạng thái đó, an ủi và động viên kịp thời giúp trẻ bình tĩnh và hợp tác với luật sư.
- Trẻ coi các đối tượng xung quanh gắn liền với mối đe dọa, sự sợ hãi, với nguy cơ sẽ bị đối xử tồi tệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Một trong những biểu hiện lớn nhất của rối loạn tinh thần ở trẻ bị xâm phạm tình dục là sự khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh, kể cả người lớn và bạn bè cùng trang lứa. Thường gặp trạng thái tâm lý này ở trẻ em có nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, như trẻ em lang thang đường phố, trẻ mồ côi, trẻ em bị lạm dụng tình dục hoặc sức lao động…
- Trẻ có phản ứng bốc đồng, hiếu chiến, ngang bướng do bắt chước hành vi của kẻ xâm hại, có thể lặp lại hành động tình dục đó với trẻ khác… Những điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với bạn bè do vậy càng làm cho trẻ thêm tự ti, tự hạ thấp giá trị bản thân;
- Trẻ thường có tâm lý bực tức, căng thẳng điều này có thể ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phục hồi và cuộc sống sau này của trẻ;
- Trẻ thụ động, tránh né mọi khả năng phải đối đầu, hoàn toàn phục tùng và nghe lời của người khác, lựa chọn thái độ quá cẩn trọng trong mọi việc, luôn tỏ ra cần sự bảo vệ để tránh mọi rắc rối, nhạy cảm với những lời phê bình, không tự nhiên, thiếu tự tin;
- Trẻ có thể có biểu hiện rối loạn hành vi. Mức độ bị xâm hại tình dục có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em và những biểu hiện rối loạn hành vi mỗi em cũng khác nhau;
Ngoài ra, bị hại là người dưới 18 tuổi có những đặc điểm tâm lý khác như: (i) Căm tức kẻ phạm tội: Do bị thiệt hại trực tiếp về thể chất, tinh thần bởi tội phạm, do đó, bị hại luôn mong muốn chủ thể tội phạm phải bị trừng phạt thật nặng; (ii) Có tâm lý dễ bị kích động, giảm khả năng kiềm chế cảm xúc.
Sự thiệt hại về thể chất, tinh thần hay tài sản đều có tác động rất mạnh tới trạng thái thần kinh - tâm lý của bị hại dẫn đến việc suy giảm khả năng kiềm chế cảm xúc. Có những trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý (sợ hãi, suy nhược về tinh thần và thể chất, rối loạn tâm thần và hành vi) do tác động bởi hành vi phạm tội gây ra. Vì vậy, khi tiếp xúc với luật sư, phần lớn bị hại thuộc trường hợp này khi yêu cầu cung cấp các thông tin về vụ việc mà họ phải trải qua thì có thể xuất hiện sự xúc động, hoảng loạn cảm xúc và hành vi. Do đó, họ không thể tự mình cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về vụ việc. Tâm lý lo sợ khiến bị hại rơi vào trạng thái bất hợp tác, từ chối khai báo: Lý do từ chối khai báo có thể do bị hại có quan hệ đặc biệt với kẻ phạm tội, do đó, có tâm lý không muốn người thân bị trừng phạt, có thể do bị hại có tâm trạng xấu hổ (trong những vụ án bị hại bị kẻ phạm tội xâm hại tình dục nên không muốn những người khác biết), hoặc người bị hại lo sợ sự khai báo sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc hoặc làm lộ những điều bí mật về đời tư hoặc tội lỗi khác của họ. Trong những trường hợp bị hại bị hành vi phạm tội xâm hại khi đang có hành vi phạm tội khác hoặc khi đang có hành vi không trong sáng, nếu thiệt hại đối với họ không quá lớn, họ thường từ chối khai báo (bị đánh, cướp tài sản khi đang thực hiện hành vi phi đạo đức, khi đang có hành vi trái pháp luật, tài sản bị mất là tài sản do hành vi phạm pháp mà có...). Vì vậy, khi tiếp xúc với bị hại thuộc dạng này phải tế nhị, không hỏi về các tình tiết diễn biến cụ thể, khi tiếp xúc phải xác định chính xác nguyên nhân tâm lý cản trở sự khai báo của họ để lựa chọn cách thức bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ.
3. Đặc điểm tâm lý người làm chứng là người dưới 18 tuổi
Người làm chứng nói chung có tâm lý sợ phiền hà, không muốn mất thời gian ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt của mình, tốn kém tiền của hoặc bị phía đối tượng trong vụ án mua chuộc. Người làm chứng có thể được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập để lấy lời khai, nhận diện, đối chất vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật... Điều đó ảnh hưởng đến thời gian làm việc, học tập, sinh hoạt, ảnh hưởng đến thu nhập kinh tế thậm chí phải mất chi phí cho việc làm chứng (chi phí đi lại, ăn ở). Đối với người làm chứng là người dưới 18 tuổi, ngoài tâm lý nêu trên, các em thường lo lắng, sợ hãi bởi một số nguyên nhân sau đây:
- Do ít kinh nghiệm, ít va chạm nên các em chưa có khả năng để có thể tự bảo vệ mình, tâm lý sợ bị trả thù, sợ gia đình liên lụy khi đứng ra làm chứng.
- Các em sợ bị xử lý trước pháp luật do bản thân có liên quan tới sự việc tội phạm ở mức độ nhất định hoặc sợ bị phát hiện hành vi không tốt của mình, sợ bị liên đới chịu trách nhiệm với người phạm tội. Trường hợp người làm chứng không có hành vi liên quan tới sự việc phạm tội nhưng tình cờ được chứng kiến hành vi phạm tội trong khi bản thân các em đang làm những chuyện không đúng, do đó họ chỉ muốn tránh xa các cơ quan bảo vệ pháp luật để không bị lâm vào tình cảnh rắc rối. Đó còn chưa kể tới những trường hợp đã và đang có hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng chưa bị phát hiện, họ rất sợ phải tiếp xúc với cơ quan bảo vệ pháp luật vì theo tâm lý “có tật giật mình”. Trong thâm tâm họ luôn sợ rằng “cái sảy nảy cái ung” nên có suy nghĩ tốt nhất không nên ra làm chứng để bảo vệ an toàn cho bản thân mình.
- Các em sợ ảnh hưởng không tốt đến uy tín, danh dự của bản thân hoặc đến mối quan hệ với các đối tượng trong vụ án. Khi ra làm chứng trước pháp luật, các em sợ bị mọi người xung quanh hiểu lầm mình có dính líu gì đó đến vụ án nên mới bị cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập. Mặt khác trong xã hội vẫn còn nhiều người thành kiến với việc kiện tụng, coi việc tố cáo nhau là xấu dù họ biết việc bị tố cáo là việc xấu, thậm chí là tội phạm. Họ muốn tội phạm bị trừng trị nghiêm minh nhưng nhiều người vẫn cảm thấy “áy náy” vì cho rằng vì mình đứng ra làm chứng mà người khác vào tù. Việc làm chứng với họ rất khó khăn nên thường thiếu nhiệt tình. Nếu giữa người làm chứng và bị can, bị cáo có mối quan hệ thân quen thì các em còn có thêm tâm lý sợ bị đưa lên bàn cân của dư luận, bị mất lòng tin với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, sợ bị tẩy chay.
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân