Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án, thể nhân bị thiệt hại thì đương nhiên được xác định tư cách tham gia tố tụng là người bị hại nhưng đối với cơ quan, tổ chức bị tội phạm tác động trực tiếp và bị thiệt hại thì lại không được đương nhiên xác định là người bị hại. Để được tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cơ quan, tổ chức buộc phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để được xác định tư cách tham gia tố tụng là nguyên đơn dân sự hoặc được cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, việc mà đáng lẽ ra theo khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật thì cơ quan, tổ chức đó phải là bị hại. Vì vậy, nếu cứ quy định buộc cơ quan, tổ chức tham gia vụ án với vai trò nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì sẽ khiên cưỡng và không thể bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể này đặc biệt là quyền kháng cáo bản án.
Từ những vướng mắc trên, Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã định danh lại quy định bị hại không chỉ là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản mà còn là cơ quan, tổ chức (có hoặc không có tư cách pháp nhân) bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Với quy định mới này, phạm vi về chủ thể và các dạng thiệt hại đối với bị hại đã được mở rộng và mang tính bao quát, toàn diện hơn. Việc định danh lại thuật ngữ bị hại đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trong việc bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra đặc biệt là đối với cơ quan, tổ chức cũng như đảm bảo tính thống nhất trong việc xác định tư cách tố tụng của các cơ quan THTT.
1. Về địa vị pháp lý của bị hại trong tố tụng hình sự
Địa vị pháp lý của bị hại chính là tổng hợp quyền và nghĩa vụ pháp lý khi tham gia tố tụng hình sự (TTHS) và được quy phạm pháp luật TTHS điều chỉnh. Bị hại là chủ thể tham gia TTHS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị tội phạm xâm phạm. Quyền năng pháp lý và nghĩa vụ pháp lý của bị hại được quy định phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các nguyên tắc cơ bản trong TTHS.
1.1. Về quyền của bị hại
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ như: Tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm và tài sản… vì vậy, cần phải có những biện pháp cụ thể để bảo vệ, khắc phục thiệt hại, khôi phục lại một phần hoặc toàn bộ tình trạng ban đầu do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Do vậy, khi tham gia TTHS, bị hại phải được đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quyền năng pháp lý mà pháp luật quy định.
Trước năm 2015, dù pháp luật đã quy định cụ thể quyền năng pháp lý của bị hại nhưng chưa đầy đủ và mang tính rải rác. Chính điều này dẫn đến trường hợp quên hoặc bỏ sót khi áp dụng pháp luật hoặc chỉ tập trung vào việc trừng trị kẻ phạm tội mà chưa chú trọng đến các nhóm quyền năng của bị hại. Với quy định mới tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các nhóm quyền của bị hại đã được quy định cụ thể và tập trung trong một điều luật, cụ thể như sau:
Một là, nhóm các quyền mặc nhiên: Đây là nhóm các quyền mà pháp luật quy định bị hại đương nhiên được hưởng, không phụ thuộc vào bất kỳ một nghĩa vụ hay tiêu chuẩn nào và cơ quan THTT phải có nghĩa vụ tạo mọi điều kiện cần thiết để các quyền này được đảm bảo thực hiện trong thực tiễn ở mỗi giai đoạn tố tụng. Các nhóm quyền này bao gồm: (i) Quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ khi bị hại tham gia các hoạt động tố tụng như lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, xét xử… thì cơ quan THTT bắt buộc có trách nhiệm thực hiện; (ii) Ở mỗi giai đoạn tố tụng, khi cơ quan THTT ban hành các văn bản tố tụng về kết quả giải quyết như: Kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, các quyết định tố tụng khác đều phải có trách nhiệm gửi hoặc thông báo cho bị hại biết theo thời gian luật định, bởi bị hại đương nhiên có quyền được biết để trên cơ sở đó có những chuẩn bị cần thiết cho việc tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; (iii) Nếu như trước đây, bị hại chỉ tham gia phiên tòa một cách bị động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã trao quyền chủ động cho bị hại khi tham gia phiên tòa để trình bày ý kiến, hỏi bị cáo và những người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa. Đây là các quyền thể hiện vị thế tố tụng của bị hại, đồng thời, thông qua quyền này, có thể giúp làm sáng tỏ các tình tiết, những mâu thuẫn, thiếu sót của vụ án mà các cơ quan THTT chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ, chưa khách quan, toàn diện; (iv) Bị hại là chủ thể trực tiếp bị thiệt hại, với mong muốn được bồi thường thiệt hại, bù đắp những tổn thất về tinh thần, tài sản, được xin lỗi, cải chính công khai… thì ngoài việc tự mình bảo vệ thì bị hại có thể nhờ người khác có trình độ chuyên môn, hiểu biết pháp luật như luật sư, trợ giúp viên pháp lý… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bởi lẽ, không phải lúc nào bị hại cũng tự bảo vệ được mình do các yếu tố về trình độ nhận thức, sự hiểu biết về pháp luật, cùng với sự bất ổn về tinh thần do hành vi phạm tội gây ra; (v) Tham gia các hoạt động tố tụng là quyền năng thể hiện vị trí và vai trò của bị hại khi tham gia tố tụng hình sự. Từ đó, bị hại sẽ chủ động hơn trong việc tham gia giải quyết vụ án ngay từ đầu để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, việc tham gia hoạt động tố tụng của bị hại phải tuân thủ những điều kiện của pháp luật để đảm bảo tính khách quan, tính khả thi, không gây khó khăn và cản trở đến hoạt động của các cơ quan THTT; (vi) Quá trình giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đã được các cơ quan THTT bảo vệ theo các quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn có trường hợp việc bảo vệ quyền lợi cho bị hại chưa trọn vẹn, triệt để hoặc chưa thỏa mãn được các yêu cầu của bị hại. Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã trao cho bị hại quyền được kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người THTT nếu bị hại cho rằng chưa được đảm bảo đầy đủ các quyền, lợi ích chính đáng được hưởng cũng như có sự vi phạm đến từ cơ quan THTT xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Hai là, nhóm các quyền yêu cầu: Đây là nhóm các quyền mà các cơ quan THTT phải tạo điều kiện, xem xét thực hiện trên cơ sở yêu cầu, đề nghị từ phía bị hại. Do đó, các quyền này chỉ phát sinh nếu đáp ứng hai điều kiện đó là: Có yêu cầu của bị hại và các yêu cầu này phải mang tính khả thi, tính hợp pháp, bao gồm:
(i) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu là quyền của bị hại trong việc đưa ra các loại vật chứng, tài liệu, dữ liệu điện tử, các yêu cầu… để góp phần chứng minh tội phạm, người phạm tội, thiệt hại và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, đặc biệt đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại nhằm bảo vệ, khôi phục hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ, khôi phục lại những thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc đe doạ gây ra, phù hợp với các quy định về thu thập chứng cứ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cùng với đó, bị hại có quyền trình bày ý kiến về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật này hoặc yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá về nguồn gốc, cách thức thu thập, bảo quản và mối quan hệ giữa chứng cứ, tài liệu, đồ vật đối với vụ án hình sự nhằm đảm bảo cho việc tất cả các tài liệu, đồ vật, yêu cầu của bị hại đưa ra đều được xem xét, kiểm tra, đánh giá;
(ii) Kết quả của hoạt động trưng cầu giám định, định giá tài sản là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng đối với việc giải quyết vụ án hình sự, là cơ sở tiên quyết cho việc khởi tố vụ án như: Tội Trộm cắp tài sản (Điều 173); Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134)... Do đó, việc đảm bảo quyền yêu cầu của bị hại đối với hoạt động trưng cầu giám định, định giá tài sản sẽ tạo được sự thống nhất với các quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các văn bản hướng dẫn về định giá tài sản của Chính phủ;
(iii) Thay đổi người có thẩm quyền tố tụng và người tham gia tố tụng khác nhằm đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đặc biệt, khi quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại đối lập với người phạm tội nên rất cần những người THTT, người tham gia tố tụng phải thực sự khách quan và vô tư. Chính vì vậy, nếu có căn cứ xác định người có thẩm quyền THTT, người tham gia tố tụng không khách quan, vô tư thì bị hại có quyền đề nghị thay đổi để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình;
(iv) Bị hại là chủ thể trực tiếp bị thiệt hại của hành vi phạm tội nên chính tự thân bị hại sẽ hiểu rõ nhất hệ quả của những thiệt hại đó, do đó, bị hại phải được quyền đề nghị hình phạt, đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường đối với bị cáo để đảm bảo vụ án được việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, khôi phục được một phần thiệt hại đối với những mất mát đã xảy ra. Tất nhiên, việc hội đồng xét xử quyết định hình phạt, mức bồi thường, biện pháp bảo đảm đối với bị cáo như thế nào còn phải căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu khác và các quy định của pháp luật;
(v) Bị hại là chủ thể tham gia tố tụng có địa vị pháp lý độc lập, đối lập về lợi ích với bị can, bị cáo nên bị hại và người thân thích của bị hại có nguy cơ bị đe dọa hoặc trực tiếp bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản khi tham gia TTHS. Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cho thấy không ít trường hợp bị hại hoặc người thân thích của họ bị đe dọa, khống chế, mua chuộc để ngăn chặn bị hại khai báo với cơ quan THTT. Do đó, quyền yêu cầu cơ quan THTT phải có những biện pháp để bảo vệ mình và người thân thích của bị hại là nhu cầu cấp thiết và chính đáng, thể hiện tránh nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi của công dân;
(vi) Về mặt nguyên tắc chung, khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, pháp luật quy định cho phép bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Đây là những trường hợp mà hành vi phạm tội vừa xâm phạm trật tự xã hội, vừa xâm phạm trực tiếp đến thể chất, sức khoẻ, danh dự của bị hại. Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại đối với một số tội quy định tại khoản 1 điều luật như các tội: Cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cưỡng dâm, làm nhục người khác… của Bộ luật Hình sự năm 2015. Những trường hợp này nếu bắt buộc phải khởi tố vụ án thì lợi ích về mặt xã hội thu được không lớn và có khả năng làm tổn thương thêm về mặt tinh thần cho bị hại. Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm đã xác lập khả năng, điều kiện để bị hại cân nhắc, quyết định có yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về mặt hình sự đối với hành vi phạm tội hay không. Với quy định này, đã tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội thuận lợi để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Trường hợp không có yêu cầu khởi tố của bị hại, thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố không được khởi tố, trường hợp là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết mà không thể hiện được ý chí của mình thì khi có sự đồng ý của người đại diện mới được khởi tố;
(vii) Bên cạnh quyền yêu cầu khởi tố, bị hại cũng được quyền rút đơn yêu cầu khởi tố ở bất kỳ thời điểm nào của các giai đoạn tố tụng, kể cả tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Đây là quy định mới nhằm tôn trọng ý chí của bị hại và tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả, hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với người bị hại.
1.2. Về nghĩa vụ của bị hại
Bên cạnh các quyền được pháp luật đảm bảo thì bị hại phải thực hiện các nghĩa vụ trong việc giúp cơ quan THTT xác định sự thật khách quan, giúp cho quá trình giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng nghĩa vụ, trách nhiệm của bị hại trong quá trình tham gia tố tụng, đồng thời gắn với đó là biện pháp cưỡng chế đi kèm để bảo đảm nghĩa vụ phải được thực hiện trên thực tế. Theo đó, khi tham gia tố tụng, bị hại có các nghĩa vụ cơ bản sau: (i) Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm THTT nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan để trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án mà họ biết một cách trung thực, khách quan để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Trường hợp bị hại cố ý vắng mặt thì có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải. Sự có mặt của bị hại có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu bởi nếu bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại vắng mặt thì việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và có thể dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, bên cạnh đó, quyền lợi của bị hại cũng khó được bảo đảm; (ii) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền THTT là việc thực hiện hoặc không thực hiện một việc trong TTHS như có mặt theo giấy triệu tập, thực hiện việc giao nộp các tài liệu, vật chứng, chứng cứ, tham gia các hoạt động điều tra như đối chất, nhận dạng, trưng cầu giám định…
Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã loại bỏ trách nhiệm hình sự đối với bị hại trong trường hợp từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng, quy định này đã thể hiện tính nhân văn của pháp luật trong việc bảo vệ bị hại. Mặt khác cũng xác định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan THTT.
2. Một số hạn chế về pháp luật và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, về xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại chưa cụ thể, rõ ràng đối với cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ, Điều 62 và Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cùng quy định cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra, vậy trường hợp nào được xác định là bị hại, trường hợp nào được xác định là nguyên đơn dân sự. Với mỗi tư cách tham gia tố tụng khác nhau thì phạm vi quyền kháng cáo cũng khác nhau, trong khi bị hại được kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án thì nguyên đơn dân sự chỉ được kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại, điều này sẽ đánh mất tính công bằng trong việc tham gia tố tụng.
Thứ hai, đối với những thiệt hại của cơ quan, tổ chức về tài sản thì có căn cứ xác định và được bồi thường theo nguyên tắc ngang giá. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại về uy tín của cơ quan, tổ chức do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định như thế nào là ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức (ví dụ: Doanh nghiệp liên doanh, đại diện thương hiệu, cơ sở được ủy quyền, chi nhánh doanh nghiệp… thì xác định thiệt hại như thế nào?). Quy định này mang tính trừu tượng, khó phân định chính xác uy tín bị thiệt hại đến mức độ nào và trong cấu thành tội phạm cũng không coi thiệt hại về uy tín là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt. Vì vậy, cần phải có hướng dẫn cụ thể thiệt hại về uy tín của cơ quan, tổ chức, hình thức xâm hại đến uy tín, mức độ thiệt hại về uy tín, phương thức bồi thường và khắc phục hậu quả thiệt hại về uy tín trong trường hợp có khả năng gây ra hậu quả về tài sản. Bên cạnh đó, nếu điều luật đã quy định thiệt hại về uy tín của cơ quan, tổ chức thì cũng cần xem xét bổ sung thiệt hại về uy tín của thể nhân để đảm bảo sự công bằng khi tham gia tố tụng của các chủ thể.
Thứ ba, người bị hại chỉ có thể bị dẫn giải nếu họ từ chối giám định do từ chối triệu tập của người có thẩm quyền THTT theo điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong khi đó, điểm a khoản 4 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị hại có thể bị áp dụng biện pháp dẫn giải nếu cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan kể cả trong trường hợp được triệu tập để tham gia tất cả các hoạt động tố tụng.
Từ những phân tích trên, theo tác giả, cần sửa đổi Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
“Điều 62. Bị hại
1. Bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
2…
4.
a) Có mặt theo giấy triệu tập để giám định của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải”.
Thứ tư, về thời điểm rút yêu cầu khởi tố của bị hại và hậu quả pháp lý của việc rút yêu cầu khởi tố chưa thống nhất ở giai đoạn xét xử phúc thẩm và các giai đoạn tố tụng trước đó dẫn đến việc vận dụng pháp luật của các Tòa án còn chưa chính xác. Cụ thể, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm bị hại rút yêu cầu khởi tố thì một số Tòa án không được chấp nhận và vẫn tiếp tục xét xử do Điều 348, 359 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định căn cứ đình chỉ theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, cần ban hành văn bản hướng dẫn để thống nhất nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan THTT về vấn đề này.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng