Toàn cảnh buổi làm việc.
18 điều ước quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự đang được Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì đàm phán
Tại buổi làm việc, đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế báo cáo về các nhiệm vụ trọng tâm, có tính đặc thù của Vụ Pháp luật quốc tế, trong đó tập trung ở các nhóm công việc như: công việc liên quan đến đầu mối của Bộ Tư pháp về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm sự phù hợp và tương tác qua lại giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế; phối hợp với các bộ, ngành tham gia đàm phán, xây dựng pháp luật quốc tế mà các bộ, ngành khác chủ trì có liên quan đến thể chế pháp lý. Đặc biệt, Vụ Pháp luật quốc tế có nhiệm vụ chủ trì trong quá trình đàm phán, gia nhập các điều ước quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự. Hiện nay, đã có 18 điều ước quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự được Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì đàm phán và đang trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, trong việc thực hiện chỉ đạo mới nhất của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam, Vụ Pháp luật quốc tế đang đẩy mạnh công tác tham gia xây dựng thể chế pháp lý quốc tế.
Đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng thời, giống với các đơn vị xây dựng pháp luật khác, Vụ Pháp luật quốc tế là một trong 04 đơn vị của Bộ Tư pháp tham gia xây dựng nghị định pháp lý, đề án văn bản quy phạm pháp luật trong đó có yếu tố nước ngoài. Hàng năm, Vụ Pháp luật quốc tế góp ý gần 70 văn bản quy phạm pháp luật trong nước, trong đó có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Đặc biệt, trong năm 2025, Vụ Pháp luật quốc tế được giao chủ trì, xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV.
Về công tác công pháp quốc tế, đây là nhiệm vụ tham gia giải quyết tranh chấp về các khía cạnh pháp lý và xử lý vướng mắc pháp luật trong lĩnh vực công pháp quốc tế, nhiệm vụ này và có những nội dung rất quan trọng, đặc biệt, các vấn đề liên quan đến Luật Điều ước quốc tế.
Về pháp luật đầu tư có yếu tố nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, đặc biệt, các tranh chấp liên quan đến biên giới lãnh thổ, tranh chấp thương mại quốc tế. Hiện nay, Vụ Pháp luật quốc tế đang chủ trì giải quyết 04 vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế. Ngoài ra, với vai trò là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ, Vụ Pháp luật quốc tế cũng đã giúp đỡ các bộ, ngành khác và địa phương trong việc giải quyết các vụ tranh chấp có liên quan, qua đó giúp nâng cao năng lực chủ trì giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế.
Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm, Vụ Pháp luật quốc tế còn thực hiện các nhiệm vụ khác như công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, hành chính, tổng hợp, thi đua khen thưởng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và đoàn thể.
Tại buổi làm việc, các công chức, các cán bộ trẻ, Đoàn Thanh niên của Vụ Pháp luật quốc tế đã báo cáo chi tiết hơn một số kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến pháp luật quốc tế. Đồng thời, trình bày những ý kiến đề xuất với Thứ trưởng về một số vấn đề như nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và hoạt động của Vụ Pháp luật quốc tế trong thời gian tới.
Vụ Pháp luật quốc tế cần tổ chức họp giao ban theo từng quý để kiểm soát các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm tiến độ thời hạn, chất lượng công việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao sự đổi mới trong cách thức làm việc của Vụ Pháp luật quốc tế, đặc biệt, việc báo cáo ngắn gọn, đi thẳng vào các nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề cốt lõi, mang tính chiến lược của Ngành cần triển khai ngay trong năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng cơ bản nhất trí với nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng và những kiến nghị của Vụ Pháp luật quốc tế đã đề xuất tại buổi làm việc. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp luật quốc tế cần tổ chức họp giao ban theo từng quý để kiểm soát các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm tiến độ thời hạn, chất lượng công việc. Thứ trưởng nhấn mạnh, Vụ Pháp luật quốc tế là một đơn vị quan trọng trong bộ máy của Bộ Tư pháp, trong kỷ nguyên mới của đất nước, mỗi công chức cần phải hòa theo dòng chảy, nghiên cứu đổi mới tư duy, làm mới chính mình để đóng góp nhiều hơn nữa trong sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp và của đất nước; Vụ Pháp luật quốc tế cần tiếp tục bám sát Kế hoạch công tác năm 2025 đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt, bảo đảm thực hiện các công việc đúng tiến độ, chất lượng; bám sát các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về pháp luật quốc tế./.
Song An