Khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý thuế năm 2019 về nguyên tắc quản lý thuế quy định: “2. Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế”. Với quy định này có thể thấy, pháp luật thuế chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức trong quản lý thuế, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế. Điều này dẫn đến những bất cập trong thực tiễn thi hành.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, người nộp thuế phải có trách nhiệm tự tính, tự kê khai, tự nộp thuế và chịu trách nhiệm về việc kê khai, nộp thuế của mình theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế sẽ thực hiện hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Mặc dù hiện nay đã áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều vụ việc mua bán hóa đơn với số tiền thuế lớn vẫn bị cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua, do đó, việc triển khai hóa đơn điện tử không thể ngăn chặn được việc gian lận, mua bán hóa đơn của doanh nghiệp. Bởi lẽ, hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu có thật hay không có thật, cơ quan thuế không thể xác định được nếu chưa kiểm tra, xác minh mặc dù doanh nghiệp đã gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế. Cán bộ thuế không thể kiểm soát hết được dữ liệu; hệ thống tự động không thể kiểm soát được hết bản chất giao dịch thực tế, gian lận về thuế. Cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra nên việc xác minh về hoạt động mua bán của người nộp thuế mất rất nhiều thời gian và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị như ngân hàng thương mại, đơn vị vận chuyển và các cơ quan quản lý nhà nước như công an, hải quan... Do đó, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau cần phải có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế chỉ chịu trách nhiệm theo các thông tin trên hồ sơ doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn thuế, không phải chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp gian lận trong việc kê khai và cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác dẫn đến giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp không đúng quy định.
Điển hình cho bất cập trên là thực tế đã xảy ra tại Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến vụ án Thủ Đức House (Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức), một số công chức đã bị Tòa án kết tội và phải thực hiện án phạt tù. Vụ án này gây tâm lý hoang mang, thận trọng trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế của các công chức thuế trên toàn quốc, làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế.
Chính vì vậy, để bao quát các trường hợp cơ quan thuế phải giải quyết cho người nộp thuế và đồng bộ với Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Luật số 56/2024/QH15[1] đã bổ sung vào khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý thuế năm 2019, quy định trách nhiệm của công chức thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nói riêng và giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế nói chung. Theo đó, khoản 2 Điều 5 nêu trên được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
Công chức quản lý thuế chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế trong phạm vi hồ sơ, tài liệu, thông tin của người nộp thuế cung cấp, cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế, thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến người nộp thuế, kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, bảo đảm theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và quy định pháp luật khác về thuế có liên quan”.
Bổ sung quy định này sẽ tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc giải quyết thủ tục hành chính, công chức quản lý thuế thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 17 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về trách nhiệm của người nộp thuế phải: “2. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế”. Nhằm nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế, giải trừ trách nhiệm của công chức thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình thực hiện gian lận, điều khoản trên đã bổ sung trách nhiệm của người nộp thuế là phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ cả “các tài liệu cung cấp cho cơ quan thuế trong quá trình giải quyết hồ sơ thuế theo quy định của pháp luật về thuế”. Theo đó, khoản 2 Điều 17 Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi có nội dung như sau: “2. Khai chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế và các tài liệu cung cấp cho cơ quan thuế trong quá trình giải quyết hồ sơ thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.
Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 trừ một số trường hợp có hiệu lực riêng.
Uyên Nhi
[1] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 56/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 29/11/2024.