Giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng có nhiều ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Giới hạn tự do hợp đồng ở khía cạnh này được thể hiện thông qua yêu cầu hợp đồng do các bên xác lập phải được thể hiện dưới hình thức văn bản, văn bản có công chứng, chứng thực và đăng ký. Quá trình áp dụng quy định pháp luật hiện hành về các hình thức hợp đồng nói trên đã phần nào cho thấy sự phù hợp đối với giao lưu dân sự. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế và bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích các bên cũng như lợi ích chung của cộng đồng. Vì vậy, việc đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện những quy định pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn.
1. Khái quát về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức trong hoạt động thương mại
1.1. Sự cần thiết đưa ra giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức trong hoạt động thương mại
Hình thức hợp đồng là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng trong chế định hợp đồng. Hình thức hợp đồng là phương thức thể hiện nội dung của hợp đồng (ghi nhận ý chí của các bên) và những thủ tục mà pháp luật quy định bắt buộc các bên giao kết phải tuân thủ khi giao kết một số loại hợp đồng nhất định[1]. Pháp luật liên quan đến hình thức hợp đồng vừa cho phép các bên được lựa chọn hình thức hợp đồng nhưng cũng có những yêu cầu bắt buộc đối với hình thức hợp đồng khi các bên xác lập hợp đồng cụ thể nào đó. Quy định cho phép các bên được tự do thỏa thuận lựa chọn hình thức hợp đồng không chỉ thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với quyền tự do kinh doanh của các chủ thể, mà còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy cho giao lưu dân sự phát triển. Bên cạnh quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng, pháp luật cũng yêu cầu hợp đồng trong trường hợp cụ thể phải được thể hiện dưới hình thức nhất định. Điều này thể hiện giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng của các bên chủ thể và có nhiều ý nghĩa quan trọng trong thực tế đời sống xã hội. Cụ thể:
Thứ nhất, là chứng cứ quan trọng trong quan hệ hợp đồng. Thực tế cho thấy, nhiều khó khăn, vướng mắc xảy ra trong việc chứng minh giữa các chủ thể tồn tại một quan hệ hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng đó lại được thể hiện dưới hình thức miệng (lời nói). Khẳng định như vậy không có nghĩa là mọi hợp đồng được thể hiện dưới hình thức miệng đều không thể chứng minh được giữa các bên có quan hệ hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết dưới hình thức miệng nhưng bằng phương thức nào đó, bằng thông tin nào đó các bên dẫn chứng được để khẳng định giữa các chủ thể tồn tại hợp đồng thì điều này vẫn được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, không phải trường hợp nào cũng có thể dễ dàng chứng minh giữa các bên tồn tại một hợp đồng. Vì vậy, để có thể hạn chế tranh chấp xảy ra giữa các bên, giảm bớt khó khăn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc quy định định hình thức hợp đồng trong những trường hợp cụ thể là vấn đề cần thiết, nhất là khi hoạt động thương mại trong và ngoài nước đang ngày càng phát triển như hiện nay.
Thứ hai, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng được xác lập dưới hình thức nhất định trong một số trường hợp không chỉ có ý nghĩa về mặt chứng cứ, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định giá trị hiệu lực của hợp đồng. Hiện nay, pháp luật hợp đồng của một số quốc gia đưa ra yêu cầu bắt buộc về hình thức đối với một số hợp đồng cụ thể và để xác định hợp đồng đó có hiệu lực pháp luật hay không phụ thuộc vào quy định cụ thể của mỗi quốc gia. Nếu trong quy định pháp luật yêu cầu hợp đồng nào đó phải được xác lập dưới hình thức nhất định và hình thức đó là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, thì điều này chính là cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định hợp đồng đó do các bên chủ thể xác lập giá trị hiệu lực pháp lý của hợp đồng.
Thứ ba, đáp ứng yêu cầu về mặt quản lý nhà nước đối với một số hợp đồng cụ thể. Thông qua việc yêu cầu một số hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức văn bản, văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, Nhà nước tạo ra cơ chế hữu hiệu nhằm bảo đảm tính xác thực, ngăn ngừa được một số hành vi vi phạm pháp luật và bảo đảm an toàn pháp lý đối với hợp đồng nói chung và hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng.
Một số loại hợp đồng được yêu cầu phải tuân thủ quy định về mặt hình thức thường là quan hệ hợp đồng dễ xảy ra tranh chấp, quan trọng không chỉ đối với các bên mà còn quan trọng đối với Nhà nước. Xét cho cùng, những quy định về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng không phải là nhằm triệt tiêu quyền tự do hợp đồng, mà là nhằm bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng, cũng như lợi ích riêng của các bên chủ thể tham gia hợp đồng.
1.2. Quy định về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức trong hoạt động thương mại ở Việt Nam
Hiện nay, quy định liên quan đến hình thức hợp đồng được ghi nhận cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Về nguyên tắc, khi giao kết hợp đồng, các bên chủ thể có quyền được tự do lựa chọn hình thức hợp đồng. Một số quan điểm cho rằng, tự do lựa chọn hình thức hợp đồng đồng nghĩa với nguyên tắc không yêu cầu điều kiện về hình thức[2] hay các bên được tự do lựa chọn hình thức khi không có quy định khác[3]. Tuy nhiên, chưa có hệ thống pháp luật nào ghi nhận tự do lựa chọn hình thức hợp đồng một cách tuyện đối. Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (khoản 1); giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản và trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó (khoản 2). Đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại, tùy từng loại hợp đồng mà pháp luật có sự ghi nhận cụ thể về hình thức hợp đồng trong Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan. So với trước đây, hiện nay, tự do lựa chọn hình thức hợp đồng đã được mở rộng hơn. Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định hình thức hợp đồng là một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2005 lại khẳng định, hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng hình thức nhất định và hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Như vậy, các bên trong hợp đồng được phép tự do lựa chọn hình thức hợp đồng nếu pháp luật không quy định hợp đồng phải tuân theo hình thức nhất định và hình thức hợp đồng không là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nếu “pháp luật” không quy định. Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm năm 2015 quy định, hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Theo quy định này, hình thức của hợp đồng không đương nhiên là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, nó chỉ là điều kiện của hợp đồng khi “luật” quy định. Khái niệm pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 rộng hơn nhiều so với khái niệm luật trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ đặt ra khi luật quy định. Luật ở đây được hiểu là văn bản do Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành. Xu hướng mở rộng tự do hợp đồng liên quan đến hình thức và thu hẹp giới hạn tự do hình thức hợp đồng ở Việt Nam được coi là phù hợp với quốc tế. Pháp luật hợp đồng của Pháp và Thụy Sĩ ghi nhận hình thức hợp đồng không phải là điều kiện của hợp đồng mà chỉ có ý nghĩa về mặt chứng cứ[4]. Trong các giao dịch thương mại, các nước thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu cũng không quy định hình thức bắt buộc của hợp đồng, mở rộng tự do lựa chọn hình thức hợp đồng cho các bên[5].
Nhìn chung, quy định của pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Đến nay, giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng vẫn được thể hiện thông qua một số quy định như: Hợp đồng phải được lập thành văn bản, hợp đồng phải được công chứng hay chứng thực, hợp đồng phải được đăng ký.
2. Thực trạng pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức
2.1. Đối với hợp đồng phải lập thành văn bản
Khái niệm văn bản không được luật đưa ra nhưng được giải thích thông qua một số quy định như: Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản (khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015); các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện, báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005). Trong một số trường hợp, yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản là quy định bắt buộc, có thể không làm ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng, nhưng ít nhiều cũng có ý nghĩa về mặt chứng cứ trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các bên. Điều này thể hiện giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức mà các bên chủ thể phải tuân thủ theo. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó” đã bỏ qua yêu cầu này đối với hình thức văn bản, chỉ đặt ra yêu cầu đối với văn bản có công chứng, chứng thực và đăng ký. Trong khi đó, nhiều hoạt động thương mại hiện nay đều ghi nhận hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức văn bản. Quy định này thể hiện sự không thống nhất giữa luật chung (Bộ luật Dân sự năm 2015) với luật chuyên ngành (Luật Thương mại năm 2005) và làm cho các quy định hình thức của một số loại hợp đồng trong hoạt động thương mại phải được thể hiện bằng văn bản không còn ý nghĩa, bởi vì điều luật này chỉ đặt ra yêu cầu tuân thủ theo quy định của pháp luật đối với văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
2.2. Đối với hợp đồng phải được công chứng, chứng thực
Công chứng, chứng thực là một trong các hình thức bắt buộc của một số hợp đồng. Hiện nay, quy định một số hợp đồng phải được công chứng, chứng thực nằm rải rác trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Công chứng năm 2014, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2005/NĐ-CP… Nhìn chung, hợp đồng yêu cầu phải được công chứng, chứng thực chủ yếu là hợp đồng liên quan đến bất động sản, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng cho thuê doanh nghiệp... Các bên chủ thể không thực hiện đúng quy định của pháp luật về văn có có công chứng, chứng thực trong trường pháp luật yêu cầu, thì giá trị hiệu lực pháp lý của hợp đồng có thể bị ảnh hưởng. Qua các điều luật nói trên, có thể thấy, ở Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều loại hợp đồng cần phải được công chứng, chứng thực và sự hiểu biết của các bên chủ thể xác lập hợp đồng cũng còn có hạn chế, không hiểu biết được hết giao dịch dân sự các bên xác lập phải tuân thủ hình thức văn bản có công chứng, chứng thực ra sao dẫn đến thực tế hợp đồng bị tuyên vô hiệu về hình thức hợp đồng phải công chứng, chứng thực chiếm đa số[6]. Đây cũng là bất cập trong quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hình thức hợp đồng công chứng, chứng thực, bởi vì, hợp đồng được xác lập là nhằm giúp các bên đạt được mục đích mong muốn của mình, chứ không phải là được xác lập sau đó bị tuyên vô hiệu, hơn nữa, các bên đã có sự thỏa thuận và thống nhất ý chí với nhau. Bên cạnh đó, việc pháp luật hiện hành quy định có loại hợp đồng phải được công chứng, chứng thực cũng gây ra những khó khăn, bất cập. Ví dụ như, quy định thế chấp quyền sử dụng đất phải được công chứng gây ra sự phức tạp và phát sinh chi phí giao dịch không cần thiết, bởi bên nhận thế chấp là các tổ chức tín dụng đã có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để xác lập hợp đồng thế chấp mà không cần sự hỗ trợ của cơ quan công chứng. Đối với hợp đồng được pháp luật quy định hình thức phải là văn bản có công chứng, chứng thực còn cho thấy hoạt động công chứng, chứng thực hiện nay được thực hiện trên văn bản giấy, trong khi giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu cũng được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 12 và Điều 13 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa được pháp luật quy định cụ thể. Điều này cho thấy sự chưa phù hợp giữa quy định của pháp luật so với sự phát triển của xã hội nói chung và sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử nói riêng.
2.3. Đối với hợp đồng phải được đăng ký
Đây cũng là hình thức hợp đồng được pháp luật hiện hành quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ngoài quy định tại Điều 119 và Điều 298 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng phải được đăng ký còn được ghi nhận tại khoản 1, khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đó là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp và hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định trường hợp giao dịch phải được đăng ký việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính… Qua một số quy định trên có thể khẳng định rằng, pháp luật hiện hành xác định đăng ký là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong mối quan hệ giữa các bên (ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp), nhưng cũng có trường hợp không ảnh hưởng đến các bên mà chỉ ảnh hưởng đến chủ thế thứ ba (ví dụ như hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp). Thực tế cũng cho thấy, một số giao dịch áp đặt phải đăng ký và quy định có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký như khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 ở trên nhưng không nói rõ đây là hiệu lực với các bên hay trong mối quan hệ với người thứ ba. Với trường hợp chưa rõ ràng này đã gây ra sự khó khăn cho công tác xét xử của Tòa án, có Tòa án giải quyết vụ việc theo hướng theo hướng đăng ký không là điều kiện có hiệu lực hợp đồng giữa các bên và có Tòa án giải quyết theo hướng hợp đồng của các bên không được đăng ký nên bị vô hiệu[7]. Vì vậy, pháp luật liên quan đến vấn đề đăng ký trong giao lưu dân sự cần thiết phải được đánh giá, nhìn nhận và quy định cụ thể để tạo ra sự nhất quán, cách hiểu thống nhất trong quá trình áp dụng.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức trong hoạt động thương mại
Thứ nhất, đối với hợp đồng phải được lập thành văn bản. Để tạo ra sự thống nhất giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 và để cho quy định một số hợp đồng trong hoạt động thương mại phải được lập thành văn bản có ý nghĩa, tác giả cho rằng, nên quy định nội dung khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Thứ hai, đối với hợp đồng phải được công chứng, chứng thực. Tác giả cho rằng, pháp luật hiện hành cần rà soát loại những loại hợp đồng nào cần phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực, loại hợp đồng nào chỉ cần lập dưới hình thức văn bản thông thường. Bên cạnh đó, đối với giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hợp đồng văn bản có công chứng, chứng thực này, tác giả kiến nghị, cần sớm bổ sung trong pháp luật công chứng quy định cụ thể đối với văn bản thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu như công chứng thông qua mạng internet, quy trình công chứng, lưu trữ văn bản công chứng… Bởi vì, trong giao dịch điện tử, các bên trong hợp đồng không phải bao giờ cũng có thể xuất hiện trước công chứng viên để yêu cầu công chứng và trực tiếp ký vào hợp đồng đó. Hiện nay, hoạt động chứng thực bản sao điện tử cũng đã bắt đầu được quy định trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam, cụ thể là Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (có hiệu lực kể từ ngày 22/5/2020). Vì vậy, việc bổ sung quy định về công chứng đối với văn bản thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu cũng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong giao lưu dân sự.
Thứ ba, đối với hợp đồng phải được đăng ký. Đối với hình thức này, có học giả cho rằng, không nên coi đăng ký là một trong các hình thức hợp đồng mà chỉ nên coi đây là thủ tục hành chính[8]. Tác giả chưa thực sự đồng tình với quan điểm này, với những phân tích trên cho thấy sự cần thiết phải đưa ra giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng, do vậy, vẫn nên đưa ra quy định yêu cầu hợp đồng phải được đăng ký trong trường hợp nhất định nhưng cần phân biệt rõ hợp đồng phải được đăng ký có hiệu lực đối với các bên hay đối với người thứ ba.
Nhìn chung, những quy định của pháp luật hiện hành về giới hạn tự do hợp đồng liên quan đến hình thức hợp đồng về cơ bản không làm cản trở sự phát triển của giao lưu dân sự, hay làm hạn chế quyền tự do kinh doanh trong đó có quyền tự do hợp đồng. Quy định pháp luật về vấn đề này khi được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội sẽ có những đóng góp quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên, trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, lợi ích chủ thể thứ ba và lợi ích chung của toàn xã hội.
Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Thương mại
[1]. Lê Thị Bích Thọ (2002), Hình thức của hợp đồng kinh tế và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, Tạp chí Luật học số 2, tr. 43.
[2]. Projet de cadre commun de reference (2008), Principes contracttuels communs, Nxb. Societe de legislation compare, tr. 218 - 220.
[3]. Đỗ Văn Đại (2018), Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức, tr. 795.
[4]. Lê Thị Bích Thọ, Hình thức của hợp đồng kinh tế và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, Tạp chí Luật học tháng 3/2002, tr. 44.
[5]. Điều 1.2, Unidroit, Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế.
[6]. Đỗ Văn Đại (2018), Luật hợp đồng Việt Nam, Bản án và Bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 828.
[7]. Đỗ Văn Đại (2018), Luật hợp đồng Việt Nam, bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 845 - 846.
[8]. Đỗ Văn Đại (2018), Luật hợp đồng Việt Nam, bản án và bình luận bản án, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 855.