Tóm tắt: Hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Nhật Bản với tôn chỉ đề cao phòng ngừa, có phạm vi điều chỉnh rộng không chỉ bao gồm những người chưa thành niên vi phạm pháp luật mà còn các đối tượng người chưa thành niên có nguy cơ. Bài viết nghiên cứu một cái nhìn khái quát về quan điểm chỉ đạo cũng như cách thức vận hành của hệ thống này của Nhật Bản.
Abstract: The juvenile justice system of Japan with the principle of heightening prevention and wide scope of regulation not only includes minors who violate the law but also minors who are at risk. The paper examines an overview of the guiding viewpoints as well as the manner of operation of this Japanese system.
1. Một vài nét về hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Nhật Bản
Hệ thống tư pháp người chưa thành niên hiện tại của Nhật Bản được thành lập dựa trên Đạo luật Người chưa thành niên (1948) trong thời kỳ chiếm đóng của quân đồng minh và Tòa án gia đình là trung tâm của hệ thống này[1]. Đạo luật Người chưa thành niên của Nhật Bản chịu ảnh hưởng đáng kể bởi cách tiếp cận công tác phúc lợi xã hội của Hoa Kỳ đối với tội phạm chưa thành niên và dựa trên nguyên tắc ưu tiên giáo dục và cải tạo hơn hình phạt hình sự[2].
Bộ luật Hình sự Nhật Bản quy định rằng, trẻ em dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự[3]. Theo Đạo luật Người chưa thành niên của Nhật Bản thì người chưa thành niên là người dưới 20 tuổi và từ 20 tuổi trở lên được coi là người trưởng thành[4]. Đạo luật Người chưa thành niên điều chỉnh cả những người chưa thành niên vi phạm pháp luật và những người chưa thành niên có nguy cơ vi phạm pháp luật, quy định các thủ tục đặc biệt cho người chưa thành niên, tách biệt họ với người đã thành niên và hạn chế sử dụng hình phạt bao gồm án tử hình và tù chung thân. Theo Đạo luật, có 03 loại người chưa thành niên thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật này gồm: Người chưa thành niên phạm tội; người chưa thành niên dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật hình sự; người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, có khả năng phạm tội hoặc vi phạm pháp luật hình sự: (i) Có xu hướng không chịu sự giám sát hợp pháp của người giám sát; (ii) Rời khỏi nhà mà không có lý do chính đáng; (iii) Giao du với người có tiền án hình sự hoặc người xấu, hoặc thường xuyên đến nơi không an toàn; (vi) Có xu hướng thực hiện hành vi xấu hoặc gây ảnh hưởng xấu đến người chưa thành niên khác. Trong đó, Tòa án gia đình chỉ có thể xem xét các trường hợp người chưa thành niên dưới 14 tuổi khi những người này được thống đốc địa phương hoặc giám đốc trung tâm tư vấn trẻ em quyết định chuyển đến Tòa án gia đình[5].
2. Quy trình xử lý người chưa thành niên tiền xét xử
2.1. Người chưa thành niên dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật hình sự
Một người phát hiện ra một đứa trẻ không có người giám hộ hoặc có người giám hộ bị phát hiện là không phù hợp, mà đứa trẻ này không phải là người chưa thành niên phạm tội, phải thông báo cho Văn phòng Phúc lợi hoặc trung tâm tư vấn trẻ em do thành phố hoặc chính quyền tỉnh thành lập. Đối với người dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật hình sự hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự, các biện pháp quy định trong Đạo luật Phúc lợi trẻ em được ưu tiên áp dụng[6]. Cảnh sát có thể điều tra một khi có căn cứ nghi ngờ rằng người chưa thành niên dưới 14 tuổi đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Nếu kết quả của cuộc điều tra cho thấy, hành vi của người chưa thành niên có tính chất phạm tội nghiêm trọng, cảnh sát sẽ chuyển vụ việc cho giám đốc của trung tâm tư vấn trẻ em[7]. Tòa án gia đình chỉ có thể thụ lý khi thống đốc tỉnh hoặc giám đốc trung tâm tư vấn trẻ em chuyển tiếp người chưa thành niên dưới 14 tuổi đến Tòa án gia đình sau khi xác định được hành vi của người này có tính chất vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng[8].
2.2. Người chưa thành niên có nguy cơ vi phạm tội
Một người phát hiện ra một người từ 14 tuổi trở lên có khả năng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự phải thông báo cho Tòa án gia đình. Tuy nhiên, nhân viên cảnh sát hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó có thể thông báo cho trung tâm tư vấn trẻ em nếu người chưa thành niên đó dưới 18 tuổi và việc áp dụng các biện pháp theo Đạo luật Phúc lợi trẻ em được coi là thích hợp thay vì chuyển tiếp sang Tòa án gia đình[9].
2.3. Người chưa thành niên phạm tội
Khi cảnh sát tư pháp xác định một người chưa thành niên phạm tội và tội phạm đó chỉ bị trừng phạt với hình phạt tiền hoặc mức phạt thấp hơn, cảnh sát đó sẽ chuyển vụ việc ra Tòa án gia đình. Đối với một hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt nặng hơn, cảnh sát sẽ chuyển vụ việc cho công tố viên (thuộc hệ thống tư pháp dành cho người đã thành niên), trừ khi trường hợp đó là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và hành vi đã được trả tiền phạt theo hệ thống thông báo vi phạm giao thông. Công tố viên sau khi điều tra vụ án và dựa trên kết quả điều tra xác định người chưa thành niên bị nghi ngờ phạm tội sẽ bắt buộc phải chuyển người chưa thành niên này đến Tòa án gia đình. Ngay cả khi người chưa thành niên không bị nghi ngờ phạm tội, người chưa thành niên này vẫn có thể được chuyển tiếp đến Tòa án gia đình nếu công tố viên có căn cứ cho rằng sự xem xét và phán quyết của Tòa án gia đình là phù hợp[10].
3. Thủ tục tại Tòa án gia đình
3.1. Điều tra trong giai đoạn thụ lý của Tòa án gia đình
Khi một vụ án được đệ trình lên Tòa án gia đình, thẩm phán phân công vụ án cho một điều tra viên thuộc Tòa án gia đình, đưa ra hướng điều tra cho điều tra viên này. Điều tra viên sau đó thực hiện các điều tra xã hội về tính cách, hoàn cảnh gia đình và môi trường của người chưa thành niên. Sau khi hoàn thành điều tra, điều tra viên nộp báo cáo cho thẩm phán, kèm theo ý kiến của mình liên quan đến việc xử lý người chưa thành niên. Ngoài ra, Tòa án gia đình có thể, bằng một phán quyết, ra quyết định về biện pháp giám sát, đặt người chưa thành niên dưới sự giám sát của một nhân viên quản chế của Tòa án gia đình khi thấy cần thiết trong quá trình xem xét vụ án của người chưa thành niên; hoặc giới thiệu người chưa thành niên đến cơ sở phân loại chưa thành niên để phân loại tính cách của người chưa thành niên. Cơ sở phân loại chưa thành niên, trong thời gian giam giữ, tiến hành phân loại theo kiến thức y tế, tâm lý và kỹ thuật khác, sau đó báo cáo kết quả lên Tòa án gia đình[11].
Những phát hiện trong đánh giá từ cơ sở phân loại người chưa thành niên được gửi đến trường giáo dưỡng người chưa thành niên hoặc văn phòng quản chế như một tài liệu tham khảo trong việc xử lý tiếp theo đối với người chưa thành niên sau phiên xét xử và ra phán quyết về các biện pháp bảo vệ. Đạo luật Cơ sở phân loại người chưa thành niên quy định việc quản lý và điều hành cơ sở phân loại người chưa thành niên và việc quản lý những người chưa thành niên trong cơ sở. Quy trình điều tra tìm hiểu thực tế và quy trình ra phán quyết xử lý không được phân chia rõ ràng. Trên thực tế, trong quá trình điều tra, bất cứ khi nào người chưa thành niên, phủ nhận các sự kiện cấu thành vi phạm pháp luật mà mình bị cáo buộc, về nguyên tắc Tòa án thường đình chỉ điều tra cho đến khi hoàn tất quá trình tìm hiểu thực tế, dựa trên lo ngại rằng cuộc điều tra có thể ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến quyền riêng tư của người chưa thành niên cũng như gia đình của người chưa thành niên[12].
3.2. Xét xử tại Tòa án gia đình
* Thành phần và hình thức phiên tòa
Thông thường, phiên xét xử đối với người chưa thành niên được tiến hành bởi một thẩm phán chuyên nghiệp, nhưng trong một số trường hợp phức tạp, có thể được tiến hành bởi ba thẩm phán chuyên nghiệp, tùy theo quyết định của Tòa án gia đình[13]. Những người có mặt tại phiên tòa bao gồm: Thẩm phán, thư ký Tòa án, người chưa thành niên, người giám hộ của người chưa thành niên và điều tra viên của Tòa án gia đình. Các phiên xét xử không được công khai nhưng một số Tòa án gia đình có thể cho phép các nạn nhân trong những vụ án nghiêm trọng quan sát phiên xét xử theo yêu cầu của họ nếu Tòa án thấy phù hợp và không có khả năng cản trở sự phát triển ổn định của người chưa thành niên.
Tòa án gia đình có thể, bằng một phán quyết, cho phép công tố viên tham dự phiên tòa, khi thấy điều này là cần thiết trong việc tìm ra các sự kiện cấu thành tội phạm của người chưa thành niên trong các trường hợp sau đây liên quan đến: (i) tội dẫn đến cái chết của nạn nhân do hành vi được thực hiện cố ý; và (ii) tội phạm bị trừng phạt bằng án tử hình hoặc tù chung thân hoặc phạt tù từ 02 năm trở lên có hoặc không có lao động cải tạo[14]. Đạo luật Người chưa thành niên cũng quy định rằng, trong trường hợp Tòa án gia đình cho phép công tố viên tham gia tố tụng, nếu người chưa thành niên không có luật sư, Tòa án sẽ chỉ định một luật sư cho người chưa thành niên[15].
* Phán quyết của Tòa án gia đình
Tòa án gia đình sẽ không đưa ra hình phạt hình sự mà sẽ xác định một trong những biện pháp bảo vệ. Biện pháp bảo vệ được quyết định dựa trên từng trường hợp cụ thể, dựa trên xu hướng vi phạm pháp luật trong tương lai của người chưa thành niên và sự cần thiết của biện pháp bảo vệ. Một trong những biện pháp sau có thể được áp dụng cho người chưa thành niên: (i) Quản chế bởi văn phòng quản chế; (ii) Giới thiệu đến cơ sở hỗ trợ tự lực trẻ em hoặc nhà nuôi dưỡng (thường chỉ áp dụng cho người dưới 18 tuổi); (iii) Giới thiệu đến một trường giáo dưỡng dành cho người chưa thành niên (thường không áp dụng cho người dưới 12 tuổi). Đối với các biện pháp được quy định trong các mục (i) và (iii), Tòa án gia đình có thể yêu cầu nhân viên quản chế thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi môi trường gia đình và các môi trường khác. Biện pháp được quy định trong mục (iii) chỉ được áp dụng đối với trường hợp người dưới 14 tuổi khi thấy thật sự cần thiết[16].
Liên quan đến việc xử lý hình sự, mặc dù người dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ không có giới hạn về độ tuổi. Thay vào đó, các biện pháp bảo vệ được quyết định áp dụng trong từng trường hợp cụ thể dựa vào đặc điểm của từng người chưa thành niên có xu hướng thực hiện hành vi phạm pháp trong tương lai và sự cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ do Nhà nước áp đặt thay vì chỉ người giám hộ, có tính đến các yếu tố như hành vi phạm pháp, lịch sử cá nhân, tính khí, hoàn cảnh gia đình và môi trường của người chưa thành niên[17].
Khi không thể hoặc không cần thiết phải áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với người chưa thành niên, Tòa án gia đình sẽ không để cho người chưa thành niên bị áp dụng các biện pháp bảo vệ. Và khi thấy phù hợp trong việc áp dụng các biện pháp được quy định trong Đạo luật Phúc lợi trẻ em, Tòa án gia đình sẽ chuyển vụ việc cho thống đốc địa phương hoặc giám đốc của trung tâm tư vấn trẻ em.
* Yêu cầu xem xét lại đối với phán quyết của Tòa án gia đình
Người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên có thể khiếu nại đối với phán quyết áp dụng biện pháp bảo vệ trong vòng hai tuần căn cứ vào lý do vi phạm luật pháp, có sự sai lầm nghiêm trọng về sự thật hoặc sự không phù hợp đáng kể của việc áp dụng biện pháp bảo vệ. Trong trường hợp một công tố viên tham gia phiên tòa xét xử của Tòa án gia đình, trong vòng hai tuần công tố viên có thể kháng cáo lên Tòa án cấp cao về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo vệ căn cứ vào lý do vi phạm luật pháp hoặc sai lầm nghiêm trọng về sự thật vụ án[18].
4. Thủ tục tại Tòa án thông thường
Tòa án gia đình, dựa trên sự đánh giá của mình và thông qua một phán quyết, sẽ chuyển tiếp vụ án mà người chưa thành niên bị cáo buộc với tội danh có thể bị trừng phạt bằng án tử hình hoặc phạt tù có hoặc không có cải tạo lao động tới công tố viên của văn phòng công tố viên tương ứng với Tòa án có thẩm quyền đối với vụ án, nếu căn cứ vào kết quả điều tra về bản chất và tình tiết vụ án cho thấy thủ tục tố tụng hình sự thông thường thích hợp cho vụ án này. Nếu người chưa thành niên từ 16 tuổi trở lên và có hành vi phạm tội cố ý gây ra cái chết cho nạn nhân, Tòa án gia đình sẽ phải đưa ra phán quyết để chuyển tiếp vụ án đến cơ quan công tố trừ khi Tòa án thấy bất kỳ sự xử lý nào khác phù hợp hơn[19]. Quyết định chuyển tiếp người chưa thành niên cho công tố viên dựa trên phán quyết của Tòa án gia đình rằng khó có thể cải tạo người chưa thành niên bằng các biện pháp bảo vệ, hoặc căn cứ vào bản chất và tác động xã hội của hành vi phạm tội, việc xử lý theo tố tụng hình sự thông thường là đúng đắn. Công tố viên khi tiếp nhận một vụ án từ Tòa án gia đình, sẽ khởi tố khi nhận thấy cần thiết truy tố. Các thủ tục tố tụng sau khi bắt đầu truy tố gần giống như thủ tục đối với người đã thành niên, ngoại trừ các quy định cụ thể liên quan đến việc tuyên án đối với người chưa thành niên. Tòa án thông thường sau khi tiếp nhận vụ án từ công tố viên, bằng một phán quyết, có thể (lại) chuyển tiếp vụ án sang Tòa án gia đình nếu thấy việc áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với người chưa thành niên là phù hợp dựa trên kết quả của việc xem xét các tình tiết của vụ án. Trong quá trình xem xét vụ án, công tố viên có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định giam giữ người chưa thành niên, nhưng chỉ trong trường hợp bất khả kháng[20].
Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên tại Tòa án thông thường gồm: Nếu người dưới 18 tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội bị kết án tử hình, thì tù chung thân sẽ bị áp dụng thay thế; nếu người dưới 18 tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội bị kết án tù chung thân, thì bị phạt tù có hoặc không có lao động trong một thời hạn xác định. Trong trường hợp này, khung thời hạn phạt tù được áp dụng không dưới 10 năm và không quá 15 năm[21].
5. Một số nhận xét
Hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Nhật Bản đặt Tòa án gia đình làm trung tâm với vai trò đặc thù. Tòa án gia đình tại Nhật Bản không chỉ đóng vai trò tư pháp (xác định hành vi vi phạm pháp luật có xảy ra hay không), mà còn có vai trò như một cơ quan phúc lợi (phán quyết liệu các biện pháp bảo vệ có cần thiết dựa trên đánh giá nguyên nhân của sự vi phạm pháp luật và các yếu tố khác để ngăn chặn). Khi đưa ra phán quyết, Tòa án nhìn vào hành vi, tính cách và môi trường của người chưa thành niên và người giám hộ của người chưa thành niên hoặc những người khác có liên quan, sử dụng kiến thức y tế, tâm lý, sư phạm, xã hội học và kiến thức kỹ thuật khác với sự hỗ trợ của điều tra viên thuộc Tòa án gia đình. Do đó, để thực hiện hiệu quả hai chức năng này, một cấu trúc xét xử mang tính giám đốc điều hành được áp dụng; Tòa án gia đình của Nhật Bản có thẩm quyền đặc biệt trong việc nắm quyền chủ động thực hiện điều tra. Bên cạnh đó, công tố viên chỉ có thể tham dự phiên tòa khi có lệnh của Tòa trong một số trường hợp nhất định nhằm tránh tối đa việc tiếp xúc của người chưa thành niên với các công tố viên nhằm giảm thiểu tác động của hệ thống tố tụng hình sự chính thức đối với người chưa thành niên.
Đạo luật Người chưa thành niên hiện tại, về nguyên tắc, quy định việc xử lý người chưa thành niên với các biện pháp bảo vệ. Dựa trên quan điểm cho rằng, đối với người chưa thành niên, sự trưởng thành và phát triển lành mạnh của người chưa thành niên phải được ưu tiên hơn việc trừng phạt. Theo đó, Tòa án gia đình chỉ đưa ra phán quyết về các biện pháp bảo vệ chứ không đưa ra hình phạt hình sự, nếu nhận thấy việc áp dụng hình phạt hình sự là cần thiết, Tòa án gia đình sẽ chuyển tiếp vụ án sang hệ thống tố tụng thông thường.
Hệ thống chuyển tiếp giữa Tòa án gia đình và hệ thống tố tụng thông thường rất linh hoạt, Tòa án gia đình có thể chuyển tiếp vụ án sang công tố viên và để Tòa án thông thường xử lý và Tòa án thông thường sau khi tiếp nhận vụ án có thể chuyển tiếp vụ án lại cho Tòa án gia đình nếu nhận thấy việc áp dụng biện pháp bảo vệ có lợi hơn cho người chưa thành niên. Trong trường hợp này, về lý thuyết, Tòa án gia đình có thể chuyển tiếp người chưa thành niên sang hệ thống tố tụng thông thường một lần nữa nếu muốn, tuy nhiên, trên thực tế Tòa án gia đình sẽ giữ vụ án lại để tránh ảnh hưởng tới người chưa thành niên. Theo số liệu vào năm 2016, trong tổng số vụ mà Tòa án gia đình thụ lý chỉ có khoảng 6% bị chuyển sang công tố viên[22]. Bên cạnh đó, số lượng người chưa thành niên bị áp dụng hình phạt tù trong năm 2016 là 30 trường hợp (trong số này 50% là hình phạt tù dưới 05 năm), tuy nhiên dù bị chấp hành hình phạt tù, người chưa thành niên vẫn có thể được tạm tha trước thời hạn để áp dụng biện pháp quản chế[23]. Dữ liệu này cho thấy xu hướng của hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở Nhật Bản trong việc kiềm chế không áp dụng hình phạt hình sự đối với người chưa thành niên, và ngay cả khi áp đặt một biện pháp bảo vệ, hệ thống cũng hạn chế việc giam giữ người chưa thành niên dù là trong cơ sở cải tạo hay cơ sở phân loại người chưa thành niên. Trong năm 2016, 19.204 trường hợp được áp dụng biện pháp bảo vệ, trong các biện pháp bảo vệ thì biện pháp không giam giữ là quản chế chiếm tỷ lệ 99%. Như vậy, có thể thấy hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Nhật Bản đã và đang hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp hình sự đối với người chưa thành niên, thay vào đó tăng cường áp dụng các biện pháp bảo vệ nhằm điều chỉnh hành vi, tính cách và sửa đổi môi trường vì sự phát triển ổn định của người chưa thành niên.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
[1]. Ngoài việc xét xử các vụ án về tội phạm chưa thành niên, Tòa án gia đình còn xét xử các vụ án dân sự về gia đình và tranh chấp về quyền nuôi con.
[2]. Andrew Watson, Probation and Lowering the Age of Criminal Majority in Japan, Electronic Journal of Contemporary Japanese Studies, đăng ngày 16/12/2018, https://japanesestudies.org.uk/ejcjs/vol18/iss3/watson.html, truy cập ngày 25/6/2019.
[3]. Điều 41 Bộ luật Hình sự. Xem tại: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=1960&re=02&vm=04, truy cập ngày 5/7/2019.
[4]. Điều 2 Đạo luật Người chưa thành niên. Trong lần sửa đổi gần đây của Bộ luật Dân sự vào tháng 6/2018, độ tuổi của người đã thành niên được hạ từ 20 xuống 18, nội dung sửa đổi này có hiệu lực vào năm 2020.
Xem tại: Editorial, Changing the Juvenile Law, The Japan Times, https://www. japantimes.co.jp/opinion/2017/ 09/02/editorials/changing-juvenile-law/#.XU0XgPXgp1o, ngày truy cập 01/7/2019.
[5]. Điều 3 Đạo luật Người chưa thành niên. Xem tại: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/ ?id=1978&vm=04&re=02 truy cập ngày 6/7/2019.
[6]. Theo Điều 27 Đạo luật Phúc lợi trẻ em, các biện pháp được áp dụng là: Đưa ra lời khuyên bảo cho đứa trẻ hoặc người giám hộ của trẻ, hoặc để trẻ viết một bản cam kết bằng văn bản; chỉ định một nhân viên phúc lợi trẻ em hoặc một nhân viên khác phù hợp để hướng dẫn đứa trẻ hoặc người giám hộ; giao đứa trẻ cho cha mẹ nuôi, hoặc đưa vào nhà trẻ sơ sinh, nhà nuôi dưỡng, cơ sở dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, cơ sở chăm sóc ban ngày dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, cơ sở dành cho trẻ khiếm thị hoặc khiếm thính, hoặc tổ chức dành cho trẻ chậm phát triển nghiêm trọng, cơ sở trị liệu ngắn hạn dành cho trẻ em bị rối loạn cảm xúc hoặc cơ sở hỗ trợ tự lực của trẻ em; hoặc đưa trẻ đến Tòa án gia đình nếu thấy phù hợp. Xem tại: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail_main?id=11&vm=2, truy cập ngày 18/7/2019.
[7]. Điều 6 - 6 Đạo luật Người chưa thành niên.
[8]. Điều 3 - 2 Đạo luật Người chưa thành niên.
[9]. Điều 6 - 1 Đạo luật Người chưa thành niên.
[10]. Điều 42 - 1 Đạo luật Người chưa thành niên.
[11]. Điều 17 khoản 1 Đạo luật Người chưa thành niên
[12]. Guang-Xu Jin, The criminal responsibility of minors in the Japanese legal system, RevueInternationale de droit Penal Vol. 75, Số 1 (2004). Xem tại https://www.cairn.info/revue-internationale-de-droit-penal-2004-1-page-409.htm, truy cập ngày 05/7/2019
[13]. Điều 31 - 4 Đạo luật Tòa án. Xem tại: http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail_main?id=7&vm=2&re=, truy cập ngày 28/7/2019.
[14]. Điều 22 - 2 khoản 1 Đạo luật người chưa thành niên.
[15]. Điều 23 - 3 khoản 1 Đạo luật người chưa thành niên.
[16]. Điều 24 Đạo luật Người chưa thành niên.
[17]. Guang-Xu Jin, The criminal responsibility of minors in the Japanese legal system, RevueInternationale de droit Penal Vol. 75, Số 1 (2004). Xem tại https://www.cairn.info/revue-internationale-de-droit-penal-2004-1-page-409.htm, truy cập ngày 8/8/2019.
[18]. Điều 32 Đạo luật Người chưa thành niên.
[19]. Điều 20 Đạo luật Người chưa thành niên.
[20]. Điều 43 Đạo luật Người chưa thành niên.
[21]. Điều 51 Đạo luật Người chưa thành niên.
[22]. Bộ Tư pháp Nhật Bản, Sách Trắng về Tội phạm năm 2017, Phần 3 Chương 2 Mục 1. Xem tại:http://hakusyo1.moj.go.jp/en/66/nfm/n_66_2_3_2_1_0.html.
[23]. Bộ Tư pháp Nhật Bản, Sách Trắng về Tội phạm năm 2017, Phần 3 Chương 2 Mục 1. Xem tại:http://hakusyo1.moj.go.jp/en/66/nfm/n_66_2_3_2_1_0.html.