1. Khái quát về miễn chấp hành hình phạt trong Bộ luật Hình sự trong việc bảo vệ quyền con người
Việc bảo vệ các quyền con người bằng chế định miễn chấp hành hình phạt (CHHP) trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) được thể hiện tại Điều 62 với nhiều điểm mới, đã phân định việc “miễn CHHP” đối với người bị kết án “cải tạo không giam giữ” hoặc bị kết án “tù có thời hạn đến 03 năm” và “tù có thời hạn trên 03 năm”. Theo đó, nếu một người sau khi bị kết án đã lập công hoặc nếu người đó mắc bệnh hiểm nghèo hoặc chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn CHHP đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa CHHP; hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm nhưng chưa CHHP nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Bộ luật Hình sự năm 2015 còn sửa đổi trường hợp được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại và bổ sung quy định về thực hiện các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án vào chế định miễn CHHP. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại đối với người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ CHHP, nếu “trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn” và xét thấy “người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 thực hiện việc chuyển nội dung quy định miễn CHHP đối với người bị kết án phạt tiền từ chế định giảm mức hình phạt đã tuyên của Bộ luật Hình sự năm 1999 về chế định này nhằm bảo đảm tính khoa học và đúng với bản chất pháp lý của điều luật. Ngoài ra, các nội dung khác cơ bản được giữ nguyên như quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999, đó là: Được miễn CHHP khi người bị kết án được đặc xá hoặc đại xá; nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt thì Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
2. Những điểm mới và đặc điểm của miễn chấp hành hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015
Miễn CHHP được ghi nhận tại Điều 62 Bộ luật Hình sự năm 2015 (gồm 07 khoản). Quy phạm của nó cho thấy các điểm mới lần đầu tiên được ghi nhận bao gồm[1]: (i) Tại các khoản 2, 3 và 4 đã có sự phân biệt rõ ràng hơn 03 trường hợp miễn CHHP tù có thời hạn với sự ràng buộc bằng các điều kiện nhất định do luật định tương ứng trong từng trường hợp cụ thể và tùy theo từng mức (khoảng) thời gian bị kết án là: Đến 03 năm chưa CHHP; trên 03 năm chưa CHHP; đến 03 năm đã được tạm đình chỉ CHHP. (ii) Tại khoản 5 đã bổ sung quy định mới (trước là thuộc điều luật về giảm mức hình phạt) đó là người bị kết án được miễn CHHP tiền nếu đáp ứng các điều kiện luật định. (iii) Tại khoản 6, hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế có 01 điểm mới là: Cơ quan đề nghị miễn chấp hành phần hình phạt còn lại là “cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện”. (iv) Quy định mới về “phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự” dành cho người được miễn CHHP, do Tòa án tuyên trong bản án cũng đã được bổ sung tại khoản 7 Điều 62.
Xuất phát từ định nghĩa khoa học của khái niệm về miễn CHHP trong luật hình sự[2], đồng thời phân tích thực tiễn áp dụng miễn CHHP ở Việt Nam qua các thời kỳ (trước và sau khi pháp điển hóa pháp luật hình sự), có thể khẳng định nội hàm của miễn CHHP trong luật hình sự bao gồm 05 đặc điểm:
(i) Miễn CHHP - quy phạm mang tính nhân đạo mà trong Phần chung Bộ luật Hình sự đã ghi nhận các biểu hiện: Mức độ xử lý về hình sự được tha thứ hoặc/và giảm nhẹ; mức độ áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự tương ứng được giảm nhẹ; trong Nhà nước pháp quyền, những giá trị xã hội cao quý nhất như sự tôn trọng và tư tưởng bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự được thừa nhận chung.
(ii) Sự khoan hồng của Nhà nước đối với những người phạm tội hoặc/và những người bị kết án được phản ánh ở các mức độ khác nhau thông qua biện pháp tha miễn hình sự. Nhà nước quan tâm đến việc cải tạo, giáo dục, khuyến khích những người đó sửa chữa sai lầm, nhằm phòng tránh họ phạm tội và tạo điều kiện để họ trở về cuộc sống lương thiện và sớm tái hòa nhập cộng đồng.
(iii) Thẩm quyền quyết định thuộc về Tòa án - Cơ quan tư pháp hình sự đối với miễn CHHP (dành cho những người phạm tội hoặc/và người bị kết án).
(iv) Chỉ khi có đầy đủ các căn cứ và những điều kiện do pháp luật hình sự quy định một cách cụ thể thì việc quyết định miễn CHHP mới được phép áp dụng.
(v) Từ bản chất pháp lý nên miễn CHHP được quyết định đối với người bị kết án cũng sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý bị coi là có án tích.
3. Một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và nguyên nhân
3.1. Tồn tại, hạn chế, vướng mắc
Qua nghiên cứu việc áp dụng các quy định về miễn CHHP trong thực tiễn đã bộc lộ bất cập về tính hợp lý, căn cứ khoa học và kỹ thuật lập pháp ở vấn đề sau:
Thứ nhất, quy định về các trường hợp miễn CHHP chưa chặt chẽ của tính hợp lý về mặt cấu trúc của quy phạm, thiếu đồng nhất bản chất pháp lý giữa sự liên kết của các biện pháp này. Quy phạm mang tính định nghĩa vẫn chưa được xây dựng, cách sắp xếp chế định này trong Chương IX Bộ luật Hình sự năm 2015 (thời hiệu thi hành bản án, miễn CHHP, giảm thời hạn CHHP) với các chế định khác có liên quan đến miễn CHHP nhưng chưa phản ánh hết nội hàm đã liệt kê như: Án treo (Điều 65), tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66), hoãn CHHP tù (Điều 67), tạm đình chỉ CHHP tù (Điều 68).
Thứ hai, chế định miễn CHHP đã được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự, đó chính là kết quả của việc tính đến căn cứ/điều kiện được miễn khỏi sự trừng phạt và bảo đảm không ảnh hưởng/tác động đến an ninh, trật tự xã hội hoặc lợi ích của các nạn nhân. Điều này là cần thiết, nhằm tăng cường tính hiệu quả trong việc tha miễn đối với từng nhóm tội phạm (kể cả trường hợp tiếp nhận người bị kết án về Việt Nam CHHP tù). Từ cách hiểu trên, Điều 66 tha tù trước thời hạn có điều kiện thì ranh giới được nhà làm luật hạn chế và không áp dụng đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia/tội phá hoại hòa bình, chống loài người/tội phạm chiến tranh hoặc các tội phạm cụ thể khác... Tuy nhiên, căn cứ để miễn CHHP theo Điều 62 về hình phạt tù có thời hạn đến 30 năm thì theo chiều hướng ngược lại, không giới hạn về một trong các tội thuộc nhóm tội này là chưa tương thích với những chế định khác đã nêu ở trên.
Thứ ba, chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền con người, trong đó có đối tượng thuộc nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương như: Phụ nữ, người chưa thành niên, người cao tuổi, người khuyết tật trong chế định CHHP hay miễn CHHP. Các hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn xét xử đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 tập hợp hóa, pháp điển hóa. Lần đầu tiên, các quy phạm không chỉ phản ánh sự gia tăng trách nhiệm hình sự là đối tượng tác động của tội phạm hoặc giảm nhẹ chúng khi thực hiện hành vi phạm tội đối với người từ 70 tuổi trở lên mà còn là điều kiện - đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66). Tuy nhiên, quy định tại Điều 62, người bị kết án từ 70 tuổi trở lên không thuộc đối tượng được miễn CHHP cho loại hình phạt: Cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn đến 03 năm (ít nghiêm trọng); hoặc người bị kết án tù trên 03 năm. Việc không phân biệt loại tội bị kết án, mức hình phạt đã tuyên khi chưa chấp hành là chưa phù hợp (với một trong những dạng miễn CHHP đã nêu).
Thứ tư, chưa có sự đồng nhất trong quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 62 nếu xét về tính chất, mức độ nguy hiểm (theo phân loại tội phạm). Nếu có đủ điều kiện quy định, đối với loại hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm, thì được “miễn CHHP” mà không phải “miễn toàn bộ hình phạt” (như khoản 3 Điều 62). Do đó, cần thống nhất khoản 2 và khoản 3 Điều 62 với quy định chung là “miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”.
Thứ năm, điều kiện áp dụng có sự trùng khớp nhau ở khoản 1 Điều 67 và Điều 68 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc đặt chung một điều luật đối với điều kiện hoãn và tạm đình chỉ CHHP tù thể hiện sự không chặt chẽ (về mặt quy phạm), điều này là không tương thích về tình trạng pháp lý. Khi căn cứ và điều kiện giống nhau được sử dụng cho hai trường hợp khác biệt “chưa chấp hành” (do hoãn CHHP tù) và “đang chấp hành” (được tạm đỉnh chỉ CHHP tù).
Thứ sáu, có sự đa dạng và tính chất không đồng nhất của các biện pháp này khi phân tích quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các trường hợp miễn CHHP, cụ thể: (i) Các biện pháp của pháp luật hình sự “không liên quan đến trách nhiệm hình sự”, “không phải là một phương tiện để thực hiện” (các biện pháp y tế bắt buộc áp dụng đối với người mắc bệnh tâm thần); (ii) Các biện pháp của pháp luật hình sự (hiệu ứng) “gắn liền với trách nhiệm hình sự”, đó là những phương tiện thực hiện của nó (về CHHP, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra, khấu trừ thu nhập, bắt buộc chữa bệnh). Không có quy định về việc thực hiện khấu trừ một phần thu nhập (tư pháp dân sự); bắt buộc chữa bệnh; án phí, kể cả phạt tiền là hình phạt bổ sung (trong một số trường hợp) phải thực hiện khi được miễn CHHP.
Thứ bảy, miễn CHHP tiền còn lại được áp dụng cho cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung theo hệ thống hình phạt. Tuy nhiên, quy định việc miễn CHHP tiền còn lại chỉ được quy định tại khoản 5 Điều 62 đã không phân định được loại hình phạt nào.
Thứ tám, việc phi tội phạm hóa do thay đổi hoặc chuyển biến tình hình thể hiện trong chính sách hình sự - vốn được hiểu là một tội phạm được xóa bỏ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý được quy định trong một điều luật. Đó là khi người bị kết án chưa CHHP/đang được hoãn CHHP thì được quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt; hoặc khi người này đang được tạm đình chỉ CHHP thì hình phạt còn lại được miễn chấp hành. Điều đó đồng nghĩa với việc xóa toàn bộ cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung (cấm cư trú, quản chế...). Tương tự, đối với người bị kết án cố tình trốn tránh việc CHHP, trong thời gian đó đã “lập công lớn” hoặc “mắc bệnh hiểm nghèo”, vấn đề này Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định.
Bên cạnh đó, việc thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng nên cơ quan có thẩm quyền trên thực tế áp dụng dựa trên tinh thần của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP). Do đó, còn có một số vướng mắc như sau:
(i) Trường hợp người bị kết án “lập công lớn”.
Mục 2 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP có giải thích về lập công lớn, tuy nhiên còn mang tính trừu tượng ở khái niệm “có giá trị”. Phát minh có giá trị nghĩa là gì, sáng kiến có giá trị là thế nào và điều kiện nào để các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, thời gian xác nhận là bao lâu, giá trị ở cấp độ nào?... vẫn chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể nên tạo ra tính tùy nghi khi áp dụng. Do vậy, thực tế còn tồn tại nhiều sai sót chủ quan khi nhận xét, đánh giá người bị kết án có đủ hoặc không đủ các điều kiện để được hưởng chính sách nhân đạo này.
(ii) Xác định trường hợp nào “bị phạt cấm cư trú” và trường hợp nào “quản chế” nếu một phần hai hình phạt đã được chấp hành và người đó cải tạo tốt.
Tại tiểu mục 2.3, mục 2 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP quy định: “Cải tạo tốt được chứng minh bằng việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thực hối cải, tích cực lao động, học tập”. Việc xác định người bị kết án có cải tạo tốt hay không phụ thuộc vào sự đánh giá của các cơ quan, tổ chức như chính quyền địa phương, tổ dân phố hoặc Công an khu vực nên rất dễ dẫn đến việc đánh giá còn chưa hoàn toàn chính xác. Việc đánh giá như thế nào là thành thực, tích cực cũng gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào sự phối hợp của các cơ quan chức năng và cũng có thể trong ít trường hợp người bị kết án “giả vờ” thành thực, tích cực để được hưởng cơ chế khoan hồng.
(iii) Xác định điều kiện đồng thời (điều kiện kép).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người bị kết án ngoài thỏa mãn các điều kiện cần là lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì cần phải thỏa mãn điều kiện đủ là “không còn nguy hiểm cho xã hội”. Về trường hợp người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo và còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không sẽ là kẽ hở để các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng đánh giá và thiếu chính xác. Ví dụ như căn cứ vào các bệnh lý hoặc/và thông qua thực tế nhìn nhận có thể khẳng định rằng người này không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên, trường hợp người bị kết án lập công lớn thì việc đánh giá người này còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không còn gặp nhiều khó khăn.
3.2. Nguyên nhân
(i) Quy định về miễn CHHP theo Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn một số bất cập, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến có sự không thống nhất trong việc áp dụng các quy định đối với các trường hợp tha, miễn rất dễ tạo tâm lý ngại áp dụng của thẩm phán, từ đó dẫn đến việc giảm nhẹ ở một số vụ án còn chưa đúng, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Qua thực tiễn áp dụng vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.
(ii) Có một số ít trường hợp xuất phát từ nguyên nhân là do trình độ nhận thức của thẩm phán, hội thẩm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu.
(iii) Việc kiểm tra, thanh tra, giám sát của Tòa án nhân dân cấp trên đối với Tòa án nhân dân cấp dưới trong công tác xét xử chưa thường xuyên, liên tục.
4. Đề xuất định hướng hoàn thiện pháp luật về miễn chấp hành hình phạt
Sau khi nghiên cứu từ lý luận và thực tiễn về miễn CHHP tại Điều 62 Bộ luật Hình sự năm 2015, tác giả đồng nhất với quan điểm của GS. TSKH. Lê Văn Cảm trong việc đề xuất hoàn thiện chế định miễn CHHP[3] với nội dung cụ thể:
Một là, cần bảo đảm thống nhất nội dung khi sử dụng thuật ngữ “lập công” trong khoản 2, khoản 4 với “lập công lớn” trong khoản 3 và khoản 5 Điều 62. Trong mục 2 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP khái niệm “lập công lớn” nên được hiểu là “có hành động giúp cơ quan nhà nước” nhằm phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm hay “cứu được người khác” khi người đó trong “tình thế hiểm nghèo” hoặc “mặc dù trong thiên tai, hỏa hoạn nhưng không để mất tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân”; hay được cơ quan xác nhận về “những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác” (điểm a tiểu mục 2.1 mục 2). Còn “đã lập công” là trường hợp lập công phải lớn hoặc thành tích xuất sắc mà người bị kết án có được trong cuộc sống/sản xuất/chiến đấu/học tập/công tác, đồng thời phải được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng/chứng nhận (tiểu mục 2.2, mục 2). Qua đó cho thấy “lập công” bao hàm trong đó cả “lập công lớn” và có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực. Để lập được thành tích xuất sắc đối với người bị kết án là một việc không hề dễ dàng, những người có được thành tích đó phải chấp hành tốt pháp luật, có nhiều tiến bộ, được tập thể nơi người đó sinh sống và làm việc đánh giá cao thì mới có thể lập được thành tích xuất sắc, được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận, những người có ý thức như vậy xứng đáng nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Do đó, để nhân đạo hóa hơn nữa chính sách hình sự đối với người bị kết án và mở rộng phạm vi áp dụng, nên quy định thống nhất ở các khoản của Điều 62 Bộ luật Hình sự năm 2015 là “đã lập công” (bỏ từ “lớn”).
Hai là, khoản 6 Điều 62 Bộ luật Hình sự năm 2015 cho phép người bị phạt cấm cư trú/quản chế, nếu “đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt”, thì được “miễn chấp hành phần hình phạt còn lại”. Theo điều luật này thì chỉ có người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế mới là đối tượng có thể được xem xét miễn CHHP còn lại, còn các hình phạt bổ sung khác (bị tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm kinh doanh...) lại không được xem xét miễn CHHP còn lại. Điều này không thể hiện được tính công bằng, không động viên được những người đang chịu hình phạt bổ sung khác tích cực chấp hành và cải tạo tốt để được hưởng khoan hồng. Theo ý kiến của tác giả, đối tượng “có thể” được miễn CHHP phải được làm rõ “là người đang CHHP bổ sung” hay là “người bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm cư trú hoặc quản chế”; bổ sung đối tượng “là người phải chịu các hình phạt bổ sung khác (như người bị tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm kinh doanh)”. Cụ thể, Điều 62 cần phải được sửa đổi khoản 6, từ người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt thành người bị áp dụng hình phạt bổ sung là “tước một số quyền công dân, cấm cư trú hoặc quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”, thêm vào “nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt”, thì Tòa án có thể quyết định miễn CHHP phạt còn lại, theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó CHHP.
Trương Huy Huân
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang
[1]. Lê Văn Cảm, Đỗ Tuấn Anh, Nhận thức khoa học về các biện pháp tha miễn trong luật hình sự Việt Nam (Kỳ 1), kiemsat.vn.
[2]. Xem Lê Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (phần chung) (Sách chuyên khảo Sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr. 790.
[3]. Trích theo Trịnh Tiến Việt (2013), Tội phạm và trách nhiệm hình sự, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, tr. 604 - 610.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)