1. Kinh doanh có trách nhiệm - Xu hướng tất yếu và sự cần thiết
Hiện nay, khái niệm kinh doanh có trách nhiệm chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, mọi người hay nhầm lẫn giữa kinh doanh có trách nhiệm (RBP) và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Theo định nghĩa của Liên Hợp quốc, kinh doanh có trách nhiệm có nghĩa là doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền con người, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm về quan hệ lao động cũng như trách nhiệm giải trình về mặt kinh tế, tài chính với Nhà nước như thuế, báo cáo tài chính[1]… Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật của các quốc gia chưa bảo đảm đủ cho các điều kiện này thì lúc đó các doanh nghiệp cần phải chủ động điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu về “thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”; “khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội” và “khuyến khích làm giàu theo pháp luật… gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội”. Hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là mang tính khuyến khích, còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm là mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các chủ thể liên quan, như: Người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan trong các hoạt động này là trách nhiệm của cả Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế liên quan đến phát triển bền vững, trong đó có Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp quốc (UNGPs), các khung khổ và tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế liên quan đến kinh doanh có trách nhiệm đang phát triển nhanh chóng. Việc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm là cần thiết nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh; quản lý rủi ro (như phòng tránh các lệnh cấm xuất nhập khẩu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tự động hoá); xây dựng sự kết nối giữa kinh doanh có trách nhiệm và mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực kinh tế phi chính thức.
Quá trình đổi mới của Việt Nam trong hơn 35 năm đạt nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn còn hạn chế, khó khăn, thách thức nhất định và tiềm ẩn rủi ro trên các lĩnh vực của đời sống. Lý do là, tăng trưởng kinh tế nhanh không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm một số rủi ro về xã hội và môi trường có ảnh hưởng rộng khắp đến người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với sinh kế của người dân. Một số vi phạm pháp luật liên quan các hành vi lũng đoạn thị trường hay tìm kiếm lợi nhuận bất chính trong dịch bệnh đang được xử lý vừa qua ở Việt Nam là ví dụ về hậu quả của hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm[2]. Trong bối cảnh đó, chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Theo đánh giá của Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam bà Caitlin Wiesen, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 15 hiệp định thương mại, trong đó có 02 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề cao thương mại bền vững với những tác động tích cực đến quyền con người. Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững trong các văn kiện của các cơ quan có thẩm quyền. Song lăng kính kinh doanh và quyền con người vẫn chưa được nhấn mạnh một cách đầy đủ. Kế hoạch hành động quốc gia thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ bổ sung cho khoảng trống này, bảo đảm tính nhất quán của chính sách và văn bản quy phạm pháp luật[3].
Để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các nước đã ban hành Chương trình hành động quốc gia (NAP) - đây là kế hoạch để quốc gia thực hiện khuyến nghị theo UNGPs và các tiêu chuẩn về kinh doanh có trách nhiệm. Hiện nay, trên thế giới có 32 quốc gia đã thông qua NAP. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 đã giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023. Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027 (NAP Việt Nam). Việt Nam là quốc gia thứ 7 tại Châu Á xây dựng NAP[4].
Như vậy, có thể thấy rằng, kinh doanh có trách nhiệm là xu hướng tất yếu, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động, người tiêu dùng hiện nay.
2. Quan điểm, mục tiêu của Nhà nước ta về hoàn thiện chính sách và pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Thứ nhất, về quan điểm: Việc hoàn thiện chính sách và pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam cần: (i) Bám sát quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, bao trùm; thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; (ii) Bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thứ hai, về mục tiêu:
- Mục tiêu tổng quát của việc hoàn thiện chính sách và pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam là: Nâng cao nhận thức, năng lực; rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật (trong đó có nâng cao hiệu quả và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục) nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2027 để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường (tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương), qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
- Mục tiêu cụ thể: (i) Nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; (ii) Bảo đảm Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (iii) Bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật; qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; (iv) Nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát và thúc đẩy việc tiếp cận các biện pháp khắc phục; (v) Hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
3. Quy định của pháp luật và thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam thời gian qua
Thực tế, những năm gần đây, yếu tố trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang dần trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới. Việt Nam đã có hệ thống quy định về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, nhiều chính sách, hành lang pháp lý cũng đã được ban hành để hướng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội, ví dụ như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020… Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn những vướng mắc nhất định cần được hoàn thiện để tiệm cận với các cam kết quốc tế, các thông lệ quốc tế, cụ thể như: Một số quy định về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh, tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến một số phương thức mới, hiện đại là “hệ quả” tất yếu của sự phát triển thương mại điện tử và cách mạng khoa học - công nghệ; nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan; các quy định hiện hành về kinh doanh có liên quan đến người khuyết tật mới chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, còn thiếu các quy định về người khuyết tật trong nội quy của các doanh nghiệp; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người khuyết tật còn hạn chế và chưa phù hợp với tình hình thực tế; còn thiếu khung pháp lý về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tôn trọng quyền trẻ em trong kinh doanh trong bối cảnh bảo đảm môi trường trong sạch và lành mạnh cho trẻ em…
Nghiên cứu do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện với gần 300 doanh nghiệp tại 30 tỉnh/thành phố cho thấy, mức độ nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn thấp. Hầu hết, doanh nghiệp Việt Nam mới dừng ở việc tuân thủ thực hành kinh doanh có trách nhiệm vì “quy định của pháp luật”, mà chưa thấy rõ động lực, lợi ích hoạt động này mang lại. Trong khi đó, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như: (i) Trong lĩnh vực lao động, còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động như không thông báo hằng tháng tình trạng biến động lao động với cơ quan lao động; không thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động, tình hình tai nạn lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động; sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc nhưng không thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động… Lực lượng thanh tra lao động và cán bộ quản lý nhà nước về lao động còn mỏng, khối lượng công việc nhiều, tần suất thanh tra, kiểm tra thấp, chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật lao động. (i) Trong lĩnh vực môi trường, nhận thức, ý thức trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, lẻ chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để xử lý chất thải phát sinh; hoạt động bảo vệ môi trường tại một số cơ sở sản xuất còn mang tình hình thức, chống đối. Trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thiếu; cơ sở hạ tầng tại khu vực đô thị, nông thôn hiện nay chưa đồng bộ, một số nơi đã bị xuống cấp, đặc biệt tại khu vực làng nghề gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Các chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường chưa hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào bảo vệ môi trường; bộ máy làm công tác quản lý về môi trường còn thiếu nhiều về số lượng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế. (iii) Trong thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do quá trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng nên có nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới như các giao dịch thương mại điện tử, bán hàng online, bán hàng đa cấp..., trong khi đó, các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đầy đủ, bao quát và chưa phù hợp với thực tiễn nên việc quản lý cũng như xử lý các vi phạm còn khó khăn, lúng túng[5].
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoàn thiện chính sách và pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam trong thời gian tới
Để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam trong thời gian tới, cần sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Về phía Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm qua các cơ chế ưu đãi, tự quản, giám sát, thanh tra công bằng và hiệu quả, giải quyết vướng mắc và khiếu nại, tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, công chức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm, khuyến khích xây dựng các quy chế tự khắc phục và phòng ngừa trong nội bộ doanh nghiệp. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm với việc xây dựng cơ chế, kế hoạch của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng. Đồng thời, xây dựng cơ chế tự khắc phục và phòng ngừa, như thủ tục và nguyên tắc giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp, quy chế và quy tắc về quản trị nội bộ, ứng xử, đạo đức kinh doanh. Xây dựng các phương án thực hành tiết kiệm theo quy định của pháp luật và xu hướng của quốc tế.
4.1. Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Một là, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; nâng cao năng lực của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, của điều tra viên, năng lực tư vấn pháp luật của đội ngũ luật sư trong các hoạt động liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Hai là, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên và chức danh có liên quan trong việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Ba là, truyền thông, xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, tích hợp, bổ sung nội dung về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong các môn học đang giảng dạy hoặc xây dựng môn học (khóa học) về chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo luật, kinh tế.
4.2. Hoàn thiện chính sách và pháp luật
Một là, trong lĩnh vực đầu tư: Rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong hoạt động đấu thầu.
Hai là, trong lĩnh vực lao động: (i) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật, quy định liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền lao động, phúc lợi của người lao động trong quan hệ lao động, việc làm bảo đảm tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (gồm: Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành); (ii) Nghiên cứu xây dựng chính sách về bảo vệ việc làm, đào tạo lại người lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong mối quan hệ với các công ty nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số; (iii) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Công đoàn và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; (iv) Phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi bạo lực về giới trên môi trường mạng
Ba là, trong lĩnh vực bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương: Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bình đẳng giới; chống phân biệt đối xử và bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương trong hoạt động kinh doanh để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, gồm: Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Trẻ em năm 2016… và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để triển khai thi hành Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bốn là, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Nghiên cứu, rà soát pháp luật và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Năm là, trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Sáu là, một số lĩnh vực liên quan: (i) Nghiên cứu, rà soát pháp luật và đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản có liên quan nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm (bao gồm xây dựng các nguyên tắc về chứng cứ và trách nhiệm cung cấp chứng cứ trong hoạt động tố tụng dân sự và hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho bên yếu thế khi thực hiện quyền khiếu kiện tại Tòa án; thúc đẩy việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực lao động, bảo vệ người tiêu dùng; xây dựng và hoàn thiện các mô hình, thủ tục tố tụng thân thiện, dễ tiếp cận đối với người khuyết tật, LGBTI…); (ii) Nghiên cứu, rà soát pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, bảo vệ người tiêu dùng để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (iii) Nghiên cứu, rà soát và đề xuất hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại và các quy định của pháp luật có liên quan về hòa giải, giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
4.3. Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật
Một là, trong lĩnh vực đầu tư: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, phổ biến và khuyến nghị áp dụng Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư phù hợp với bối cảnh và các ưu tiên của địa phương theo đúng quy định pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Hai là, trong lĩnh vực lao động: Hoàn thiện, lồng ghép các cơ chế giám sát, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân và doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước (như đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận, hoạt động đối thoại...) đối với việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động; tăng cường thu thập, thống kê và hình thành các cơ sở dữ liệu thông tin về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động.
Ba là, trong lĩnh vực bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương: Hoàn thiện, lồng ghép các cơ chế giám sát, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân và doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước (như đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận, hoạt động đối thoại...) đối với việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm liên quan các nhóm dễ bị tổn thương; tăng cường thu thập, thống kê và hình thành các cơ sở dữ liệu thông tin về thực hành kinh doanh có trách nhiệm liên quan các nhóm dễ bị tổn thương.
Bốn là, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Hoàn thiện, lồng ghép các cơ chế giám sát, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân và doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước (như đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận, hoạt động đối thoại...) đối với việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực môi trường; tăng cường thu thập, thống kê và hình thành các cơ sở dữ liệu thông tin về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực môi trường, gắn với kinh tế tuần hoàn.
Năm là, trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hoàn thiện, lồng ghép các cơ chế giám sát, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân và doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước (như đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận, hoạt động đối thoại...) đối với việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường thu thập, thống kê và hình thành các cơ sở dữ liệu thông tin về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dung; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, hoạt động thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số ngành, lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ.
Sáu là, một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan khác: Hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm, khuyến khích xây dựng các quy chế tự khắc phục và phòng ngừa trong nội bộ doanh nghiệp (gồm: Thủ tục và nguyên tắc giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp, các quy chế, quy tắc về quản trị nội bộ, ứng xử, đạo đức kinh doanh dưới hình thức các bộ quy tắc ứng xử nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm); hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thực hành kinh doanh có trách nhiệm; tổ chức các hoạt động đối thoại với các cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có liên quan nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
4.4. Chia sẻ thông tin, kết quả của các hoạt động trong các chương trình, đề án, diễn đàn, hội nghị quốc tế liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Định kỳ hàng năm, trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động được giao trong các chương trình, đề án; thông tin, kết quả tham dự các diễn đàn, hội nghị quốc tế liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các cơ quan chủ trì thực hiện gửi Bộ Tư pháp các thông tin, kết quả đó để Bộ Tư pháp tổng hợp.
Việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm hiệu quả tại Việt Nam nhằm phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường (tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương), qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Huyền Bùi
[1] Hồng Uyên, Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam,
https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuc-day-thuc-hanh-kinh-doanh-co-trach-nhiem-tai-viet-nam-690931, truy cập ngày 20/9/2023.
[2] Lê Sơn, Kinh doanh có trách nhiệm là xu hướng tất yếu,
https://baochinhphu.vn/kinh-doanh-co-trach-nhiem-la-xu-huong-tat-yeu-102220407132053801.htm, truy cập ngày 20/9/2023.
[3] https://baochinhphu.vn/kinh-doanh-co-trach-nhiem-la-xu-huong-tat-yeu-102220407132053801.htm, truy cập ngày 20/9/2023.
[4] Theo tài liệu Hội thảo “Nâng cao năng lực triển khai Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam gia đoạn 2023 - 2027” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 29/8/2023 tại Hà Nội.