1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm
Xử lý vật chứng là một vấn đề phổ biến nhưng cũng khá phức tạp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đối với các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015), đối tượng của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã là những động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp - Công ước CITES (Điều 234) và đối tượng của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là những loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I Công ước CITES
(Điều 244).
Theo điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), đối với “vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Như vậy, biện pháp giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền được áp dụng với một loại vật chứng có tính chất khá đặc biệt, đó là động vật hoang dã. Đây là nội dung hoàn toàn mới của Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Sự bổ sung này xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến động vật hoang dã và thực vật ngoại lai, bởi đây là loại vật chứng rất đặc thù, dẫn đến việc xử lý theo các biện pháp thông thường là chưa hợp lý; đồng thời cũng xuất phát từ các cam kết quốc tế của Việt Nam về các vấn đề có liên quan, thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc đấu tranh phòng, chống các tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Trong pháp luật hình sự, Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP) thì động vật hoang dã bao gồm các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước CITES và các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước CITES. Bên cạnh đó, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Theo khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP thì “Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”. Như vậy, khái niệm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn một cách khá chi tiết và có các văn bản quy định danh mục tương đối cụ thể.
Do tính chất đặc biệt của vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nên nguyên tắc đầu tiên khi xử lý loại vật chứng này là nguyên tắc bảo tồn. Theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP, đối với động vật còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật (điểm a). Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (điểm b). Những vật chứng khác không thuộc hai trường hợp này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật (điểm c). Bên cạnh Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP, cũng có một số văn bản khác điều chỉnh biện pháp xử lý đối với vật chứng là động vật hoang dã, động vật rừng, động vật nguy cấp, quý, hiếm như Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Nghị định số 06/2019/NĐ-CP) (Điều 10, Điều 32); Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước (Điều 6). Đây có thể coi là các quy định về các biện pháp mà cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ áp dụng sau khi tiếp nhận vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm từ các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Một số vướng mắc, khó khăn khi xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm
Thứ nhất, vướng mắc về việc bảo quản và xử lý vật chứng là động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Đối với vụ án liên quan đến hành vi vi phạm quy định về động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015) thì việc bắt quả tang người phạm tội, thu giữ kịp thời vật chứng là động vật nguy cấp, quý, hiếm rất quan trọng và một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giải quyết vụ án về động vật nguy cấp, quý, hiếm là phải bảo vệ được các cá thể động vật sống. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này không dễ thực hiện vì động vật sống, bộ phận và các sản phẩm từ động vật đòi hỏi phải có biện pháp chăm sóc, bảo quản đặc biệt so với các loại vật chứng khác.
Điển hình như vụ việc[1]: Ngày 04/8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh A đã kiểm tra đột xuất và phát hiện tại nhà của Nguyễn Văn H đang nuôi nhốt 14 cá thể hổ đã trưởng thành. Cùng thời gian trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã kiểm tra nhà Nguyễn Thị Đ đang nuôi nhốt 03 cá thể hổ tương tự. Sau khi phát hiện 17 cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép, lực lượng chức năng đã gây mê để vận chuyển đến Khu sinh thái để chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, 08 trong số 17 cá thể hổ nêu trên đã bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Có thể thấy, nếu cơ quan chức năng không thu giữ vật chứng hoặc vật chứng không đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật sẽ không xử lý được các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, việc chưa có cơ sở nuôi nhốt đối với các loài động vật đặc thù hay chưa có nhân viên chăm sóc động vật nguy cấp, quý, hiếm từ giai đoạn tạm giữ cho đến khi có quyết định xử lý vật chứng dẫn đến trường hợp cá thể động vật suy kiệt, chết..., gây khó khăn trong việc giám định hoặc không có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm.
Thứ hai, vướng mắc khi xử lý vật chứng là bộ phận hay sản phẩm của động vật hoang dã.
Liên quan đến động vật hoang dã, các văn bản pháp luật còn bỏ sót một loại vật chứng khá quan trọng và phổ biến trong các vụ án, đó là bộ phận, hay sản phẩm của động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác, hay vảy tê tê[2]… Mặc dù điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định: “Mẫu vật các loài Nhóm IA, IB thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; Mẫu vật các loài Nhóm IIA, IIB chuyển giao cho tổ chức khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn; bán đấu giá cho tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể thực hiện các biện pháp xử lý khác”, tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 lại không quy định trường hợp này. Ngoài ra, điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật”. Theo đó, các bộ phận, sản phẩm của động vật hoang dã được coi là không thuộc điểm a, điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP, do đó sẽ bị tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định pháp luật. Đây cũng là hướng dẫn của Công văn số 206/TANDTC-PC ngày 27/12/2022 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử. Tuy nhiên, quy định của Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP vẫn chưa hoàn toàn triệt để bởi trong trường hợp tịch thu thì việc tịch thu đó để nhằm mục đích gì, để nộp ngân sách nhà nước hay giao lại cho các cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền? Thực tiễn xét xử còn chưa thống nhất, ví dụ đối với ngà voi, có Tòa án tuyên tịch thu tiêu hủy[3], có Tòa án tuyên tịch thu sung công[4].
Thứ ba, khó khăn trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thu giữ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thu giữ động vật, sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm và có thể là vật chứng hoặc không phải vật chứng của vụ án sau này. Tuy nhiên, việc thu giữ, bảo quản, xử lý động vật, sản phẩm của động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trong giai đoạn này chưa có hướng dẫn cụ thể. Tại Điều 90 và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định xử lý tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, gây khó khăn trong công tác bảo quản, xử lý. Việc xử lý tài liệu tạm giữ trong giai đoạn này được đề cập tại khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, tuy nhiên, quy định này chỉ mới dừng ở những vấn đề chung mà chưa có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự để xử lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, dẫn đến quá trình áp dụng pháp luật trên thực tế của các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thống nhất trong việc xử lý vụ việc. Bởi lẽ, trong giai đoạn xác minh, giải quyết các nguồn tin về tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng phải tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu thập các tài liệu, đồ vật, chứng cứ nhằm xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm. Tuy chưa có quyết định khởi tố vụ án nhưng trong nhiều trường hợp, do tính chất của vật chứng là động vật hoang dã là phải bảo vệ được cá thể động vật sống để tái thả về tự nhiên nhưng trên thực tế việc này không dễ thực hiện vì động vật sống, bộ phận và các sản phẩm từ động vật phải có biện pháp chăm sóc và bảo quản đặc biệt so với các loại vật chứng khác, từ đó đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng xử lý trong quá trình xác minh, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Về cơ bản, có thể coi việc xử lý vật chứng trong trường hợp không khởi tố vụ án hình sự cũng tương tự như trong trường hợp ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ đề cập đến xử lý vật chứng trong trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án mà không quy định về trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, việc tiến hành xử lý vật chứng khi có quyết định không khởi tố vụ án hình sự là cần thiết và hợp lý nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý, dẫn đến sự lúng túng nhất định và sự thiếu thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là loại vật chứng rất đa dạng (có thể là động vật sống, đã chết, động vật mang mầm bệnh, động vật ốm, yếu; động vật được phép nuôi, kinh doanh, động vật không được phép nuôi, kinh doanh; sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cũng có nhiều loại, có loại phải bảo quản trong môi trường đặc biệt như thịt, có sản phẩm có thể bảo quản ở môi trường thông thường như sừng, cao, vảy...) nên thời điểm, hình thức xử lý của từng loại cũng sẽ khác nhau. Xuất phát từ những đặc điểm riêng biệt nêu trên của vật chứng là động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải nghiên cứu tất cả các văn bản pháp luật về xử lý vật chứng, xử lý tang vật và các quy định về quản lý động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm để có những đánh giá, nhận định, quyết định cơ quan chuyên môn có đủ điều kiện để tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng cho phù hợp với quy định pháp luật.
Mặc dù Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP có đề cập nội dung hướng dẫn việc xử lý vật chứng là sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản nhưng mới chỉ hướng dẫn chung chung là Tòa án tuyên tịch thu hoặc tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ, khởi tố nhiều vụ vận chuyển, buôn bán sừng tê giác, ngà voi, vảy đồi mồi và nhiều bộ phận của động vật quý hiếm[5]. Đây được xem là những tài sản có giá trị lớn, tuy nhiên, việc cơ quan có thẩm quyền tuyên tịch thu, bán đấu giá những vật chứng này thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng vì việc “hợp pháp hóa” và “thương mại hóa”, đặc biệt là ngà voi hay sừng tê giác là trái với pháp luật quốc tế; thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và sử dụng trên thị trường. Bên cạnh đó, chi phí lưu giữ, bảo quản các loại vật chứng này sẽ tốn khá nhiều kinh phí. Do đó, hình thức xử lý tịch thu, tiêu hủy vật chứng là sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là biện pháp xử lý vật chứng cuối cùng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã khác, đồng thời là thông điệp trong chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng không tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc phi pháp.
Vì vậy, tác giả đề xuất sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP như sau: “Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy. Những vật chứng là sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có thể bảo quản thì giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.
Thứ hai, cần thống nhất việc xử lý vật chứng liên quan đến động vật nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, cần có quy định cho phép các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có đủ thẩm quyền xử lý vật chứng là động vật nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc Phụ lục I của Công ước CITES khi bị bắt giữ còn sống, linh hoạt trong việc cứu hộ, tái thả về nơi cư trú tự nhiên hoặc tiêu hủy nếu phát hiện có mầm bệnh hoặc chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở nghiên cứu nhân giống, gây nuôi động vật hợp pháp, cơ sở giáo dục môi trường, vườn thú... Đồng thời, xác định rõ cơ quan chuyên môn quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để công tác bàn giao vật chứng là động vật nguy cấp, quý, hiếm vừa đúng quy trình, vừa có hiệu quả. Quy định cụ thể danh mục các cơ quan, đơn vị được giao thả lại động vật nguy cấp, quý, hiếm về môi trường tự nhiên; các cơ quan, đơn vị có chức năng cứu hộ động vật nguy cấp, quý, hiếm... để cơ quan tiến hành tố tụng quyết định cụ thể[6].
Thứ ba, theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc xử lý vật chứng có thể được thực hiện khi vụ án kết thúc hoặc cũng có thể được thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nếu xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, như đã phân tích, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không đề cập đến việc xử lý vật chứng trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, hay kiến nghị khởi tố cũng như trong trường hợp tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, tác giả kiến nghị bổ sung nội dung quy định về việc xử lý vật chứng trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự cũng như trong trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án, trong đó có quy định về việc xử lý động vật, sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Lê Bá Đức
Học viên Cao học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Kim Long (2021), “Khởi tố, bắt tạm giam bị can nuôi nhốt 14 cá thể hổ trái phép”, Báo Pháp luật Việt Nam, https://baophapluat.vn/khoi-to-bat-tam-giam-bi-can-nuoi-nhot-14-ca-the-ho-trai-phep-post407232.html, truy cập ngày 05/01/2024.
[2]. Trần Văn Độ (2020), “Một số vấn đề về xử lý vật chứng trong các vụ án về các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 12, tr. 03.
[3]. Bản án số 193/2020/HS-ST ngày 10/6/2020 của Tòa án nhân dân TP. N về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta523845t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 05/01/2024.
[4]. Bản án số 20/2018/HS-ST ngày 13/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Q về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta223569t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 05/01/2024.
[5]. Phúc Huy (2023), “Nâng cao nhận thức về nguy cơ và rủi ro tài chính từ buôn bán động vật hoang dã”, Báo nhân dân điện tử, https://nhandan.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-nguy-co-va-rui-ro-tai-chinh-tu-buon-ban-dong-vat-hoang-da-post753137.html, truy cập ngày 06/01/2024.
[6]. Phạm Minh Tuyên (2020), “Giám định, xử lý vật chứng, định giá động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm trong tố tụng hình sự - Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/public/index.php/giam-dinh-xu-ly-vat-chung-dinh-gia-dong-vat-hoang-da-dong-vat-nguy-cap-quy-hiem-trong-to-tung-hinh-su-vuong-mac-va-kien-nghi-hoan-thien, truy cập ngày 06/01/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 398), tháng 2/2024)