1. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự
“Quyền” được hiểu là quyền năng của pháp luật thực định quy định cho mỗi chủ thể pháp luật, cho phép các chủ thể làm một việc gì đó, yêu cầu hoặc ngăn cản người khác làm một việc gì đó vì lợi ích của chính mình hoặc vì lợi ích của người khác[1]. “Bình đẳng” là thuật ngữ chỉ sự “ngang hàng nhau về địa vị và quyền lợi”[2]. Như vậy, hiểu một cách chung nhất thì quyền bình đẳng thể hiện sự ngang nhau về địa vị pháp lý, ngang nhau về quyền và nghĩa vụ. Quyền bình đẳng là một quyền cơ bản của con người. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau.
Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Quyền bình đẳng được ghi nhận tại Điều 16 Hiến pháp năm 2013: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, pháp luật tố tụng dân sự hiện nay đã thể chế hóa thành nguyên tắc quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự tại Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: (i) Trong tố tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án. (ii) Tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.
Đương sự trong tố tụng dân sự là người tham gia tố tụng dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích của mình trước Tòa án. Quy định quyền bình đẳng trong pháp luật tố tụng dân sự là sự ghi nhận của pháp luật tố tụng dân sự về địa vị pháp lý, về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ tại Tòa án là ngang nhau so với nam giới, về sự không phân biệt đối xử về giới của Tòa án đối với các bên đương sự. Về bản chất, quyền bình đẳng của phụ nữ được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự có nguồn gốc từ quyền bình đẳng của con người. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự chính là những quyền tố tụng quan trọng, đặc thù của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự, ghi nhận phụ nữ có quyền và nghĩa vụ ngang với nam giới trước Tòa án, đồng thời, phụ nữ phải chịu trách nhiệm pháp lý như nam giới, đương sự là phụ nữ luôn có quyền gắn liền với nghĩa vụ tố tụng dân sự. Bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự không chỉ là việc pháp luật tố tụng dân sự quy định Tòa án không được phân biệt đối xử về giới giữa các đương sự mà còn là quy định Tòa án tạo cơ hội như nhau cho các đương sự là phụ nữ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng, không phân biệt đối xử về giới, đồng thời, bảo vệ công bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự là phụ nữ.
Từ những phân tích trên có thể hiểu, quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự là tổng hợp các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về bình đẳng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ, về trách nhiệm, nhiệm vụ của Tòa án, Viện kiểm sát và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giúp đỡ phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng trong suốt quá trình tố tụng dân sự.
2. Cơ sở hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự Việt Nam
Bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự cần phải được thể chế bằng pháp luật. Cơ sở của việc luật hóa bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự gồm những cơ sở sau:
Một là, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam xuất phát từ yêu cầu xây dựng Nhà nước dân chủ, pháp quyền.
Hai là, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam xuất phát từ nhu cầu thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp nhất là Hiến pháp năm 2013, đồng thời, cần phải có sự tương thích giữa pháp luật quốc tế với pháp luật quốc gia, giữa luật nội dung với luật hình thức trong sự nghiệp đấu tranh bảo đảm bình đẳng giới. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, quyền bình đẳng giới với tư cách là một quyền tự nhiên của con người ngày càng được công nhận, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật quốc tế cũng như trong pháp luật của mỗi quốc gia. Hiện nay, với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cần phải chủ động “hòa nhập” với các xu hướng quốc tế, phải tạo ra môi trường hợp tác (đặc biệt là môi trường pháp lý) để các nước có thể tin tưởng cùng Việt Nam hợp tác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn vậy, pháp luật Việt Nam phải tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia công nhận và bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng giới. Có thể nói, ở một mức độ nhất định, chính các văn bản pháp lý quốc tế, pháp luật của các quốc gia khác khẳng định và bảo vệ quyền bình đẳng giới đã ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo định hướng để pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam nói riêng cũng thừa nhận và bảo vệ quyền bình đẳng giới. Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định các đương sự có quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước Tòa án là sự cụ thể hóa quyền bình đẳng của con người được quy định tại Điều 14, Điều 16 Hiến pháp năm 2013.
Việc xây dựng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự còn phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với luật dân sự, bởi luật nội dung quyết định luật hình thức. Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định phụ nữ có quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước Tòa án là tương thích với nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ba là, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự và nhu cầu bảo vệ quyền bình đẳng giới. Tham gia tố tụng dân sự, đương sự nào trong vụ việc dân sự cũng luôn có nhu cầu cần được Tòa án bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Tuy nhiên, trước khi trông đợi vào Tòa án, đương sự là phụ nữ có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Để có thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì phụ nữ cần được Nhà nước trao quyền bình đẳng giữa họ với các đương sự khác giới. Với quyền bình đẳng được ghi nhận trong luật, đương sự là phụ nữ mới có cơ sở pháp lý để ngang bằng với các đương sự khác giới trong việc tiếp cận Tòa án để đưa ra yêu cầu, trong việc cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, trong việc thỏa thuận về các vấn đề cần giải quyết trong vụ việc dân sự, trong việc tranh tụng tại phiên tòa... Tuy nhiên, nếu pháp luật tố tụng dân sự chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền bình đẳng của đương sự thì rất có thể quyền này sẽ không được thực hiện hoặc được thực hiện không hiệu quả bởi quyền này không chỉ phụ thuộc vào đương sự có thực hiện hay không mà còn phụ thuộc vào các chủ thể có liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong xã hội... Như vậy, để có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, pháp luật tố tụng dân sự cần có các quy định về bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự từ phía Tòa án, Viện kiểm sát và các chủ thể khác có liên quan.
3. Hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự
3.1. Pháp luật tố tụng dân sự cần phải ghi nhận đương sự có quyền bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý trước Tòa án. Quy định này là một nguyên tắc của luật tố tụng dân sự.
Ghi nhận đương sự có quyền bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý là nội dung lớn đầu tiên mà pháp luật tố tụng dân sự về bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự phải thể hiện được, bởi vì, muốn bảo đảm thực hiện được quyền này thì trước hết quyền đó phải được ghi nhận. Nội dung này phải được cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật phù hợp trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.
3.2. Pháp luật tố tụng dân sự cần phải ghi nhận, bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự là một nguyên tắc mà các chủ thể tiến hành tố tụng dân sự và tham gia tố tụng phải tuân theo. Là một nguyên tắc của luật tố tụng dân sự, quyền bình đẳng của đương sự không chỉ có ý nghĩa giúp đương sự thực hiện được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình mà còn giúp các đương sự được Tòa án đối xử như nhau, không bị phân biệt trong tố tụng dân sự[3]. Theo tác giả Đào Trí Úc, quyền bình đẳng của đương sự gắn liền với quyền được xét xử công bằng mà công bằng là “yêu cầu về sự đối xử công bằng, có vị trí pháp lý, có các cơ hội pháp lý công bằng giữa các bên trong tố tụng”[4]. Như vậy, pháp luật tố tụng dân sự còn phải có các quy định về quyền được xét xử công bằng, về địa vị pháp lý như nhau trước Tòa án, về cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích ngang nhau, quyền có cơ hội ngang nhau trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ là nguyên tắc có giá trị bắt buộc đối với toàn xã hội, không đương sự nào xâm phạm quyền của bên đương sự nào.
3.3. Bên cạnh các quy định ghi nhận quyền bình đẳng của đương sự trước Tòa án, pháp luật tố tụng dân sự phải quy định cụ thể, phù hợp trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát và các chủ thể có liên quan trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự.
Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự (Điều 70); quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác (Điều 71, Điều 72, Điều 73) và vấn đề kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng (Điều 74). Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự là bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt về giới. Tuy nhiên, nghiên cứu thực tiễn tố tụng tại Tòa án cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng Tòa án chưa thực sự tôn trọng, bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, áp đặt ý chí chủ quan, thậm chí có trường hợp vi phạm các quyền tố tụng của đương sự là phụ nữ, đồng thời từ thực tế cho thấy, phụ nữ thường yếu thế hơn nam giới, khi tham gia vào hoạt động tố tụng dân sự có thể bị đối xử bất bình đẳng do áp lực vũ lực từ nam giới.
Việc bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự trước tiên được thể hiện trên phương diện được pháp luật ghi nhận và đương sự có khả năng tự bảo vệ hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bảo vệ; quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự được thực hiện bằng thực tế từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự như Tòa án, Viện kiểm sát. Ngoài ra, vai trò của các tổ chức xã hội cũng giữ vị trí vô cùng quan trọng.
Ở Việt Nam, quyền bình đẳng trước pháp luật nói chung hay quyền bình đẳng giữa các đương sự trong tố tụng dân sự nói riêng vừa là một nguyên tắc của luật tố tụng dân sự, vừa là một quyền tố tụng của đương sự được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự. Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật tố tụng dân sự trước đây về quyền bình đẳng giữa các đương sự trong tố tụng dân sự, cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn áp dụng, tạo nên khởi sắc mới trong việc công nhận và bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.
3.4. Pháp luật tố tụng dân sự cần có quy định cụ thể, phù hợp trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát và các chủ thể có liên quan. Tòa án có vai trò quyết định trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự, vì vậy, luật hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự sẽ là một phương thức nhằm buộc Tòa án phải nâng cao ý thức của mình trong việc tạo điều kiện cho đương sự thực hiện quyền bình đẳng, trong việc đối xử với đương sự trong tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát và các chủ thể liên quan cũng cần được pháp luật tố tụng quy định cụ thể để hỗ trợ, cùng với các phương thức khác bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự. Nếu không có vai trò giám sát của Viện kiểm sát, đương sự cũng như Tòa án sẽ không bị “áp lực” về việc thực hiện và bảo đảm việc thực hiện quyền bình đẳng của đương sự, từ đó, dễ dẫn đến việc đương sự cũng như Tòa án có thể không nghiêm túc thực hiện đúng quyền, trách nhiệm của mình.
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[2]. Đào Duy Anh, Hán Việt Từ điển, Nxb. Trường Thi Sài Gòn, 1957, tr. 66.
[3]. Nguyễn Thị Thu Hà, “Quyền được xét xử công bằng trong tố tụng dân sự”, Tạp chí Luật học, số 01/2017, tr. 41.
[4]. Đào Trí Úc, Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự theo tinh thần đổi mới của Hiến pháp 2013 trong cuốn “Thực hiện quyền hiến định trong Hiến pháp 2013”, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr. 147 - 148.