Abstract: This paper examines and clarifies insufficiencies of existing law on government guarantee level for enterprise loans, on supervision of level and management of government guarantee for enterprise loans, and from that point, puts forward recommendations for completing law on this area.
1. Vài nét về thực trạng nợ vay và bản chất của cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay của doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, dư nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ và là một trong những áp lực lên nợ công. Năm 2010, con số này là 11,9 tỉ USD, đến cuối năm 2015, số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh đã lên tới khoảng 21 tỉ USD (gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), chiếm khoảng 17,8% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP năm 2015. Như vậy là chỉ trong 6 năm, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh tăng gần 1,76 lần và bảo lãnh vay nợ tăng bình quân 50%/năm từ 2010 – 2013[1].
Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) được Chính phủ bảo lãnh nợ vay lại sử dụng vốn chưa hiệu quả. Nhiều dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ, phải xin giãn, hoãn, xóa nợ[2]… Nhiều dự án không trả được nợ, Bộ Tài chính phải dùng Quỹ tích lũy trả nợ để cho DN vay trả nợ như: Dự án Xi măng Hạ Long, Xi măng Đồng Bành… Nhiều dự án không có khả năng thu hồi vốn, Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay như Nhà máy Bột giấy Phương Nam[3]… Tình trạng này có thể đã không diễn ra nếu như có cơ chế chặt chẽ đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn của doanh nghiệp; đảm bảo việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác khi đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ của DN; đảm bảo việc thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh Chính phủ của cơ quan cấp bảo lãnh hiệu quả cũng như đảm bảo việc minh bạch thông tin về nợ Chính phủ bảo lãnh và bản thân hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay của DN.
Việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các DN vay vốn là hoạt động thường phát sinh khi DN cần huy động một lượng vốn lớn, đặc biệt là trên thị trường vốn quốc tế, nhưng không đủ uy tín để tự vay. Chính phủ bảo lãnh cho DN vay vốn tức là Chính phủ cam kết với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp đến hạn trả nợ mà DN không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ. Khi đó, Chính phủ có thể giúp DN tiếp cận được với các nguồn vốn với quy mô lớn, lãi suất thấp.
Quan hệ vay vốn có bảo lãnh Chính phủ là mối quan hệ ba bên, bao gồm: Bên cho vay (bên nhận bảo lãnh), Chính phủ (bên bảo lãnh) và bên vay - doanh nghiệp (bên được bảo lãnh). Về bản chất, bảo lãnh Chính phủ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ vay vốn giữa DN và bên cho vay; nghĩa vụ của bên bảo lãnh (Chính phủ) là nghĩa vụ bổ trợ cho nghĩa vụ chính - nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp (bên được bảo lãnh) đối với bên cho vay (bên nhận bảo lãnh) và quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh là quan hệ nghĩa vụ (hợp đồng). Như vậy, trong trường hợp DN không thanh toán được khoản vay đến hạn, thì với trách nhiệm của bên bảo lãnh, Chính phủ phải trả nợ thay cho DN. Hay nói cách khác, nợ doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ trở thành gánh nặng của ngân sách quốc gia và được xem là một bộ phận của nợ công.
2. Thực trạng quy định về cấp bảo lãnh Chính phủ cho doanh nghiệp vay vốn và những bất cập
Về nguyên tắc, DN vay vốn có nghĩa vụ trả nợ, Chính phủ chỉ trả nợ thay trong trường hợp DN không trả được nợ. Để tránh nguy cơ đối với nợ công từ các khoản nợ này, vấn đề đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn? Trước hết, DN cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp bảo lãnh để chứng minh năng lực trả nợ của mình, nhu cầu cần thiết vay vốn và cho thấy phương án sử dụng vốn vay hiệu quả. Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã quy định về các điều kiện để DN được cấp bảo lãnh chính phủ tại Điều 34, bao gồm: (i) Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan; (ii) Có đề án vay, phương án sử dụng vốn vay, trả nợ được Bộ Tài chính thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (iii) Trường hợp là doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phải bảo đảm tối thiểu 20% tổng mức vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu; (iv) Tình hình tài chính lành mạnh, không bị lỗ trong ba năm liền kề gần nhất, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách; tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh không có nợ quá hạn với các tổ chức tài chính, tín dụng; không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản được bảo lãnh, các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và ngân sách nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp chưa đủ ba năm hoạt động liên tục thì phải có cam kết của chủ sở hữu hoặc của công ty mẹ về bảo đảm khả năng trả nợ đối với khoản vay được bảo lãnh; (v) Chấp thuận các chế tài theo quy định của cơ quan cấp bảo lãnh; (vi) Không vi phạm pháp luật về quản lý nợ công trong thời hạn ba năm liền kề gần nhất tính đến thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh.
Luật Quản lý nợ công năm 2017 đưa ra các điều kiện thắt chặt hơn so với Luật Quản lý nợ công năm 2009. Cụ thể, không cho phép DN hoạt động dưới 3 năm được cấp bảo lãnh; không có trường hợp ngoại lệ như các dự án, công trình trọng điểm, dự án lớn có tính cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nếu DN chưa đáp ứng đủ điều kiện về vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định miễn áp dụng điều kiện này trong từng trường hợp cụ thể như quy định tại điểm e khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý nợ công năm 2009; hay khoản bảo lãnh phải nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt (Điều 43 Luật Quản lý nợ công năm 2017).
Để đảm bảo việc cấp bảo lãnh Chính phủ hiệu quả, cấp cho những DN thực sự cần vốn, thì thông tin DN cung cấp khi đề nghị cấp bảo lãnh phải đầy đủ, chính xác. Muốn vậy, cần nâng cao trách nhiệm của DN trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan cấp bảo lãnh, đồng thời, cơ quan cấp bảo lãnh cũng cần thẩm định kỹ các thông tin để đảm bảo việc cấp bảo lãnh Chính phủ được chính xác. Nghị định số 04/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ quy định DN phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác của các số liệu, hồ sơ cung cấp cho Bộ Tài chính (Điều 55) và điều này đã được ghi nhận ở khoản 2 Điều 48 Luật Quản lý nợ công năm 2017.
Về phía cơ quan cấp bảo lãnh, Bộ Tài chính cần có những thông tin về DN từ một bên thứ ba để bảo đảm tính khách quan. Nghị định số 04/2017/NĐ-CP quy định trong trường hợp cần bổ sung thông tin, Bộ Tài chính lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến chương trình, dự án vay vốn đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ (khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 16). Đây là quy định cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc cấp bảo lãnh Chính phủ. Trách nhiệm tham gia ý kiến với Bộ Tài chính của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh và thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ cũng đã được ghi nhận ở khoản 3 Điều 48 Luật Quản lý nợ công năm 2017. Trên thực tế, việc thẩm định dự án được Chính phủ bảo lãnh phần lớn dựa trên giải trình của chủ dự án, không có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng trong dự án xi măng, Bộ Công thương trong dự án điện[4]… Khi các bộ, ngành tham gia vào quá trình thẩm định dự án cấp bảo lãnh Chính phủ, nếu dự án rủi ro sẽ quy lại trách nhiệm các bộ, ngành và họ phải giải trình về vấn đề này. Tuy vậy, Nghị định số 04/2017/NĐ-CP mới chỉ dừng ở việc quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành có trách nhiệm tham gia ý kiến về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến chương trình, dự án vay vốn đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ theo đề nghị của Bộ Tài chính (khoản 6 Điều 53) mà chưa quy định rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành phải chịu trách nhiệm về việc tham gia ý kiến.
Bên cạnh việc lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành như trên, Bộ Tài chính có thể thẩm định chương trình, dự án dựa trên thông tin về DN của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm[5]. Việc các DN được xếp hạng tín nhiệm có ý nghĩa quan trọng đối với người cho vay, người bảo lãnh và chính DN. Người cho vay sẽ có căn cứ để xem xét khả năng trả nợ của DN bên cạnh việc DN được cấp bảo lãnh Chính phủ; người bảo lãnh cũng có căn cứ để xem xét cấp bảo lãnh cho DN nhằm hạn chế rủi ro với nợ công; còn DN có kết quả xếp hạng tín nhiệm tốt thì sẽ huy động được nhiều vốn hơn. Các thông tin về DN của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là một kênh thông tin độc lập, tin cậy, khách quan giúp Bộ Tài chính có thêm cơ sở xem xét việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho DN. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa quy định điều kiện để DN được cấp bảo lãnh Chính phủ là DN phải được xếp hạng tín nhiệm. Không những thế, ở Việt Nam hiện nay, các thông tin đánh giá, xếp hạng DN còn thiếu[6], nên Bộ Tài chính chưa thể dựa vào kênh thông tin này trong quá trình xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.
Để đảm bảo việc cấp bảo lãnh Chính phủ hiệu quả, cũng cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh trong việc thẩm định chương trình, dự án đề nghị cấp bảo lãnh. Trên thực tế, nhiều đối tượng không đủ điều kiện được bảo lãnh nhưng vẫn được cấp bảo lãnh Chính phủ, khi mất khả năng thanh toán lại được Chính phủ trả nợ thay. Báo cáo kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, bất cập trong việc cấp bảo lãnh Chính phủ, nhất là với những chương trình, dự án vay vốn nước ngoài do khâu thẩm định có vấn đề. Một minh chứng cho thấy, nợ nước ngoài được bảo lãnh đến hết năm 2012 là 7,2 tỉ USD, tăng gần 29% so với năm trước. Nhưng tại thời điểm cấp bảo lãnh, hầu hết các chủ đầu tư dự án chưa bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% so với tổng mức vốn đầu tư mà chỉ cam kết sẽ đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Họ cũng chưa báo cáo về tiến độ góp vốn chủ sở hữu trong quá trình triển khai dự án[7]. Luật Quản lý nợ công năm 2009 quy định trách nhiệm này của Bộ Tài chính tại điểm a khoản 1 Điều 36, nhưng đến Luật Quản lý nợ công năm 2017 lại không ghi nhận điều này.
3. Bất cập trong giám sát hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho doanh nghiệp vay vốn
Quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của Nhà nước là một quyền hiến định (Điều 69 Hiến pháp năm 2013). Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 cụ thể hóa quyền giám sát của Quốc hội về ngân sách nhà nước, đó là “giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước” (khoản 10 Điều 19). Trong khi đó, nợ một số doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh có thể trở thành gánh nặng của ngân sách quốc gia. Áp lực này cũng khiến cho sự gia tăng tình trạng bội chi ngân sách do ngân sách trung ương phải gánh chịu những khoản chi bất thường vì phải thực hiện trách nhiệm trả nợ. Chính vì vậy, Quốc hội cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay của DN. Căn cứ để Quốc hội giám sát hoạt động này là vấn đề minh bạch thông tin về nợ Chính phủ bảo lãnh và bản thân hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay của DN.
Luật Quản lý nợ công năm 2009 quy định về nghĩa vụ của Chính phủ báo cáo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thông tin về nợ công, trong đó thông tin liên quan đến nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm: Tình hình thực hiện kế hoạch vay, bảo lãnh và trả nợ hàng năm, trong đó có số ký kết vay, số rút vốn, trị giá phát hành, trị giá bảo lãnh, số trả nợ, số dư nợ, tỷ lệ nợ so với GDP; Tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh (Điều 44). Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này phải thực hiện công khai thông tin về nợ công, trong đó có thông tin về nợ được Chính phủ bảo lãnh. Bộ Tài chính phải công bố định kỳ thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật (Điều 47).
Luật Quản lý nợ công năm 2017 quy định về việc báo cáo, công bố thông tin về nợ công cụ thể hơn. Theo đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước thông tin về nợ Chính phủ bảo lãnh bao gồm: Hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm; tình hình cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, bao gồm các dự án bảo lãnh Chính phủ gặp khó khăn trong trả nợ và Quỹ Tích lũy trả nợ phải ứng trả thay chi tiết theo từng dự án; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ, bao gồm số liệu dư đầu kỳ, thu, chi phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ (Điều 60). Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm công bố thông tin về nợ công. Thông tin về nợ Chính phủ bảo lãnh được công bố là “nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm dư nợ vay và khoản ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ thay (nếu có)”. Bản tin nợ công được Bộ Tài chính phát hành 06 tháng một lần trên Trang thông tin điện tử của Bộ (Điều 61). Tuy nhiên, trên thực tế, báo cáo của Chính phủ với Quốc hội về bảo lãnh Chính phủ mới chỉ thống kê các dự án cho vay, số DN được bảo lãnh vay nợ mà chưa có thông tin chi tiết về hiệu quả sử dụng vốn vay được bảo lãnh ở từng dự án, khả năng trả nợ của từng dự án, số lượng dự án đã và đang rơi vào nguy cơ chuyển nợ dự phòng, số lượng dự án đã chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ, số tiền trả nợ thay của Chính phủ, nguyên nhân không trả được nợ của các DN[8]. Ngoài ra, nguồn thông tin chính thống duy nhất về nợ công tại Việt Nam hiện nay là các Bản tin nợ công và các Bản tin nợ nước ngoài được tổng hợp và biên soạn bởi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, bản tin nợ công mới nhất (Bản tin nợ công số 5, phát hành năm 2017) mới công bố số liệu tới năm 2015, trong khi bản tin nợ nước ngoài mới nhất (Bản tin nợ nước ngoài số 7, phát hành năm 2011) mới chỉ báo cáo về tình hình nợ đến năm 2010. Trong các bản tin nợ công này cũng không có các thông tin chi tiết, cụ thể về nợ Chính phủ bảo lãnh cho DN. Như vậy, có thể thấy, Quốc hội và người dân nói chung chưa thể có đầy đủ thông tin để giám sát hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay của DN.
Liên quan đến vấn đề báo cáo và công bố thông tin về bảo lãnh Chính phủ, có thể tham khảo Cẩm nang Minh bạch tài khóa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)[9]. Theo đó:
- Yêu cầu đối với sự minh bạch tài khóa là các cấp chính quyền trung ương báo cáo công khai bản chất và quy mô của các nghĩa vụ dự phòng của mình. Các nghĩa vụ dự phòng bao gồm các bảo lãnh công khai hoặc ngầm định của Chính phủ (trong đó, bảo lãnh vay vốn cho các công ty công là bảo lãnh công khai);
- Báo cáo về nghĩa vụ dự phòng của Chính phủ cần đưa vào tài liệu về ngân sách. Các khoản dự phòng cần được lượng hóa, phân loại. Các thông tin về những lần chính phủ phải thực hiện chi trả các nghĩa vụ dự phòng trong quá khứ cần được công khai;
- Thông tin về bảo lãnh cần phải được công khai trong tài liệu ngân sách, báo cáo tài khóa trong năm, báo cáo tài chính cuối năm cùng với các thông tin cập nhật;
- Trong năm ngân sách, chi tiết về những bảo lãnh mới được phát hành cần phải được công bố (ví dụ trên Công báo). Báo cáo tài khóa trong năm cần chỉ ra được những bảo lãnh mới được phát hành trong thời gian này, những khoản đã thanh toán cho những bảo lãnh phải thực hiện và thực trạng của những khiếu nại đối với người thụ hưởng, đồng thời cập nhật dự báo về những bảo lãnh mới sẽ được phát hành trong năm ngân sách. Các dự báo định lượng về tác động tài khóa tiềm năng của các bảo lãnh dựa trên khả năng sẽ phải thực hiện chúng cũng cần phải được công bố.
4. Một số kiến nghị và kết luận
Thông qua nghiên cứu việc cấp bảo lãnh Chính phủ và việc giám sát hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay của DN, có thể đưa ra một số kiến nghị sau:
- Cần quy định rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành phải chịu trách nhiệm về các ý kiến về mặt chuyên môn tham gia vào quá trình thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh và thẩm định cấp bảo lãnh cho DN.
- Cần bổ sung điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ là DN phải được xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, phải xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ về hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để đảm bảo quyền lợi của DN trong trường hợp tổ chức xếp hạng tín nhiệm không đảm bảo tính bảo mật thông tin.
- Luật Quản lý nợ công năm 2017 cần bổ sung quy định về trách nhiệm Bộ Tài chính liên quan đến kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ của DN như trong Luật Quản lý nợ công năm 2009. Bộ Tài chính có thể tự thẩm định hoặc dựa vào thẩm định của một bên thứ ba, chẳng hạn như thẩm định của tổ chức kiểm toán độc lập nhằm đảm bảo sự chính xác, đúng đắn của hồ sơ do DN cung cấp hay chính là để đảm bảo chỉ những đối tượng thực sự thỏa mãn điều kiện bảo lãnh mới được cấp bảo lãnh Chính phủ.
- Cần có thông tin chi tiết về các dự án được Chính phủ cấp bảo lãnh như hiệu quả sử dụng vốn vay được bảo lãnh, khả năng trả nợ, số lượng dự án có nguy cơ chuyển nợ dự phòng, số lượng dự án đã chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ trong các báo cáo của Chính phủ với Quốc hội về bảo lãnh Chính phủ. Nội dung công bố thông tin về bảo lãnh Chính phủ ngoài các thông tin như quy định hiện nay, cần bổ sung các thông tin về những bảo lãnh mới được phát hành trong năm ngân sách, những dự báo định lượng về tác động tài khóa của những bảo lãnh mới này như khuyến nghị về minh bạch tài khóa của IMF. Bên cạnh đó, thông tin về nợ công, trong đó có nợ Chính phủ bảo lãnh cần được Bộ Tài chính tập hợp và công bố cập nhật cho đến thời điểm hiện tại. Có như vậy, Quốc hội, người dân mới giám sát hiệu quả hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Tóm lại, để quản lý nợ DN được Chính phủ bảo lãnh hiệu quả, cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay của DN và tăng cường giám sát hoạt động cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay của doanh nghiệp. Có như vậy, các khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh mới thực sự là nguồn lực cần thiết cho doanh nghiệp và đất nước.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Xem Đặng Linh (2017), Siết các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn online, ngày 10/3.
[2]. Xem Thu Hằng (2015), Bảo lãnh Chính phủ: Đừng “đổ lên đầu” nợ công!, Thời báo Kinh doanh ngày 11/9, tải từ http://www.stockbiz.vn.
[3]. Xem Việt Hà (2017), Chính phủ siết bảo lãnh nợ - Giảm rủi ro và không gánh nợ thay, VOV ngày 14/3, tải từ http://vov.vn.
[4]. Xem Mỹ Lệ (2017), Từ Nghị định 04 đến sửa Luật Quản lý nợ công, Thời báo Kinh tế Sài Gòn online ngày 10/3.
[5]. Xếp hạng tín nhiệm là một hoạt động nghiệp vụ mang tính chuyên nghiệp được tiến hành bởi một tổ chức chuyên môn (tổ chức xếp hạng tín nhiệm) nhằm đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp, tổ chức hoặc công cụ nợ.
[6]. Ở Việt Nam, mặc dù cơ sở pháp lý cho sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm được ban hành năm 2014 là Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 của Chính phủ về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhưng gần ba (03) năm sau vào tháng 7 năm 2017, Việt Nam mới có tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên – đó là Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Xem Nguyên Mi (2017), Việt Nam có công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tiên, Thanh Niên online ngày 28/7).
[7]. Xem Ngọc Lan (2014), Gánh nặng bảo lãnh nợ vay, Thời báo Kinh tế Sài Gòn online ngày 13/6.
[8]. Xem Ngọc Lan (2017), Rủi ro chưa hết trong bảo lãnh vay nợ chính phủ, Thời báo Kinh tế Sài gòn online ngày 17/3.
[9]. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2011), Cẩm nang về minh bạch tài khóa, tr. 128, 168, 169, 170.