1. Đặt vấn đề
Quá trình thi hành án dân sự (THADS) được diễn ra với nhiều thủ tục, hoạt động và với sự tham gia của nhiều chủ thể. Ngoài đương sự và chấp hành viên được xem là chủ thể chính tham gia vào mối quan hệ pháp luật thì nhà làm luật cũng quy định sự tham gia của những chủ thể khác với quyền lợi, nghĩa vụ khác nhau, trong đó có chủ thể là người chứng kiến. Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung các năm 2014, 2018, 2020, 2022 (sau đây gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự) chỉ ghi nhận hai trường hợp có sự tham gia của người chứng kiến[1], đó là: Trường hợp không thực hiện được thông báo và trường hợp thực hiện thủ tục niêm yết công khai. Có thể thấy, sự tham gia của người chứng kiến tập trung chủ yếu vào thủ tục thông báo trong THADS, đây được xem là thủ tục mở đầu và bắt buộc đối với quá trình tổ chức thi hành án[2]. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc không thực hiện được thông báo cho đương sự ngày càng trở nên phổ biến với nhiều lý do khác nhau, từ đó cũng gắn với sự tham gia của người chứng kiến trong quá trình THADS.
Dưới góc độ lý luận, chủ thể là người chứng kiến trong THADS có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, về chủ thể: Người chứng kiến là cá nhân tham gia hoạt động THADS vì nghĩa vụ pháp lý. Người chứng kiến tham gia vào quá trình THADS với vai trò góp phần bảo đảm tính chính xác, khách quan của các hoạt động THADS do chủ thể có thẩm quyền thực hiện. Do vậy, người chứng kiến phải bảo đảm sự khách quan khi chứng kiến hoạt động THADS.
Thứ hai, về căn cứ phát sinh tư cách tố tụng: Tư cách của người chứng kiến hình thành do yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền để chứng kiến hoạt động THADS theo quy định pháp luật THADS.
Thứ ba, thời gian tồn tại tư cách tố tụng: Tư cách tố tụng của người chứng kiến xuất hiện khi có yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền và kết thúc khi hoạt động THADS cần được chứng kiến đã tiến hành xong. Tuy nhiên, trong các giai đoạn sau đó nếu có phát sinh việc xác nhận các nội dung đã chứng kiến thì chủ thể có thẩm quyền có quyền mời người làm chứng để xác nhận lại nội dung trên và tư cách người chứng kiến tiếp tục phát sinh.
Có thể thấy, sự tham gia của người chứng kiến đóng vai trò quan trọng trong hoạt động THADS và đây cũng được xem là một trong những cơ chế hữu hiệu để giám sát hoạt động của chủ thể có thẩm quyền trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là hoạt động của chấp hành viên. Tuy nhiên, hiện nay, Luật Thi hành án dân sự chưa quy định khung pháp lý hoàn thiện đối với chủ thể là người chứng kiến trong THADS. Từ đó, gây khó khăn cho chủ thể có thẩm quyền khi không có căn cứ để xác định rõ quyền, nghĩa vụ pháp lý của người chứng kiến, cũng như những trường hợp không được làm người chứng kiến trong THADS. Mặt khác, từ việc không xác định rõ vai trò của người chứng kiến dẫn đến việc nhầm lẫn tư cách người chứng kiến với người làm chứng trong THADS.
2. Bất cập và giải pháp hoàn thiện khung pháp lý đối với người chứng kiến trong thi hành án dân sự
2.1. Bất cập về khung pháp lý đối với người chứng kiến trong thi hành án dân sự
Dưới góc độ là cá nhân có liên quan đến hoạt động THADS nên người chứng kiến có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan THADS, chấp hành viên theo quy định của pháp luật[3]. Trên thực tế, người chứng kiến được cơ quan THADS, chấp hành viên mời tham gia để chứng kiến việc tiến hành một số hoạt động thuộc trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, hiện nay, Luật Thi hành án dân sự chỉ dừng ở việc ghi nhận các trường hợp cần có sự tham gia của người chứng kiến, mà không quy định cụ thể về địa vị pháp lý của người chứng kiến. Bên cạnh đó, Luật Thi hành án dân sự chưa quy định rõ khái niệm về người chứng kiến trong THADS, quyền và nghĩa vụ, cũng như những trường hợp không được tham gia với vai trò là người chứng kiến.
Việc không quy định khung pháp lý cụ thể đối với người chứng kiến trong THADS đã dẫn đến những bất cập nhất định trong quá trình tổ chức THADS. Theo đó, chủ thể có thẩm quyền chỉ biết được những trường hợp nào cần có sự tham gia của người chứng kiến mà pháp luật quy định nhưng không thể giải thích rõ cho người chứng kiến quyền và nghĩa vụ của họ. Mặt khác, người chứng kiến cũng không biết vai trò, quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quá trình THADS.
Suy cho cùng, sự tham gia của người chứng kiến nhằm góp phần bảo đảm tính chính xác, khách quan của các hoạt động THADS. Do đó, phải nhìn nhận sự vô tư của người chứng kiến là điều kiện quan trọng nhất và người chứng kiến sẽ không được tham gia quá trình tổ chức THADS nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ. Một trong những lý do tác động đến sự không vô tư của người chứng kiến là mối quan hệ thân thích giữa người chứng kiến với đương sự. Đồng thời, để bảo đảm tính chính xác, khả năng nhận thức đúng sự việc của người chứng kiến đòi hỏi người chứng kiến phải có đầy đủ năng lực chủ thể và độ tuổi phù hợp để tham gia chứng kiến hoạt động THADS. Từ những vấn đề trên, có thể thấy, bất cập của Luật Thi hành án dân sự là chưa quy định những trường hợp không được làm người chứng kiến.
2.2. Kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý đối với người chứng kiến trong thi hành án dân sự
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tổ chức nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Thi hành án dân sự, làm cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ, đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), hướng tới việc hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác THADS[4]. Từ đó, có thể thấy, việc hoàn thiện khung pháp lý đối với người chứng kiến trong hoạt động THADS là cần thiết trong bối cảnh hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự. Đây không chỉ là cơ sở để cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ pháp lý của người chứng kiến mà còn là điều kiện để từng bước hoàn thiện địa vị pháp lý của những chủ thể tham gia vào hoạt động THADS.
Tiếp cận các quy định pháp luật chuyên ngành khác có thể thấy, việc nhìn nhận và hoàn thiện vai trò của người chứng kiến không phải là vấn đề mới được đặt ra, mà tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), các nhà làm luật đã quy định khung pháp lý đối với người chứng kiến trong tố tụng hình sự. Trên cơ sở khung pháp lý đối với người chứng kiến trong tố tụng hình sự, nhóm tác giả kiến nghị nên xây dựng điều luật về người chứng kiến trong THADS với nội dung như sau:
1. Người chứng kiến là người được cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động thi hành án dân sự theo quy định của Bộ luật này.
2. Những người sau đây không được làm người chứng kiến:
a) Người thân thích của đương sự;
b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc;
c) Người dưới 18 tuổi;
d) Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.
3. Người chứng kiến có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Yêu cầu người có thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi bị đe dọa;
c) Xem biên bản, đưa ra nhận xét về hoạt động thi hành án dân sự mà mình chứng kiến;
d) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, chấp hành viên liên quan đến việc mình tham gia chứng kiến;
đ) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí hợp lệ theo quy định của pháp luật.
4. Người chứng kiến có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự;
b) Chứng kiến đầy đủ hoạt động thi hành án dân sự được yêu cầu;
c) Ký biên bản về hoạt động mà mình chứng kiến;
d) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự.
3. Bất cập và giải pháp hoàn thiện đối với các trường hợp cần sự tham gia của người chứng kiến trong thi hành án dân sự
3.1. Bất cập đối với các trường hợp cần sự tham gia của người chứng kiến trong thi hành án dân sự
Trên thực tế, không phải quá trình tổ chức THADS nào cũng có sự tham gia của người chứng kiến mà người chứng kiến chỉ được mời tham gia theo các trường hợp mà pháp luật quy định. Cùng với người chứng kiến thì người làm chứng cũng là một trong những chủ thể tham gia vào quá trình THADS. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định nhiều trường hợp cần có sự tham gia của người làm chứng, điển hình như: Trường hợp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự mà người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng[5]; trường hợp thu tiền của người phải thi hành án đang giữ hoặc người thứ ba giữ mà người phải thi hành án hoặc người thứ ba không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng[6]; trường hợp thực hiện kê biên dù đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được ủy quyền vắng mặt thì chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên[7],… Trên phương diện lý luận, có thể chia người làm chứng thành hai nhóm là nhóm người làm chứng bị động (do biết được sự việc nên được mời làm chứng) và nhóm người làm chứng chủ động (được mời đến để làm chứng trong một số trường hợp nhất định)[8].
Điểm giống nhau giữa sự tham gia của người chứng kiến và người làm chứng đó là tham gia khi người phải thực hiện nghĩa vụ không thực hiện theo yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền hay họ vắng mặt trong một số trường hợp. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự không có quy định để phân định rõ vai trò, trách nhiệm của hai chủ thể này, từ đó, dẫn đến việc áp dụng còn mang tính tùy nghi trên thực tế.
Việc xác định tùy nghi sự tham gia của người chứng kiến và người làm chứng trong THADS được thể hiện tại các biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS (Thông tư số 04/2023/TT-BTP). Theo đó, tại biểu mẫu biên bản về việc niêm yết công khai quyết định, văn bản về thi hành án ghi nhận sự tham gia là người làm chứng[9], trong khi Luật Thi hành án dân sự ghi nhận chủ thể tham gia hoạt động này là người chứng kiến. Đồng thời, tại biểu mẫu biên bản về việc phong tỏa tài khoản, tài sản gửi giữ ghi nhận sự tham gia là người chứng kiến[10], thì Luật Thi hành án dân sự lại ghi nhận chủ thể tham gia hoạt động này là người làm chứng. Bên cạnh đó, tại biểu mẫu biên bản về việc niêm phong tài sản ghi nhận sự tham gia là người chứng kiến[11], thì Luật Thi hành án dân sự lại ghi nhận chủ thể tham gia hoạt động này là người làm chứng. Vô hình trung, từ việc không quy định rõ khung pháp lý đối với người chứng kiến và người làm chứng trong hoạt động THADS dẫn đến sự chồng chéo của các quy định pháp luật và sự áp dụng chưa thống nhất trên thực tế về việc xác nhận tư cách tham gia của hai chủ thể này.
3.2. Giải pháp hoàn thiện đối với các trường hợp cần sự tham gia của người chứng kiến trong thi hành án dân sự
Mặc dù, Luật Thi hành án dân sự có đề cập đến chủ thể là người chứng kiến và người làm chứng trong THADS nhưng xuất phát từ việc không làm rõ vai trò, địa vị pháp lý của những chủ thể này trong hoạt động THADS dẫn đến việc áp dụng tùy nghi, không phù hợp với quy định pháp luật. Bên cạnh đó, theo Thông tư số 04/2023/TT-BTP, thì tại các biểu mẫu biên bản ghi nhận không phù hợp sự tham gia của người chứng kiến trong THADS. Từ đó, các tác giả đề xuất nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 04/2023/TT-BTP theo hướng rà soát lại các hoạt động có sự tham gia của người chứng kiến và người làm chứng để ghi nhận phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời, trong hoạt động hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác THADS thì nhà làm luật cần đánh giá, ghi nhận rõ địa vị pháp lý của từng nhóm chủ thể trong hoạt động THADS. Theo đó, cần quy định, phân định rõ địa vị pháp lý của người chứng kiến và người làm chứng trong THADS. Việc quy định về khung pháp lý của hai chủ thể này có thể tiệm cận, tham khảo quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành để ghi nhận phù hợp với đặc thù của hoạt động THADS.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng tới việc hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác THADS, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có hoạt động THADS[12]. Theo đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật về người chứng kiến trong THADS cũng là một trong những cơ sở đặt ra khi xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) và là nhu cầu cần thiết trong thực tiễn áp dụng Luật Thi hành án dân sự. Song song đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật về người chứng kiến trong THADS sẽ tạo ra địa vị pháp lý của chủ thể này trong việc chứng kiến, giám sát hoạt động của cơ quan THADS, chấp hành viên, góp phần vào việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của chủ thể có thẩm quyền đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật./.
Trần Văn Toán & ThS. Nguyễn Chí Hiếu
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu;
Giảng viên chính, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ
[1]. Xem thêm Điều 40, Điều 42 Luật Thi hành án dân sự.
[2]. Khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự quy định: Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
[3]. Điều 11 Luật Thi hành án dân sự.
[4]. Vy Anh, “Hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác thi hành án dân sự”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam,https://dangcongsan.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che-phap-luat-trong-cong-tac-thi-hanh-an-dan-su-654070.html, truy cập ngày 01/4/2024.
[5]. Khoản 3 Điều 68 Luật Thi hành án dân sự.
[6]. Điều 80 và Điều 81 Luật Thi hành án dân sự.
[7]. Khoản 1 Điều 88 Luật Thi hành án dân sự.
[8]. Tuấn Đạo Thanh, Hoàng Văn Hữu, “Bàn về vai trò của người làm chứng trong lĩnh vực công chứng”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử, https://danchuphapluat.vn/ban-ve-vai-tro-cua-nguoi-lam-chung-trong-linh-vuc-cong-chung, truy cập ngày 01/4/2024.
[9]. Mẫu số: D37-THADS (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp).
[10]. Mẫu số: D44-THADS (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp).
[11]. Mẫu số: D48-THADS (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp).
[12]. Vy Anh, “Hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác thi hành án dân sự”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che-phap-luat-trong-cong-tac-thi-hanh-an-dan-su-654070.html, truy cập ngày 01/4/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)