1. Khái quát về chính sách thuế và quản lý thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ
Kinh tế chia sẻ được đề xuất đầu tiên vào năm 1978 bởi giáo sư xã hội học người Mỹ, Marcus Felson và Joe L. Spaeth[1], thông qua sự phát triển của công nghệ internet, nền tảng bên thứ ba phát triển nhanh chóng làm cầu nối cho người có nguồn cung tài sản, dịch vụ và người có nhu cầu. Kinh tế chia sẻ phá vỡ ranh giới về thời gian và không gian, giải quyết vấn đề lãng phí tài nguyên do bất cân xứng thông tin giữa cung và cầu gây ra, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
“Mô hình kinh tế chia sẻ là mô hình tổ chức và thực hiện hoạt động kinh doanh kết hợp giữa sở hữu và chia sẻ dựa trên nền tảng và các ứng dụng công nghệ, mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số”[2].
Mô hình này gồm 03 bên: (i) Bên cung cấp dịch vụ, tài sản; (ii) Bên cung cấp nền tảng số; (iii) Bên khách hàng[3]. Kinh tế chia sẻ hiện diện ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như vận tải, lưu trú, trao đổi tài sản, trao đổi lao động… Liên quan đến thuế, có thể phân loại kinh tế chia sẻ theo đối tượng chia sẻ gồm nền tảng lao động và nền tảng vốn, trong đó, nền tảng lao động kết nối khách hàng với lực lượng lao động, nền tảng vốn liên kết khách hàng với những người sẵn sàng cho thuê hoặc trao đổi tài sản của họ[4].
Mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới, phức tạp, tạo ra thách thức về thuế trên toàn cầu. Có thể điểm lại những thay đổi trong chính sách thuế và quản lý thuế ở nhiều quốc gia từ khi có sự hiện diện của mô hình kinh tế chia sẻ như sau:
Tại Úc, năm 2017, Chính phủ đã dỡ bỏ ngưỡng thuế hàng hóa và dịch vụ đối với các công ty chia sẻ xe[5]. Tại Brazil, tháng 02/2017, một thẩm phán Tòa án lao động ở Minas Gerais đã ra phán quyết rằng, tài xế Uber là nhân viên[6]. Tại Canada, vụ kiện được đệ trình ở Ontario đòi bồi thường 200 triệu USD thay mặt cho bất kỳ người nào đã lái xe cho Uber kể từ năm 2012, với lý do rằng, họ đã bị phân loại sai là nhà thầu[7].
Tại các bang ở Hoa Kỳ, như: (i) Atlanta và Georgia, năm 2017, đề xuất bổ sung thuế doanh thu 4% cho mỗi chuyến đi và mỗi thành phố sẽ thêm thuế riêng của mình; (ii) California, năm 2016, sau khi giải quyết vụ kiện phân loại sai nhân viên, các tài xế Uber vẫn được phân loại là nhà thầu độc lập; (iii) Hawaii, năm 2017, đề xuất giá vé đi chung xe phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 4,75% tại điểm bán; (iv) Tiểu bang Massachusetts, năm 2016, chính quyền tiểu bang đã áp dụng mức thuế 0,2 USD cho mỗi chuyến đi đặt hàng thông qua các dịch vụ gọi xe dành riêng cho chi tiêu cho lĩnh vực taxi truyền thống[8].
Liên minh châu Âu cũng tổ chức hàng loạt các chương trình nghị sự để giải quyết vấn đề về thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ như: (i) Tháng 6/2016, Ủy ban châu Âu đã trình bày một thông cáo có tựa đề “Chương trình nghị sự châu Âu về nền kinh tế hợp tác”[9], trong đó nhấn mạnh mô hình kinh tế chia sẻ dẫn đến việc xóa mờ ranh giới giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp hoặc việc cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, từ đó gây ra những vấn đề về thuế;
(ii) Ngày 11/5/2017, Nghị viện châu Âu đã trình bày dự thảo luật nghị quyết về chương trình nghị sự châu Âu về nền kinh tế hợp tác[10]; (iii) Vào tháng 3/2018, Ủy ban châu Âu đã ban hành thuế dịch vụ kỹ thuật số và có kế hoạch áp dụng mức thuế đặc biệt 3% đối với doanh thu được tạo ra từ các hoạt động được thực hiện thông qua công nghệ kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, năm 2017, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh truy thu thuế Uber[11]. Năm 2018, Uber kiện Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh[12]. Năm 2018, tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab, trong 05 cáo buộc phía nguyên đơn, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam có đưa ra vấn đề về thuế, theo đó, phía nguyên đơn cho rằng, việc thu thuế giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kết nối vận tải và mô hình kinh doanh truyền thống không phù hợp, Vinasun phải đóng thuế nhiều hơn và chính sách thuế này vi phạm nguyên tắc trung lập về thuế. Năm 2020, tài xế xe công nghệ tắt ứng dụng và tập trung trước trụ sở của Grab để phản đối chính sách khấu trừ thuế mới[13].
Những vấn đề về thuế đặt ra trên toàn cầu, điều đó cho thấy, các vấn đề trên có nguyên nhân từ bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ chứ không phải là một vấn đề thuộc về thể chế, pháp lý riêng biệt của một quốc gia nơi mô hình kinh tế đó vận hành. Có thể thấy, những thách thức về thuế trên thực tế xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Một là, các bên trong mô hình kinh tế chia sẻ không đồng nhất, có thể là các doanh nghiệp và cũng có thể là những cá nhân không chuyên. Vì vậy, gây khó khăn cho việc xác định chủ thể nộp thuế, loại thuế, ngưỡng thuế, việc đánh thuế phải bảo đảm tính công bằng, trung lập về thuế và tránh thất thu thuế.
Hai là, sự phát triển của công nghệ, việc kết nối giúp xóa khoảng cách không gian giữa các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, vì vậy, quy mô hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ vượt khỏi biên giới quốc gia, tạo ra thách thức về thuế đối với nhà quản lý trong việc đánh thuế các giao dịch xuyên biên giới như thế nào để công bằng, không đánh thuế hai lần, xác định được thẩm quyền về thuế.
Ba là, quy mô của mô hình kinh tế chia sẻ rộng nhưng những người tham gia phần lớn là nhỏ, lẻ không chuyên. Vì thế, nếu không xác định loại thuế và thủ tục đăng ký, kê khai, thu, nộp thuế phù hợp thì việc đánh thuế, kiểm tra, giám sát các bên tham gia trong việc tuân thủ thuế sẽ gây tốn kém chi phí cho xã hội.
Bốn là, bản chất giao dịch trong mô hình kinh tế chia sẻ không đồng nhất, có những giao dịch miễn phí bên cạnh những giao dịch tính phí. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để kiểm soát, phân loại các giao dịch nhằm xác định chủ thể phải nộp thuế và kiểm soát được việc “rửa tiền” hay các giao dịch ngầm “núp bóng” kinh tế chia sẻ không thu phí.
Năm là, khó xác định người tham gia chia sẻ sức lao động là người lao động hay nhà thầu để xác định chính sách thuế.
2. Chính sách thuế và quản lý thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam hiện nay
2.1. Chính sách thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam
Hiện nay, tại Việt Nam, chính sách thuế là như nhau, không có sự phân biệt giữa mô hình kinh tế chia sẻ và mô hình kinh doanh truyền thống. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam, có thể chia làm 02 nhóm:
- Doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên: (i) Kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, mức thuế suất tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ; (ii) Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, nếu tổng doanh thu hàng năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng mức thuế suất 20%, từ 20 tỷ đồng trở lên áp dụng mức thuế suất 22%[14].
- Doanh nghiệp có doanh thu hàng năm không quá 01 tỷ đồng: (i) Kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp hoặc tự nguyện chọn phương pháp khấu trừ thuế với tỷ lệ % tương ứng với từng hoạt động quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng; (ii) Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai, mức thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế.
Thứ hai, đối với nhà thầu nước ngoài: Chủ thể này do không có hiện diện thương mại tại Việt Nam, vì vậy, người mua sản phẩm là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất, kinh doanh, người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp, hoặc nhà thầu nước ngoài có thể thông qua các đại lý thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định[15]. Đối với nhà thầu nước ngoài, hiện nay, có ba vấn đề về thuế đặt ra:
(i) Nhà thầu nước ngoài chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam, điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
(ii) Thiếu các cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Cơ quan thuế đang trở nên thụ động và cần sự phối hợp tích cực của các bên tham gia trong việc kê khai, cung cấp thông tin. Việc thu thuế phụ thuộc vào sự trung thực của người nộp thuế, vì vậy, tình trạng gian lận về thuế hoàn toàn có thể xảy ra.
(iii) Việc quy định trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong nước có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài là khó khả thi bởi Việt Nam đã tham gia ký kết 76 hiệp định về tránh đánh thuế hai lần nên các quy định về nộp thuế sẽ tuân thủ theo quy định tại các hiệp định này.
Thứ ba, đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: Hiện nay, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán và không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay hình thức kinh tế chia sẻ, cũng như không phân biệt giữa chia sẻ nền tảng lao động và chia sẻ nền tảng vốn đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên và mức thuế suất tùy theo lĩnh vực. Nhận dạng được quan hệ giữa doanh nghiệp kết nối và người tham gia chia sẻ sức lao động là quan hệ lao động hay quan hệ đối tác hay một quan hệ mới cần định nghĩa là vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn đề về đánh thuế công bằng.
2.2. Quản lý thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam
Thứ nhất, về tuyên truyền kiến thức thuế: Mô hình kinh tế chia sẻ có đặc điểm là những người tham gia chia sẻ phần lớn không chuyên doanh, họ không có kiến thức về thuế, kiến thức này lại không phải kiến thức phổ thông mà là chuyên ngành phức tạp. Việc tuyên truyền kiến thức thuế là giải pháp cho việc nâng cao tuân thủ thuế của người tham gia mô hình kinh tế chia sẻ nhưng hiện nay, vẫn chưa được chú trọng.
Thứ hai, về đăng ký thuế: Đăng ký thuế là bước đầu của quá trình nộp thuế và là khâu quan trọng của hoạt động quản lý thuế. Cũng như các hoạt động kinh doanh truyền thống khác, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trước khi thực hiện kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ phải thực hiện đăng ký với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế. Tuy nhiên, do đặc thù của kinh tế chia sẻ với quy mô rộng lớn, người tham gia nhỏ, lẻ, kết nối đơn giản, đôi khi chỉ cần một trang mạng xã hội cũng có thể kết nối người bán và người mua. Ngoài ra, nhà quản lý còn phải phân định giữa giao dịch chia sẻ không tính phí và giao dịch chia sẻ tính phí để xác định nghĩa vụ thuế. Vì vậy, kiểm soát việc đăng ký thuế là một thách thức lớn đặt ra.
Thứ ba, về hóa đơn, chứng từ nộp thuế: Các quy định về hóa đơn và chứng từ nộp thuế tại Việt Nam tương đối hoàn chỉnh. Theo đó, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt mô hình kinh doanh có nghĩa vụ lập và giao hóa đơn cho người mua. Tuy nhiên, trong kinh tế chia sẻ, khó kiểm soát các giao dịch trên thực tế có lập hóa đơn và chứng từ nộp thuế hay không, đặc biệt là mô hình kinh tế chia sẻ không tính phí.
Thứ tư, về nghĩa vụ kê khai, tính thuế: Một ưu điểm của kinh tế chia sẻ là việc kết nối thực hiện trên môi trường internet, vì vậy, sẽ lưu vết các giao dịch. Việc quy định các doanh nghiệp kinh doanh kết nối cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ thuế như hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, còn một số vấn đề đặt ra như: (i) Do một số hoạt động của kinh tế chia sẻ có đặc thù riêng và có tính đan xen giữa các ngành nên ngành thuế gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của cơ sở để nộp thuế do các giao dịch của họ chủ yếu là các văn bản điện tử nên phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. (ii) Khai thuế gặp khó khăn khi hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và các cơ quan thuế lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế. Như, start-up Log Lag đang gặp vấn đề về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa. Hay trường hợp, Công ty Luxstay Việt Nam hoạt động theo mô hình chia sẻ căn hộ[16]. (iii) Khó kiểm soát doanh thu, cơ sở tính thuế khi hoạt động thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.
3. Một số khuyến nghị
Thứ nhất, quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kết nối khai báo các giao dịch của mô hình kinh tế chia sẻ để xác định chủ thể nộp thuế trong mô hình kinh tế chia sẻ.
Chủ thể tham gia mô hình kinh tế chia sẻ thường có quy mô nhỏ. Sự tham gia không thường xuyên và quy mô nhỏ của nhiều người chia sẻ, không phải lúc nào họ cũng được coi là đang tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc thương mại. Vì vậy, cần chọn lọc và loại bỏ mọi nghĩa vụ pháp lý đối với người bán trong việc báo cáo thu nhập của họ cho cơ quan thuế khi hoạt động của họ không phải hoạt động thương mại. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Úc, các hoạt động không thường xuyên mang tính dân sự không có bất kỳ nghĩa vụ thuế hoặc báo cáo nào và được loại khỏi mạng lưới thuế. Hoặc, việc bán lại các vật dụng cá nhân đã qua sử dụng trên nền tảng thị trường trực tuyến, thông thường cũng không bị đánh thuế vì chúng thường được bán lỗ.
Để cơ quan thuế có thể chọn lọc, xác định người nộp thuế thì tất cả các hoạt động của kinh tế chia sẻ phải được khai báo với cơ quan thuế. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ và Canada đều yêu cầu báo cáo tất cả thu nhập của kinh tế chia sẻ cho cơ quan thuế. Để quá trình khai báo này được đầy đủ, giảm chi phí cho xã hội thì nên quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối phải có nghĩa vụ khai báo thay cho người chia sẻ hàng hóa, dịch vụ, sức lao động.
Để xác định chủ thể nộp thuế, cần có quy định kinh doanh dịch vụ kết nối phải đăng ký doanh nghiệp, kể cả tính phí và không tính phí. Tác giả cho rằng, cần có một nền tảng tập trung cho những hoạt động chia sẻ không thu phí. Điều này cũng giúp phòng, chống rửa tiền, kinh tế ngầm, trốn thuế, tránh thuế thông qua nền tảng chia sẻ không thu phí. Doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối bắt buộc phải khai báo. Có thể tham khảo kinh nghiệm từ pháp luật về thuế của Mỹ và Canada về vấn đề này[17].
Thứ hai, nhận diện quan hệ lao động đối với mô hình kinh tế chia sẻ nền tảng lao động để xác định chính sách thuế đối với bên chia sẻ sức lao động.
Cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp có thu nhập như nhau theo nguyên tắc mọi người đều phải là đối tượng chịu thuế và thuế phải được tính đối với doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định. Tuy nhiên, cần phải có ngoại lệ trong trường hợp chia sẻ lao động. Theo đó, cần xác định quan hệ giữa người chia sẻ sức lao động và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kết nối là quan hệ lao động hay quan hệ đối tác để xác định những khoản phúc lợi và nghĩa vụ thuế của người tham gia chia sẻ sức lao động.
Tác giả cho rằng, khi đã có quy định về nhận diện hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019 thì quan hệ giữa người tham gia chia sẻ sức lao động và doanh nghiệp kinh doanh kết nối là quan hệ lao động. Theo đó, cần có hướng dẫn rõ ràng để thực thi quy định này trong đời sống xã hội. Người chia sẻ sức lao động thực chất là người lao động nhưng hiện nay, họ phải chịu thuế như cá nhân kinh doanh với ngưỡng thuế 100 triệu/năm, thuế suất tùy theo lĩnh vực được quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Chính sách thuế này chưa thực sự phù hợp bởi: (i) Ngưỡng thuế chia bình quân theo tháng là 8,33 triệu đồng so với ngưỡng thuế của người lao động với 11 triệu đồng/tháng là thấp hơn; (ii) Người lao động được áp dụng miễn trừ gia cảnh trước khi xác định thu nhập chịu thuế; (iii) Nếu tính theo thuế khoán dành cho cá nhân kinh doanh thì cũng là bất cập vì người chia sẻ lao động không được trừ những chi phí mình bỏ ra khi xác định ngưỡng thuế. Như vậy, cần công nhận người tham gia chia sẻ sức lao động là người lao động và áp dụng chính sách thuế như người lao động.
Thứ ba, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kết nối hoạt động như một đại lý thuế có thu, làm trung gian thu thuế người bán/cung ứng dịch vụ hay người chia sẻ.
Tham khảo kinh nghiệm từ Ấn Độ và Anh[18], yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kết nối tính thuế và nộp thay cho người bán/cung ứng dịch vụ. Hiện tại, ở Việt Nam cũng đang áp dụng cách thức này. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu cho phép các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ hoạt động đại lý thuế đó.
Khó khăn khi áp dụng giải pháp này có thể gặp phải là khi đánh thuế vào thu nhập của người nộp thuế cần phải tổng hợp tất cả thu nhập kiếm được và khấu trừ chi phí trước khi áp dụng lộ trình miễn trừ và thuế suất biên thích hợp. Nếu toàn bộ thu nhập của một cá nhân kiếm được trên một nền tảng duy nhất, các nền tảng có thể khấu trừ thuế thu nhập sau khi khấu trừ ước tính chi phí hoặc nếu các cá nhân cung cấp hồ sơ chi phí cho nền tảng. Tuy nhiên, người chia sẻ kiếm được một lượng thu nhập nhỏ thông qua nhiều hoạt động chia sẻ bên cạnh thu nhập chính hoặc tham gia vào cùng một hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau và các nền tảng không có thông tin đầy đủ về tổng thu nhập và chi phí của người bán và do đó, không thể thực hiện việc khấu trừ như vậy. Giải pháp được đặt ra là, người nộp thuế ủy quyền cho một doanh nghiệp tính thuế và phải cung cấp đầy đủ thông tin về thu nhập của mình ở những nơi khác.
Thứ tư, đơn giản hóa thủ tục nhằm đơn giản hóa tuân thủ thuế của người nộp thuế và ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế để giảm chi phí quản lý thuế và tuân thủ thuế.
Để đạt được mức thuế hiệu quả hơn trong nền kinh tế chia sẻ, điều quan trọng nhất là đơn giản hóa việc tuân thủ của người nộp thuế. Nếu việc tuân thủ hệ thống dễ dàng thì khả năng người nộp thuế thực sự tuân thủ sẽ cao hơn. Do vậy, cần đẩy mạnh khai thác công nghệ để cải thiện quản lý thuế. Theo đó, cần đơn giản hóa thủ tục trong quản lý thuế và ứng dụng công nghệ AI trong quản lý thuế để người nộp thuế có thể tuân thủ thuế dễ dàng.
Thứ năm, kiểm soát dòng tiền thanh toán bằng quy định bắt buộc thanh toán không bằng tiền mặt đối với các giao dịch của kinh tế chia sẻ.
Như đã đề cập ở phần trên, bản chất giao dịch trong mô hình kinh tế chia sẻ không đồng nhất, có những giao dịch miễn phí bên cạnh những giao dịch có tính phí dẫn đến việc có thể xuất hiện hiện tượng kinh tế ngầm, phi chính thức diễn ra “núp bóng” dưới những giao dịch không tính phí nên thách thức trong việc kiểm soát dòng tiền thanh toán để xác định chính xác nghĩa vụ thuế. Vì vậy, việc kiểm soát dòng tiền thanh toán bằng quy định bắt buộc thanh toán không bằng tiền mặt đối với các giao dịch của kinh tế chia sẻ là cần thiết.
Thứ sáu, thuế dịch vụ kỹ thuật số và các hiệp định về thuế để giải quyết vấn đề thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới.
Cần nghiên cứu thuế dịch vụ kỹ thuật số và tham gia các hiệp định đa phương về thuế để giải quyết việc đánh thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới. Theo Bộ Tài chính, nằm trong xu hướng trên, Việt Nam cũng đã sớm cân nhắc tới việc đánh thuế lên dịch vụ kỹ thuật số[19].
ThS. Hồ Thị Thanh Trúc
Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Marketing;
Nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế - Luật,
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Zhijian Yu, Hefei Bai (2017), Research on Tax Issues of Shared Economic Business Model, Advances in Social Science, Education and Humanities Research (ASSEHR), volume 95.
[2]. Chu Thị Hoa (2022), Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 19.
[3]. Chu Thị Hoa (2022), tlđd, tr. 18.
[4]. Kristoffersson, E. (2019) How to Tax The Sharing Economy In: Proceedings of the GSRD INTERNATIONAL CONFERENCE (pp. 30-35). World research library, http://urn.kb.se/resolve?urn=urn:nbn:se:oru:diva-75678, truy cập ngày 28/12/2023.
[5]. Uber B.V. v Commissioner of Taxation [2017] FCA 110, Link: https://www.ato.gov.au/law/view/pdf/misc-case/rdr_2017fca110.pdf, truy cập ngày 28/12/2023.
[6]. DigWatch (2017), New court ruling in Brazil says that Uber drivers are employees, https://dig.watch/updates/new-court-ruling-brazil-says-uber-drivers-are-employees. https://www.reuters.com/article/us-uber-tech-brazil-labor-idINKBN15T2OC/, truy cập ngày 28/12/2023.
[7]. Uber launches lawsuit over 'bad faith' council vote, calls on court to overturn ridesharing cap, https://toronto.ctvnews.ca/uber-launches-lawsuit-over-bad-faith-council-vote-calls-on-court-to-overturn-ridesharing-cap-1.6672787, truy cập ngày 28/12/2023.
[8]. Aqib Aslam and Alpa Shah (2017), Taxation and the Peer-to-Peer Economy, IMF working papers, https://www.imf.org/en/Publications/WP/Issues/2017/08/08/Taxation-and-the-Peer-to-Peer-Economy-45157, truy cập ngày 28/12/2023.
[9]. A European agenda for the collaborative economy, https://policycommons.net/artifacts/1340001/a-european-agenda-for-the-collaborative-economy/1950091/, truy cập ngày 28/12/2023.
[10]. EU (2017), REPORT on a European Agenda for the collaborative economy,
https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/A-8-2017-0195_EN.html, ngày truy cập 28/12/2023.
[11]. A. Hồng (2017), Uber bị truy thu thuế hơn 66.68 tỷ đồng tại Việt Nam, https://tuoitre.vn/uber-bi-truy-thu-thue-hon-6668-ti-dong-tai-viet-nam-2017092309291164.htm, truy cập ngày 07/12/2023.
[12]. A. Hồng (2018), Vì sao Uber kiện Cục Thuế TP.HCM ra tòa, https://tuoitre.vn/vi-sao-uber-kien-cuc-thue-tp-hcm-ra-toa-20180325214551946.htm, truy cập ngày 07/12/2023.
[13]. Duy Vũ (2020), Hàng trăm tài xế Grab tắt ứng dụng, biểu tình vì mức khấu trừ mới, https://vietnamnet.vn/hang-tram-tai-xe-grab-tat-ung-dung-bieu-tinh-vi-muc-khau-tru-moi-i271641.html, truy cập ngày 07/12/2023.
[14]. Điều 12 Thông tư số 14/VBHN-BTC ngày 09/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
[15]. Điều 4 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài Chính về hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
[16]. Anh Hoa (2019), Khi start-up không chờ Sandbox…, https://baodautu.vn/khi-start-up-khong-cho-sandbox-d110416.html, truy cập ngày 07/01/2024.
[17]. Aqib Aslam and Alpa Shah (2017), Taxation and the Peer-to-Peer Economy, IMF working Paper, https://www.imf.org/en/Publications/WP/Issues/2017/08/08/Taxation-and-the-Peer-to-Peer-Economy-45157, truy cập ngày 28/12/2023.
[18]. Aqib Aslam and Alpa Shah (2017), Taxation and the Peer-to-Peer Economy, IMF working Papers, https://www.imf.org/en/Publications/WP/Issues/2017/08/08/Taxation-and-the-Peer-to-Peer-Economy-45157, truy cập ngày 28/12/2023.
[19]. Bộ Tài chính (2020), Xu hướng đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số trên toàn cầu, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM186238, truy cập ngày 28/12/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 397), tháng 1/2024)