Tóm tắt: Bài viết phân tích những điểm còn hạn chế của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền của bị hại, đương sự khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, từ đó, tác giả đưa ra đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành.
Abstract: The article analyzes the shortcomings of the 2015 Criminal Procedure Code about the rights of victims and litigants when participating in the litigation at the first-instance trial of a criminal case, from which the author offers proposals to improve the current criminal procedure law provisions.
1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền của bị hại, đương sự khi tham gia phiên tòa hình sự sơ thẩm
1.1. Quyền của bị hại, đương sự tại thủ tục bắt đầu phiên tòa
Thủ tục bắt đầu phiên tòa tạo tiền đề, căn cứ cho việc tranh luận, giúp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét hỏi, tranh luận ngay sau đó tại phiên tòa đạt hiệu quả. Theo quy định tại Điều 300, Điều 301, Điều 302 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sau khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa thực hiện các công việc cần thiết, bị hại và đương sự sẽ được hỏi về việc có yêu cầu thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật hay không? Trong trường hợp có căn cứ cho rằng, những người này có thể không khách quan, không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, đề nghị thay đổi của bị hại, nguyên đơn dân sự sẽ được chấp nhận, vì sự không khách quan, không vô tư đó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi tham gia tố tụng. Việc bảo đảm quyền này cho bị hại, đương sự cũng chính là bảo đảm cho việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan người vô tội.
Cũng tại thủ tục bắt đầu phiên tòa, những yêu cầu về xem xét chứng cứ, yêu cầu về hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt của bị hại, nguyên đơn dân sự cũng sẽ được xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong một số trường hợp, ý kiến về việc hoãn phiên tòa có ảnh hưởng đến quyết định của Hội đồng xét xử nếu như Hội đồng xét xử cũng thấy rằng sự vắng mặt của một số người tham gia tố tụng khác có thể ảnh hưởng đến việc tranh luận tại phiên tòa, thì Hội đồng xét xử sẽ quyết định hoãn phiên tòa. Việc giải quyết yêu cầu này sẽ giúp bảo đảm rằng bị hại, đương sự sẽ không bị rơi vào tình huống có những bất lợi về quyền và lợi ích hợp pháp do sự vắng mặt của một số chủ thể gây ra.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 302, Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mới chỉ dừng lại ở việc hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem họ có đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật hay không, lý do của việc đề nghị thay đổi; hỏi xem ai có yêu cầu hoãn phiên tòa hay không…, sau đó, Hội đồng xét xử sẽ tự mình xem xét và quyết định. Theo quan điểm của tác giả, quy định này có phần hạn chế quyền được bày tỏ quan điểm của các chủ thể tham gia tranh tụng khác. Tác giả cho rằng, khi có bất kỳ một yêu cầu nào được đưa ra, cần phải hỏi để lấy ý kiến của những người có liên quan. Mục đích là tạo điều kiện để các bên đưa ra quan điểm, lý lẽ của mình về một yêu cầu nào đó xem yêu cầu đó có hợp lý hay không, có căn cứ hay không, tất cả những chủ thể có liên quan có ý kiến như thế nào. Ví dụ, người đề nghị là bị hại thì các chủ thể khác như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… có quyền đưa ra ý kiến về đề nghị đó. Từ đó, dựa trên những đánh giá của chính mình, kết hợp với những ý kiến của các chủ thể khác, Hội đồng xét xử đưa ra kết luận. Đây được coi là “nguồn tài liệu” có giá trị tham khảo rất hữu ích dành cho Hội đồng xét xử trước khi đưa ra quyết định của mình để giải quyết tất cả những yêu cầu. Chính vì vậy, việc bổ sung quy định bảo đảm cho chủ thể có liên quan có quyền trình bày ý kiến của mình khi có những đề nghị tại Điều 302, Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là thực sự cần thiết.
1.2. Quyền của bị hại, đương sự tại thủ tục xét hỏi
Thủ tục xét hỏi được ví như cuộc điều tra công khai, được quy định từ Điều 306 đến Điều 318 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử, kiểm sát viên và những người khác sẽ đặt câu hỏi trực tiếp cho bị cáo, bị hại, đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Tại phiên tòa, tất cả những nội dung được hỏi và trả lời đều diễn ra công khai nhằm mục đích kiểm tra, xác minh tính đúng đắn của những kết quả đã thu thập được trong các giai đoạn trước đó. Đồng thời, kết quả của hoạt động xem xét các chứng cứ, tài liệu, xem xét tại chỗ… được tiến hành trực tiếp tại phiên tòa sẽ là căn cứ cho Hội đồng xét xử ra bản án, quyết định. Như vậy, ở giai đoạn này, sự tham gia của bị hại, đương sự đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Ngoài ra, trong một số trường hợp, sẽ có thêm sự tham gia tranh tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Với nhóm chủ thể này, họ sẽ có thêm những quyền rất khác biệt so với bị hại, đương sự hay người đại diện hợp pháp của họ.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tại thủ tục xét hỏi, bị hại, đương sự, có quyền tham gia phiên tòa đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa… (Điều 62). Bị hại, đương sự quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ (khoản 2 Điều 307); trình bày những tình tiết vụ án có liên quan đến họ; trả lời những câu hỏi được hỏi (Điều 310). Khi cần thiết, kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa sẽ cùng với Hội đồng xét xử đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được và có quyền trình bày nhận xét của mình về vật chứng đó (Điều 312). Ngoài ra, họ có thể tham gia xem xét tại chỗ (nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án) và đưa ra nhận xét của mình về nơi này (Điều 314). Tại phiên tòa, sau khi đại diện các cơ quan, tổ chức trình bày hoặc Hội đồng xét xử công bố báo cáo, tài liệu về những tình tiết của vụ án, bị hại, đương sự có quyền nhận xét về báo cáo, tài liệu đó và hỏi thêm người đại diện của cơ quan, tổ chức, người khác tham gia phiên tòa về những vấn đề có liên quan đến báo cáo, tài liệu đó (Điều 315). Đối với kết luận giám định, định giá tài sản, bị hại, đương sự cũng được quyền đưa ra nhận xét, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong các văn bản đó với những tình tiết khác của vụ án (Điều 316).
Như vậy, tại thủ tục xét hỏi, quyền của bị hại, đương sự chủ yếu được giới hạn trong phạm vi đưa ra quan điểm của mình đối với những báo cáo, tài liệu, những kết luận của cơ quan có thẩm quyền… Theo quy định của pháp luật, bản thân họ không được trực tiếp đưa ra những câu hỏi (đối với bị cáo, người làm chứng, đối với những vấn đề có liên quan đến vật chứng). Trong trường hợp bị hại, đương sự, thấy có vấn đề liên quan đến vụ án chưa được làm rõ hoặc có những mâu thuẫn thì họ sẽ có hai lựa chọn: (i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi về những nội dung đó; (ii) Thông qua người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để thể hiện quan điểm của mình. Cả hai lựa chọn này đều có thể dẫn đến những bất lợi cho bị hại, đương sự khi tham gia thủ tục xét hỏi tại phiên tòa. Cụ thể:
(i) Đối với lựa chọn thứ nhất, bị hại và đương sự sẽ đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm những tình tiết có liên quan đến họ (khoản 2 Điều 309). Đề nghị này có thể được chấp nhận hoặc không. Nếu không được chấp nhận thì họ sẽ không có cơ hội làm rõ những khúc mắc của mình (trong trường hợp yêu cầu, đề nghị là chính đáng). Còn nếu được chấp nhận thì việc truyền tải thông tin cần được hỏi giữa bị hại, đương sự và chủ toạ phiên tòa cũng sẽ khó thể hiện rõ ý, đôi khi mất nhiều thời gian.
(ii) Đối với lựa chọn thứ hai, pháp luật cho phép người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Thông qua quy định này, có thể hiểu rằng, bị hại, đương sự mặc dù không có quyền trực tiếp đặt câu hỏi nhưng quyền này đã được thực hiện gián tiếp thông qua người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Họ có thể là luật sư, người đại diện hợp pháp, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý (Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Sự tham gia của các chủ thể này sẽ giúp cho bị hại, đương sự được bảo vệ quyền lợi chính đáng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, việc quy định quyền gián tiếp như thế này, theo quan điểm của tác giả là “khá cồng kềnh”, mỗi lần có nhu cầu hỏi lại phải thông qua người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà không chủ động trong việc tham gia xét hỏi. Không những thế, thực tiễn cho thấy, không phải vụ án hình sự nào cũng có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự. Nhiều phiên tòa hình sự, không có sự tham gia của họ, chỉ có bị hại, đương sự đơn phương “chiến đấu”. Việc đơn phương “chiến đấu” có thể đưa đến rất nhiều bất lợi cho họ, pháp luật cần phải “trang bị” cho họ nhiều quyền hơn nữa để có thể tự bảo vệ mình. Khi không có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng đồng nghĩa với việc bị hại, đương sự sẽ không thể hiện được những nội dung mà mình muốn hỏi thông qua việc nhờ người khác.
Theo quan điểm của tác giả, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cho bị hại, đương sự quyền được tham gia xét hỏi tại phiên tòa là chưa hợp lý. Đặc biệt, đối với trường hợp vụ án hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại (Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì họ chính là người quyết định việc có khởi tố vụ án hình sự hay không. Tại phiên tòa, trong thủ tục tranh luận, bị hại hoặc người đại diện của họ cũng là chủ thể sẽ trình bày lời buộc tội, bổ sung ý kiến sau khi kiểm sát viên trình bày lời luận tội (Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Như vậy, cùng với kiểm sát viên, bị hại hoặc đại diện của họ sẽ đưa ra những lý lẽ, chứng cứ để buộc tội một người. Có quan điểm cho rằng, kiểm sát viên là chủ thể thực hiện chức năng buộc tội nhân danh Nhà nước tại phiên tòa. Bị hại đã có sự hỗ trợ đắc lực từ phía kiểm sát viên nên việc tham gia xét hỏi của bị hại là không cần thiết, chỉ mình kiểm sát viên tham gia xét hỏi để làm rõ những chứng cứ buộc tội là đủ. Tuy nhiên, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, bị hại trình bày lời buộc tội. “Lời buộc tội và lời luận tội hoàn toàn khác nhau. Luận tội có thể có buộc tội hoặc gỡ tội, còn buộc tội thì không thể có gỡ tội”[1]. Vì thế, Viện kiểm sát không thể thực hiện thay cho bị hại được. Trong khi thủ tục xét hỏi giống như một cuộc điều tra công khai để thu thập chứng cứ, làm tiền đề cho việc tranh luận đạt hiệu quả mà pháp luật không quy định cho bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại quyền được xét hỏi là chưa hợp lý. Điểm chưa hợp lý này lại càng được nhấn mạnh khi mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cho bị cáo là chủ thể có quyền được hỏi bị hại nhưng lại không cho bị hại quyền được hỏi lại. “Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến bị cáo”[2]. Giữa hai chủ thể có lợi ích đối lập nhau, một bên là chủ thể bị buộc tội (người phạm tội) với một bên là người bị xâm hại mà bên thì được xét hỏi còn một bên thì không thì sẽ khó bảo đảm hoạt động tranh trụng giữa hai chủ thể này diễn ra công bằng.
2. Quyền của bị hại, đương sự tại thủ tục tranh luận
Sau thủ tục xét hỏi công khai là thủ tục tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm. Thủ tục này được quy định từ Điều 320 đến Điều 324 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, bị hại, đương sự sẽ đưa ra các lý lẽ và lập luận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được ghi nhận tại Điều 62, Điều 63, Điều 64, Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Về nội dung tranh luận, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định đề cập tới vấn đề này. Khác với ở thủ tục xét hỏi, quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự được giới hạn trong phạm vi những tình tiết liên quan đến họ. Bị hại, đương sự có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm những tình tiết có liên quan đến họ. Nếu vụ án có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì họ cũng chỉ được hỏi bị cáo về những tình tiết có liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, đương sự. Đây là quy định phù hợp, rõ ràng, bảo đảm sự tập trung trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị hại, đương sự. Nhờ có sự phân định rõ ràng, thủ tục xét hỏi sẽ được diễn ra nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm giải quyết được những nội dung trọng tâm. Tuy nhiên, đến thủ tục tranh luận, theo quy định tại Điều 322, phạm vi về nội dung tranh luận của bị hại, đương sự nói riêng và các chủ thể khác có thể hiểu là không bị giới hạn. Cụ thể, khi tham gia tranh luận tại phiên tòa, bị hại, đương sự có quyền trình bày ý kiến… và có quyền đưa ra đề nghị của mình. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho bị hại, đương sự tranh luận, trình bày hết ý kiến, chỉ có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại. Như vậy, chỉ cần bị hại, đương sự phát biểu, trình bày ý kiến có liên quan đến vụ án là sẽ được chấp nhận. Hay nói cách khác, họ sẽ được quyền tranh luận tất cả những vấn đề có liên quan đến vụ án từ bồi thường thiệt hại cho đến tội danh và hình phạt. Kiểm sát viên phải có trách nhiệm đáp lại tất cả những ý kiến của bị hại, đương sự, không kể là ý kiến đó được ai đưa ra và nó liên quan đến nội dung nào của vụ án.
Tác giả cho rằng, quy định này chưa hợp lý, bởi vì có rất nhiều chủ thể tham gia tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm với mục đích khác nhau: Bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án… vì thế phạm vi quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận khác nhau. Nếu như nguyên đơn dân sự tham gia tố tụng hình sự để đòi bồi thường thiệt hại, thì bị đơn dân sự tham gia để có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Họ tham gia tố tụng để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Cho nên, quyền và nghĩa vụ của họ sẽ bị giới hạn trong phạm vi có liên quan đến bồi thường thiệt hại. Còn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, quyền, nghĩa vụ của họ sẽ được giới hạn ở những nội dung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ. Việc quy định cho nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… có thể trình bày tất cả những vấn đề có liên quan đến vụ án sẽ mất rất nhiều thời gian và không cần thiết.
Về trình tự phát biểu khi tranh luận, Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, sau khi kiểm sát viên trình bày lời luận tội sẽ đến lượt bị cáo trình bày lời bào chữa, người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; sau đó đến bị hại, đương sự... trình bày ý kiến. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày ngay sau kiểm sát viên. Tác giả cho rằng, quy định về trình tự phát biểu khi tranh luận như này là chưa hợp lý. Bởi lẽ, khi trình bày lời bào chữa, bị cáo phải thể hiện quan điểm của mình không chỉ với lời luận tội của kiểm sát viên mà còn cả đối với ý kiến của bị hại, đương sự. Cho nên, cần phải “thiết kế” lại trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa.
3. Đề xuất hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm quyền của bị hại, đương sự khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa
3.1. Bổ sung quyền trình bày ý kiến của các chủ thể tại Điều 302, Điều 305
Cần bổ sung quyền trình bày ý kiến của các chủ thể có liên quan nếu có yêu cầu được đưa ra theo quy định tại Điều 302, Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tại thủ tục bắt đầu phiên tòa. Cụ thể:
“Điều 302. Giải quyết việc đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật
Chủ tọa phiên tòa phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem họ có đề nghị thay đổi thẩm phán… hay không, lý do của việc đề nghị thay đổi. Nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử hỏi ý kiến của những người có liên quan rồi xem xét, quyết định”.
“Điều 305. Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt
Chủ tọa phiên tòa phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét hay không… nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử hỏi ý kiến của những người có liên quan rồi xem xét, quyết định”.
3.2. Bổ sung quyền được hỏi bị cáo của bị hại tại Điều 309
“Điều 309. Hỏi bị cáo
1. …
2. …
3. …
Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị hại có thể hỏi bị cáo, người đại diện của bị cáo về các vấn đề có liên quan đến họ”.
3.3. Sửa đổi Điều 320 về trình tự phát biểu khi tranh luận
Cần quy định lại trình tự phát biểu khi tranh luận theo thứ tự: Kiểm sát viên trình bày lời luận; bị hại (người đại diện của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại); đương sự, người đại diện của họ trình bày ý kiến...; cuối cùng mới đến bị cáo trình bày lời bào chữa, người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo. Như vậy, sẽ bảo đảm phù hợp với logic của trình tự tranh luận và không kéo dài thời gian cuộc tranh luận giữa các bên.
3.4. Sửa đổi quy định tại Điều 322 về thủ tục tranh luận tại phiên tòa
“Điều 322. Tranh luận tại phiên tòa
1. Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về những tình tiết có liên quan đến họ; ….
2. …
Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác có liên quan đến họ”.
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Đinh Văn Quế, Thủ tục xét xử sơ thẩm trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 199.
[2]. Điều 310 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.