1. Quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ
Trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật hiện hành quy định Tòa án nhân dân trực tiếp thực hiện hoặc yêu cầu chủ thể tố tụng khác cung cấp, bổ sung chứng cứ, tài liệu phục vụ cho công tác xét xử, khởi tố vụ án vụ án hình sự.
Đối với quy trình tố tụng hình sự, Tòa án có quyền yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm; khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự[1]. Có thể thấy, Tòa án nhân dân “trực tiếp” thực hiện (như khởi tố vụ án hình sự để chứng minh tội phạm[2], kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ) hoặc “yêu cầu” cơ quan khác thực hiện (như yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ...).
Đối với quy trình tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, bên cạnh nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh của đương sự thì khoản 4 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định Tòa án trực tiếp thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc.
Qua thực hiện cho thấy, theo quy trình tố tụng hình sự, Tòa án khởi tố vụ án, trực tiếp thực hiện xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ cùng với việc thực hiện nhiệm vụ của chủ thể khác trong quan hệ tố tụng, ví dụ như khởi tố vụ án (của cơ quan điều tra). Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), nếu việc khởi tố của Tòa án không đúng thì Viện kiểm sát sẽ kháng nghị. Trên thực tế, không có quyết định khởi tố nào bị kháng nghị nhưng hầu như không được thực hiện[3]. Đối với các vụ án theo quy trình tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, khi Tòa án thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ chưa bảo đảm yếu tố “khách quan” trong hoạt động xét xử. Đây là một trong những nội dung cần sửa đổi trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để khắc phục bất cập, đáp ứng các yêu cầu, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
2. Quy định của Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)[4] đặt trong quan hệ với các nguyên tắc tố tụng hiện hành
Theo Điều 15 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử; Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính; Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật cho đương sự khi có yêu cầu.
So sánh với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy, Dự thảo có nhiều quy định mới, trong đó, điểm nổi bật là quy định Tòa án xét xử “án tại hồ sơ” (như căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp); Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; Tòa án không trực tiếp thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ mà chỉ hướng dẫn, yêu cầu, hỗ trợ đương sự. Đồng thời, Dự thảo không quy định thẩm quyền của Tòa án khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, còn có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Thứ nhất, ý kiến ở góc độ đồng thuận cho rằng, Dự thảo quy định như vậy xuất phát từ yêu cầu thực tiễn để khắc phục bất cập, đáp ứng tốt việc thực hiện nhiệm vụ của Tòa án. Ý kiến này được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học, lịch sử, hệ thống pháp luật, cụ thể như sau:
- Về mặt khoa học: Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, quy định như Dự thảo là để bảo đảm cho hoạt động của Tòa án tập trung vào hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện quyền tư pháp được hiến định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật quy định.
- Về mặt lịch sử: Trong chế độ quân chủ phong kiến, nhà vua là người lập pháp (ban hành các đạo luật, sắc, chiếu chỉ…), hành pháp (thi tuyển, bổ nhiệm, điều động; thăng, giáng chức…), tư pháp (xét xử, áp dụng hình phạt…). Trong đời sống, người dân đến khiếu kiện thì cơ quan công quyền có trách nhiệm làm rõ nội dung khiếu kiện và phán quyết. Về lịch sử lập pháp, pháp luật các triều đại phong kiến Việt Nam chưa quy định tố tụng thành một văn bản luật riêng, nhưng bước đầu đã có quy trình tố tụng. Bộ luật Hồng Đức quy định: Xác định trách nhiệm và phân cấp xét xử ở các cấp trong khiếu kiện (Điều 672); tư cách của người làm chứng (Điều 714); cách thức lấy khẩu cung và lời phản cung (Điều 666)… Xét theo tiến trình lịch sử cho thấy, cùng với sự phát triển của xã hội, quyền tư pháp được tách ra thành một nhánh quyền lực. Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (khoản 3 Điều 2); Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 102).
- Về hệ thống pháp luật: Pháp luật hiện hành có 03 quy trình tố tụng tại Tòa án[5], quy định trong 03 văn bản tố tụng (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015) điều chỉnh các quan hệ pháp luật tương ứng. Đối với quy trình tố tụng hình sự, pháp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trong từng giai đoạn tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án). Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về xác định sự thật của vụ án trong đó “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, thì khoản 1 Điều 15 Dự thảo quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” sẽ bảo đảm cho các chủ thể tiến hành tố tụng khác được thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động.
Trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, “quyền quyết định và tự định đoạt”[6] của đương sự là một nguyên tắc cơ bản trong quá trình tố tụng. Quyền này thể hiện ở việc đương sự khởi kiện, chứng minh, cung cấp chứng cứ chấm dứt, tiếp tục, thay đổi các quyền theo quy định pháp luật. Theo khoản 2 Điều 1 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, đương sự thể hiện quyền quyết định và tự định đoạt trước khi Tòa án thụ lý vụ án, đối với các vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính theo quy trình đối thoại, hòa giải tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020. Hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 khác về tính chất, đối tượng và quan hệ pháp luật với hòa giải tại cộng đồng áp dụng cho đối tượng là người phạm tội dưới 18 tuổi theo Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Về tổ chức bộ máy: Khi xã hội phát triển, các tranh chấp liên quan đến pháp luật sẽ khác về quy mô, tính chất và số lượng, do vậy, việc sửa đổi luật liên quan đến thẩm quyền của Tòa án là định hướng thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cũng như tiết kiệm ngân sách, vì tăng biên chế là tăng chi ngân sách. Trong khi đời sống phát triển, dân trí cao, các tổ chức (dịch vụ pháp lý, đoàn thể bảo vệ quyền lợi cho hội viên...), đương sự có thể thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định (trực tiếp hoặc thuê người bảo vệ quyền lợi trước pháp luật).
Thứ hai, ở góc độ khác, tiếp cận quy định Dự thảo theo các tiêu chí như tính thống nhất của hệ thống pháp luật, lĩnh vực chuyên môn, cơ sở khoa học, tính xã hội, tính nhân văn… có hai luồng ý kiến như sau:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc Dự thảo quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” là cứng nhắc và chưa phù hợp với pháp luật tố tụng hiện hành.
Trong tố tụng hình sự, nguyên tắc “suy đoán vô tội”[7] chi phối trong quy trình tố tụng hình sự, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, có căn cứ khởi tố vụ án hình sự[8], thì trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự thuộc trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng[9] . Đặt quy định Dự thảo trong mối quan hệ với quy trình tố tụng hình sự thì trách nhiệm của Tòa án trong việc làm sáng tỏ vụ án theo quy trình tố tụng hình sự còn chưa đủ mạnh, vì phụ thuộc vào cơ quan tố tụng khác trong thu thập tài liệu, chứng cứ. Theo các báo cáo giám sát tại kỳ họp của Quốc hội cho thấy[10], việc thực hiện chức năng của Tòa án không phát hiện các vụ án oan, sai. Đây là điều cần cân nhắc để phát huy tốt hơn kết quả đã đạt được trong công tác xét xử, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể theo pháp luật, cũng như thể hiện sâu hơn bản chất của Nhà nước.
Quy định của Dự thảo đặt trong các quy trình tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là hoàn toàn phù hợp với vị trí, chức năng của Tòa án trong tổ chức bộ máy cũng như tính chất của quan hệ pháp luật mà Tòa án đang thực hiện. Bởi vì, quy trình tố tụng dân sự và tố tụng hành chính phát sinh khi đương sự khởi kiện vụ án[11], nghĩa vụ chứng minh thuộc quyền của đương sự, người khởi kiện[12] và nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt” áp dụng trong toàn bộ quá trình tố tụng.
Trên cơ sở pháp luật tố tụng hiện hành và tính chất quan hệ pháp luật, ý kiến này đồng ý với một phần nội dung của quy định Dự thảo về thẩm quyền của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên, cần phân hóa thẩm quyền của Tòa án trên cơ sở các nguyên tắc pháp luật cho phù hợp trong mỗi quy trình tố tụng. Chẳng hạn, trong quy trình tố tụng hình sự, cần quy định thẩm quyền Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm thực hiện tốt các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng.
- Ý kiến thứ hai cho rằng, để Tòa án thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hiện nay, thì việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là cần thiết. Dự thảo đề cập đến việc sửa đổi thẩm quyền, việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án trong các văn bản tố tụng nhưng chưa đề cập đến việc sửa đổi quy định liên quan đến các chủ thể khác trong quan hệ tố tụng, như việc thực hiện quyền của đương sự tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo ý kiến này, khi Dự thảo được thông qua, những nhiệm vụ mà Tòa án nhân dân thực hiện theo quy định hiện hành sẽ được sửa đổi hoặc bãi bỏ, trong khi chưa quy định cho chủ thể khác trong quan hệ tố tụng thực hiện sẽ tạo ra “lỗ hổng” pháp luật. Quy trình thu thập tài liệu, chứng cứ của các chủ thể tố tụng khác chưa đồng bộ sẽ kéo theo chứng cứ yếu, có thể tác động đến phán quyết của Tòa án trong vụ án. Ví dụ: Khoản 7 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định đương sự đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản. Khi Dự thảo được thông qua, quyền của đương sự sẽ không còn cơ sở để thực hiện, vì quy định này không đề cập trong Dự thảo.
Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, ý kiến này cho rằng, Dự thảo cần rà soát tổng thể các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân và quy định liên quan đến các chủ thể khác trong quan hệ tố tụng để sửa đổi đồng bộ các văn bản liên quan đến việc thực hiện thu thập tài liệu, chứng cứ cho các chủ thể khác trong quy trình tố tụng. Điều này có thể dẫn đến sửa đổi các văn bản luật liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi đương sự trong các văn bản luật quy định về dịch vụ pháp lý, tổ chức đoàn thể.
Từ góc nhìn của đương sự, Dự thảo quy định nhiệm vụ của Tòa án đối với việc thu thập chứng cứ, tài liệu ở dạng yêu cầu, hỗ trợ, hướng dẫn, nghĩa vụ các cơ quan… thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án, nhưng chưa quy định cụ thể việc thực hiện. Trong thực tiễn, một số trường hợp yêu cầu của Tòa án nhân dân không được phúc đáp[13]. Bên cạnh đó, ở góc nhìn nhân văn, xuất phát từ bản chất Nhà nước (Điều 2 Hiến pháp năm 2013) và thực tế xã hội nước ta do tác động của lịch sử mà các đối tượng yếu thế trong xã hội tương đối đa dạng (đối tượng chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng xã hội, giới, độ tuổi…), nên Dự thảo cần quy định cơ chế ràng buộc trách nhiệm của Tòa án, cũng như các cơ quan trong việc “thu thập tài liệu, chứng cứ” để góp phần bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng yếu thế.
Theo tác giả, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân xuất phát từ thực tiễn để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Tòa án trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, cần bảo đảm các yếu tố của hệ thống pháp luật như tính thống nhất, tính đồng bộ, khả thi… và thể hiện rõ hơn bản chất Nhà nước, cũng như bảo đảm được các nguyên tắc hoạt động của Tòa án. Việc Dự thảo không quy định thẩm quyền Tòa án khởi tố vụ án hình sự cho thấy, công tác xây dựng luật đã tiếp thu các phản ánh từ thực tiễn để bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan trong tiến hành tố tụng.
3. Một số đề xuất hoàn thiện quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ
Thứ nhất, để hoàn thiện quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, cần đặt quy định Dự thảo trong tổng thể quy trình tố tụng, trên cơ sở các nguyên tắc trong mỗi quy trình tố tụng, lấy Tòa án là chủ thể trung tâm, từ đó xác định phạm vi, mối quan hệ, quy định quyền và nghĩa vụ các chủ thể trong quan hệ tố tụng… sẽ cho một bức tranh tổng thể về quan hệ giữa Tòa án với các chủ thể khác trong các quá trình tố tụng.
Đối với quy trình tố tụng hình sự, quy định “suy đoán vô tội” là nguyên tắc cốt lõi, chi phối trong quá trình tố tụng, do vậy, Dự thảo cần bổ sung quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Quy định này là cần thiết để Tòa án chủ động trong thực hiện hoạt động xét xử, thể hiện nguyên tắc “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” theo khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm được các nguyên tắc trong tiến hành tố tụng và các yếu tố trong hoạt động xét xử.
Đối với quy trình tố tụng dân sự và quy trình tố tụng hành chính, quy định của Dự thảo là phù hợp với các yếu tố trong hoạt động xét xử của Tòa án. Đây là những quan hệ tố tụng hình thành trên cơ sở “quyền quyết định và tự định đoạt” của đương sự, là nguyên tắc xương sống trong quá trình thực hiện tố tụng. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án, cũng như các cơ quan liên quan (ban hành văn bản hoặc văn bản liên tịch) trong việc thực hiện các quy định hướng dẫn, yêu cầu, hỗ trợ bằng các quy định cụ thể, như “Tòa án nhân dân tối cao… sẽ hướng dẫn đối với các quy định…”.
Thứ hai, về rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật: Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần rà soát các quy định liên quan đến chủ thể khác trong quan hệ tố tụng. Bên cạnh rà soát để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định liên quan đến thẩm quyền của Tòa án trong các văn bản tố tụng thì cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định cho các chủ thể khác trong quan hệ tố tụng, như quyền đương sự yêu cầu Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã nêu trên. Điều đó có thể dẫn tới việc phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến các hoạt động dịch vụ pháp lý, luật tổ chức và hoạt động đoàn thể trong việc bảo vệ quyền lợi thành viên tại các văn bản như Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Công đoàn… để hệ thống pháp luật ngày càng thống nhất và hoàn thiện.
Thứ ba, cần tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền giúp các đối tượng hiểu rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng xét xử, tiết kiệm ngân sách trong hoạt động của Tòa án[14]. Ở góc độ đương sự, việc Tòa án thực hiện xét xử theo hướng “án tại hồ sơ” trong các quy trình tố tụng dân sự và tố tụng hành chính sẽ thể hiện yếu tố “khách quan”, đồng nghĩa với việc đương sự không phụ thuộc vào Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, mà sẽ chủ động và “rộng đường” hơn trong thực hiện chứng minh vụ án. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu của việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ của Tòa án nhân dân trong giai đoạn mới, góp phần bảo vệ quyền lợi các chủ thể, định hướng các quan hệ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội./.
ThS. Trần Đức Thú
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai
[1]. Điểm c, điểm d khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[2]. Điều 14 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
[3]. Tờ trình số 191/TTr-TANDTC ngày 02/10/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), tr. 6.
[4]. Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi ngày 06/10/2023, tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
[5]. Pháp luật quy định quy trình giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như: Tố tụng trọng tài (quy trình trọng tài thương mại theo quy định Luật Trọng tài thương mại năm 2010), quy trình hòa giải (theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020)…
[6]. Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 7 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.
[7]. Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
[8]. Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
[9]. Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
[10]. Báo cáo số 110/BC-TA ngày 10/10/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Báo cáo số 136/BC-VKSTC ngày 10/10/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; Báo cáo số 551/BC-CP ngày 13/10/2023 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.
[11]. Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 103 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
[12]. Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 72 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
[13]. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 100/BC-TANDTC ngày 02/10/2023 về tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, tr. 17.
[14]. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, https://vietnamnet.vn/chanh-an-tand-toi-cao-nguoi-dau-de-thu-thap-chung-cu-cho-600-000-vu-an-moi-nam-2217964.html, truy cập ngày 02/01/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 400), tháng 3/2024)